Tư tưởng coi trọng sinh mệnh của con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 47 - 52)

7. Kết cấu luận văn

2.1. Những nội dung cơ bản trong tƣ tƣởng nhân văn của Nguyễn Trã

2.1.2. Tư tưởng coi trọng sinh mệnh của con người

Tư tưởng của Nguyễn Trãi về quyền được sống trong một quốc gia độc lập, tự chủ của nhân dân Đại Việt gắn với tư tưởng coi trọng sinh mạng của con người. Sinh mệnh, sự sống trong tinh thần nhân văn của Nguyễn Trãi gắn liền với sự tồn vong của dân tộc. Phàm đã là con người, có ai là không muốn sống, không muốn sống lâu, sống thọ. Cho nên tham sống sợ chết cũng là lẽ thường: “Ghét chết thích sống, tìm vinh tránh nhục, đó là thường tình của người ta” [54, tr. 358]. Giặc Minh mang danh sang điếu dân phạt kẻ có tội họ

Hồ thực chất là sang xâm lược, gây ra bao cảnh chết chóc, tàn hại sinh linh

nước Nam: “Nước mày trước đây nhân họ Hồ lỗi đạo mượn danh nghĩa điếu dân phạt tội để thực hành việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế má nặng hình ác, vơ vét của quý, người dân hèn mọn nơi xóm làng chẳng được sống yên” [54, tr. 377-378] .

Hơn hai mươi năm xâm lược và cai trị nước ta, tội ác của giặc Minh là chồng chất, không có sách vở nào ghi hết được, nước biển Đông cũng không

đủ để rửa sạch vết nhơ nhuốc, trời đất không thể dung tha tội ác của chúng: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, Ác chứa ngót hai mươi năm, Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, Nặng khoá liễm vét không sơn trạch, Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, Nào hố bẫy, nào lưới dò chim trả, Tàn hại cả côn trùng thảo mộc. Nheo nhóc thay! quan quả điên liên, Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy! no nê chưa chán, Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa, Nặng nề những nỗi phu phen, Bắt bớ mất cả nghề canh cửi, Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội, Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi! Lẽ nào trời đất tha cho, Ai bảo thần dân nhịn được.” [55, tr.28-29].

Trước cảnh lầm than, sinh linh điêu đứng Lê Lợi đã dấy quân khởi nghĩa, đánh kẻ có tội (giặc Minh và lũ tay sai người Việt), cứu vớt nhân dân khỏi họa ngoại xâm cai trị. Nhưng binh đao là việc độc vũ bất đắc dĩ phải

dùng. Bởi khi xảy chiến tranh giữa hai quốc gia thì dân chúng cả hai nước đều là những người chịu hậu quả trực tiếp từ chiến tranh: “Kể ra binh đao là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm. Thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Cái họa của việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là việc thánh nhân vẫn răn ngừa. Từ khi chiếm được cõi Giao chỉ đến giờ binh đao liền liền, tai vạ chồng chất, mỗi ngày một quá lắm. Người dân Trung Quốc thì phu dịch liên tiếp, người ngựa chết chóc, cái lấy được không đủ cho bù cái bị mất, cái thu về không đủ bù chỗ tổn thương. Không kể lần đầu tiên sang đánh và lần tiếp theo, số người và ngựa lần lượt bị chết không biết đâu mà tính, năm ngoái lại phát động binh mã ở ba xứ Vân Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu kéo sang, hiện giờ mười phần không được một phần. Cứ xem thế thì câu binh đao là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm há chẳng đúng lắm ru” [54, tr. 673].

Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi chủ trương hết sức hạn chế việc để xảy ra chiến tranh, tránh cảnh đầu rơi máu chảy. Các ông chủ trương đấu tranh địch

vận buộc địch rút lui mà không phải tốn thêm sinh lực của dân. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược của những người lãnh đạo. Chủ trương này được thể hiện một cách xuyên suốt trong các bức thư gửi tướng nhà Minh cũng như trên thực tế. Việc sớm kết thúc chiến tranh không chỉ có lợi cho muôn dân nước Việt mà còn có lợi cho dân Trung Quốc. Trong

Thư trả lời tổng binh Vương Thông, thái giám Sơn Thọ Nguyễn Trãi nêu rõ:

“không những cứu sinh linh nước tôi khỏi cảnh lầm than mà còn cứu cho quân lính Trung Quốc cái khổ gươm giáo” [54, tr.383], hay trong Lại thư trả

lời Vương Thông ông viết cho Tổng binh Vương Thông có đoạn: “Dưới tránh

được cảnh lầm than cho dân An Nam, trên giải được sự mệt nhọc cho Trung Quốc, bốn biển đều yên, thiên hạ may lắm” [54, tr. 409]. Không chỉ coi trọng sinh linh của con dân Đại Việt mà Nguyễn Trãi cũng hết sức trân trọng tính mạng của quân, dân của những kẻ đi xâm lược phương Bắc. Ông muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc để tránh tổn hao nhân lực và vật lực của cả hai nước. Chiến tranh càng kéo dài thì nhân dân hai nước càng cực khổ.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến dần đi vào giai đoạn cuối, nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn toàn làm chủ chiến trường, có đủ khả năng phá thành, nhưng Nguyễn Trãi vẫn khuyên Lê Lợi kiên trì đường lối đấu tranh ngoại giao, cam kết không giết hàng binh để kẻ thù nhận ra lẽ phải trái, được thua mà lui binh về nước, để nước ta sớm được độc lập, hòa bình. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại: “Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi,

chỉ còn trông cậy vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước. Khi ấy, các tướng sĩ và người nước ta, khổ vì bọn giặc tàn ngược đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khoé biến trá, phải dùng quân mà đánh thắng chúng, khuyên vua hãy giết chúng đi. Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gởi về nước nói rằng: “Chớ vì một góc đất đai nhỏ nhoi mà

bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng... như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được”. Nên Trãi biết rất rõ chỗ mạnh yếu của giặc, mới chủ trương hoà nghị. Vua nghe theo. Bèn lệnh cho các quân giải vây và rút ra. Bấy giờ quân Minh cho Sơn Thọ, Mã Kỳ ra dinh Bồ Đề làm con tin với vua. Vua cũng sai Tư đồ Tư Tề và Lê Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin với quân Minh. Cuối cùng hòa ước đã thành. Trước đây, vua cho Lê Quốc Trịnh và Lê Như Tỳ đi làm con tin. Đến đây, vì muốn cho Sơn Thọ và Mã Kỳ tới hội, cho nên sai Tư Tề và Nhân Chú cùng đi. Trước đó vua sai Nguyễn Trãi soạn thư cầu phong, sai người dâng biểu của Cảo xin lập làm dòng dõi họ Trần, chuyển tới Quảng Tây và Vân Nam nhà Minh mỗi nơi một bản” [20, tr. 352] .

Tư tưởng nhân văn coi trọng sinh mệnh con người kể cả sinh mệnh kẻ địch của Nguyễn Trãi đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng cũng như hành động của Lê Lợi khi ông cũng chủ trương tránh tàn sát kẻ thù khi kẻ thù đã vào thế đường cùng khiến cho chính kẻ thù phải xúc động, hổ thẹn với chính lương tâm bản thân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Tháng 12, ngày 12, Vương

Thông nhà Minh sai quân bộ qua sông Lô đi trước, quân thủy theo sau. Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi. Vua dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”. Bèn hạ lệnh: Cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp

lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt. Ngày 17, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình” [20, tr. 353-354]

Giá trị nhân văn trong tư tưởng Nguyễn Trãi toát lên ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nam mà nó đã vượt ra ngoài bờ cõi để đạt đến tinh thần nhân văn cao cả. Khẳng định như vậy, bởi vì, trong khi dân tộc Việt Nam bị bọn cướp nước dày xéo, gây bao tội ác tày đình đối với dân tộc, căm giận chúng đến tận xương tủy thì Nguyễn Trãi vẫn nhận ra rằng giặc ngoại xâm cũng là con người. Họ cũng có họ hàng anh em như binh lính người Việt, và hơn hết, họ cũng cần được sống, được hạnh phúc. Chính vì vậy, trong chiến tranh, với tinh thần nhân văn, Nguyễn Trãi đã cố gắng bằng mọi giá sử dụng chiến thuật “tâm công” (đánh vào lòng người) để hạn chế tối đa thương vong cho cả hai bên. Và nó đã phát huy giá trị to lớn khi nghĩa quân không cần tốn thêm công sức phá thành, tránh thiệt hại về con người mà vẫn phá được thành “Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy, Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội. Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh” 55, tr.33.

Không chỉ thể hiện tính nhân văn qua sự coi trọng tính mạng của con người, tinh thần cầu hòa hiếu mà còn là vì bản thân quân dân ta và mưu kế lâu dài cho tương lai: “Nó đã sợ chết cầu hòa, mở lòng thú phục, Ta muốn toàn quân làm cốt, cả người nghỉ ngơi” [55, tr. 33]. Lấy toàn quân làm trọng cũng

là qúy trọng nhân mạng binh sỹ, nhân dân với mục tiêu gần là để nhân dân nghỉ sức, xa hơn là để bờ cõi được yên, mở nền thái bình… điều đó cho thấy trong tư duy và quan điểm của Nguyễn Trãi thấm đậm tinh thần nhân văn. Hành động này của những người lãnh đạo nghĩa quân không chỉ khiến nước láng giềng phương Bắc thấy được thực tâm muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh, binh đao loạn lạc của dân tộc Việt Nam mà còn có tác động mạnh mẽ đến tâm thế của quân giặc. Buộc những tên chủ tướng có tư tưởng ngoan cố kéo dài chiến tranh của nhà Minh phải chú ý đến những giải pháp hòa bình có lợi cho đôi bên tránh cảnh đầu rơi máu chảy do Nguyễn Trãi đề xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 47 - 52)