Diễn biến, niên đạ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) gốm men trắng văn in ở di tích lam kinh thanh hoá luận văn ths khảo cổ học 60 22 60 (Trang 40 - 46)

152 VII I 10 I.2

2.4. Diễn biến, niên đạ

Lam Kinh là thánh địa của triều Lê. Nếu như Thăng Long là điểm trọng yếu mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính thì Lam Kinh là nơi phát tích, là linh hồn của vương triều này. Năm 1430, ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, Lê Thái Tổ đã cho đổi vùng đất Lam Sơn là Lam Kinh hay Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội [25, tr.61-74]. Bắt đầu từ đây, Lam Sơn có lịch sử là một kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Lê. Các biên chép của các sử gia thời kỳ quân chủ có ghi chép về Lam Kinh như sau:

Đại Việt sử ký toàn thư đã đề cập đến thời điểm khởi dựng Lam Kinh vào

năm 1433, xây dựng mới các công trình và trùng tu, sửa chữa vào các năm 1443, 1448, 1450, 1456 [25, tr. 7, 60, 61, 62, 66, 74, 76, 77, 78, 130, 138, 139, 239].

Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn có nhắc tới việc di tích Lam Kinh được

nhà Mạc sửa chữa và hành lễ "xuân thu nhị kỳ" [17, tr. 76, 86, 99, 101, 123, 124, 162].

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú miêu tả về địa thế và

một số kiến trúc, lăng mộ cùng sông suối, hồ khu vực Lam Kinh. Lam Kinh được đối sánh với Thăng Long [9, tr. 39 - 40, 125 - 126, 168, 172].

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì nêu vị trí, kiến

trúc, lăng mộ, các điện thờ, di tích ở khu vực Lam Kinh [27, tr. 203, 238 - 239, 248 - 249, 252].

Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn lại đề cập đến việc tháo dỡ kiến trúc ở Lam Kinh để dựng đền thờ nhà Lê (Bố Vệ, TP. Thanh Hoá) [26, tr. 37, 39, 88, 201].

Như vậy, sử thành văn viết về việc xây dựng vào đầu triều Lê sơ (đầu thế kỷ XV) và thường xuyên tu bổ di tích này cho đến hết thời nhà Mạc (1532 - 1592) có nghĩa là vào khoảng trước năm 1592.

Qua quá trình khai quật khu di tích Lam Kinh, về cơ bản các nhà khảo cổ học thấy ở đây có 2 lớp kiến trúc thời Lê rất rõ ràng: Lớp kiến trúc phía trên có niên đại Lê Trung Hưng (1593 - 1789), lớp kiến trúc phía dưới có niên đại Lê sơ (1418 - 1528). Tuy vậy, do điều kiện khách quan tại địa phương, toàn bộ lớp kiến trúc phía dưới này không có dịp được khai quật để tìm hiểu sâu hơn. Song, qua thăm dò, lớp kiến trúc thứ 2 ở Thái miếu 2, Thái Miếu 5 và Chính điện, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một tỷ lệ lớn hiện vật gốm văn in tập trung ở toà Thái Miếu 2 với tỷ lệ lớn (gồm 4 tiêu bản và 203 mảnh, chiếm 40,19%) so với toàn bộ gốm sứ tìm thấy được ở 4 địa điểm thám sát đến lớp 2 là Chính Điện, Nghinh Môn, Thái Miếu II, Thái Miếu V. Thực tế khai quật là chỉ mở rộng và đào sâu xuống lớp 2 của Thái Miếu 2, còn toàn bộ những địa điểm kia chỉ đào thăm dò cho xuất lộ di tích kiến trúc nên chưa thể khẳng định được mật độ phân bố gốm men trắng văn 2 di tích còn lại và các di tích khác chưa khai quật lớp dưới. Tuy nhiên, cùng với những phát hiện gốm men trắng văn in ở Cậy, Ngói, tàu đắm Cù Lao Chàm vào thế kỷ XV [34] chúng tôi khẳng định rằng, dòng gốm men trắng văn in xuất hiện vào thời Lê sơ. Nhằm mục đích thử xác định niên đại tuyệt đối của dòng gốm này, bằng phương pháp loại suy, tôi xin đưa ra những kiến giải dưới đây:

Hình 2.1: Rồng trên trán bia Vĩnh Lăng. Nguồn: Tác giả luận văn.

Cho đến năm 1433, thời điểm mà vua Lê Thái Tông an táng cha mình là Lê Thái Tổ ở Lam Kinh, đó cũng là thời gian mà các điện miếu bắt đầu được xây dựng [25, tr.76-78]. Đến đời vua Lê Thái Tông, năm 1437, mới có quy chế về mũ áo và nhạc lễ [47, tr.338], lập ra cục quan tác để làm mũ [47, tr.343], còn nói rõ là thời Thái tổ dãi gió dầm mưa, làm gì có mũ [47,tr.343]. Như vậy, có thể thấy, thời đầu của triều Lê (tức là Lê Thái Tổ) là triều đại dựng nước, còn đang bề bộn xây dựng chính quyền. Cho đến đời vua Lê Thái Tông (1434-1442), mới bắt đầu lập nên quy củ triều đình. Đến 1438, mới dựng bia Vĩnh Lăng [47, tr. 308]. Vào thời điểm này, con rồng trên trán bia vẫn còn mềm mại, lưng chưa tạo dáng hình “yên ngựa” [Hình 2.1]. Đến đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), vua này đến năm 12 tuổi (1453) mới đích thân coi chính sự, 19 tuổi thì chết do đang đêm, bị thích khách trèo tường vào giết cả mẹ lẫn con, thị vệ thông đồng với thích khách. Như vậy, đủ thấy rằng ông vua này ít thực quyền, triều đình lỏng lẻo, khó có thể là tiền đề để tạo nên một hệ thống chính quyền quy củ, chặt chẽ. Tuy nhiên, ông vua này cũng có những hoạt động nhất định. Năm 1448, ông cho dựng miếu điện ở Lam Kinh [47, tr.366]. Năm 1456, đặt tên cho các miếu điện ở Lam Kinh (chính điện là Quang Đức, Sùng Hiếu, hậu điện là Diễn Khánh), làm tẩm cung thờ Thái Hoàng Thái phi ở tây điện lăng Lam Sơn [47, tr.381]. Song, phải đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) mới chính thức có những cải cách hành chính đáng kể, đặc biệt là tháng 4 (âm lịch) năm 1466 có lệnh cấm các quan chuyển đổi đi nơi khác không được dỡ lấy đồ dùng ở công sở [47, tr.410]. Chính

chi tiết này khiến tôi cho rằng, đồ gốm quan thời Lê sơ với loại hình men trắng văn in được tiến hành sản xuất trong thời gian này để phân biệt rõ ràng đồ công và tư.

Để xét đến niên đại kết thúc của dòng gốm này, chúng tôi dựa trên phân tích về niên đại của lớp kiến trúc trên của di tích Lam Kinh và lớp dưới của di tích Dương Kinh (thủ phủ của nhà Mạc) [4]. Tuy rằng lớp kiến trúc phía trên của di tích Lam Kinh tồn tại đến cuối thế kỷ XVIII (riêng ở Thái Miếu IX còn có lớp vật liệu kiến trúc thời Nguyễn) và gốm sứ ở đây cũng có niên đại kéo dài tương tự. Song tại hai di tích Tả Vu và Hữu Vu là nơi các quan chuẩn bị vào yết kiến, hành lễ, chúng tôi thấy rằng trong số các di vật được phát hiện cần đặc biệt chú ý đến các loại đĩa và hàng ngàn mảnh vỡ của đồ sứ Trung Quốc có niên đại tập trung ở niên đại thế kỷ 17. Đó là những đồ sứ khá "bình dân" về nguồn gốc sản xuất, với các loại đĩa, trang trí hình rồng cách điệu, chim, phượng và các loại hoa lá... Căn cứ vào trang trí, chất liệu và kỹ thuật chống dính có thể nhận thấy chúng là sản phẩm của các lò gốm vùng nam Trung Quốc. Bên cạnh đồ sứ Trung Quốc, sự xuất hiện của các đồ gốm Việt Nam chủ yếu là các loại bát đĩa nông lòng, không được trang trí hoặc trang trí đơn giản, men trắng ngả xám, phủ men không hết có niên đại tương đương [15, tr.84]. Đặc biệt, chúng tôi còn tìm thấy sưu tập bát men trắng văn in chất lượng thô, xấu như đã trình bày ở mục 2.1.1.1.1. Phải chăng điều này thể hiện sự suy tàn của dòng gốm men trắng văn in. Ngoài ra, trong lớp kiến trúc trên này còn tìm thấy một tiêu bản bát gốm men trắng vẽ lam, niên đại thế kỷ XVII có ký hiệu 01.LK.TĐ.HII.5 miệng loe, thân thuôn, chân đế cao trung bình, khum, đáy lõm, mộc. Đường kính miệng 14cm, đường kính đáy 6,5cm, cao 5,5cm. Trang trí đơn giản với các đường chỉ lam và hoa lá. Trong lòng viết chữ Quan bằng men lam, nét to, thô, nhoè, rất xa lạ với các chữ Quan đã gặp [Bản ảnh 14; 2]. Chiếc bát này với chất liệu, kiểu dáng và phong cách hoàn toàn khác xa với dòng gốm quan

cao cấp của triều Lê như một minh chứng cho sự suy thoái của dòng gốm quan

rõ rằng vẫn còn có một triều đại đang tồn tại với những dấu ấn riêng của nó. Nó cũng nói lên sự vắng mặt của dòng gốm quan men trắng văn in tinh xảo ở thời điểm này.

Sưu tập gốm men trắng văn in trong tầng văn hoá Mạc tại di tích Dương Kinh càng khẳng định sự kết thúc của dòng gốm này. Những mảnh gốm rải rác trong khu di tích Dương kinh, lớp dưới có niên đại thế kỷ XVI xấu hơn rất nhiều, xương gốm dầy hơn, thô hơn, men không trắng bằng [4]. Do vậy, chúng tôi cho rằng loại gốm này vẫn được sản xuất trong thời gian nhà Mạc tiếm ngôi nhưng truyền thống và kỹ thuật đã bị mai một lắm rồi. Điều này hoàn toàn hợp lý với việc sử cũ có chép việc nhà Mạc sửa chữa và hành lễ ở Lam Kinh "xuân thu nhị kỳ" [17, tr. 76, 86, 99, 101, 123, 124, 162]. Vương triều mới này dường như vẫn muốn duy trì những truyền thống cũ. Vì vậy, tôi cho rằng niên đại kết thúc của dòng gốm này là vào khoảng đầu thế kỷ XVI, khi nhà Mạc mới giành được ngôi vua, guồng máy vận hành của triều đại cũ vẫn được duy trì. Tuy nhiên chỉ đến năm 1540, khi Mạc Đăng Doanh chết, nhà Mạc đầu hàng nhà Minh, thế lực của Trịnh Kiểm và Nguyễn Kim đã rất mạnh [48, tr. 120]. Thời gian từ 1528 trở đi là thời gian cạnh tranh giữa các thế lực, chính quyền quốc gia suy yếu, nền kinh tế suy thoái. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, vào cuối triều Lê sơ đầu thời Mạc (1532), khoảng đầu thế kỷ XVI là thời điểm kết thúc của dòng gốm men trắng văn in này. Tuy nhiên, thời gian cụ thể nào thì khó có thể đi đến một kết luận chính xác.

Như vậy, chúng tôi cho rằng thời gian tồn tại của dòng gốm men trắng văn in tối đa chỉ khoảng 60 đến 70 năm: vào khoảng từ năm 1466 đến đầu thế kỷ XVI, cuối triều Lê Sơ, đầu thời Mạc. Việc xác định niên đại khởi đầu của dòng gốm men trắng văn in này còn cho thấy niên đại khởi đầu cho mô-típ rồng có lưng võng hình yên ngựa. Việc nghiên cứu sưu tập gốm men trắng văn đã hé mở một bất ngờ thú vị về lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam: nếu như từ trước đến nay, mô-típ rồng lưng võng hình yên ngựa được coi là “riêng biệt và có tính chất mở đường cho hai

thế kỷ sau” [35, tr.157] của điêu khắc nhà Mạc thế kỷ XVI thì nay, với bằng chứng con rồng này xuất hiện trên gốm văn in, chúng tôi mạnh dạn khẳng định rằng rồng lưng yên ngựa là sản phẩm nghệ thuật của thời Lê sơ, nó ra đời cùng với sự xuất hiện của gốm men trắng văn in thời vua Lê Thánh Tông. Như vậy, một lần nữa, chúng ta phải có một cách nhìn khác về triều đại được coi là “suy thoái về nghệ thuật Lê sơ” này [35, tr.137].

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) gốm men trắng văn in ở di tích lam kinh thanh hoá luận văn ths khảo cổ học 60 22 60 (Trang 40 - 46)