Giáo dục Nho học trong xã hội phong kiến là nhằm tuyển chọn nhân tài đảm nhận các chức vụ quản lý xã hội theo khuôn mẫu chế độ phong kiến mà Nho giáo đã quy định. (Chọn những người tài giỏi ra làm quan cai trị dân). Đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng để truyền bá, bảo vệ Nho giáo và ý thức hệ phong kiến.
Tinh thần cơ bản của cái học Nho học là đạo học, là tâm học, tức là học để trau dồi nhân cách con người theo những chuẩn mực của thánh hiền đời xưa, học để biết đạo xử thế, đạo làm người, đạo làm quan, làm vua. Trong đó,
mục đích giáo dục rõ ràng là để "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", đó cũng là đạo làm người của mẫu người lý tưởng - người quân tử thời phong kiến.
Giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX là nền giáo dục Nho học được nhà nước phong kiến quan tâm và phát triển, thể hiện tinh thần "sùng Nho học", "chấn hưng văn giáo". Nguyễn Đức Đạt - một nhà nho yêu nước thế kỷ XIX rất quan tâm, đề cao việc dạy và học. Theo ông, học là để tu dưỡng, rèn luyện bản thân, không vì mục đích để làm quan: “Người quân tử học là vì mình, không phải học để làm quan. Vì mình, cho nên học suốt đời. Kẻ học để làm quan thì chỉ học khi chưa được làm quan, đến khi được làm quan thì thôi không học nữa” [84, tr. 116] và “Sức kiến thức có hạn và sự lý thì vô cùng. Học giả không quý biết hết, chỉ quý biết cho đến nơi đến chốn; không cần nhớ hết, chỉ cốt nhớ cho tinh tường” [84, tr. 116].
Như nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, nhà nước phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn cũng khuyến khích, mở mang việc học để chọn tuyển lựa nhân tài dùng cho nhà nước, phát triển Nho giáo, giúp dân hiểu và làm theo giáo hoá. Đối với nhà nước thì, “giáo dục và khoa cử Nho học là biện pháp quan trọng để tái sinh liên tục Nho sĩ và Nho giáo Việt Nam” [15, tr. 69].
Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đất nước sau mấy trăm năm chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, thì một trong những nhiệm vụ và biện pháp chủ yếu nhất để nhằm mục đích ấy là, các vua đầu triều Nguyễn đều rất chú trọng việc giáo dục để tuyển chọn nhân tài, đào tạo ra những con người cần có cho chế độ phong kiến và Nho giáo hoá toàn bộ đời sống xã hội. Vì vậy mà trong thời gian "nửa đầu thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn đều là những người tích cực truyền bá Nho học và đào tạo Nho sĩ. Vua Gia Long quy định nội dung học tập cho các lứa tuổi; Minh Mạng và Tự Đức đều tự mình ra đề thi cho các kỳ thi Hội và thi Đình. Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có hàng loạt "Thi tập" và "Văn tập", đều có những đề tài cho đình thần ứng đối. Dưới sự chỉ đạo của Minh Mạng, triều thần nhà Nguyễn xây dựng bộ "Minh Mệnh chính yếu", trong đó thể hiện xu hướng phục hồi đạo Nho và xuất phát từ các yếu tố gọi là tích cực của nhà Nho để trị nước. Tự Đức diễn
Nôm cuốn Luận ngữ để cho mọi người biết tư tưởng của Khổng Tử. Việc làm đó của họ để đào tạo nên những con người có tư tưởng và hành động theo đúng đạo Nho" [96, tr. 153].
Ảnh hưởng của Nho giáo trong lĩnh vực giáo dục - khoa cử nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn thể hiện nổi bật ở mục đích, nội dung, phương thức, đối tượng giáo dục - khoa cử.
Về mục đích giáo dục Nho học là dạy đạo làm người theo chuẩn mực
của Nho giáo; là đào tạo ra tầng lớp nho sĩ, những trí thức để họ thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chế độ phong kiến và đất nước; là đào tạo ra tầng lớp người nắm vững đạo thánh hiền để bổ sung vào bộ máy nhà nước phong kiến. Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đã ý thức về chức năng và vai trò của giáo dục - khoa cử Nho giáo đối với sự nghiệp chính trị của mình nên đặc biệt quan tâm đến giáo dục và các biện pháp tổ chức học hành, thi cử Nho học. Dưới triều Nguyễn, mục đích giáo dục vẫn là đào tạo con người làm chính sự, đào tạo con người có đạo đức, học để làm quan, tạo ra tầng lớp người nắm vững, thấm nhuần lời dạy của thánh hiền trong Tứ thư, Ngũ kinh để giúp vua trị nước, trị dân, để truyền bá nội dung đạo đức, chính trị của Nho giáo.
Các vua Nguyễn chú trọng đến việc học hành thi cử Nho học, trước mắt và lâu dài là để đào tạo, tuyển chọn và bổ sung cho bộ máy phong kiến quan liêu, chuyên chế to lớn vừa được xây dựng trên phạm vi cả nước: "... dùng khoa mục để kén lấy kẻ sĩ, vẫn là đường chính" [114, tr. 117] và “đặt ra khoa thi để lấy nhân tài, vốn muốn được nhiều nhân tài để cho nhà nước dùng” [93, tr. 384]. Họ đều nhận rõ vai trò trọng yếu của văn hoá, giáo dục, tư tưởng trong công việc củng cố chính quyền: “muốn có nhân tài trước phải giáo hoá. Nay ở kinh sư số học giả còn ít bởi phép dạy chưa đầy đủ. Trẫm muốn dựng nhà Quốc học và quán Sùng văn để tỏ bày giáo hoá, khiến cho học giả bốn phương nhóm họp ở kinh sư; ai học tiến ích thì ưu cấp lương lẫm, học lâu không tiến thì trách phạt, như thế học trò biết sự khuyên răn, mà nhân tài ngày thêm thịnh vượng” [111, tr. 933]. Mục tiêu chính là tập trung mọi quyền hành, thống nhất chính trị, thống nhất tư tưởng.
Nhằm chấn hưng văn hoá, mở mang việc học và tuyển chọn quan lại có thực lực Nho học, các vua đầu triều Nguyễn đã tích cực khôi phục, phát triển nền giáo dục Nho học, như năm 1803, Gia Long đặt trường Quốc tử giám ở kinh đô; năm 1807, Gia Long mở lại khoa thi Hương đầu tiên; năm 1822, Minh Mạng mở khoa thi Hội và thi Đình đầu tiên. Vua Thiệu trị và Tự Đức cũng đều đặn mở các khoa thi để lấy nhân tài, khảo quan, mở các ân khoa… Minh Mạng nghị mở Ân khoa, dụ rằng: “Làm cho đời được thịnh trị, đào tạo lấy nhân tài là thịnh điển của nước nhà. Trẫm lưu tâm chuộng việc văn học, đặt khoa thi lấy người học thức, đã ấn định lệ cứ 3 năm một lần thi, làm phép nhất định. Sang năm gặp tiết thọ ngũ tuần của trẫm, đáng nên làm điển lễ vui mừng, thi ân cho bọn học trò… Vậy bộ Lễ truyền bảo cho học trò các hạt biết để chúng tự rèn dũa trước, để đáp lại cái ý tốt của ta sùng thượng văn học” [115, tr. 500-501]. Triều Nguyễn quan niệm rằng: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được. Phải nên giáo dục thành tài, rồi sau thi Hương, thi Hội lần lượt cử hành, thì người hiền tài sẽ nối nhau lên giúp việc” [111, tr. 527] và “Thi Hội là thịnh điển kén chọn người tài… Thi Hội so với thi Hương, thực là trọng hơn… thực là lấy sự thi đỗ để làm bậc thang ra làm quan” [61, tr. 225].
Theo Nho giáo, đối tượng giáo dục là “hữu giáo vô loại” (bất luận người nào cũng dạy) [43, tr. 268]. Song thực tế không phải ai cũng được học Nho giáo, không phải với người nào cũng được dạy như nhau, có người chỉ dạy để sai khiến, có người dạy mà không hiểu, không biết suy thì không dạy nữa. Khổng tử nói: “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” (Dân chúng, có thể khiến họ theo, chứ không thể giảng cho họ hiểu được) [43, tr. 143].
Điều đáng chú ý là, cũng như dưới triều đại Lê sơ, trong triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, không phải người nào cũng được đi học, đi thi mà chỉ những người có đạo đức mới được tham gia vào khoa cử Nho học. Điều kiện được đi thi dưới triều Nguyễn đã được quy định trong các chiếu, điều lệ về thi Hương, thi Hội, thi Đình, thậm chí Luật Gia Long cũng có những quy định về thi cử. Nhà nước có các quy định cụ thể, chặt chẽ về tiêu chuẩn của người đi học và đi thi. Theo đó, các thí sinh từ thi Hương ngoài việc thông hiểu kinh, sử, văn chương còn phải khai rõ lý lịch 3 đời, khai man thì dù có thi đỗ cũng
bị huỷ kết quả. Những hạng người vi phạm pháp luật, vi phạm các quy phạm, chuẩn mực đạo đức phong kiến như bất hiếu, bất nghĩa, loạn luân… đều không được tham gia thi.
Ngay cả các Hoàng tử, hoàng tôn cũng phải ra sức học tập tại phủ đệ hoặc ở nhà quốc học: “Sai chọn con em tôn thất từ 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, cho vào học nhà quốc học” [111, tr. 594] và “kén những người học vấn rộng rãi sung việc dạy bảo các hoàng tử, hoàng tôn” [111, tr. 656]. Minh Mạng năm thứ 2 dụ rằng: “từ xưa các nước nhà lâu dài toàn nhờ các bậc hiền tài, mà dạy bảo cho thành tài, tất phải nhờ sự học hỏi… con cháu nhà vua đã ra Các giảng học, thì kén chọn thầy bạn, trước sau đều người trung chính, mới ngăn được thói tà, trở lại lẽ chính để thành được người có phẩm chất tốt, có ích cho tôn miếu” [102, tr. 73]. Còn nhà vua Thiệu Trị thì cho rằng: “từ đời cổ các bậc đế vương thường yêu con em của mình, tất phải cẩn thận chọn những sư phó, dạy bảo rèn luyện để nên đức tốt, được hưởng phúc ấm lâu dài làm phên dậu cho nhà vua” [102, tr. 74].
Dưới triều Nguyễn, nhà trường Nho học được mở khắp nơi. Gia Long khi đề cập về giáo dục Nho học, từng bảo thị thần rằng: “Học hiệu là nơi chứa nhân tài, tất phải giáo dục có căn bản thì mới thành tài. Trẫm muốn bắt chước người xưa, đặt nhà học để nuôi học trò, ngõ hầu văn phong dấy lên, hiền tài đều nổi, để cho nhà nước dùng” [111, tr. 876]. Với vua Thiệu Trị thì, “Việc học, có bậc đại học, có bậc tiểu học. Đời cổ: trong làng có nhà học gọi là tường, châu quận có nhà học gọi là tự, trong nước có nhà học gọi là học, dạy cho dần dần mà tiến lên có thứ tự. Triều đình lúc mới đặt ra học quan, cũng theo ý của đời cổ để lại… Vả lại, tài nghề của con người ta, hoặc giỏi về chính sự, hoặc giỏi về văn học; cái đạo dùng người cũng đều phải tuỳ tài mà thôi” [61, tr. 55]. Cùng với việc mở trường học của nhà nước còn có mô hình học tập của các gia đình, các thầy đồ mở trường tư. Việc học và thi được truyền bá rộng rãi trong dân gian, người nào có học lực khá đều có thể mở trường tư dạy học. Vì vậy, giáo dục Nho học và tư tưởng Nho giáo cũng có ảnh hưởng đến các tầng lớp nhân dân, ai cũng muốn cố gắng cho con em đi học. Đối với nhà nước phong kiến, “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình, cho nên các tỉnh đều đặt chức đốc học, khiến cho dạy dỗ học trò để
làm cái kế hay về việc tác thành nhân tài" [62, tr. 280]. Nhà nước đặt chức huấn đạo, giáo thụ đến từng huyện, phủ bởi “việc giáo học là chính trị lớn của triều đình” [102, tr 97].
Các biện pháp khuyến khích phát triển Nho học được nhà nước tiến hành như tổ chức vinh danh những người đỗ đạt (truyền loa), tăng hỗ trợ cho học sinh trường Giám… trong đó có sự hỗ trợ về sách vở: “Ta muốn chấn hưng văn giáo, ban ơn cho bọn sĩ tử, nên đã sắc sai thu mua sách vở để chuẩn bị thưởng cấp… để mở rộng việc học tập” [114, tr. 497] và cả tiền: “Vua thấy sắp đến kỳ thi Hội, gia ơn cho học trò, sai cấp cho mỗi người 10 quan tiền” [112, tr. 476].
Với mục đích giáo dục là học nguyên lý đạo đức thánh hiền và tự mình tu dưỡng đạo đức, phương thức học cũng chủ yếu là “thuật nhi bất tác” (học thuộc lòng) nhằm “ôn lại những điều cũ mà biết được điều mới” (Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ) [43, tr. 44]. Song điều cơ bản là, người đi học ngoài việc học thuộc lòng còn cần phải biết vận dụng những điều đã học vào trong thực tiễn, thực hiện được mục đích của sự học và phương châm học là: “Cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Với mục đích cơ bản của giáo dục - khoa cử Nho giáo như đã trình bày ở trên thì cái mục đích ấy quyết định nội dung giáo dục. Như chúng ta đã biết, giáo dục của Nho giáo là chỉ dạy đạo đức, luân lý, hoàn toàn không dạy con người về tri thức khoa học tự nhiên, làm ruộng, buôn bán. Về mặt này cũng cho thấy, triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng của Nho giáo một cách rõ rệt. Như vua Minh Mạng dụ rằng: “Từ xưa học của đế vương không giống với học cử, Nghiêu, Thuấn giữ đạo trung, Vũ, Thang dựng ngôi cực, đều là học cả, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ học cũng không gì hơn thế” [115, tr. 470].
Nội dung và chương trình học trong hệ thống nhà trường dưới triều Nguyễn về cơ bản là Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử), Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu), Nam sử và Bắc sử từ thượng cổ đến Tống, Nguyên. Học sử chính là học kinh nghiệm các triều đại trước để rút ra bài học cho việc cai trị và quản lý xã hội. Giữa Nam sử và Bắc sử, các vua Nguyễn lại đề cao việc học Bắc sử, coi các kinh nghiệm trị nước, trị dân của
các phong kiến Trung Hoa là ưu việt. Bởi vậy cũng là điều dễ hiểu, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam khi chế định phương châm trị nước đã bắt chước theo nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Điều đó bộc lộ bản chất nệ cổ, giáo điều, phản động của phong kiến Việt Nam, đặc biệt là dưới triều Nguyễn.
Học văn, thơ, phú, kinh nghĩa… là để thông thạo văn từ, để có thể làm tốt việc lấy được lòng tin của dân và sử dụng trong hoạt động ngoại giao.
Tất nhiên, cũng như trong nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đó, dưới triều Nguyễn, tài liệu chủ yếu được sử dụng trong hệ thống nhà trường Nho học, trong việc dạy, học và thi là Tứ thư, Ngũ kinh. Cũng có nghĩa là, nội dung giáo dục trong hệ thống giáo dục, thi cử dưới triều Nguyễn vẫn là những tư tưởng, chuẩn mực và quy phạm đạo đức. Ngoài ra, trong ý thức của vua quan và các nhà Nho triều Nguyễn, Tứ thư và Ngũ kinh mới được xem là kinh điển, là tư tưởng chính thống của tiên thánh, tiên vương và chỉ bằng giáo dục đạo đức mới làm cho con người tuân theo Tam cương, Ngũ thường, v.v… Dưới triều Nguyễn, việc xác định, ban hành các quy định về nội dung giáo dục ở từng giai đoạn có những sắc dụ cụ thể. Do mục đích của người đi thi là đỗ đạt, mục đích tổ chức thi của nhà nước là lấy người làm chính sự, điều đó dẫn tới việc học và thi bộc lộ hạn chế. Rõ nhất là việc chuẩn bị học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò, và học trò lấy đó mà học và thi, để cho giảng dạy, khảo khoá lấy đó mà theo. Nhằm khắc phục hạn chế thực trạng trước đây trong thi Hương, thi Hội chủ yếu là theo lối văn thể từ chương, câu nệ, khuôn sáo, nhiều ông vua triều Nguyễn đã ban hành những quy định nhằm cải tiến, hoàn thiện và cụ thể hoá quy chế dạy, học và thi Nho giáo. Như vua Gia Long xuống chiếu quy định việc thi cử, rằng: “Nhà nước cầu nhân tài tất do đường khoa mục. Tiên triều ta chế độ khoa cử đời nào cũng có cử hành. Từ khi Tây Sơn nổi loạn, phép cũ huỷ bỏ, sĩ khí vì đó mà bế tắc. Nay thiên hạ cả định, Nam Bắc một nhà, cầu hiền chính là việc cần kíp. Đã từng xuống sắc bàn định phép thi: kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa, kỳ đệ nhị thi