Từ ký ức tình yêu tới căn tính nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diễn ngôn tình yêu từ văn học tới điện ảnh qua the english patient và the reader (Trang 46 - 58)

CHƢƠNG 1 : TÌNH YÊU NHƢ LÀ DIỄN NGÔN

2.2. Từ ký ức tình yêu tới căn tính nhân vật

Ở thời điểm hiện tại trong cả tiểu thuyết và trong bộ phim chuyển thể, bệnh nhân người Anh được cứu thoát từ vụ máy bay rơi, sống sót trong tình trạng bị bỏng nặng toàn thân, không thể nhận diện nhân dạng và khuôn mặt, không ai biết ông là ai và chính bản thông ông cũng không nhớ/ không biết mình là ai. Bởi vì ông bị thương và nói tiếng Anh nên người ta gọi ông là bệnh nhân người Anh.

Trong tiểu thuyết, sự bí ẩn về căn cước của nhân vật này được giới thiệu qua điểm nhìn của y tá Hana, qua chính lời kể của ông cho cô nghe, qua những câu hỏi điều tra của Caravaggio - người đang truy lùng ông:

- “Nàng đã chăm sóc ông nhiều tháng trời; biết rõ thân thể ông… Ông là vị thánh tuyệt vọng của nàng” [29, tr.10]

- „Tôi rơi xuống sa mạc trong khi người đang cháy. Họ tìm thấy thân thể tôi… Họ nhìn thấy tôi trần truồng đứng dậy từ đám lửa. … Có lẽ tôi là người đầu tiên sống sót đứng lên khỏi khối máy móc đang bốc cháy. Một người đàn ông với cái đầu bốc lửa. Họ không biết tên tôi.” [29, tr.12]

- “Không còn lớp vải, ông lại là người đàn ông trần truồng bên cạnh chiếc máy bay đang cháy” [29, tr.14]

- “Ông là ai?

Tôi không biết. Cô cứ hỏi mãi.

Ông nói rằng ông là người Anh” [29, tr.13] - “Ông ta là ai? Anh hỏi.

Chúng tôi không biết tên ông ta. Ông ta không nói.

Không phải, ông ta nói chứ, ông ta nói nhiều lắm, ông ta chỉ không biết mình là ai.

Trên phim, sự mù mờ về danh tính, quốc tịch của người đàn ông này được thể hiện qua một cảnh đối thoại dài giữa ông và anh sĩ quan Đồng Minh khi ông được chuyển tới điều trị trong trạm y tế dã chiến vùng nông thôn nước Ý:

Tên, cấp bậc, số quân?

Không nhớ, tôi xin lỗi. Tôi nghĩ tôi đã là một phi công. Người ta tìm thấy tôi trong một máy bay rơi từ đầu chiến tranh.

Anh còn nhớ mình sinh ở đâu không?

Tôi đang bị hỏi cung sao? Lẽ ra anh nên thử tôi, bắt tôi nói tiếng Đức. Tôi nói được tiếng Đức.

Tại sao? Anh là người Đức à? Không.

Sao anh biết mình không phải người Đức nếu anh không nhớ gì?

Tôi nhớ nhiều lắm. Tôi nhớ khu vườn của nàng thả dốc xuống bờ biển… không còn khoảng cách nào giữa ta và nước Pháp.

Đó vườn nhà anh? Hay của vợ tôi?

Vậy là anh có gia đình?

Có lẽ thế. Mặc dù tôi nghĩ rằng đa số lính Đức cũng có gia đình… này anh, tôi còn có ngần này phổi, tôi có là người Ai Cập thì có sao đâu?”.

Vậy bệnh nhân người Anh là ai? Làm thế nào để biết được danh tính và bản sắc của ông khi ông không còn nhân dạng như cũ và bộ nhớ đã bị chấn thương? Cuốn tiểu thuyết gốc đã dần dần hé lộ căn tính nhân vật thông qua dòng ký ức được nhớ và kể lại cho y tá Hana nghe. Tồn tại trong hiện tại, nhưng bệnh nhân người Anh lại chỉ “sống” với ký ức của mình; không còn cơ thể nguyên vẹn, được nhìn thấy trong cơ thể “trần truồng” như một ẩn dụ, ông được đẩy về trinh nguyên tư tưởng, về trần trụi kỷ niệm, chỉ còn có ký ức và trở thành người “đi tìm thời gian đã mất”. Thời gian luôn là nơi cất giấu tất cả những ký ức bí mật của đời người. Bởi vậy, nó vừa là những gì hiện hữu, vừa như một kho tàng mang mật mã cá nhân. Nhờ dòng chảy của ký ức, các nhà văn hiện đại đã phục hồi dĩ vãng bằng ngôn từ

nghệ thuật. Trên thế giới, các nhà văn viết theo khuynh hướng kỹ thuật dòng ý thức rất đề cao tầm quan trọng của hồi ức: “Con người là tổng thể của các ký ức” (M. Proust), “Con người là tổng thể mọi quá khứ của họ” (W. Faulkner). Một đại diện tiêu biểu cho văn học dòng ý thức là Marcel Proust đã mong muốn người nghệ sĩ thoát khỏi quy luật thời gian, qua ngả rẽ nghệ thuật, nắm bắt được bản chất của thực tại nằm sâu, ngủ yên trong vô thức để tái tạo nó trong tư tưởng.

Nếu ký ức của bệnh nhân người Anh trong tiểu thuyết là những phân mảnh đa tầng, lớp lang và phức tạp về tình yêu đã mất, về những ngọn gió của sa mạc, về chiến tranh và sự chiếm hữu của quyền lực, về con người trên các lục địa, về huyền thoại và thi ca… để rồi từ đó người đọc nhận diện được chân dung hoàn chỉnh của bệnh nhân người Anh; thì trên bộ phim chuyển thể, dòng chảy ký ức được tập trung, rõ ràng và nguyên vẹn nhất trong lãnh địa tình yêu. “Tôi nhớ khu vườn của nàng thả dốc xuống bờ biển…”, “tôi có thể nhìn thấy tận sa mạc, tôi có thể thấy vợ tôi từ đây”. Từ ký ức tình yêu, chân dung, căn tính của bệnh nhân người Anh bắt đầu hiện diện rõ ràng và hoàn chỉnh. Qua đó, diễn ngôn tình yêu của bộ phim cũng được trình hiện một cách thuyết phục: chúng ta có thể biết và hiểu về một con người qua chính ký ức tình yêu của người đó. Hay nói cách khác, ký ức tình yêu như là sự hình thành căn tính.

Ký ức tình yêu của bệnh nhân người Anh bắt đầu được mở ra bởi “kỷ vật xúc tác” là cuốn sách Lịch sử của Herodotus - “Nó là cuốn sách ông mang theo qua ngọn lửa… ông đã thêm thắt, cắt dán những trang của cuốn sách khác vào hoặc viết những nhận xét của riêng ông” [29, tr.28]. Cho đến khi kết thúc phim, cuốn sách này trở đi trở lại, là một hình ảnh đầy sức mạnh kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Khi bệnh nhân người Anh giơ tay cố gắng lật giở cuốn sách, đạo diễn đã nhấn mạnh tới sự đấu tranh, nỗ lực của ông vượt qua không chỉ là sự tổn thương thân thể bên ngoài, mà còn có cả những chấn thương nhức nhối bên trong thông qua hình ảnh rất nhiều miếng giấy, ảnh, bưu thiếp kỉ niệm, đặc biệt là những bức ảnh người bơi mà Katharine đã vẽ trong hang động rơi ra, rải rác khắp nền nhà, như những dấu hiệu chỉ dẫn, khơi dòng ký ức.

Ngay sau những cú cận về cuốn sách là cú cắt cảnh chuyển tới sa mạc – nơi bệnh nhân người Anh gặp Katharine và bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái của mình. Xuyên suốt tự sự tình yêu trong quá khứ của bệnh nhân người Anh, chúng ta nhận thấy hầu hết những cảnh/trường đoạn ông xuất hiện trên phim đều có hoặc liên quan đến Katharine. Qua mối tình với Katharine, người xem từng bước nhìn thấy và thu thập thêm thông tin cá nhân, tính cách cũng như giá trị, con người thật sự của bệnh nhân người Anh.

Chân dung bệnh nhân người Anh

Đạo diễn đã giới thiệu về danh tính, nghề nghiệp, ít nhiều “cá tính riêng” của bệnh nhân người Anh bắt đầu từ chính cuộc gặp gỡ định mệnh của ông với Katharine. Trong trường đoạn này, Katharine được nhìn ngắm qua sự quan sát lặng lẽ của ông khi cô vừa bước xuống máy bay cùng chồng là Geotfrey Clifton. Họ cùng với những thành viên trong Câu lạc bộ cát quốc tế giới thiệu và làm quen với nhau. Đến lúc này, người xem mới thực sự biết tên thật của bệnh nhân người Anh là Almásy và là một bá tước, anh làm công việc vẽ bản đồ cho Hiệp hội địa dư hoàng gia Anh (Sau này, trong cảnh ân ái của hai người, khi Almásy cho Katharine nghe một thứ âm nhạc dân gian rất lạ, chúng ta lại biết thêm Almásy không phải là người Anh mà là người một quý tộc gốc Hungary).

Chân dung bệnh nhân người Anh trong quá khứ

Chính Katharine đã tiết lộ cho người xem biết Almásy là một người “viết cuốn sách dày đến thế mà lại dùng quá ít tính từ”. Điều đó phần nào đã cho thấy Almásy là một người luôn tiết chế cảm xúc. Cùng với tạo hình cô độc, khép kín, lịch thiệp và diễn xuất nhập vai của diễn viên Ralph Fiennes, chân dung một người luôn tìm cách che giấu cảm xúc cứ dần được bộc lộ thêm. Trong trường đoạn tiếp theo, khi Katharine kể câu chuyện lịch sử Gyges giết vua, lấy hoàng hậu và trị vì Lydia trong 28 năm, Almásy ngồi im lặng nghe nhưng những khuôn hình cận đã cho thấy ánh mắt say đắm của anh hướng về cô, mà trong cuốn tiểu thuyết coi là một lời thú nhận “Đêm hôm ấy tôi phải lòng một giọng nói. Chỉ một giọng nói… Tôi vẫn nhìn thấy nàng, vẫn bằng ánh mắt Adam [29, tr.203].

Hay trong trường đoạn Almásy lặng lẽ đi theo Katharine ở khu chợ Ai Cập đông đúc nhưng lại nói dối là sự tình cờ.

Đặc biệt, trường đoạn Almásy khiêu vũ cùng Katharine, người xem thấy rõ đam mê mãnh liệt của anh trong ánh mắt, trong vòng tay xiết chặt thật gần dành cho Katharine, nhưng những gì anh nói ra lại rất lãnh đạm và lịch thiệp.

Câu chuyện Katharine kể trước đó đã trở thành một dấu hiệu báo trước cho mối tình ngoại hôn mãnh liệt và tội lỗi của cô và Almásy. Càng yêu say đắm và thả mình vào mối tình với Katharine, Almásy càng bộc lộ rõ hơn hết con người thật của mình. Hay chính là từ khi gặp Katharine, Almásy mới tìm được bản thể cũng như ý nghĩa cuộc sống của mình.

Câu chuyện tình yêu của Almásy và Katharine trước hết là một biến thể hiện đại của motip Tristan: họ say đắm và lao vào nhau khi Katharine đã kết hôn với Clifton, mà Madox người bạn thân của Almásy đã phải lấy trường hợp kinh điển của Anna Karenina ra để cảnh báo anh. Hoàn cảnh tình yêu đó đã chứa đựng yếu tố

bi kịch, và diễn ngôn tình yêu của hai nhân vật này ít nhiều được đặt trong diễn ngôn đạo đức. Ngay cả khi hạnh phúc nhất, thăng hoa cảm xúc nhất, Katharine vẫn không ngừng ý thức về điều sai trái và tội lỗi của mình. Trong cảnh hai người ân ái bí mật trong căn phòng của Almásy ở khu chợ Cairo, Almásy đã hỏi Katharine về hạnh phúc và cô đã trả lời đây là lúc cô hạnh phúc nhất đồng thời cũng là lúc ít hạnh phúc nhất. Bởi vì cô ghét nhất sự dối trá nên dù chìm đắm trong men tình ái với Almásy, mặc cảm phản bội chồng vẫn luôn hiện hữu và dằn vặt Katharine. Do đó, Katharine là người đã chủ động nói lời chia tay với Almásy. Ngược lại, Almásy đã coi Katharine là “người vợ” thực sự của mình, đam mê mãnh liệt và khao khát có được cô khiến anh thay đổi bản chất và triết lý sống của mình trước đó. Từ chỗ “ghét sự sở hữu” đến chỗ muốn sở hữu người mình yêu, từ chỗ luôn che giấu cảm xúc đến chỗ cảm xúc dâng trào, tự phơi bày tới mức không kiểm soát được hành vi và lời nói của mình. Đỉnh điểm của sự chuyển hóa đó là cảnh trong bữa tiệc chia tay của Hiệp hội địa dư Hoàng gia, Almásy say rượu xông vào gây sự, ăn nói thô lỗ với mọi người và sau đó ghen tuông với Katharine khi thấy cô khiêu vũ với một người đàn ông khác mà không phải là mình. Trong khi cố giữ Katharine trong vòng tay như hai gọng kìm, Almásy gần như muốn chiếm hữu cô một cách thô bạo “anh muốn được chạm vào em, anh muốn có những gì của anh, những gì thuộc về anh”. Diễn xuất tuyệt vời của diễn viên Ralph Fiennes trong cảnh này đã giúp hiện hình lên chân dung đầy đủ nhất của một người đàn ông đang yêu và đang ngụp lặn tuyệt vọng trong nỗi đam mê dục vọng của chính mình.

Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu của Almásy và Katharine được xếp trong danh sách “100 phim tình cảm hay nhất của Viện phim Mỹ”24 không phải vì đó là một câu chuyện ngoại tình éo le, đam mê ngang trái theo hướng melodrama. Điểm đặc biệt và khiến The English patient trở thành một thiên tình ca có sức sống mạnh liệt

24

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_100_phim_hay_nh%E1%BA%A5t_c%E1%BB%A7a_Vi %E1%BB%87n_phim_M%E1%BB%B9, ngày truy cập 15/10/2016

và trở nên những mối tình kinh điển trên màn ảnh chính là ở cảm hứng lãng mạn hòa trộn cùng với cảm hứng sử thi.

Không gian “lạ hóa”

Mối tình của Almásy và Katharine được đặt trong một không gian đặc biệt và “lạ hóa”: sa mạc Sahara – sa mạc của những sa mạc và thủ đô Cairo của Ai Cập – vùng đất văn hóa, văn minh và tâm linh của nhân loại. Almásy và Katharine đã tìm thấy và nảy nở tình yêu trên sa mạc mênh mông đầy gió và cát; cùng nhau thám hiểm những hang động kỳ bí và thiêng liêng của người tiền sử; cùng nhau trải qua cơn thiên tai vĩ đại của tự nhiên. Trong trận bão cát kinh hoàng trên sa mạc, Almásy và Katharine lần đầu tiên có cơ hội được gần gũi riêng tư với nhau trong không gian chật chội là cabin ô tô đang được bao bọc trong cát.

Almásy và Katharine trong cơn bão cát

Trong khoảng thời gian và không gian riêng tư đó, Almásy đã kể cho Katharine nghe về lịch sử và huyền thoại của những ngọn gió trên khắp vùng lãnh thổ châu lục của trái đất: Aajei, Arifi, Bis Roz, Ghibi, Haboub, Imbat… và từ đó, chúng ta nhìn thấy được thế giới tâm hồn bên trong của Almásy: phóng khoáng và lãng mạn, hiểu biết và trí tuệ, khác với vẻ bề ngoài cô độc, u ẩn của anh. Chỉ nói về những cơn gió, không có một lời hoa mỹ ngợi ca nào đối tượng, nhưng Almásy đã khiến Katharine luôn nở nụ cười. Giữa một trận cuồng phong của gió và cát, nhưng đạo diễn lại sử dụng những khuôn hình cận cảnh trạng thái cảm xúc hạnh phúc tỏa sáng trên khuôn mặt của hai người, cùng với góc máy tĩnh cân bằng, ánh sáng chiếu ấm áp, chúng ta nhận ra rằng đây chính là khoảnh khắc hai người đã

rung động và thuộc về nhau. Và cảm xúc mà hai người đem tới cho người xem thật thuần khiết và lý tưởng.

Về sau, ngay cả những cảnh ân ái vụng trộm của Almásy và Katharine diễn ra trong căn phòng của Almásy ở khu chợ Cairo, nhà văn Michael Ondaatje vẫn đưa cảm thức về sa mạc vào khiến những gì thuộc về nhục cảm cũng trở nên thanh tao: “Trong vài giờ họ có được, căn phòng đã tối lại đến độ sáng này. Chỉ có ánh sáng của dòng sông và sa mạc’’ [29, tr.218], “Trong căn phòng trên khu chợ souk… Cairo và tất cả cả sa mạc của nó quanh chúng tôi’’ [29, tr.320]. Trên phim, xu hướng lãng mạn và nhục cảm đã quyện vào nhau trong những cảnh sex, khỏa thân táo bạo của hai người. Trong sự thăng hoa về cảm xúc và thể xác, Almásy đã nảy sinh khao khát muốn sở hữu Katharine, bắt đầu từ chỗ anh bị thu hút, ám ảnh về vết lõm nhỏ gợi cảm ở cổ cô và chỉ vào đó, gọi tên nó là “Bosphorus”, “chỗ này là của anh”. Bi kịch tình yêu của Almásy bắt đầu từ một khao khát lãng mạn nhỏ bé đó.

Không gian tình ái của Almásy và Katharien

Katharine chết, nguyên nhân đầu tiên là do chồng cô lao máy bay xuống nhằm mục đích giết cả cô, Almásy và anh ta. Nhưng khi bị Caravaggio tra hỏi có phải ông đã giết hai vợ chồng Katharine không, bệnh nhân người Anh đã tự thú tội rằng “ ấy chết là do tôi. Vì tôi yêu cô ấy. Vì tôi có cái tên không thích hợp”. Vụ máy bay rơi đó đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong trí nhớ, trong lời kể của bệnh nhân

người Anh như một vòng xoáy vô tận và ám ảnh của ký ức [tr.240, tr.328, tr.350]. Trên phim, cảnh quay Almásy bế Katharine bị thương, thân thể gói trong vải dù đi dọc vách đá trên sa mạc với những khuôn hình đa dạng từ toàn tới trung, cận rồi đặc tả sự đau đớn tột cùng của Almásy khi nghe cô nói “em đã luôn luôn yêu anh” đã trở thành một cảnh quay ấn tượng, ám ảnh và kinh điển.

Tôi mang Katharine vào sa mạc, nơi có cuốn sách chung của ánh trăng. Chúng tôi ở giữa lời thì thầm của giếng nước. Trong cung điện của gió” [29,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diễn ngôn tình yêu từ văn học tới điện ảnh qua the english patient và the reader (Trang 46 - 58)