.Tư tưởng về nhà nước pháp quyền thời kỳ trung cổ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển quan niệm về nhà nước pháp quyền trong triết học phương tây cận đại (Trang 33 - 36)

Tiếp theo thời cổ đại, thời trung cổ kéo dài hàng nghìn năm dưới sự thống trị của chế độ chuyên chế và nhà thờ tôn giáo. Trong đó chế độ thần quyền luôn chiếm ưu thế, nhà thờ nắm trong tay quyền lực chính trị và luật pháp. Nhà thờ Thiên chúa như F. Engels nhận xét, là một tổ chức tập quyền hùng mạnh, thống trị châu Âu về tinh thần và chính trị, giáo lý tôn giáo ngự trị trong đời sống người dân. Do vậy, những tư tưởng tiến bộ của thời kỳ trước như: dân chủ, pháp luật, quyền tự nhiên không được đem ra tranh luận hoặc nếu có chúng được ẩn dấu dưới lớp vỏ bọc tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời kỳ này đã có không ít những quan điểm tiến bộ của các nhà tư tưởng, các nhà thần học, góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn những tư tưởng về nhà nước pháp quyền thời cổ đại, với các đại diện như: Augustino và Thomas Aquino

Augustino (354-430) là một giáo chủ, nhà văn, nhà triết học nổi tiếng, ông được giới thần học đương thời coi là trụ cột, là sự khẳng định chân lý của đạo cơ đốc. Quan niệm về nhà nước của Augustino được trình bày chủ yếu trong tác phẩm “Về thành đô của Thượng đế”. Do ảnh hưởng của quan niệm

thiên chúa giáo nên Augustino giải quyết vấn đề chính trị xung quanh mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước. Ông chia xã hội loài người thành hai vương quốc: vương quốc của điều ác là nhà nước trần thế và vương quốc của Thượng đế trên trái đất là nhà thờ. Augustino “sống trong thời đại tan rã của chế độ nô lệ, ông tận mắt chứng kiến các cuộc chiến tranh giữa thế giới Hy Lạp – La Mã với các sắc tộc man di, sự sụp đổ của cả một đế chế hùng mạnh, sự khủng hoảng của lòng tin và sự bất ổn của đời sống nhân dân,... Biểu tượng của vương quốc trần gian trong con mắt của Augustino là Babilon quá khứ và đế quốc La Mã hiện tại” [4, tr102]. Bởi vậy, con người chỉ biết tìm đến với Chúa, vương quốc của Chúa chi phối mọi hoạt động của nhà nước trần thế, nhà nước phải phục tùng nhà thờ và linh hồn. Quyền lực nhà thờ cao hơn quyền lực nhà nước mặc dù hai loại quyền lực này có những hoạt động khác nhau, nhà thờ thống trị lĩnh vực tinh thần, nhà nước thống trị phần vật chất. Theo quan điểm của ông thì tinh thần cao hơn vật chất hay linh hồn cao hơn thể xác.

Augustino quan niệm quyền lực là sở hữu chung của cộng đồng và xã hội, coi đó là công cụ thực hiện tình yêu và sự công bằng, theo quy luật tất yếu con người cần đến công bằng nên ông vua đại diện cho nhân dân phải là người có quyền uy, là người được Thượng đế trao quyền lực.

Từ quan niệm về bản chất của quyền lực, ông đưa ra tiêu chí của người cầm quyền, người cầm quyền trước hết phải biết chỉ huy mình trước khi chỉ huy người khác, phải có trí tuệ, có nhân cách, quyết đoán vì lợi ích chung. Không dối trá, tùy tiện và mềm yếu, không để bị cuốn hút bởi tính kiêu ngạo và hám quyền, biết từ chối khoái lạc và hưởng thụ. Quyền lực chỉ huy phải được thực hiện như quyền lực phục vụ, phải xem quyền lực là công cụ thực hiện sự công bằng. Nhà nước phải có nghĩa vụ tạo ra hạnh phúc cho nhân dân. Như vậy, tuy đề cao “thành bang của thượng đế” nhưng tư tưởng của Augustino lại nhấn mạnh vào “thành bang của trần thế”.

Trong quan niệm về con người Augustino cho rằng: con người sinh ra đều bình đẳng nhưng là bình đẳng trước chúa. Do là nhà thần học Thiên chúa giáo trong tư tưởng của ông còn tồn tại những mâu thuẫn, chưa vượt ra được ngoài giáo lý của nhà thờ. Một mặt, ông cho rằng sự giàu có dẫn đến bất công, khinh miệt và bóc lột người nghèo vì vậy phải ngăn chặn sự ham muốn vật chất nhưng mặt khác, ông lại bảo vệ sự bất bình đẳng của xã hội, coi sự nghèo khổ, bần cùng là điều kiện tốt để cứu rỗi. Trong xã hội một số người được Chúa ban tặng quyền sung sướng và khuyên người nghèo hãy yên phận với cuộc sống của mình không nên yêu của cải mà nên yêu Thượng đế. Đây cũng chính là hạn chế chung của tư tưởng thời kỳ trung cổ, nhưng xét trong chiều sâu tư duy chính trị của ông đã có những tư tưởng thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ của thời kỳ trung cổ. Đó là điều làm cho ông vượt lên trên các nhà tư tưởng cùng thời.

Tiếp theo trong thời kỳ này phải kể đến quan niệm chính trị xã hội của Thomas Aquino (1225 – 1274), ông là nhà thần học thiên chúa giáo, nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng của chế độ phong kiến Tây Âu, là người chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng của Aristotle.

Đồng quan điểm với Aristotle khi Thomas Aquino cho rằng con người là động vật chính trị. Để tồn tại và phát triển con người đòi hỏi sự an ninh, chống lại các kẻ thù từ bên trong và bên ngoài. Với tư cách là một nhà thần học Thomas Aquino cho rằng quyền lực chính trị có nguồn gốc từ thượng đế. Ông phân chia thế giới thành thế giới trần thế và thế giới Thượng đế, trật tự xã hội trần thế phản ánh trật tự xã hội Thượng đế. Do thế giới Thượng đế có nhiều cấp độ khác nhau nên trần thế có nhiều giai cấp khác nhau, theo cách này thì thế giới trần thế là sự tiếp tục thế giới của Chúa. Trong tác phẩm “Tổng luận thần học” Thomas Aquino đã phân chia luật thành thần luật và nhân luật, thần luật là con đường đạt tới sự khoái lạc chốn thiên đàng, còn nhân luật là những quy định trong đời sống xã hội của con người, trong đó

nhân luật phụ thuộc vào thần luật, phụ thuộc vào ý Chúa. Xã hội cần có nhân luật vì con người suy đồi, sinh ra ý chí lệch lạc cần phải dùng vũ lực và sự trừng phạt để đe dọa, ngăn cấm. Nhưng nhân luật không được phản tự nhiên, người cầm quyền không được cấm dân sống, hôn nhân, sinh đẻ. Còn đối với quân dịch, lao động và sưu thuế thì đó là điều tùy chúa phong kiến quyết định. Mặc dù, ẩn dưới lớp vỏ tôn giáo nhưng đây có thể coi là những ý tưởng về vai trò của luật pháp trong xã hội và pháp luật phải phù hợp với quyền tự nhiên của con người trong tư tưởng của các nhà triết học thời kỳ cận đại và sự phân chia thế giới thành hai phần như trên, sau này ta cũng bắt gặp trong tư tưởng của I.Kant.

Trong quan niệm chính trị xã hội của mình Thomas Aquino còn phân chia xã hội thành các hình thức chính phủ như: Quân chủ, quý tộc và dân chủ nhưng ông lại ủng hộ một chính phủ hỗn hợp. Đó là sự kết hợp của ba hình thức trên, điều này giúp cho nhân dân có thể tham gia một phần vào công việc của nhà nước. Mặc dù, bảo vệ cho sự phân chia đẳng cấp chống lại sự bình đẳng xã hội nhưng rõ ràng trong quan niệm chính trị của Thomas Aquino đã có nhiều mặt tích cực và làm tiền đề tư tưởng cho sự phát triển quan niệm chính trị xã hội ở giai đoạn sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển quan niệm về nhà nước pháp quyền trong triết học phương tây cận đại (Trang 33 - 36)