Tiền đề văn hóa tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 27 - 33)

7. Kết cấu luận văn

1.2. Những nhân tố hình thành và phát triển tƣ tƣởng nhân văn của

1.2.2. Tiền đề văn hóa tư tưởng

Tư tưởng nhân văn truyền thống dân tộc

Việt Nam là một quốc gia nhỏ với nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thêm vào đó lại nằm cạnh quốc gia phương Bắc- Trung Quốc khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ ý đồ xâm chiếm mình đã tạo nên mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng gắn bó bền chặt để chống thiên tai, địch họa. Đây là mảnh đất màu mỡ để làm nảy sinh và nuôi dưỡng lòng yêu thương, tinh thần nhân ái, đoàn kết, sự bao dung…Đó chính là những mầm mống của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Những tư tưởng nhân văn ở Việt Nam biểu hiện dưới các dạng thức như truyền thống dân tộc, ca dao- dân ca, truyện cổ, thơ văn bác học và bình dân, thần tích…chứ chưa

được định hình thành một chủ nghĩa nhân văn theo đúng nghĩa là một hệ thống lý luận về con người và vị trí của con người. Có thể nói, tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam tập trung ở một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, tư tưởng về quyền được sống trong một quốc gia độc lập, tự

chủ với phương Bắc

Tư tưởng về quyền được sống trong một quốc gia độc lập, tự chủ với phương Bắc gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là một giá trị tinh thần cao quý, kết tinh những tư tưởng, tình cảm thiêng liêng nhất, là hệ chuẩn mực cao nhất trong bảng giá trị tinh thần truyền thống dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt lịch sử tư tưởng dân tộc ta.

Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra nhằm lật đổ chế độ thống trị của phong kiến phương Bắc, tiêu biểu như khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), cuộc khởi nghĩa Lý Bí (năm 542- 602), cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (năm 722), cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng trong khoảng những (năm 776- 791), cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ năm 905.

Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo có ý nghĩa vô cũng to lớn nó đã giúp chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã phát huy sức mạnh vô địch của nó trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV, dân tộc Việt Nam, với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đã làm nên những

đại chiến công chống ngoại xâm như Lê Hoàn phá Tống lần thứ nhất năm 981, Lý Thường Kiệt phá Tống lần thứ hai năm 1075-1077, vua tôi nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên- Mông năm 1258, 1285, 1288. Truyền thống dân tộc đã hun đúc lên tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, tư tưởng độc lập ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc trong con người Nguyễn Trãi.

Thứ hai, tư tưởng yêu thương, quý trọng tính mạng con người, đấu

tranh vì cuộc sống hạnh phúc của con người

Lịch sử hàng ngàn năm, dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hình thành ý thức thương yêu đoàn kết lẫn nhau, cùng nhau bảo vệ tính mạng và của cải mỗi khi có thiên tai, địch họa của mỗi người dân Việt. Chính trong gian khó, người Việt lại càng cố kết lại với nhau để vượt qua khó khăn. Tư tưởng yêu thương, quý trọng tính mạng của con người là một trong những nét tiêu biểu trong giá trị nhân văn truyền thống dân tộc. Truyền thống yêu thương, quý trọng tính mạng con người, đấu tranh vì cuộc sống hạnh phúc của con người ấy của người Việt đã buộc những người lãnh đạo phải có thái độ, thi hành đường lối cai trị: khoan dung độ lượng, chăm so đến đời sống nhân dân.

Sau gần năm trăm năm (938- 1406) độc lập tự chủ, nhân dân ta đã dần xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc với tinh thần khoan dung độ lượng, bác ái của Phật giáo, quan tâm đến đời sống của dân. Trong Thiên đô chiếu, vua Lý Thái Tổ tỏ ra đau lòng trước nỗi khổ của dân khi định đô ở Hoa Lư, Ninh Bình: “Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời” [62, tr.229-230]. Nên đã quyết định rời đô ra Đại La để nhân dân bớt khổ cực bởi thành Đại La: “Địa thế rộng mà bằng; đất

đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi” [62, tr.230]. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước lúc lâm chung trả lời vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước đã khẳng định nhân dân là nguồn lực, là động lực của việc xây dựng và bảo vệ đất nước: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” [20, tr.211].

Tinh thần thân dân, lấy dân làm gốc, lo lắng cho vận mệnh cũng như đời sống của dân, coi trọng sinh mạng con người, phản đối chiến tranh phi nghĩa, của các bậc tiền nhân đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi.

Tư tưởng nhân văn của Nho giáo

Nguyễn Trãi xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho học, bản thân ông cũng đỗ đạt làm quan nhờ được học chữ Thánh hiền, cho nên những đạo lý của Nho giáo cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của ông. Sự ảnh hưởng của tư tưởng nhân văn Nho giáo đến tư tưởng của Nguyễn Trãi khá rõ nét, đặc biệt là giai đoạn tuổi trẻ. Nguyễn Trãi đã tiếp thu và kế thừa tư tưởng nhân văn của Nho giáo ở những khía cạnh cơ bản như:

Thứ nhất, tư tưởng coi trọng sinh mệnh, sự sống của con người, phản đối

các hình thức giết người, cướp đoạt mạng sống của con người, đặc biệt là chiến tranh

Có thể nói, Nho giáo là một học thuyết về chính trị xã hội và đạo đức con người. Trong học thuyết Nho giáo con người luôn ở vị trí trung tâm. Theo Khổng Tử con người không thể tránh khỏi cái chết, song không thể vì thế mà tự quyết định sinh mệnh của mình, càng không được phép lạm dụng mạo phạm sinh mệnh của người khác. Khổng Tử phản đối tất cả mọi hình thức phản sự sống, bao gồm bệnh tật, giết người, hay lối sống sa đọa, đặc biệt là chiến tranh. Ông chán ghét chiến tranh và khuyên các

nhà chính trị nên từ bỏ bạo lực: “Tử Cống hỏi về chính trị. Đức Khổng Tử nói: “Đủ lương thực, đủ binh lính, được dân tin.” Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong ba thứ đó, bỏ thứ nào trước?” Đáp: “Bỏ binh lính.” Tử Cống lại nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong hai thứ [còn lại] đó, bỏ thứ nào trước?” Đáp: “ Bỏ lương thực. Từ xưa đều có người chết; dân mà mất niềm tin thì không thành tựu được đâu.” [57, tr.327].

Tư tưởng này cũng xuất hiện trong Mạnh Tử, khi ông coi trọng sự sống, luôn phản đối chiến tranh, cực lực lên án các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các tập đoàn quý đương thời. Ông thất vọng than rằng: “Lương Huệ Vương bất nhân thay! Người nhân toan tính từ chỗ thân yêu đến chỗ chẳng thân yêu. Kẻ bất nhân toan tính từ chỗ chẳng thân yêu đến chỗ thân yêu.” Công Tôn Sửu nói: “Làm sao lại nói vậy?” “Lương Huệ Vương lấy cớ đất đai, đem dân mình đi chiến đấu đến tàn hại. Thất bại lớn, muốn đánh nữa, sợ không thể thắng, nên đã xua con em thân yêu của mình liều thân đến chết. Như thế gọi là toan tính từ chỗ chẳng thân yêu đến chỗ thân yêu vậy.” [57, tr.1074]

Tư tưởng coi trọng sinh mệnh, phản đối chiến tranh, binh đao, coi chiến tranh là vô nghĩa thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn của Khổng Tử, Mạnh Tử đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng của Nguyễn Trãi. Đặc biệt trong giai đoạn Nguyễn Trãi tham gia đấu tranh chống quân Minh đô hộ, giải phóng dân tộc. Ông cực lực lên án chiến tranh phi nghĩa xâm lược Đại Việt của giặc Minh và những chính sách tàn bạo của giặc Minh trong thời gian cai trị nhân dân Đại Việt.

Thứ hai, tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo

Trong Luận ngữ, Khổng Tử nhắc nhiều lần đến “nhân”. Nhưng ông lại

giải thích “Nhân” cho học trò của mình theo những cách khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và người hỏi. Nhan Uyên hỏi về Nhân Khổng Tử trả lời:

“Khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép là làm điều nhân. Một ngày khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép, mọi người sẽ trở về điều nhân. Làm điều nhân do mình, chứ do người ư?”[57, tr. 319]. Trọng Cung hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cho rằng: “Ra cửa như thấy khách lớn; sai khiến dân như đảm đương lễ lớn, điều gì mình không muốn chớ đem cho người. Trong nước không có điều oán giận, trong nhà không có điều oán giận” [57, tr.321]. Còn khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử trả lời là “yêu người” và giảng giải rằng “Tại nhà thì ở khiêm cung, tiếp nhận công việc thì kính cẩn, giao tiếp với người thì thật lòng. Tuy ở chốn mọi rợ, cũng không thể bỏ được.” [57, tr.366] Đối với người, nguyên tắc suốt đời của người có Nhân phải theo là “ái

nhân”. Khổng Tử lấy “trung thứ” để thông suốt đạo của mình. Điều đó có nghĩa là, mình muốn đứng vững, mình muốn công việc của mình thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt. Con người phải hết lòng, hết dạ, thành tâm, thành ý sống theo nguyên tắc ấy. Ở đây, “Trung” không chỉ yêu người (ái nhân), mà còn phải giúp đỡ, tạo lập cho người thành đạt. “Thứ” là suy mình ra người, cái gì không có lợi cho mình, mình không muốn, mình ghét thì đừng đem cái đó cho người khác. Qua đây ta thấy, quan niệm “trung thứ” biểu hiện tính nhân văn sâu sắc, một lẽ sống, sống sao cho ra người. Vì thế, nhân là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người. Đó là đạo làm người mà cốt lõi là vừa yêu thương, vừa phải giúp đỡ lẫn nhau để tạo dựng cuộc sống cộng đồng hòa bình, hạnh phúc

Kế tục những tư tưởng của Khổng Tử về nhân nghĩa với tư cách là thực hiện lẽ công bằng thể hiện ở mối quan hệ của lòng nhân bên trong hướng ra thực hiện việc nghĩa nơi ngoài, Mạnh Tử đã đưa ra tư tưởng đầy đủ hơn về sự gắn liền giữa nhân và nghĩa, hay đó cũng chính là tư tưởng “nhân nghĩa”. Với quan niệm ấy, Mạnh Tử đã nhấn mạnh chủ yếu đến sức mạnh của nhân nghĩa nhằm vào mục tiêu việc gạt bỏ được chiến tranh bạo tàn, củng cố ổn định trật

tự xã hội. “Vương Tử Điếm hỏi rằng: “Kẻ sĩ làm việc gì?” Mạnh Tử đáp: “Đề cao chí hướng.”. Hỏi: “Thế nào là đề cao chí hướng?”. Đáp: “Nhân, nghĩa mà thôi. Giết một người vô tội, chẳng phải là nhân. Chẳng phải mình có mà lấy, chẳng phải là nghĩa. Mình ở nơi nào? Ở đức nhân vậy. Mình đi đường nào? Đi đường nghĩa vậy. Sống ở đức nhân, noi theo đường nghĩa, công việc của bậc đại nhân đã đầy đủ rồi.” [57, tr. 1055].

Tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo từ Khổng Tử tới Mạnh Tử thể hiện được những quan điểm nhân văn khá sâu sắc. Những tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và hành động của Nguyễn Trãi. Mặt khác, nó cũng cho thấy sự kế thừa và phát triển lên một cấp độ cao hơn của Nguyễn Trãi đối với các tư tưởng nhân văn mang giá trị toàn nhân loại của Nho giáo.

Tóm lại, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi ra đời trên cơ sở tiếp thu

tinh thần nhân văn của dân tộc: tư tưởng yêu nước, khoan dung độ lượng, chăm lo đến đời sống nhân dân, kế thừa được tinh thần nhân văn Nho giáo với các giá trị to lớn như tư tưởng coi trọng sinh mệnh, sự sống của con người, phản đối các hình thức giết người, cướp đoạt mạng sống của con người, tư tưởng nhân nghĩa. Đây chính là tiền đề tư tưởng cơ bản hình thành và phát triển tư tưởng nhân văn Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 27 - 33)