Kiểu hoa cúc một tầng cách điệu kết hợp với hoa mai 6 cánh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) gốm men trắng văn in ở di tích lam kinh thanh hoá luận văn ths khảo cổ học 60 22 60 (Trang 32 - 35)

Kiểu trang trí này tìm thấy trên tiêu bản bát nhỏ ở khu vực Tả Vu năm 1997, ký hiệu 97.LK.HVII.30. Về cơ bản trang trí giống kiểu 1, nhưng kết hợp với hình hoa mai 6 cánh trong lòng bát. Xương gốm mỏng hơn tiêu bản bát kiểu 1, nhưng vẫn dầy hơn loại gốm vỏ trứng.

2.2.5. Mô-típ hoa mẫu đơn kết hợp với hoa mai in nổi

Mô-típ này tìm thấy duy nhất 1 tiêu bản ở Thái Miếu I. Đó là chén mang ký hiệu 00.LK.TMI.27, tiêu bản này bị vỡ mất 2/3. Hoa mẫu đơn ở đây có 8 cánh, kết hợp với hoa lá tạo thành một mô-típ mẫu đơn, được bố cục thành 5 mô-típ hoa mẫu đơn (phần còn lại chỉ có 2 mô-típ) chạy xung quanh thân chén, ở phần tiếp giáp với

lòng chén. Hoa mai có 6 cánh nằm chính giữa lòng chén tạo thành một bố cục chặt chẽ, hài hoà và tinh tế [Bản ảnh 10]. Tuy nhiên, kiểu trang trí này tìm thấy ở di chỉ lò gốm Cậy, khá nhiều ở con tàu cổ Cù Lao Chàm và Hoàng Thành Thăng Long [14; 19; 47].

2.2.6. Mô-típ hoa văn khắc chìm kết hợp với chữ quan 官 in nổi

Đây là một tiêu bản duy nhất, ký hiệu 97.LK.HVII.21 tìm thấy ở Tả Vu mang phong cách này. Kỹ thuật tạo hoa văn khắc vạch với chữ Quan in nổi trong lòng, lần đầu tiên bắt gặp trong dòng gốm này. Thực ra đây là kỹ thuật rất đơn giản, gần như không được sử dụng nhiều cho kỹ thuật gốm men. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xếp vào dòng gốm men trắng văn in vì có chữ Quan in nổi trong lòng. Hoạ tiết được vẽ trong bát này giống như hoạ tiết hoa dây khắc chìm dưới men của gốm thời Trần. Chất liệu men gốm xám hơn, nhiều tạp chất hơn và xương gốm dầy hơn (0,3 - 0,4cm). Đây có lẽ là trường hợp ngoại lệ của dòng gốm này, và có lẽ do đó, nó được dùng vào mục đích ít quan trọng hơn ở nhà Tả Vu [Bản ảnh 5: 1, 2].

Qua những phân loại về trang trí trên đây, chúng ta thấy nổi lên vấn đề chữ Quan được thể hiện trên gốm. Qua 13 kiểu trang trí trong 65 tiêu bản phục nguyên, tần suất chữ Quan in nổi xuất hiện trong lòng hiện vật không phải là ít, chiếm 46,15% tổng số hiện vật gốm văn in. Hiện tượng này tìm thấy nhiều ở di tích Hoàng Thành Thăng Long, một tiêu bản 89.CĐ.HI.128 ở di tích sản xuất gốm Cậy (Long Xuyên, Cẩm Bình, Hải Dương) [6], ở khu vực Xóm Bến, Ngói, Hải Dương [43]. Đặc biệt chữ Quan ở Lam Kinh được thể hiện khá đa dạng. Chiếc chân đế gốm men trắng ngả xanh, có nhiều sắc lam, ký hiệu 04.LK.TV.L1 có một chữ Quan khắc chìm dưới men trong lòng bát [Bản ảnh 12]. Tuy chữ Quan được in nổi, vẽ lam hay khắc chìm trong lòng bát và tìm thấy trên gốm văn in là chủ yếu, song chúng tôi cũng thấy hiện tượng này trên gốm men trắng vẽ lam. Chiếc bát gốm men trắng vẽ lam ký hiệu 01.LK.TĐ.HV.2 miệng loe, thân thuôn, chân đế cao. Đường kính miệng 14,5cm, đường kính đáy 7cm, cao 9cm. Trang trí hình

rồng, hoa sen, hoa chanh... trong lòng hiện vật có chữ Quan viết lam. Đáy bát tô mầu nâu đỏ và khắc chìm chữ Quan ở chính giữa [Bản ảnh 17:1]. Như vậy, Có thể nói chữ Quan được coi như một dấu hiệu riêng, đặc trưng cho những sản phẩm được cung đình triều Lê đặt hàng và sử dụng.

Một tiêu bản bát men trắng vẽ lam khác, niên đại thế kỷ XVII có ký hiệu 01.LK.TĐ.HII.5 miệng loe, thân thuôn, chân đế cao trung bình, khum, đáy lõm, mộc. Đường kính miệng 14cm, đường kính đáy 6,5cm, cao 5,5cm. Trang trí đơn giản với các đường chỉ lam và hoa lá. Trong lòng viết chữ Quan bằng men lam, nét to, thô, nhoè, rất xa lạ với các chữ Quan đã gặp [Bản ảnh 17: 2]. Thế kỷ XVII là thời kỳ suy tàn của triều đại Lê, triều đình bị các chúa Trịnh, Nguyễn o ép, vì thế, hẳn là ngân sách triều đình cũng eo hẹp nên hiện tượng gốm về sau này chất lượng kém hơn cũng không phải là không có lý do. Song hiện tượng chữ Quan vẫn tồn tại trên loại hình gốm thì có thể coi đó là một truyền thống, một dấu ấn cung đình vào buổi chiều tà của triều Lê Trung Hưng.

ở đây, chữ Quan không chỉ được in nổi trong lòng bát mà còn kết hợp với Hán tự men lam, viết đè lên (mô-típ I.3, mô-típ III.4). Các chữ Hán ở đây như gợi cho ta liên tưởng đến địa danh (Lam - Lam Kinh), đến việc thờ cúng (Tiên - người tiên, Tiên - tổ tiên, Từ - từ bi, Bính - bánh trái...). Như vậy, có thể nói, gốm có chữ

Quan là một loại hình gốm được dùng chung trong cung đình, nhưng được dùng vào mục đích cụ thể gì thì còn có những ký hiệu khác đi kèm. Điều này thể hiện tính chuyên biệt cao trong phân công chức năng sử dụng của dòng gốm này tại di tích Lam Kinh và di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Loại gốm văn in này còn thấy xuất hiện trong sưu tập gốm văn in trên tàu cổ Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, trong sưu tập này lại không có bất cứ một tiêu bản nào có chữ Quan, mà chỉ thấy có hình bông mai 6 cánh. Đặc biệt trên sưu tập gốm trên tàu cổ Cù Lao Chàm lại có kiểu văn in kết hợp với vẽ mầu đa sắc [14]. Hiện tượng này chưa tìm thấy ở bất cứ di tích nào khác. Vì vậy có thể nói rằng dòng gốm đặc

biệt này đã được nước ngoài biết đến và đặt hàng hay nói một cách khác, những khu lò sản xuất loại gốm này không những sản xuất những sản phẩm cao cấp phục vụ cung đình mà còn sản xuất theo yêu cầu để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) gốm men trắng văn in ở di tích lam kinh thanh hoá luận văn ths khảo cổ học 60 22 60 (Trang 32 - 35)