Cấu trúc tự sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diễn ngôn tình yêu từ văn học tới điện ảnh qua the english patient và the reader (Trang 41 - 46)

CHƢƠNG 1 : TÌNH YÊU NHƢ LÀ DIỄN NGÔN

2.1. Cấu trúc tự sự

The English patient của nhà văn Michael Ondaatje có cấu trúc tự sự phức tạp. Cuốn tiểu thuyết là bốn tự sự của bốn nhân vật xa lạ với nhau sống trong một lâu đài hoang tàn ở Tuscany nước Ý trong những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới II. Giống như nhà văn Ondaatje, được sinh ra ở Sri Lanka, lớn lên ở Anh và sống ở Toronto, những nhân vật của ông cùng sống trong lâu đài nhưng đến từ ba lục địa khác nhau. Hana là một y tá trong quân đội Canada, có chồng chưa cưới đã hy sinh. Khi đơn vị cô tiến về phía Bắc, cô chọn ở lại hậu phương trong tòa lâu đài để chăm sóc cho một bệnh nhân người Anh sắp chết, người bị bỏng nặng trong một vụ nổ máy bay mà thực chất là một quý tộc người Hungary học ở Anh, tên là Almásy. Nhân vật thứ ba là Caravaggio, một tên trộm khôn ngoan người Canada được quân đội thuê và đang đuổi theo Almásy, người bị tình nghi là đã phản bội nước Anh. Nhân vật thứ tư là anh công binh Kip, một người theo đạo Sikh đến từ Ấn Độ làm công việc phá bom cho Hội kỹ sư Hoàng gia ở Tuscany. Về sau, thêm một lục địa nữa xuất hiện trong ký ức của bệnh nhân người Anh là Cairo và sa mạc Bắc Phi những năm 30 khi Almásy từng là thành viên của Hiệp hội địa dư hoàng gia Anh. Mang một tầm vóc lớn và chứa nhiều tham vọng, The English patient đa tầng nghĩa về nhiều vùng địa – văn hóa, văn minh nhân loại, không chỉ mang những dữ liệu về lịch sử, triết học, văn chương mà còn có cả truyền thuyết, ẩn dụ, huyền thoại của bốn lục địa khác nhau. Cuốn tiểu thuyết sẽ đưa chúng ta vào quá khứ, vào thân phận tình yêu, vào cuộc chiến tranh, vào những góc tối sâu thẳm nhất của tâm linh và những diễn ngôn về chủ nghĩa thuộc địa trong chiến tranh thế giới II. Bởi vậy,

The English patient được đánh giá là cuốn tiểu thuyết “khó đọc” và phải đọc từ từ, chậm rãi mới có thể cảm nhận và thấu thị những gì nhà văn đã viết trong cuốn sách.

Khi chuyển thể lên màn ảnh, biên kịch và đạo diễn Anthony Minghella đã tiến sâu và tập trung vào chủ đề tình yêu của cuốn tiểu thuyết để khán giả dễ tiếp cận hơn văn bản nguồn vốn được xem là “khó đọc”, “phức tạp”, “đa nghĩa”, “đa tuyến”.

Vấn đề này nằm trong “công thức làm phim chuyển thể của Hollywood” để đáp ứng “tầm đón đợi” của khán giả. Điều đó được thể hiện rất rõ trong hình ảnh đầu tiên của phim. Nếu tiểu thuyết gốc bắt đầu từ nhân vật y tá Hana và điểm nhìn của cô (“Đang làm việc trong vườn, nàng đứng dậy, nhìn về phía xa…” [29, tr.9], thì trên phim là hình ảnh cải biên lãng mạn và bi thương của chiếc máy bay chở Alsámy và Katharine đã chết bay qua sa mạc, bộ phim đã muốn khán giả nhận thức rằng đây là câu chuyện tình yêu của hai nhân vật này. Bên cạnh đó, một cảnh kết thúc bi của mối tình này được đưa lên làm cảnh kịch tính mở đầu cho mối tình đó, bộ phim có mục đích khơi gợi sự tò mò của khán giả tới một cốt truyện tình yêu lôi cuốn.

Có hai tự sự tình yêu trong The English patient: mối tình trong quá khứ của Almásy và Katharine (vợ của Cliffton, một thành viên trong hiệp hội Địa dư của Hoàng gia Anh) diễn ra ở sa mạc Sahara và thủ đô Cairo của Ai Cập; mối tình trong hiện tại của y tá Hana và anh công binh Kíp diễn ra ở lâu đài đổ nát của vùng nông thôn Tuscany nước Ý. Trong luận văn này, chúng tôi tập trung vào phân tích để làm rõ diễn ngôn tình yêu ở tự sự tình yêu của bệnh nhân người Anh (vốn là câu chuyện chính của phim) và sẽ phân tích song song trên cả hai chất liệu tiểu thuyết và phim để có những so sánh, đối chiếu. Bộ đôi tác phẩm truyện–phim này là minh chứng mạnh mẽ, sáng tạo cho quan điểm rằng tình yêu, đặc biệt là ký ức tình yêu như là sự hình thành căn tính.

Trung thành với cấu trúc của văn bản nguồn, tổng thể bộ phim The English patient là một cấu trúc thời gian phi tuyến tính đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, cấu trúc tự sự trong tiểu thuyết của nhà văn Michael Ondaatje thực sự rất phức tạp và khó nắm bắt. Luân chuyển liên tục giữa điểm nhìn khách quan của người kể chuyện và điểm nhìn chủ quan của bốn nhân vật chính (y tá Hana, bệnh nhân người Anh, Caravagio, Kip) khiến các tự sự cá nhân bị phân mảnh, không liên tục, xếp chồng lên nhau. Bên cạnh đó, tự sự quá khứ của bệnh nhân người Anh được xây dựng như chính những lớp thở khó khăn, đứt quãng của ông, chỉ là những mảnh ký ức bị chấn thương hiện lên đột ngột, xáo trộn các biến cố trước sau, khi mơ hồ vụt qua lúc lại lặp lại ám ảnh. Trong tiểu thuyết, bệnh nhân người Anh được

ví “như người hiệp sĩ đã chết ở Ravenna”, “ông vẫn đang ở châu Phi” và “Hana ngồi bên giường ông, và nàng du hành như một người hầu bên cạnh ông trong những chuyến đi này” [29, tr.189]. Bằng ý chí và cả sự vô thức, tiềm thức, bệnh nhân người Anh cố gắng kiểm soát bộ nhớ của mình, nhớ và kể lại ký ức của mình cho y tá Hana nghe “Ông lại thì thầm, kéo trái tim đang lắng nghe của cô y tá trẻ bên cạnh đến nơi nào tâm trí của ông đến, vào lòng giếng ký ức ông vẫn thường lao xuống trong những tháng trước khi ông chết. Những câu chuyện người đàn ông lặng lẽ kể lại trong căn phòng lượn từ độ cao này đến độ cao khác như một con chim ưng” [29, tr.11].

Trên phim, trong toàn bộ 162 phút phim, phần ký ức của bệnh nhân người Anh đóng vai trò chủ đạo (chiếm tới hơn 60%). Tự sự tình yêu của bệnh nhân người Anh được kể lại theo cấu trúc hồi tưởng (flash back) và được tái hiện phần lớn dưới điểm nhìn khách quan. Chúng ta gần như không nghe/nhìn thấy câu chuyện tình yêu trong quá khứ của bệnh nhân người Anh thông qua việc ông nhớ và kể lại cho y tá Hana nghe, mà chúng đa đang nhìn thấy – đang chứng kiến câu chuyện đó. Mặc dù đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nhưng so với tiểu thuyết gốc, cấu trúc hồi tưởng trong bộ phim chuyển thể được xây dựng mạch lạc, nhịp nhàng, chặt chẽ hơn và xuyên suốt theo hướng nhân quả của trần thuật. Tự sự tình yêu của Almásy và Katharine mặc dù thuộc về thời quá khứ, nhưng khi được tái hiện trên phim, nó không hề bị phân mảnh, xáo trộn, mơ hồ và khó lường như trong tiểu thuyết. Trên phim, mối tình của Almásy và Katharine được thể hiện theo đúng nguyên tắc “tính liên tục cơ bản” và „tự sự theo tuyến tính” của phim Hollywood. Hành trình của tình yêu đó được thể hiện qua các trường đoạn phát triển tuyến tính có trước - sau, nhân – quả logic:

1. Ở sa mạc, Almásy nhìn thấy vợ chồng Katharine bước xuống từ máy bay. Trong buổi tối chơi một trò chơi kể chuyện của tất cả mọi người trong Hội địa dư, Katharine đã kể một câu chuyện lịch sử và Almásy phải lòng giọng nói của cô từ đó.

2. Almásy đi theo Katharine trong chợ.

4. Almásy chủ động mời Katharine khiêu vũ.

5. Almásy và Katharine khám phá hang động người Bơi và cùng nhau vượt qua cơn bão cát trên sa mạc trong cabin ô tô.

6. Trở về Cairo, Katharine đến tìm Almásy tại căn phòng của anh ở khu chợ Souk và hai người lao làm tình với nhau.

7. Trong lễ Noel, Almásy và Katharine tiếp tục làm tình vụng trộm với nhau.

8. Trong ngày kỉ niệm một năm ngày cưới, chồng Katharine tình cờ phát hiện ra Katharine tới căn phòng của Almásy.

9. Trong buổi chiếu phim, Katharine quyết định nói lời chia tay, Almásy tỏ ra đã quên luôn cô.

10. Trong bữa tiệc chia tay của Hội địa dư, Almásy say rượu gây sự với mọi người và ghen tuông, đòi quyền sở hữu Katharine.

11.Trên sa mạc, Clifton, chồng của Katharine lái máy bay chở cô lao vào Almásy với mục đích định giết chết cả ba. Clifton chết, Katharine bị thương và được Almásy bế đưa vào hang động người Bơi.

12.Almásy đi tìm người đến cứu Katharine nhưng bị quân đội Đồng Minh bắt vì hiểu nhầm anh là người Đức. Almásy bỏ trốn và gặp quân Đức, anh trao đổi những tấm bản đồ vẽ cho người Anh với chúng để có được chiếc máy bay.

13. Almásy tìm tới hang động thì Katharine đã chết, anh đưa cô lên máy bay, bay qua sa mạc và bị bắn rơi (cảnh đầu phim).

Tất cả những biến cố đó thể hiện một cấu trúc ba hồi hấp dẫn, lôi cuốn của thể loại phim tình cảm điển hình: khủng hoảng nảy sinh – cao trào – sự giải quyết khủng hoảng. Cũng nhờ cốt truyện tình yêu kịch tính này mà người xem không có cảm giác nhàm chán và mệt mỏi khi xem câu chuyện tình yêu của Almásy và Katharine chỉ được kể qua hình thức hồi tưởng. Đồng thời, với cảnh Almásy và Katharine (đã chết) trên chiếc máy bay bay qua sa mạc mở ra và khép lại cho mối tình của hai người, bộ phim đã kể về một chuyện tình trọn vẹn, hoàn chỉnh, dù nó không có hậu.

Đặt The English patient trong cùng đề tài tình yêu với các bộ phim khác như: Love story, L’Amant, Hiroshima mon amour, Titanic, The reader, Norwegian wood, Eternal sunshine of the spotless mind… chúng ta bắt gặp cấu trúc hồi tưởng rất phổ biến khi kể lại và nhớ lại một mối tình, đặc biệt hơn là một mối tình đã mất, với vai trò người kể chuyện là nam hoặc nữ. Đó không đơn thuần chỉ là việc lựa chọn một hình thức kể chuyện, mà đó là một xu hướng lãng mạn hóa. Bởi vì chủ nghĩa lãng mạn tôn sùng ký ức. Quá khứ bao giờ cũng đẹp nhất, là duy nhất, một đi không trở lại. Mặc dù ký ức là một phần của trí nhớ, và trí nhớ thì không phải bao giờ cũng đáng tin cậy và luôn có sự sai lệch ký ức, nhưng trong tình yêu, những ký ức hạnh phúc nhất hay đau thương nhất sẽ luôn được hóa thạch và trở thành những hồi ức, hoài niệm đẹp, bất tử hóa. Bộ phim Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2005) của đạo diễn Michel Gondry là một diễn ngôn hậu hiện đại về việc không gì có thể phá hủy được ký ức tình yêu. Quá đau khổ sau khi chia tay, hai người yêu nhau đã tìm tới một dịch vụ “xóa ký ức” để xóa sạch những ký ức, kỷ niệm, xóa bỏ hình ảnh của nhau trong trí nhớ song thất bại. Ký ức tình yêu đã trở thành một mê cung bí ẩn và vĩnh hằng.

Trong phim The English patient, hồi tưởng quá khứ và diễn biến ở hiện tại được thể hiện qua một cấu trúc song song, đan xen nhịp nhàng, mạch lạc và lôi cuốn phần lớn là nhờ ở sự thành công của kỹ thuật dựng phim đạt tới trình độ mẫu mực23. Nhà dựng phim Walter Murch không đặt những cảnh quá khứ và hiện tại cạnh nhau hoặc lần lượt tiếp diễn một cách ngẫu nhiên, tùy hứng; mà luôn thông qua những mối dựng hành động, hình ảnh và âm thanh để kết nối giữa hai thời điểm, hai không gian khác nhau trở nên tiếp giáp và giao hòa với nhau. Khi chuyển cảnh qua lại giữa vùng sa mạc và ngôi biệt thự cũ, Walter Murch đã sử dụng thủ pháp mờ chồng cả hình ảnh lẫn âm thanh đầy ấn tượng và khơi gợi. Có thể kể ra một số ví dụ điển hình như: những chiếc máy bay hai tầng cánh cũ kỹ bay qua sa mạc trông giống như thân hình của người phụ nữ. Những đụn cát trên Sahara mờ

chồng lên những tấm vải dúm dó phủ lên chiếc giường của bệnh nhân người Anh đang nằm. Hình ảnh cận Katharine sờ tay vào ánh cửa kính ô tô (ở cơn bão cát trong quá khứ) được mờ chồng sang khuôn mặt của Almásy ở hiện tại là bệnh nhân người Anh. Tiếng Hana đọc sách cho bệnh nhân người Anh nghe chưa dứt thì tiếng Katharine kể chuyện đã chồng lên. Tiếng nhảy lò cò đơn độc trên sân vắng của Hana trong đêm khuya yên tĩnh chuyển sang tiếng trò chuyện sôi động của mọi người trên sa mạc. Tiếng động rền vang của cuộc chiến tranh sắp diễn ra ở Ai Cập đã trở thành tiếng sấm của cơn mưa bão đang đến ở Tuscany… Có thể nói, nghệ thuật dựng phim đã đạt hiệu quả cao về thị giác, thính giác và từ đó mở rộng trí tưởng tượng người xem ngoài ranh giới truyện kể, từ đó giúp cho dòng chảy tự sự của phim và cảm xúc của người xem được liên tục.

Hình ảnh chiếc máy bay bay qua sa mạc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diễn ngôn tình yêu từ văn học tới điện ảnh qua the english patient và the reader (Trang 41 - 46)