Bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến một số lĩnh vực chủ yếu trong xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 32 - 43)

1.2. Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX và sự tái độc tôn Nho giáo

1.2.1. Bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX

Sự tồn tại và phát triển của các xã hội trong kết cấu khách quan của chúng là hệ thống những yếu tố, mối liên hệ hình thành và vận động tuân theo các quy luật vốn có của chúng. Đó là logic khách quan của sự tiến hoá xã hội. Sự thay đổi, kế tiếp nhau của các chế độ từ thấp lên cao đưa đến một xã hội mới hơn trước, tiến bộ hơn trước. Sự thay đổi triều đại của Nguyễn Ánh sau khi đánh bại Tây Sơn cũng là thực tế lịch sử cần được nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò lịch sử của nó.

Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân Thanh, lên ngôi hoàng đế năm 1789, lập nên triều Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, nội bộ triều Tây Sơn lục đục. Nguyễn Ánh đã tập trung sức mạnh của giai cấp địa chủ trong cả nước nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định làm lực lượng hậu thuẫn, cầu viện sự ủng hộ của nước ngoài đã đánh bại Tây Sơn vào năm 1802. Triều Nguyễn được lập nên sau cuộc nội chiến kéo dài. Khác với các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây về cơ bản và chủ yếu là gắn quyền lợi của triều đại đó với quyền lợi của nhân dân, thì vương triều Nguyễn lại được dựng lên bằng một cuộc nội chiến mà kẻ thắng đã dựa vào thế lực ngoại bang, và như vậy, về khách quan là đi ngược lại nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân, của dân tộc. Do vậy, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của một số ít giai cấp địa chủ, triều Nguyễn không được lòng đại đa số nông dân, khủng bố trả thù vô cùng hèn hạ đối với những người theo Tây Sơn, áp bức, bóc lột vô cùng tàn tệ những người dân bình thường… Chính vì thế, bức tranh kinh tế, chính trị, xã

hội thời nhà Nguyễn là đa dạng, phức tạp, đôi khi như tự mâu thuẫn giữa cái tiến bộ và cái bảo thủ, lạc hậu, giữa cái mạnh và cái yếu… Song, “nhà Nguyễn cũng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử: một tổ chức chính quyền quy mô hơn thay thế cho những chính quyền cũ đã quá nát ruỗng; một sự ổn định mới thay thế cho tình cảnh bấp bênh loạn lạc… mà ai cũng đã chán ghét đến cực điểm; và một nền văn hoá chính thống thay thế cho sự vô trật tự, đưa lại cho xã hội một kỷ cương, nề nếp, một sự phục hồi bản sắc… đó quả là mong mỏi chung của nhiều tầng lớp nhân dân, là khát vọng của cả một giai đoạn, là điều kiện hình thành và củng cố vị trí của triều đại Nguyễn trong lịch sử trung đại Việt Nam” [30, tr. 198].

Sự thắng lợi của dòng họ Nguyễn Phúc là hành động đánh đổ chế độ phong kiến nhà Tây Sơn để lập nên chế độ phong kiến trung ương tập quyền hết sức phản động và đi ngược lại với quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân. Ngay từ đầu đã không được lòng dân, các vua quan triều Nguyễn luôn sợ lòng dân, sợ mất ngôi. Họ tìm mọi cách để ổn định trật tự xã hội, củng cố địa vị của mình. Phục hồi Nho giáo là một biện pháp để nhà Nguyễn tăng cường sự bảo vệ và duy trì địa vị thống trị và gia tăng quyền lực của mình, là để đưa triều đại của mình trở thành triều đại thánh minh. Nhiệm vụ trung tâm của triều Nguyễn là xây dựng lại đất nước sau mấy trăm năm loạn lạc, nội chiến tàn phá trong các triều đại phong kiến trước đó. Các vua đầu triều Nguyễn rất coi trọng ổn định và phát triển đất nước, trong đó có việc học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, phát triển nông nghiệp, xây dựng luật pháp… Các vua Nguyễn cho rằng, không thể duy trì và phục hồi đất nước nếu không có chế tài độc đoán, luật lệ hà khắc. Và vì lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng, là công cụ thống trị, cho nên “Khổng giáo lúc đó không chỉ tiếp tục nô dịch quần chúng nhân dân mà còn đem lại cho vua chúa phong kiến những ý nghĩ và việc làm ngu muội nhất” [83, tr. 283].

Có thể nói rằng, với tồn tại xã hội có nhiều yếu tố phức tạp sau cuộc nội chiến, nhà Nguyễn không còn lựa chọn nào khác là phải dùng đến hệ ý thức phong kiến Nho giáo với những Tam cương, Ngũ thường, Ngũ luân của Hán Nho và Tống Nho để duy trì và củng cố sự thống trị tuyệt đối của mình. Gia Long và các vua Nguyễn sau đó đã thiết lập ở nước ta chế độ quân chủ

chuyên chế, tăng cường bộ máy đàn áp, thi hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố, bảo vệ quyền lợi của vương triều.

Trị nước theo khuôn khổ phong kiến của triều Nguyễn mang nặng tư tưởng tự tôn, tự mãn về thể chế quốc gia, luôn coi mình là “Hoa hạ” còn các nước khác đều là di, dịch cả. Các vua Nguyễn bị hạn chế lịch sử, trói buộc bởi ý thức hệ phong kiến, mặt khác xã hội Việt Nam lúc đó vẫn là xã hội nông nghiệp với dân cư chủ yếu là nông dân, tư tưởng “nông vi bản, thương vi mạt” đã lỗi thời và lạc hậu chi phối, chưa xuất hiện một lực lượng xã hội nào khác tiến bộ hơn và tiêu biểu cho một phương thức sản xuất mới, một mô hình xã hội mới và tiến bộ hơn.

Về chính trị, vua nắm mọi quyền hành một cách độc đoán. Tổ chức nhà nước mang đậm tính chất quân chủ chuyên chế và tập trung cao độ. Dưới vua, chính quyền trung ương gồm Thị Thư viện (sau đổi thành Văn thư phòng, rồi đổi thành Nội các), Viện cơ mật, Tông nhân phủ, 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Bộ Lại chuyên trách việc bổ dụng, cất nhắc, thăng giáng và thuyên chuyển quan lại; bộ Hộ chuyên trách việc tài chính, lương tiền; bộ Lễ chuyên trách việc lễ nghi, giáo dục, ngoại giao; bộ Binh chuyên trách việc tổ chức quân đội, quân sự, bảo vệ biên giới, dân tộc thiểu số; bộ Công chuyên trách việc giao thông, xây dựng, thổ mộc nói chung; bộ Hình chuyên trách việc soạn thảo pháp luật, xử những vụ trọng án. Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư, dưới là Tả (Hữu) thị lang. Nhà Nguyễn đặt thêm chức Tả (Hữu) tham tri ở dưới Thượng thư và trên Thị lang. Chính quyền địa phương gồm: 2 doanh, 4 trấn (miền Trung) 11 trấn (ở Bắc thành) 5 trấn (Gia Định thành). Dưới các doanh, trấn chia ra thành phủ, huyện hoặc châu. Sau này, năm 1831-1832, Minh Mạng đổi các dinh trấn thành tỉnh. Toàn bộ quốc gia chia thành các đơn vị hành chính từ lớn đến nhỏ: tỉnh, phủ, huyện, châu, tổng, xã. Tổng cộng có 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Để đề cao hơn nữa uy quyền của nhà vua, Gia Long đặt lệ Tứ bất: không lập tể tướng, không lập hoàng hậu, không lấy trạng nguyên, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc. Điều này thể hiện tính chất chuyên chế cao độ, nhằm tập trung mọi quyền hành của nhà nước vào một người, đó là vua. Theo đó, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

đều do vua nắm, quyết định tối cao trên mọi phương diện. Mặt trái của nó tất yếu dẫn đến lộng quyền, độc đoán trong cai trị và quản lý nhà nước.

Xã hội phong kiến Việt Nam đình trệ lâu dài và về cơ bản là một xã hội nông nghiệp thuần tuý. Ở đó, Nho giáo chỉ dạy “dĩ nông vi bản”. Nho giáo chỉ coi trọng nông nghiệp, coi khinh công thương nghiệp. Tư tưởng kinh tế phiến diện này xuất phát từ tư tưởng chính trị xã hội và đạo đức của Nho giáo là coi trọng đạo lý và xem nhẹ vật chất. Đối với một xã hội cận đại như xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ thứ XIX, nếu vẫn theo con đường ấy, vẫn coi “việc gốc của thiên hạ là nghề nông” [113; tr. 6] thì khó có thể làm cho dân no đủ và đất nước phú cường được.

Đến nửa đầu thế kỷ XIX, nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu và là nền tảng kinh tế chủ yếu của xã hội phong kiến Việt Nam. Song tình hình ruộng đất thời kỳ này phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: ruộng đất bỏ hoang, nông dân phiêu tán, nội chiến làm cho nền nông nghiệp càng thêm xơ xác, lạc hậu. Vấn đề đặt ra cho triều Nguyễn lúc này là khôi phục lại sản xuất, đưa nông dân về với ruộng đồng, ổn định làng xã, ổn định an ninh lương thực. Đây là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc trị quốc, an dân. Nhưng trải qua bốn đời vua, chính quyền nhà Nguyễn không phát huy được khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp của mình. Với những gì còn lại sau thời gian dài nội chiến, nông nghiệp và nông thôn cần có các chính sách có lợi cho nông dân và cho sản xuất nông nghiệp. Các vua Nguyễn đã thực hiện một số biện pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp, đưa nông dân về với ruộng đất, ngăn chặn nạn cướp đoạt ruộng đất của địa chủ, cường hào. Có thể đưa ra một số biện pháp chủ yếu mà triều Nguyễn đã triển khai như sau:

Năm 1804, Gia Long ban hành phép quân điền. Theo đó, tất cả mọi người đều được chia ruộng công, trừ các quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại nhất phẩm được cấp 15 phần, cứ tuần tự hạ mức cho đến dân nghèo được 3 phần. Đến triều Minh Mạng vẫn theo chế độ quân điền, như nhà vua dụ rằng: “Cách quân điền là để bớt chỗ nhiều thêm cho chỗ ít, lợi công cộng cho nhân dân, là phép rất hay” [115, tr. 836]. Song trên thực tế, chính

sách quân điền không có tác dụng đáng kể, dân nghèo vẫn không có ruộng đất. Tình trạng chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của địa chủ, cường hào cùng nạn ruộng đất bị bỏ hoang, nông dân lưu tán diễn ra có chiều hướng nghiêm trọng ngay sau khi Gia Long lên ngôi và kéo dài trong suốt triều Nguyễn, là những nguyên nhân sâu xa làm cho kinh tế của người nông dân không thể nào phục hồi được. Trong khi đó, việc các vua Nguyễn thi hành chính sách quân điền, về thực chất, là nhằm đảm bảo quyền lợi kinh tế của quan lại và binh lính. Trong khi phần lớn ruộng đất được cấp cho quan lại, binh lính, thì ruộng công làng xã bị thu hẹp, số ruộng còn lại cấp cho nông dân càng ít và chỉ là những ruộng xấu. Trên thực tế, chế độ quân điền của triều Nguyễn chỉ là một trong những biện pháp để trói buộc người nông dân vào tổ chức làng xã và thực hiện nghĩa vụ tô thuế, lao dịch, binh dịch đối với nhà nước phong kiến mà thôi.

Bên cạnh chính sách quân điền, vua Gia Long cho mở nhiều đồn điền, khẩn hoang. Sau khẩn hoang, nông dân cày cấy vài năm rồi bỏ đi vì tô thuế quá nặng. Tình trạng nông dân lưu tán dưới triều Gia Long không hề giảm bớt. Minh Mạng tiếp tục chính sách khai hoang của Gia Long, tiến hành hàng loạt các chính sách trọng nông, như trong lời dụ cử Nguyễn Công Trứ làm Doanh điền sứ, nhà vua đã nói: “Nay các hạt Bắc thành dần yên, nhân dân hơi biết hướng theo giáo hoá có thể nhân cơ hội này, đưa dân về ruộng đất, khiến yên nghiệp làm ăn, dân có của thường thì có lòng thường, bọn trộm cướp tất phải tan đi mà ngầm hoá. Vả lại triều đình khai hoá không cái gì trước việc dạy dân chăm nghề gốc. Nay việc dinh điền đã giao cho khanh phàm việc có thể làm lợi trừ hại cho dân, cho tuỳ tiện mà làm, nên hết lòng xếp đặt sớm báo thành công, để yên ủi lòng trẫm mong đợi” [112, tr. 720-721]. Kết quả là, Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ dân phiêu tán đi khẩn hoang, lập làng mang lại kết quả ở Ninh Bình, Thái Bình. Các tổng huyện mới được thành lập, diện tích canh tác được mở rộng. Đồng thời với việc khai khẩn ruộng hoang nhằm mục đích kinh tế, chính sách khai hoang của triều Nguyễn còn có tác dụng trong việc gìn giữ biên cương. Như trong một lời dụ, Minh Mạng đã viết: “Khai khẩn ruộng hoang càng là chính sách cốt yếu làm cho biên cương được đầy đủ, nên gia tâm chiêu dân nhận để khai khẩn, hoặc sức cho biền binh

đóng giữ, lúc có việc thì nghiêm cẩn phòng bị hơn nữa, lúc không việc thì ra sức cày cấy, sao cho ruộng nương ngày một mở mang, thóc chứa năm một thêm lên, cũng là giúp cho địa phương biên cương được vững bền đó” [61, tr. 193].

Vua Tự Đức, trước tình hình đất nước “vào quãng đời giữa, lòng người dễ phần buông lỏng, chính trị và giáo dục không được sửa sang, diềng mối không chấn hưng được...” [63, tr. 105], nên ra sức khuyến khích nhân dân khôi phục và phát triển nông nghiệp. Vua bảo các thần rằng: “thóc là của báu trong nước, nguồn sống của dân, vì thế cho nên đời xưa mới trọng việc làm ruộng. Nay nên dụ cho khắp các địa phương đều sức cho phủ, huyện, châu trong hạt phải hết lòng khuyến dạy về việc nông. Về xã thôn nào lưu tán, ruộng đất bỏ hoang, thì phải gọi dân về cày cấy. Riêng đất, chỗ nào có thể cày cấy được mà bỏ hoang, thì sức cho nhân dân đến khai khẩn, cứ đến cuối năm kê khai làm sổ tư đi, do bộ chia từng hạng làm bản tâu lên, đợi chỉ định thưởng phạt, để tỏ sự khuyên răn” [64, tr. 129].

Nhìn chung, kinh tế nông nghiệp dưới triều Nguyễn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia. Mặc dù thi hành chính sách “trọng nông”, nhưng do sự bất lực của nhà nước phong kiến, chính sách này không những không bảo vệ và phát triển nông nghiệp mà còn làm cho nông dân lâm vào cảnh ai oán, điêu tàn. Khẩn hoang và lập ấp làm tăng diện tích cày cấy, nhưng kết quả khẩn hoang phần lớn rơi vào tay đại chủ cường hào. Quá trình chiếm đoạt và tập trung ruộng đất vào tay địa chủ, và gắn liền với nó là sự bần cùng hoá nông dân diễn ra mạnh mẽ. Tô thuế là nguồn thu chính của nhà nước cũng bị bọn quan lại ăn cắp, tính gian, hà thu lạm bổ, gây ra nhiều tổn hại cho nhân dân. Các chính sách bảo vệ nông nghiệp không được quan tâm, nhà nước chỉ chú trọng cầu trời cho ít thiên tai, cầu mưa thuận gió hoà… khi thiên tai xảy ra, việc cứu trợ cũng không kịp thời và ít ỏi. Đồng thời, với việc triều Nguyễn bảo tồn công xã nông thôn (còn gọi là làng xã) nhằm tạo sức sống ổn định, lâu dài càng chứng tỏ chế độ phong kiến được xây dựng trên cơ cấu kinh tế ấy chưa thể thay đổi. Chế độ công điền, công thổ được duy trì lâu dài cùng với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp càng làm cho làng xã trở thành đơn vị

khép kín, cản trở quá trình tư hữu hoá ruộng đất, hạn chế sự phát triển của quan hệ hàng hoá - tiền tệ.

Thuế nông nghiệp của triều Nguyễn cũng hết sức nặng nề và được đánh giá là cao nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Mặc dù vào những năm mất mùa, hoặc nhân dịp khánh tiết, nhà nước thường miễn, giảm thuế ở những mức độ khác nhau, nhưng về cơ bản, chính sách về thuế của triều Nguyễn, nhất là thuế nhân đinh, lao dịch đã làm hao mòn, suy yếu sức dân. Đúng như các tác giả cuốn Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam đã đánh giá: “Chính sách nông nghiệp của nhà Nguyễn, rút cục lại, chỉ nhằm mưu lợi cho giai cấp thống trị, bảo đảm cho dân đóng đủ sưu thuế tạp dịch mà thôi. Do các chính sách có mục đích phản động như thế, chính quyền nhà Nguyễn đã phá hoại kinh tế tiểu nông của nông dân, khuyến khích nạn chiếm hữu ruộng đất, mà mọi tệ nạn tham nhũng, hà thu lạm bổ vẫn có cơ sở hoành hành nghiêm trọng. Và do đó, nông dân càng đói khổ cùng cực”, ngoài ra đó còn là “nguyên nhân chính của thảm trạng nhân dân lưu tán thường xuyên và phổ biến khắp 3 kỳ, làm nổ ra liên tiếp những cuộc khởi nghĩa lớn lao, làm lay

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến một số lĩnh vực chủ yếu trong xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 32 - 43)