3 .1Vai trò của của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức
3.1.3 Đối với quan hệ Việt Nam Cộng hòa liên bang Đức
Động lực thúc đẩy
Giống như các cộng đồng di cư khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở CHLB Đức nói riêng là những người có mối quan hệ tương tác với các chủ thể nhà nước, chủ yếu là nước chủ nhà - quốc gia họ hiện đang sinh sống - và quê hương - quốc gia gốc của họ. Cộng đồng di cư có một vai trò độc nhất trong quan hệ quốc tế bởi vì họ nằm giữa hai quốc gia, chia sẻ hai nền văn hoá và giữ mối liên hệ ở hai xã hội. Do đó, cộng đồng người Việt Nam ở Đức đóng vai trò là lực lượng thúc đẩy quan hệ Việt- Đức ở các điểm như sau:
Thứ nhất,cộng đồng người Việt Nam tại Đức góp phần quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên đất Đức, đồng thời là cầu nối để tăng cường hiểu biết giữa hai nước. Việc tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và Đức đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ song phương và là cơ sở để xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia. Đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam- CHLB Đức, hai quốc gia có nền tảng hoàn toàn khác biệt về chế độ chính trị, xã hội, ý thức hệ và sự phát triển kinh tế cùng nhiều vấn đề khác. Trong quan hệ quốc tế, việc gia tăng hiểu biết giúp giảm các hiểu lầm giữa hai quốc gia – vốn là một trong những nguyên nhân của xung đột. Ông Hans-Joerg Brunner, Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Đức, cũng đã khẳng định: “Quan hệ với Việt Nam luôn là mối quan hệ đặc biệt đối với nước Đức. Khoảng 120.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại
Đức. Hơn 100.000 người dân Việt Nam nói tiếng Đức”84. Thông qua cộng đồng người Việt Nam ở Đức, cả hai nước có thể tiếp cận nhiều thông tin và ý tưởng mà không thể có được từ các nguồn khác.
Người Việt thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt cộng đồng với sự tham gia của rất nhiều người Đức. Các buổi sinh hoạt này ngoài việc giới thiệu về cộng đồng người Việt trong quá trình hội nhập, còn có một khối lượng lớn ảnh và tư liệu về đất nước và con người Việt Nam nói chung. Các hoạt động tiêu biểu như triển lãm ảnh, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi hoa hậu người Việt ở nước ngoài, hoạt động văn hóa định kỳ vào các dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Tết Nguyên đán, Trung Thu, Tết thiếu nhi…. Số đông cộng đồng người Việt biểu lộ tình cảm hướng về quê hương, đất nước, đồng tình với chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đây là cầu nối quan trọng giúp chuyển tải những thông tin trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam tới nhân dân và chính phủ Đức.
Thứ hai,cộng đồng người Việt Nam đóng vai trò là nhân tố chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Việt- Đức. Trong các nhân tố đóng vai trò thúc đẩy quan hệ song phương bao gồm hợp tác kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… và các nhân tố ngoại vi khác, cộng đồng người Việt là nhân tố linh hoạt và chủ động nhất. Nhân tố này giúp cho hai quốc gia có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc, bên cạnh các kênh cần nhiều nguồn lực như các cuộc viếng thăm hay kí kết các hiệp định.
Bên cạnh đó, sự góp sức của cộng đồng người Việt cũng được cả hai quốc gia dễ dàng chấp nhận, do cả hai không cần bàn bạc hay thỏa hiệp các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và hoàn toàn có thể đẩy mạnh hoặc kiềm chế nhân tố này
84An Bình (2015), Quan hệ Việt-Đức có ý nghĩa đặc biệt,http://dantri.com.vn/the-gioi/quan-he-viet-duc-co-y- nghia-dac-biet-20150930161802677.htm, truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2017.
mỗi khi cần. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt- Đức hiện nay vấp phải căng thẳng, ngày 21/ 9 /2017, Đức thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam85. Cộng đồng người Việt tại Đức sẽ có vai trò thúc đẩy quan trọng khi hai quốc gia có những bất đồng khó giải quyết. Với chủ trương, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của đất nước, cộng đồng người Việt ở Đức hoàn toàn có thể phát huy vai trò ngoại giao nhân dân, giúp tăng cường vị thế của đất nước.
Thứ ba, cộng đồng người Việt Nam tại Đức có đóng góp tích cực trong quan hệ kinh tế Việt- Đức. Kiều hối, hiệp hội doanh nghiệp, sáng kiến chuyên giacác hoạt động đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại ngày càng mở rộng và hiệu quả hơn, cộng đồng người Việt Nam ở Đức đang tích cực đảm nhận vai trò cầu nối trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài và phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường khó tính như Đức. Việt kiều cũng tham gia đắc lực các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kinh doanh, như xây dựng các trung tâm thương mại chuyên về hàng Việt, hay xây dựng “Nhà Việt Nam”, thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều ở Đức. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường nội địa của Đức bao gồm thị hiếu, nhu cầu, chất lượng, giá cả…
Sử dụng kiều bào làm đại diện kinh doanh tại Đức có hiệu quả hơn so với việc đưa người từ trong nước sang mở văn phòng đại diện. Bởi xét cho cùng không ai thông hiểu thị trường Đức và cung cách làm ăn như người Việt ở Đức. Họ chính là “chìa khóa” để mở mọi cánh cửa thị trường cho hàng Việt Nam một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất. Ngoài ra, tiềm lực kinh tế của cộng đồng người
85Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, Phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức về các diễn biến mới trong vụ việc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin.
Việt ở Đức rất lớn, bên cạnh kiều hối, họ hoàn toàn có khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước và đóng vai trò “con thoi” trong quan hệ kinh tế Việt- Đức. Giống như các mối quan hệ quốc tế khác trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ Việt Nam- Đức.
Thứ tư, cộng đồng người Việt giúp tạo kênh tham khảo đáng tin cậy cho hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Trước đây, cho dù tiềm lực và các tác động lớn của cộng đồng người di cư với chính trị quốc tế, vai trò của người di cư trong quan hệ quốc tế có xu hướng bị bỏ qua hoặc bị lẩn tránh. Tuy nhiên, một số nhà tư tưởng hiện thực đã cố gắng đưa cộng đồng người di cư vào khuôn khổ phân tích hiện thực bằng cách xem xét việc vai trò của họ trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của quê hương86 . Kết quả chỉ ra rằng những người di cư có thể ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại của nước cả quốc gia tiếp nhận và quê hương, khi các mục tiêu chính sách phù hợp và không đe doạ các lợi ích quốc gia87.
Do đặc điểm của cộng đồng người Việt tại Đức là một cộng đồng xuyên quốc gia, thuộc về hai xã hội cùng lúc. Cộng đồng người Việt có hiểu biết về đặc điểm văn hóa, chính trị và kinh tế của cả hai quốc gia. Cộng đồng người Việt trao đổi thông tin, hôn nhân và thực hiện các cuộc thăm viếng xuyên quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự bùng nổ của thông tin và công nghệ, cộng đồng người Việt càng phát huy rõ ràng đặc điểm xuyên quốc gia này. Các hiệp hội của cộng đồng người Việt có thể lôi kéo để tạo ra các chính sách nhằm
86Papasotiriou, Haralampos (2000), Diaspora kai Ethniki Stratigiki [Diaspora and National Strategy,Athens: Ellinika Grammata.
87Lyons, Terrence & Mandaville, Peter (2010), Diasporas in Global Politics,
https://www.gmu.edu/centers/globalstudies/publications/rpbop/policybriefGMTPJune2010.pdf, truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2017.
ủng hộ Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến Việt Nam thông qua các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, họ có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định chính sách đối ngoại quốc gia. Vì vậy, cộng đồng người Việt tại Đức luôn luôn là nhân tố mà cả Việt Nam và Đức buộc phải cân nhắc khi quyết định đề ra chính sách đối ngoại có liên quan. Đồng thời đây là nhân tố mà cả Việt Nam và Đức đều có thể tham khảo và thăm dò trước khi đưa ra chính sách nhằm đảm bảo chính sách đối ngoại đảm bảo được các mục tiêu quốc gia và cân nhắc tới lợi ích của bên còn lại.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức Việt kiều đông đảo tại Đức có thể giúp tư vấn trong hoạch định chính sách đối ngoại. Giới trí thức này có quan điểm đa dạng, từ cảm thông, ủng hộ đến phê phán, yêu cầu sửa đổi chính sách, pháp luật, song phần lớn có tính xây dựng. Những người này cũng am hiểu tình hình chính trị, hệ thống luật pháp của nước sở tại, đồng thời có uy tín nhất định trong cộng đồng. Do đó, đây không chỉ là nguồn lực trong việc tư vấn hoạch định chính sách mà còn là nguồn lực trong việc triển khai chính sách đối ngoại tới kiều bào tại Đức.
Trở ngại
Bên cạnh đóng góp tích cực cho quan hệ Việt Nam- Đức, cộng đồng người Việt ở Đức cũng tạo ra những lực cản cho quan hệ giữa hai quốc gia. Quan hệ Việt Nam- Đức nhìn chung có những phát triển nhất định, song cũng có những thời điểm căng thẳng, phức tạp do các mục tiêu dân chủ của Đức áp đặt với Việt Nam gần như xuyên suốt cả quá trình quan hệ Việt- Đức. Mặc dù đa số người Việt Nam tại Đức yên ổn làm ăn và hướng về quê hương, song vẫn luôn tồn tại nhóm người Việt Nam chủ trương vận động nhằm tuyên truyền, chống phá Nhà nước Việt Nam. Những người này tập hợp chủ yếu trong các tổ chức chính trị
phản động như các tổ chức nhân quyền, một số hiệp hội tôn giáo, một số đảng phái được thành lập trong cộng đồng.
Các tổ chức phản động này thường lợi dụng các vấn đề thời sự, gây bức xúc trong dư luận như tranh chấp đất đai, tôn giáo, chủ quyền biển đảo…Họ thường tìm cách bóp méo, xuyên tạc chủ trương của nhà nước, chủ yếu thông qua internet. Trong hoàn cảnh thông tin đối ngoại của Việt Nam còn hạn chế, các hành động này khiến cho hình ảnh của Việt Nam bị xấu đi trong mắt người dân và chính quyền Đức.
Ngoài ra, các tổ chức phản động còn tìm cách tiếp xúc với các cơ quan hành pháp, lập pháp của Đức để tiến hành vận động hành lang, đưa ra các chính sách gây sức ép với Việt Nam trong các vấn đề dân chủ nhân quyền. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đức. Điều này khiến cho trong rất nhiều lĩnh vực, cả hai bên không thể đẩy cao mức độ hợp tác hoặc hợp tác thực chất.
Các nhóm “chống Cộng” cũng tìm cách chống phá, đe dọa và bôi nhọ các cá nhân, tổ chức tích cực hoạt động cộng đồng, hướng về quê hương. Một đặc điểm của cộng đồng người Việt ở Đức là cộng đồng này bị chia rẽ sâu sắc, số lượng các hội nhóm chống cộng cũng tập trung ở Tây Đức nhiều hơn Đông Đức. Điều này khiến cho cộng đồng người Việt không thể hòa hợp, đoàn kết. Nhiều trường hợp, hành động quá khích của nhóm “chống Cộng” khiến cho hoạt động làm ăn kinh doanh của nhiều người bị ảnh hưởng và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh, chính trị của Đức.
Các hội nhóm phản động cũng thường xuyên tổ chức các hình thức biểu tình bên ngoài cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đức, khiến cho hoạt động của cơ
quan đối ngoại của ta bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt mỗi khi các lãnh đạo Việt Nam có chuyến thăm chính thức tới Đức hoặc tham gia các hội nghị quốc tế, các nhóm phản động tiến hành tụ tập biểu tình phản đối. Hành động này tác động gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Mặc dù vậy, nhìn chung xu hướng chống cộng trong cộng đồng người Việt ở Đức yếu hơn nhiều so với cộng đồng người Việt ở Mỹ hay Pháp. Đồng thời, tư tưởng thù địch cũng giảm dần qua các thế hệ.
Một trở ngại khác cho quan hệ Việt Nam- Đức là vấn đề người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Đức. Do sự hấp dẫn của nền kinh tế Đức phát triển, sự bùng nổ của truyền thông và giao lưu quốc tế, dòng người Việt Nam đổ về Đức ngày một gia tăng. Rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống bất hợp pháp tại Đức. Nguy hiểm hơn khi họ thường xuyên phải kiếm sống bằng mọi cách, trốn tránh chính quyền sở tại để không bị trục xuất.Một bộ phận không nhỏ tham gia vào các hoạt động tội phạm do không hề dễ dàng tìm được việc làm tại Đức khi không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Trong lịch sử, đã có lúc vấn đề người Việt cư trú bất hợp pháp trở thành đề tài thảo luận căng thẳng giữa hai chính phủ trong những năm 1990.