Vị trí, vai trò của Nho giáo dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến một số lĩnh vực chủ yếu trong xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 43 - 49)

1.2. Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX và sự tái độc tôn Nho giáo

1.2.2. Vị trí, vai trò của Nho giáo dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX

Vị trí, vai trò của Nho giáo dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX thể hiện qua chính sách cai trị của các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Nguyễn Ánh - Gia Long chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng, đề cao Nho học. Minh Mệnh tiếp tục khẳng định và nâng cao hơn nữa vị trí của Nho giáo và Nho học. Tự Đức là nhà vua am hiểu Nho giáo, đề xướng nhiều hoạt động học thuật nhằm khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của Nho giáo trong xã hội.

Đến thế kỷ XIX, Nho giáo giành được địa vị độc tôn tuyệt đối trong hệ tư tưởng chính thống. Vai trò quan trọng và vị trí độc tôn của Nho giáo dưới triều Nguyễn thể hiện ở những mặt chủ yếu sau đây trong xã hội:

Nho giáo với tư cách là học thuyết chính trị - xã hội đã được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX sử dụng làm

hệ tư tưởng chính trị, là công cụ để xây dựng, quản lý và bảo vệ triều đại. Vì vậy, Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong việc định ra và thực hiện đường lối đức trị, xây dựng và thực thi pháp luật, hình thành và phát triển nền giáo dục khoa cử nước ta dưới chế độ phong kiến.

Như trên đã trình bày, nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam diễn ra nhiều biến động hết sức sâu sắc. Đây cũng là thời kỳ lịch sử mà xã hội phong kiến Việt Nam, chế độ phong kiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức của lịch sử. Thời kỳ này diễn ra nhiều thăng trầm và bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta, điều đó cũng quy định những thay đổi của Nho giáo trong nửa đầu thế kỷ XIX.

Từ khi tiêu diệt triều Tây Sơn lập nên nhà Nguyễn đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, triều Nguyễn đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự độc tôn Nho giáo và thực hiện Nho giáo hoá toàn bộ đời sống xã hội để duy trì quốc gia và địa vị thống trị của mình.

Trước hết, là cấm các tôn giáo và những hoạt động tín ngưỡng, bói toán

trong xã hội. Nhà Nguyễn coi Phật, Đạo là tà giáo và bằng mọi cách hạn chế nó, song hai tôn giáo này vẫn ảnh hưởng đến nhân dân; đặc biệt cấm đạo Thiên chúa và hạn chế việc truyền đạo của các giáo sĩ. Theo vua quan nhà Nguyễn, đạo Thiên chúa chỉ làm chia rẽ đoàn kết dân tộc.

Nhà Nguyễn hạn chế Phật giáo trong đời sống chính trị, nhưng trong đời sống tâm linh, Phật giáo vẫn được nhân dân coi trọng, được nhà Nguyễn sử dụng để thu phục lòng dân vì những mục tiêu chính trị của họ. Biểu hiện rõ nhất là việc các vua Nguyễn cho xây, sửa chùa chiền, nhất là ở Huế; làm lễ cầu đảo, siêu độ cho những binh lính chết trận… Năm 1840, các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh có dịch lệ, vua sai các sư ở kinh đến làm đàn chay ở chùa Phật Tích (Sơn Tây) trong 21 ngày đêm để cầu an. Các vua còn mở trai đàn, pháp hội ở các chùa Huế khi có đại tang, đại khánh, chúc thọ, cầu phúc… Các lễ Vu lan, Phật đản đều được tổ chức long trọng hàng năm. Chính vua Minh Mạng - một ông vua rất sùng đạo Nho, khi ra chơi xem làm chay ở chùa Thiên Mụ, nhân đó bảo quan hầu rằng: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng tử chỉ dạy luân thường là món dùng hàng ngày, song tóm lại chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ở

trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người bằng thuyết họa phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người làm điều thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống lại cũng không thể đổi bỏ đi được” [114, tr. 718].

Đối với Thiên chúa giáo, nhà Nguyễn lại đưa ra những chính sách cứng rắn hơn. Khi Gia Long ở ngôi, thấy được hiểm họa do tôn giáo này đem lại, ông đã hạn chế tầm ảnh hưởng của nó song chưa thực sự cấm đạo triệt để. Chỉ đến thời Minh Mạng, việc cấm đạo Thiên chúa mới hết sức gắt gao. Vua dụ Bộ Hình rằng: “Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ: cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng, Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí riêng lập nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật” [113, tr. 415-416]. Từ nhận định như vậy, Minh Mạng đã có những quy định xử phạt rất nghiêm đối với những người theo đạo và những người truyền đạo Thiên chúa. Như nhà vua này đã nói: “Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi... Nhân nghĩ: các hạt còn có những kẻ cố chấp mê man, trôi giạt quên đường về. Song, tính giữ đạo thường, người người đều có nếu biết tỉnh ngộ liền có thể trở thành lương thiện. Phải nên một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới, để tỏ cái ý trước hãy giáo dục, sau mới dùng đến hình phạt. Vậy truyền dụ Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh bá cáo khắp quan, quân, dân, thứ trong hạt. Có ai trước đã trót theo đạo Gia tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ: bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng thì ra lệnh huỷ triệt đi. Bao nhiêu việc mê tín sai lầm trước đó đều không xét nữa. Sau phen răn bảo thiết tha này nếu kẻ nào không chừa thói cũ còn dám lẻn lút tụ tập nhau, cam tâm vi phạm lệnh cấm, một khi bị phát giác ra thì liền trị tội nặng. Lại nghiêm cấm võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tạ sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiễu dân. Kẻ nào vi phạm

sẽ phải tội” [113, tr. 416]. Thậm chí, triều Nguyễn còn cho rằng, đạo Gia tô là một mối nguy đe dọa đối với an ninh quốc gia, làm phương hại đến chính đạo (Nho giáo): “Gia tô tà đạo làm hại rất nhiều, bọn người nước Tây dương thường thường lẻn đến nước ta, nhân đem thuật ấy cổ động dụ dỗ dân ngu, ngầm mưu gây việc…. Bọn đạo trưởng kia nguyên là dối trá chẳng lành, sự thể quan yếu, coi như không để ý đến, không biết bọn ngươi làm quan, thì làm việc gì?...

Bọn ngươi đều do trẫm đặc cách kén chọn, nên phải tự mình hết lòng tìm cách bắt giặc, đem chém giết ngay cho hết tả đạo, không được riêng đùn cho người, có phụ sự uỷ thác lớn, lại một mặt truyền bảo dân gian đại khái nói: đạo trưởng nước Tây cổ động mê hoặc lòng người, mưu toan làm phản, phép nước không thể dung tha, nay sai nã bắt, cốt chỉ trừ bỏ người nước Tây ấy để khỏi làm hại dân. Người dân các ngươi…, dù trước đã lầm theo đạo, nay biết tình nguyện hối đổi, bước qua giá chữ thập, đó là thực lòng bỏ đạo, đều tha cho về sinh nghiệp, khiến cho hiểu biết rõ ràng, đều biết theo điều hay tránh điều dở, sẽ không phải trị bằng hình pháp mà tự cảm hoá được” [115, tr. 313-314]. Đến thời Thiệu Trị và Tự Đức, cấm đạo ngày càng được luật hoá. Tự Đức đã định rõ điều lệ cấm đạo Gia tô.

Thứ hai, Nho giáo được đề cao bằng việc nhà Nguyễn mở rộng hệ

thống nhà trường và giáo dục khoa cử. Học Nho chủ yếu là "thuật nhi bất tác", thi cử còn tiêu cực nhưng đã được hạn chế. Điều đó tạo ra hệ thống tầng lớp quan lại, nâng trình độ Nho học tương xứng với quan tước và bổng lộc. Phần lớn các chiếu, dụ của vua là theo tinh thần tư tưởng của Nho giáo. Cũng như dưới triều Lê Thánh Tông, vua quan nhà Nguyễn phần lớn đều có trình độ Nho học. Vua Minh Mệnh, Tự Đức đều am hiểu Nho học, tự ra đề thi, hỏi vấn đáp thi Tiến sĩ. Quan lại được tuyển chọn chủ yếu thông qua khoa cử Nho học. Triều Nguyễn dùng Nho giáo như một công cụ chủ yếu trong việc cai trị và quản lý xã hội và do vậy mà đã cố gắng và bằng mọi cách đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn, làm cho nó chi phối toàn bộ đời sống xã hội.

Các hoạt động học và khảo cứu Nho học vẫn được duy trì nhằm phục hưng và tôn sùng Nho giáo. Tự Đức dịch sách Luận ngữ sang chữ Nôm để truyền bá tư tưởng Nho giáo sâu rộng trong nhân dân. Nhà Nguyễn đưa

ra "Nhị thập tứ điều", "Thập huấn điều" để giáo hoá, đôn nhân luân cho nhân dân theo tinh thần Nho giáo cũng chủ yếu nhằm mục đích trên đây.

Thứ ba, Nho giáo được triều Nguyễn đưa lên địa vị độc tôn trong hệ tư

tưởng chính thống. Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều coi Nho giáo là học thuyết duy nhất và có hiệu quả nhất trong việc duy trì, bảo vệ địa vị thống trị và đáp ứng lợi ích lâu dài của vương triều Nguyễn, cũng như yêu cầu ổn định trật tự, kỷ cương của xã hội; có khả năng bài bác lý thuyết của Gia tô.

Trước hết cũng cần khẳng định rằng, dưới triều Nguyễn, Nho giáo trở lại vị trí hệ tư tưởng chính thống, một mặt là phương tiện để đè bẹp các âm mưu và hành động chống nhà Nguyễn của nhân dân và các thế lực phong kiến khác; mặt khác là nhằm đáp ứng được lợi ích của triều Nguyễn, đó là nhu cầu ổn định xã hội, phục hồi sản xuất, bảo vệ biên cương. Đồng thời đó cũng là một lựa chọn sáng suốt của Nguyễn Ánh và triều Nguyễn khi nhận ra sự tồn tại và phát triển của Gia tô tại Việt Nam lúc đó, cũng như những ảnh hưởng của các giáo sĩ, thầy tu nước ngoài là nguy cơ tiềm ẩn đối với địa vị thống trị của triều Nguyễn. Do vậy, độc tôn Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng chính thống trong chính sách cai trị của nhà Nguyễn là sự lựa chọn có tính lịch sử và có thể lý giải được.

Tất cả những hoạt động trên chứng tỏ Nhà Nguyễn không chỉ lựa chọn mà tạo ra những điều kiện thuận lợi và bằng mọi cách chủ động, tích cực đưa Nho giáo trở lại vị trí độc tôn nhằm duy trì sự ổn định, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, duy trì địa vị thống trị, lợi ích của giai cấp thống trị phong kiến triều Nguyễn. Nhà Nguyễn tuyên truyền tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng thân dân của Nho gia, đề cao Tống Nho và Hán Nho trong các nguyên tắc đạo đức, chính trị, pháp luật theo tinh thần tam cương, ngũ thường, thể hiện rõ nhất trong Luật Gia Long. Mặc dù vậy, cũng ở giai đoạn này, đã bộc lộ sự bất lực của Nho giáo. Nho giáo cùng với triều Nguyễn không dập tắt được các phong trào nông dân diễn ra liên tục. Đúng là Nho giáo là hệ tư tưởng, là công cụ thống trị của chế độ phong kiến triều Nguyễn, nhưng đến lúc này, Nho giáo lại là công cụ căn bản của triều đình phong kiến nhằm chống lại nhân dân, là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để đè bẹp ý thức và hành động

phản kháng của nhân dân. Vì vậy mà trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Nho giáo đã bộc lộ tính chất phản động và kết thúc vai trò lịch sử của nó trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Kết luận chương 1

Nho giáo là một học thuyết triết học, chính trị, đạo đức ra đời và phát triển trong xã hội phong kiến Trung Quốc thời Xuân Thu - Chiến quốc. Nho giáo là một học thuyết có mục đích duy trì, bảo vệ tôn ty trật tự của chế độ phong kiến và địa vị thống trị, uy quyền tuyệt đối của giai cấp quý tộc phong kiến. Do vậy, trong học thuyết của Nho giáo, các nhà Nho đã viện tới ý trời, mệnh trời, kết hợp đức trị với pháp trị trong cai trị, quản lý xã hội chủ yếu nhằm củng cố, bảo vệ chế độ phong kiến, địa vị, lợi ích của giai cấp quý tộc và phong kiến thống trị.

Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc song nó chỉ thực sự giữ vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội phong kiến Việt Nam từ thế kỷ thứ XI trở đi. Nho giáo Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XV được các nhà nước phong kiến Việt Nam lựa chọn và phát triển phục vụ cho công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; nó phát triển toàn thịnh, được độc tôn tuyệt đối trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI; và từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, nó bộc lộ các yếu điểm và dần suy yếu, không thể hiện được vai trò, vị trí của nó trong xã hội phong kiến Việt Nam như trước đây. Đến đầu thế kỷ thứ XIX, Nho giáo được nhà Nguyễn đưa lên vị trí độc tôn trong hệ tư tưởng chính thống. Dưới triều Nguyễn, Nho giáo một mặt là phương tiện để đè bẹp các âm mưu và hành động chống nhà Nguyễn của nhân dân và các thế lực khác; mặt khác là nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định xã hội, phục hồi sản xuất, bảo vệ biên cương của triều Nguyễn. Song trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, Nho giáo đã không thể hiện được vai trò là hệ tư tưởng tiên phong để đánh đuổi thực dân, mà đã bộc lộ tính chất phản động và cuối cùng kết thúc vai trò lịch sử của nó trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Chương 2

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CHỦ YẾU CỦA NHO GIÁO DƯỚI TRIỀU NGUYỄN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX

Như chương 1 đã trình bày, nửa đầu thế kỷ thứ XIX, dưới triều Nguyễn, nhằm khắc phục sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam và Nho giáo, nhằm mục đích kiến tạo, duy trì và phát triển bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền và địa vị thống trị của mình, nhà Nguyễn đã tiếp tục như các triều đại phong kiến trước đây, lựa chọn Nho giáo và hơn nữa tái địa vị độc tôn Nho giáo với tư cách là hạt nhân của hệ tư tưởng phong kiến, và bằng mọi cách làm cho Nho giáo trở thành một trong những công cụ, phương tiện hiệu quả nhất để thực hiện những mục đích chính trị của mình. Chính vì vậy mà Nho giáo đã ảnh hưởng, chi phối đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của xã hội phong kiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ thứ XIX. Ở chương 2 này chúng tôi làm rõ hơn, cụ thể hơn vị trí, vai trò cùng những ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam, mà trong mục 1.2.2 (Chương 1) của bản Luận văn đã phác họa đôi nét.

Đúng là nửa đầu thế kỷ thứ XIX dưới triều Nguyễn, Nho giáo ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của xã hội phong kiến Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng, những lĩnh vực chủ yếu nhất của xã hội phong kiến Việt Nam như chính trị, giáo dục - khoa cử, xây dựng và thi hành pháp luật chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất, rõ rệt nhất của Nho giáo và cũng qua đó cho thấy rõ hơn, cụ thể hơn vị trí, vai trò của Nho giáo trong giai đoạn cuối cùng của xã hội và chế độ phong kiến Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến một số lĩnh vực chủ yếu trong xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)