Khái niệm nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển quan niệm về nhà nước pháp quyền trong triết học phương tây cận đại (Trang 39 - 44)

1.2.3 .Tư tưởng về nhà nước pháp quyền thời kỳ phục hưng

1.3. Khái niệm nhà nước pháp quyền và những nội dung cơ bản trong quan niệm

1.3.1. Khái niệm nhà nước pháp quyền

- Về mặt thuật ngữ.

Trong ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” theo tiếng Đức gọi là “Rechtsstaat”; “Recht” là luật pháp, còn “Staat” là nhà nước. Khái niệm “Rechtsstaat” khởi đầu được dùng để chỉ một nhà nước mà trong đó các hoạt động của cơ quan hành pháp luôn luôn là đối tượng điều chỉnh của các quy tắc pháp lý. Các quy tắc pháp lý này được thực hiện và đảm bảo bởi một hệ thống tòa án độc lập và không thiên vị. Như vậy, khái niệm Nhà nước pháp quyền ban đầu gồm hai yếu tố cơ bản là: sự tối thượng của pháp luật và yêu cầu phân chia quyền lực hoặc ít nhất là phân chia chức năng trong bộ máy nhà nước. Trong thời gian gần đây, khái niệm Rechtstaat được bổ sung thêm một số yêu cầu: Chính phủ phải là một chính phủ hợp hiến, các nguyên tắc pháp lý phải thúc đẩy công lý, phải công nhận và bảo đảm các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản. Như vậy, thuật ngữ Rechtstaat bao gồm các nguyên tắc pháp lý thúc đẩy tiếp cận công lý, nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước và sự công nhận các quyền con người.

Trong tiếng Anh “The rule of law” để chỉ nhà nước pháp quyền, tuy "Rule" rất đa nghĩa, nhưng trong ngữ cảnh này, nó hàm nghĩa “sự trị vì” của pháp luật. Albert Venn Dicey là người đầu tiên sử dụng khái niệm pháp quyền (rule of law) một cách rộng rãi. Học thuyết của Dicey có ảnh hưởng hết sức sâu rộng trong giới thẩm phán và luật sư theo hệ thống luật lệ (common law). Nội dung chính của học thuyết pháp quyền do Dicey khởi xướng nhấn mạnh một số khía cạnh sau:

Một là, sự ngự trị tuyệt đối của pháp luật như là sự hạn chế ảnh hưởng của việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Hai là, mọi người đều bình

đẳng trước pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật, tất cả mọi người, không phụ thuộc vào đẳng cấp và các điều kiện khác đều là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Ba là, các nguyên tắc trong hiến pháp không phải là nguồn gốc mà là kết quả của những quyền của cá nhân.

Những tiêu chí về pháp quyền do Dicey khởi xướng đã có những ảnh hưởng sâu rộng đến những nghiên cứu chính trị, pháp lý lúc bấy giờ. Sau đó đã không có một định nghĩa toàn diện nào về pháp quyền được đưa ra từ các tranh luận và nghiên cứu này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những nội dung của pháp quyền theo cách tiếp cận của người Anh là được thiết kế đặc biệt cho duy nhất hệ thống hiến pháp của Anh quốc và nó chỉ có những giá trị nhất định đối với nền khoa học pháp lý thế giới. Vì vậy, khái niệm pháp quyền theo cách tiếp cận của người Anh không phải là “một sản phẩm phục vụ cho việc xuất khẩu” [Dẫn theo; 84].

Còn trong tiếng Pháp thuật ngữ “Etat de droit” không có trong học giới mà chỉ là một sự phiên dịch từ Rechtsstaat của người Đức. Người Pháp không quan tâm đến vấn đề pháp quyền mà đặt trọng tâm vào hai khái niệm khác, đó là Nhà nước và Cộng hoà thay thế cho nhà nước pháp quyền. Ngay trong thuật ngữ “Nhà nước”, người Pháp đã hàm ý rằng nhà nước phải tuân theo luật pháp, mà không minh thị, vì đó là điều không cần thiết. Thuật ngữ “Cộng hoà” có lịch sử lâu đời và phức tạp hơn, nhưng đến khi Jean Jacques Rousseau đưa ra thảo luận thì thuật ngữ này trở nên chính xác hơn, nhất là khi xác minh rằng nhà nước phải cai trị bằng luật pháp. Rousseau cũng đề xuất rằng hai khái niệm “Nhà nước” và “Cộng hoà” nên hiểu là đồng nghĩa vì mang nhiều sự tương đồng trong lý thuyết. Do đó, giới học giả cho rằng về cơ bản thì Pháp cũng có khái niệm nhà nước pháp quyền dù không được định danh, mà điều XVI của bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền là một thí dụ điển hình khi công nhận rằng nguyên tắc phân quyền và tôn trọng nhân quyền làm cơ sở cho mọi hoạt động của nhà nước.

Theo từ điển triết học thì “pháp quyền” là ý chí của giai cấp thống trị nâng lên thành luật pháp, nội dung của ý chí này được quyết định bởi những điều kiện sinh sống vật chất của giai cấp đó, bởi lợi ích của nó.

Tóm lại, nhà nước pháp quyền cho dù người ta có gọi nó với cái tên gì đi chăng nữa, chẳng hạn theo tiếng Đức là “Rechtsstaat”, hay tiếng Anh là “The rule of law”, tiếng Pháp là “Etat de droit” thì nó vẫn có những dấu hiệu đặc trưng chung.

- Các quan niệm khác nhau về nhà nước pháp quyền.

Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung về nhà nước pháp quyền, các nhà nghiên cứu tùy theo góc độ nghiên cứu, nội dung, và mục đích nghiên cứu khác nhau mà đưa ra những khái niệm khác nhau về nhà nước pháp quyền. Nhìn chung khái niệm nhà nước pháp quyền được tiếp cận từ những khía cạnh chủ yếu sau:

+ Cách tiếp cận luật học: đề cao yếu tố thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền và phân chia quyền lực nhà nước. Năm 1992, tại Hội nghị quốc tế về nhà nước pháp quyền được tổ chức tại Bê-nanh các luật gia đã đưa ra nhiều khái niệm, tiêu chí về một nhà nước pháp quyền và được đông đảo dư luận quốc tế đồng tình, bao gồm: “sự thừa nhận tính tối cao của pháp luật; việc xác định quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy quyền lực nhà nước; việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng pháp luật quốc tế v.v...” [22, tr20-23]. Trong khái niệm này đã thừa nhận tính tối cao của pháp luật nhưng pháp luật thì bao giờ cũng mang tính giai cấp và tính đặc thù của mỗi nhà nước, mỗi dân tộc. Nên pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải là pháp luật vì con người, phải chứa đựng tính nhân văn nhân đạo. Pháp luật phải thể hiện ý chí của nhân dân chứ không phải của một giai cấp, tầng lớp hay nhóm người. Đây là tiêu chí căn bản để đánh giá một nhà nước nào đó trên thực tế có phải là nhà nước pháp quyền hay không. Như vậy, định nghĩa trên chỉ nhấn mạnh đến hai dấu hiệu cơ bản trong quan niệm về nhà

nước pháp quyền đó là tính tối cao của pháp luật và tổ chức quyền lực nhà nước mà chưa thấy được dấu hệu cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền đó là dân chủ.

+ Cách tiếp cận lịch sử: mô tả mối quan hệ không thể tách rời nhà nước và pháp luật trong lịch sử để gián tiếp nói về vai trò của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Theo cách tiếp cận này, nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhà nước tồn tại không thể thiếu pháp luật, ngược lại nếu thiếu nhà nước thì pháp luật trở nên vô nghĩa. Bởi pháp luật do nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện, nhà nước cần đến pháp luật, dựa vào pháp luật để quản lý xã hội. Nhà nước dựa vào pháp luật và các công cụ khác để thiết lập lên một trật tự xã hội. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng không phải khi nào có nhà nước và pháp luật là có ngay nhà nước pháp quyền, chẳng hạn như nhà nước phong kiến, phát xít... không thể gọi là nhà nước pháp quyền được.

+ Cách tiếp cận chính trị học: đề cao cách thức tổ chức quyền lực và vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Ở cách tiếp cận này, nhà nước pháp quyền được hiểu như sau: “Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức và vận hành xã hội trên cơ sở của các quyền. Các quyền này được phân định và tổ chức sao cho sự lạm quyền không thể xẩy ra và tự do, dân chủ của người dân được bảo vệ. Hiến pháp là các công cụ quan trọng nhất để xác lập và phân định các quyền. Vì vậy, hiến pháp được là linh hồn của các quyền và là bản khế ước xã hội quan trọng nhất” [7, tr85-86]. Định nghĩa này nhấn mạnh đặc điểm phân công quyền lực và coi đây là dấu hiệu bản chất của nhà nước pháp quyền, giống với quan niệm của Ch.S.Montesquieu và I.Kant.

+ Cách tiếp cận triết học: vận dụng quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Dựa vào định hướng nhận thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề Nhà nước pháp quyền Việt Nam, các nhà khoa học muốn

chỉ ra những dấu hiệu căn bản nhất của nhà nước pháp quyền “Nhà nước pháp quyền là khái niệm dùng để chỉ xã hội tổ chức theo cách quyền lực của nhân dân được thể chế hóa thành pháp luật và được đảm bảo thực thi bằng bộ máy nhà nước cũng như các thiết chế chính trị - xã hội khác nhằm mang lại quyền lợi cho nhân dân” [36, tr70]. Như vậy, theo khái niệm này thì chỉ có xã hội tổ chức theo cách quyền lực của nhân dân được thể chế hoá thành luật và đảm bảo thực thi bằng nhà nước và các thiết chế chính trị - xã hội khác thì đó mới là nhà nước pháp quyền. Theo quan điểm của các nhà kinh điển Mác – Lênin, chỉ có chế độ dân chủ mới đảm bảo cho việc thực hiện quyền lực thuộc về nhân dân, bởi chỉ trong chế độ dân chủ thì người dân mới có thể quy định nên nội dung nhà nước, luật pháp theo cách thức, ý chí của mình. Có nghĩa là luật pháp chỉ thực sự giữ vị trí tối thượng và thể hiện được ý chí của người dân khi dân chủ hiện hữu, theo đó dân chủ quy định pháp quyền chứ không phải ngược lại có pháp quyền mới đảm bảo dân chủ: “dân chủ là nền tảng của nhà nước pháp quyền, thiếu đi dân chủ, những đặc trưng của nhà nước pháp quyền sẽ chủ yếu nằm trên lý thuyết, hoặc rất hình thức” [93, tr55].

Nhìn chung các cách tiếp cận trên đã thừa nhận các đặc điểm cơ bản của nhà nước pháp quyền đó là: nhà nước được xây dựng trên nền tảng dân chủ; luật pháp giữ vị trí tối thượng trong xã hội; nhà nước bảo vệ các quyền của con người, quyền công dân; và có một cơ chế phân chia quyền lực nhà nước.

Từ các cách tiếp cận đã trình bày, có thể đi đến một quan niệm về nhà nước pháp quyền như sau: “Nhà nước pháp quyền là nhà nước được tổ chức

trên nền tảng dân chủ; trong đó phương thức tổ chức, xây dựng và vận hành bộ máy nhà nước do pháp luật quy định và thừa nhận tính tối cao của pháp luật, với hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch; bảo đảm các quyền cơ bản của con người”.

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền phát triển không ngừng, là thành quả của nhân loại, nó hình thành và phát triển cùng với sự tiến bộ xã hội và cho

đến nay đã được thế giới thừa nhận về mặt lý luận như một học thuyết về nhà nước pháp quyền. Góp phần quan trọng vào học thuyết này, công lao to lớn thuộc về các nhà triết học phương Tây cận đại. Vậy lý luận về nhà nước pháp quyền của các triết gia cận đại ở phương Tây gồm những nội dung gì?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển quan niệm về nhà nước pháp quyền trong triết học phương tây cận đại (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)