Tư tưởng coi trọng nhân nghĩa trong đường lối đấu tranh giải phóng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 52 - 61)

7. Kết cấu luận văn

2.1. Những nội dung cơ bản trong tƣ tƣởng nhân văn của Nguyễn Trã

2.1.3. Tư tưởng coi trọng nhân nghĩa trong đường lối đấu tranh giải phóng

dân tộc và trị nước

Tư tưởng của Nguyễn Trãi về nhân nghĩa là một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm trong tư tưởng của ông. Mặc dù tư tưởng “Nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Quốc, song nó đã được xây dựng lên một tầm cao mới và gắn chặt với nhân sinh quan của ông. “Nhân nghĩa” cũng chính là tư tưởng trị quốc của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi sinh ra phải thời rối ren loạn lạc, nhân dân đói khổ lầm than nên ông rất đề cao tư tưởng nhân nghĩa. Theo ông, nhân nghĩa là cái gốc, là xuất phát điểm của tư duy và hành động. Ông ý thức được rất rõ sức mạnh to lớn của nhân nghĩa khi được vị minh quân thi hành. Bởi thế, trong cuộc đời của mình, trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thực hiện đạo nhân, Nguyễn Trãi cũng không ngừng nhắc nhở các bậc bề trên và tướng sỹ về nhân nghĩa.

Hơn thế nữa, đạo nhân nghĩa trong Nho giáo chính thống được ông phát triển, bổ sung và trở thành cái mang tính phổ quát, tiến gần hơn với bản chất của thuật ngữ nhân nghĩa. Tuy trong tư tưởng của Nguyễn Trãi không tìm thấy những thuật ngữ hiện đại về các vấn đề liên quan tới quyền con người nhưng toàn bộ tư tưởng của ông về nhân nghĩa đều cho thấy ông coi nhân nghĩa là

công cụ, biện pháp, con đường để không chỉ đạt được mục tiêu giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc mà còn duy trì và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nguyễn Trãi đã vận dụng và phát triển tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo truyền thống thành một đường lối chính trị, một chính sách cứu nước: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nó được sử dụng như một trong những vũ khí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn. Cùng với binh lực, việc thực thi các chính sách, phương pháp mang mục đích và nội dung nhân nghĩa là công cụ góp phần giải phóng nhân dân ta, kết thúc chiến tranh, hiện thực hóa quyền được tồn tại, được sống trong một cộng đồng quốc gia độc lập.

Tư tưởng Nho giáo là tư tưởng thống trị trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Nhân tài, rường cột quốc gia hầu hết đều xuất thân là nhà Nho. Các tướng cầm đầu nhà Minh hầu hết đều là những kẻ hiểu biết thi thư nên cũng hiểu rõ gốc của đạo trị nước- nhân nghĩa. Tuy vậy, việc thi hành cai trị dân chúng lại không đúng với sở học Nho giáo. Trong các thư từ gửi cho các tướng nhà Minh, Nguyễn Trãi luôn dựa trên lý luận nhân nghĩa để bác bỏ luận điệu “cứu dân, phạt kẻ có tội họ Hồ”. Trong thư gửi tướng Minh là Phương Chính, ông viết: “Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm vốn. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, bắt giết kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết, mà chẳng xót thương” [54, tr.366] hay “Ta nghe nói bậc danh tướng thì trọng nhân nghĩa mà khinh quyền mưu. Nay bọn mày quyền mưu còn chưa đủ huống hồ là nhân nghĩa” [54, tr.372]. Quân xâm lược nhà Minh rõ ràng đã dựa vào tư tưởng nước lớn, dựa vào văn minh Hoa Hạ để coi thường và bắt nước nhỏ lệ thuộc vào mình, lợi dụng nhân nghĩa để mưu việc thôn tính nước người, dùng quyền mưu để cướp bóc giết hại dân nước người. Nguyễn Trãi đã vạch trần bản chất xâm lược của chúng và dạy lại cho những kẻ tự coi mình là Hoa Hạ về nhân nghĩa, về cách trị nước.

Theo Nguyễn Trãi nhân nghĩa là gốc, là tiền đề cho mọi sự thành công. Cái đạo nhân nghĩa mới to lớn làm sao: “Ôi! Mưu tính việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, hoàn thành công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Nhân nghĩa gồm đủ cho nên việc và công ắt xong” [54, tr.377]. Người nào có được nhân nghĩa, thi hành nhân nghĩa thì lòng dân quy phục việc lớn ắt thành công. Ngược lại đi vào con đường bá đạo, không lấy nhân nghĩa để cai trị giáo hóa dân chúng thì cuối cùng cũng sẽ thất bại. Đó chính là cái ý nghĩa lớn lao của đạo trị nước.

Khi đạo quân cứu viện của Liễu Thăng sang xâm phạm cửa ải của ta, Nguyễn Trãi tiếp tục viết thư cho Liễu Thăng để chỉ rõ việc cốt yếu của sự dùng binh: “Quân giả chỉ dẹp yên mà không đánh giết, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” [54, tr.680]. Việc động binh không phải là giết chóc, mà để dẹp yên bạo loạn, để nhân dân yên ổn làm ăn. Liễu Thăng mang quân sang là nhằm tiêu diệt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tàn sát dân chúng nước Nam, giải vây cho đồng bọn đang bị vây hãm ở thành Đông Quan để tiếp tục cai trị Đại Việt. Đây là hành động trái với nhân nghĩa- cái mà chúng rêu rao ban phát cho dân Đại Việt.

Sau khi Liễu Thăng tử trận, bọn tướng thay thế dưới quyền là Hoàng Phúc lại tiếp tục động binh, nuôi chiến tranh hòng chuyển bại thành thắng. Chúng vẫn ngoan cố đến cùng, không chịu điều đình với nghĩa quân. Nhưng Nguyễn Trãi vẫn kiên trì viết thư phân tích phải trái kêu gọi những tên tướng còn lại hãy nghĩ đến đại cục: “Ta thường nghe việc binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải để làm hại dân; đánh dẹp để ngăn khỏi giết, không phải là muốn giết cho nhiều. Cho nên mới có câu việc binh bất đắc dĩ mới phải dùng đến” [54, tr.687].

Vương Thông - một người tự cho là mình giỏi Thi Thư, thông thuộc lẽ đạo đời của các bậc thánh nhân mà dùng lời lẽ xảo biện để trách nghĩa quân

Lam Sơn là đã làm trái đạo lý nước nhỏ thờ nước lớn, trái với đạo trời, âm mưu đóng quân lâu dài nhằm chiếm đóng Đại Việt. Nguyễn Trãi đã dùng chính vũ khí ấy để quay mũi giáo về phía địch khiến cho chính Vương Thông bị mắc kẹt trong cái đạo lý mà hắn tự cho là mình rất thông suốt.

Nguyễn Trãi nhấn mạnh rằng, phía Đại Việt hoàn toàn theo đúng thứ tự lễ nghĩa, nước nhỏ kính nhường nước lớn, không dám trái thiên mệnh hay đi

ngược lại đạo nhân, nhưng nếu phía bên kia cũng không thực hiện đúng đạo nhân thì nghĩa quân sẽ buộc phải dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề: “Huống chi ngài là bậc tướng súy đã đọc Thi Thư, lại khi vâng mệnh đã được phép tùy nghi hành sự, thì phàm những việc ở ngoài cửa khổn (cửa ngoài thành- tác giả) lại nhất nhất chờ lệnh triều đình sao? Vả việc binh quý ở thần tốc, then máy mở đóng như bánh xe chuyển, như đám mây bay, chỉ trong chốc lát chợt lạnh chợt nóng, ngài há chẳng biết điều ấy hay sao, mà lại nghe theo kế của đứa gian thụ Mã Kỳ, tên tàn tốt Phương Chính, mà nghi ngờ do dự, chẳng dám quyết định? Trước đây ngài đã gửi văn thư thu quân mã ở các vệ sở, lại bảo vì chật hẹp đưa quân ở các thành về trước, còn các vệ ở ngoài thì theo về sau. Đến nay các thành Diễn, Nghệ đều đã lục tục kéo tới, mà lời nói trước vẫn lờ mờ như bắt gió chụp bóng. Như vậy, ngài không chỉ lừa dối một mình tôi, mà còn lừa dối hơn sáu bảy ngàn người ở vệ sở các thành nữa. Tôi trên vì lòng dân tôn kính triều đình, dưới thương xót tính mệnh của hơn sáu bảy ngàn người, nên đã ngăn cấm quân sĩ không được xâm phạm mảy may, thế mà ngài lại đi nghe cái kế của bọn tiểu nhân, đem lòng hại tôi để lây hại cho người khác…. Nếu ngài lại theo lời nói trước mà tìm điều ước cũ, thì nên rút quân về để giữ trọn sự giao hảo này trước, tôi cũng đem quân ở các thành và binh sĩ đã bắt được trước đây trả về đủ số. Nếu không như thế, tôi xin đem số quân đang ngậm oan chứa giận ở các thành cùng ba mươi vạn quân của tôi đi quanh dưới thành để nghe ngài xử trí ra làm sao!” [54, tr.455- 456].

Dù cho tấu chương của nghĩa quân cùng cống phẩm về thiên triều, các thư từ ngoại giao với tướng giặc nhiều lần bị khước từ (Viết thư gửi cho Phương Chính 5 lần, cho Sơn Thọ 5 lần, cho Vương Thông và Sơn Thọ 6 lần, cho Vương Thông 19 lần, viết cho Liễu Thăng 2 lần…). Nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi không vì thế mà nản chí cắt đứt quan hệ trên mặt trận ngoại giao, chuyển sang dùng biện pháp quân sự. Điều đó làm các ông càng quyết tâm hơn với việc chiêu dụ địch hòa giải, đàm phán sớm kết thúc chiến tranh mặc dù hoàn toàn có thể đánh thành để giành phần thắng: “Tôi sở dĩ cứ phải hết dạ kiên trì không ngại rườm lời, chính là xuất phát từ lòng thành của nước nhỏ thờ nước lớn mà mưu việc lâu dài, trên thuận lòng hiếu sinh của trời, dưới cứu vớt muôn dân thoát cơn nước sôi lửa bỏng. Còn không mà lùa mạng sống vào đám tên đạn để quyết sống mái, thì tôi cứ quyết ý mà làm cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì” [54, tr.776].

Lê Lợi và Nguyễn Trãi vẫn trông chờ vào một giải pháp hòa bình cho mọi nỗ lực ngoại giao. Trong suốt thời gian tham gia kháng chiến, các ông luôn luôn kiên trì đường lối ngoại giao “sách lược tâm công”- đánh vào lòng người lấy nhân nghĩa làm đầu mong kẻ thù sớm rút quân về nước, kết thúc chiến tranh. Nhờ vậy, nghĩa quân Lam Sơn đã thu được nhiều thành mà không phải đổ nhiều máu. Chiến lược quân sự “đánh vào lòng người” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi không chỉ có tác dụng đối với người dân Đại Việt, động viên nhân dân nhất tề đứng lên kháng chiến chống giặc, mà còn kéo cả quân Minh ngả theo nghĩa quân Lam Sơn, chống lại vua quan nhà Minh.

Nguyễn Trãi đã đem tình hình bên trong nước Đại Minh và những khó khăn mà triều Minh đang vấp phải, nói cho tướng sĩ họ biết. Trong thư gửi cho Đô đốc Thái Phúc, trấn thủ thành Nghệ An, Nguyễn Trãi viết: “Hiện giờ ở Trung Quốc, bên trong có cái vạ cung đình, bên ngoài có mối lo giặc phương Bắc, hạn hán lụt lội liên tiếp, yêu nghiệt nảy sinh, đại thần lìa bỏ, cả

nước rã lòng, trời làm táng vong chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ sáng suốt nên xét rõ cơ mầu, hành động khi chưa muộn. Như ông, không may mà gặp cái thời không thể làm được, lại không may mà không được thỏa cái chí có thể làm được, chính như câu Đường Thái Tông bảo “Tận trung không ích gì” vậy. Nay tính kế hộ ông, chẳng gì bằng thuận theo cảnh ngộ, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này mà gây dựng sự nghiệp, để dân nước tôi may được thoát khổ lầm than, mà công trạng lớn lao của ông cũng được rạng rỡ đến đời sau, há chẳng tốt đẹp ư?” [54, tr. 577].

Lời lẽ chân tình trong thư của Nguyễn Trãi mặc dù không thuyết phục được Thái Phúc ở lại giúp Đại Việt nhưng cũng có tác dụng thúc đẩy quyết tâm rút quân về Trung Quốc của Thái Phúc. Tháng 2 năm 1427, Thái Phúc đã mở thành Nghệ An đem toàn bộ quân Minh có đến mấy vạn người ra hàng nghĩa quân Lam Sơn. Nó cũng khiến cho Tổng binh vương Thông cùng tướng lĩnh thuộc cấp chấp nhận tham gia hội thề, rút quân về nước trong danh dự chấm dứt khói lửa chiến tranh trong suốt hơn hai mươi năm với Đại Việt.

Nhân nghĩa chính là sức mạnh tinh thần, tạo ưu thế lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo” [55, tr.30] . Nhờ áp dụng phương châm chiến lược này mà cuộc kháng chiến chống quân Minh đi đến thắng lợi, đó là sự thắng lợi bằng sức mạnh tinh thần của một dân tộc luôn coi trọng chính nghĩa, lòng tốt con người.

Xây dựng xã hội thịnh trị, đại đồng luôn là ước mơ của kẻ học Nho, đối với Nguyễn Trãi luôn là niềm trăn trở, ông luôn suy nghĩ tìm mọi biện pháp để tìm ra con đường thực hiện hiệu quả nhất. Nguyễn Trãi là người luôn đề cao tư tưởng nhân nghĩa. Hai phạm trù đạo đức- nhân nghĩa này luôn đi liền với nhau và trở thành kim chỉ nam hành động của ông. Hơn hai mươi năm chiến tranh liên miên loạn lạc, bị sự bóc lột đến tột cùng của bọn xâm lược

phương Bắc, nhân dân cần được nghỉ ngơi để khôi phục lại sản xuất, xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn của chiến tranh. Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi chủ trương: sau khi kết thúc chiến tranh sẽ chia quân về làm ruộng khôi phục lại nền sản xuất đã bị gián đoạn trong chiến tranh vừa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách đất nước: “Đợi dẹp xong lũ giặc tàn kia sẽ chia nửa số quân cho về làm ruộng” [54, tr. 632]. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của những người lãnh đạo nghĩa quân, là sự tiếp nối chính sách ngụ binh ư nông

và khoan thư sức dân đã được thực hiện từ các triều đại Lý, Trần trước đó, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước lúc bấy giờ. Đất nước, nhân dân cần được nghỉ ngơi để chữa lành vết thương, phục hồi sức lực để xây dựng đất

nước sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với giặc ngoại xâm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đường lối cai trị bằng nhân nghĩa còn thể hiện trong chính sách kêu gọi, trọng dụng nhân tài tham gia xây dựng đất nước. Nhân tài chính là những trí thức xuất thân từ Nho học. Cuối thời Trần nền Nho học có những bước phát triển tích cực. Nhà nước phong kiến chú trọng việc thi cử để tuyển chọn người tài giỏi để làm quan. Nhờ đó tầng lớp quan lại không phải là quý tộc họ Trần mà xuất thân từ Nho học ngày càng đông đảo giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình như Chu Văn An, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… Hồ Quý Ly khi lên nắm quyền đã hạn chế Phật giáo, Đạo giáo, đề cao Nho giáo, nhưng là thứ Nho giáo thực dụng, chống giáo điều. Ông là người coi trọng chữ Nôm khi dịch thiên Vô dật (Không nên nhàn hạ) trong Kinh Thi ra chữ

quốc âm để dạy vua Trần Thuận Tông. Hồ Quý Ly cũng cho mở khoa thi Nho học để tuyển chọn nhân tài bổ dụng làm quan: “Mùa thu, tháng 8, Quý Ly mở khoa thi thái học sinh. Lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người. Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành đều đỗ kỳ này. (Tử Tấn, Mộng Nguyên và Thành đều làm quan ở triều nay (tức triều Lê Sơ-

tác giả) đến chức Quốc tử giám tế tửu, Hiến làm đến Quốc tử giám giáo thụ)” [20, tr. 297].

Giặc Minh sang xâm lược và cai trị nước ta, nhiều trí thức Nho học trong nước bất lực khi phải chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân cơ cực đã bỏ đi ở ẩn như Lý Tử Cấu, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Thì Trung, Trình Sư Mạnh... Cuộc kháng chiến chống giặc Minh do chủ tướng Lê Lợi đứng đầu, lại gặp cảnh nhân tài như lá mùa thu. Lê Lợi và Nguyễn Trãi thấy được rằng người tài trong thiên hạ không thiếu, muốn lên sự nghiệp lớn thì cần có người tài giúp sức nên đã ra chiếu dụ kêu gọi nhân tài, hào kiệt ra giúp dân giúp nước: “Vì thế ta nhún mình, tỏ lòng thành thực, kêu gọi các bậc hào kiệt đều nên gắng sức cùng cứu muôn dân, đừng có kín tiếng dấu tài, để cho thiên hạ mãi phải hãm trong cảnh lầm than. Hoặc ai có tiết cao như Tứ Hạo (Bốn vị ẩn sĩ cuối đời Tần là Đông viên Công, Ý Lý Quí, Hạ Hoàng Công và Lộc Lý- tác giả), chí ẩn như Tử Phòng (tức Trương Lương mưu thần của Hán Cao Tổ- tác giả), cũng hãy vì dân nên cứu nạn, đợi khi thành công rồi có muốn được thỏa chí xưa trở về chốn rừng núi, thì ta cũng không ngăn giữ” [54, tr.636].

Việc kêu gọi người tài ra giúp nước là chủ trương đúng đắn vừa để

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 52 - 61)