2.1. Ảnh hưởng của Nho giáo trong việc hoạch định đường lối cai trị và
2.1.2. Vai trò của đạo làm vua trong cai trị và quản lý xã hội
Như đã trình bày, Nho giáo trước hết là học thuyết chính trị - xã hội, là cơ sở tư tưởng và là nội dung của đường lối đức trị. Trong đường lối đức trị, Nho giáo đặc biệt đề cao vai trò đạo đức của người làm vua; coi sự tu dưỡng đạo đức của vua có quan hệ mật thiết đến thịnh hay suy của triều đại, thành hay bại của việc trị quốc an dân. Vua là người cầm quyền, nếu vua có đạo đức, làm việc hợp lễ thì được lòng dân, được cả thiên hạ và ngược lại, như Khổng Tử đã chỉ rõ: “Mình mà chính đáng, dù không ra lệnh, dân cũng theo; mình không chính đáng, tuy ra lệnh dân cũng chẳng theo” [43, tr. 215]. Mạnh Tử cũng có quan niệm rõ ràng về đạo làm vua và tầm quan trọng của đạo đức người cai trị đối với nền chính trị: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giái, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua coi bề tôi như tay chân, bề tôi coi vua như bụng dạ. Vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi coi vua như kẻ qua đường. Vua coi bề tôi như bùn rác, bề tôi coi vua như kẻ thù) [98, tr. 40]. Vua cai trị nước phải theo mệnh trời và ý dân, mệnh trời phải hợp với ý dân. Một minh quân phải là người có trách nhiệm với dân, với nước, tức là phải làm cho quốc gia hưng thịnh, dân đông và no đủ. Trong quan hệ giữa vua với bề tôi, thì “vua khiến bề tôi phải giữ lễ, bề tôi thờ vua phải trung” [43, tr. 65].
Các nhà Nho Việt Nam luôn quan niệm nhà vua là đại diện cho đất nước, việc tu thân, thái độ và trách nhiệm của nhà vua đối với đất nước có quan hệ chặt chẽ đến vận mệnh của đất nước. Khi đất nước hoà bình, vua có trách nhiệm làm cho dân no đủ, yên ổn; khi đất nước có chiến tranh loạn lạc, vua phải thi hành đường lối nhân nghĩa, đoàn kết nhân dân và bằng hành động cụ thể để cứu nước, cứu dân ra khỏi chiến tranh loạn lạc; đặt lợi ích của dân, của đất nước lên trên quyền lợi của vua và tập đoàn phong kiến thống trị.
Theo Nho giáo và nhiều nhà vua, nhà Nho Việt Nam, nhà vua có đức là phải luôn luôn sửa mình, tu dưỡng đạo đức trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự tu
dưỡng ấy phải thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi. Như vậy, đức của vua mới toả được khắp thiên hạ, dân chúng mới noi theo, đất nước mới thái bình thịnh trị. Rõ ràng, Nho giáo đã nhận thấy được vai trò của đạo đức trong việc cai trị và quản lý xã hội, người cai trị có đạo đức là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc thực hiện thành công đường lối đức trị. Song, Nho giáo có hạn chế là quá đề cao gần như là tuyệt đối hoá vai trò của đạo đức trong việc cai trị và quản lý xã hội và về thực chất, việc đề cao ấy cũng chủ yếu là nhằm biện hộ cho chế độ phân biệt đẳng cấp, bảo vệ địa vị và lợi ích của giai cấp thống trị.
Triều Nguyễn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng thống trị, vẫn duy trì chế
độ tông pháp với Tam cương, Ngũ thường. Theo đó, các vua Nguyễn đóng vai trò trụ cột, thi hành các chính sách làm cho dân cường nước thịnh theo đúng tinh thần của Nho giáo.
Trước hết, các vua Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX luôn đề cao địa vị của nhà vua, coi vua là người thay trời trị dân, giáo hoá dân; coi việc cai trị dân theo ý trời, theo đức trị, lễ trị là nguyên tắc cao nhất. Ngay khi lên ngôi, Gia Long đã dụ rằng: “Hiện nay nước mới được yên, dân đương ngửa trông đức mới. Bọn ngươi đều nên tuyên dương đức hoá, vỗ yên nhân dân điêu hao, khiến dân ta đều được yên nghiệp, để cho xứng sự uỷ thác” [111, tr. 505].
Trong tư tưởng của nhiều nhà vua dưới triều Nguyễn, nhà vua là gốc của phong hoá, phải là tấm gương cho thiên hạ, như vua Minh Mệnh đã nói: “Ta là vua của cả một nước, vẫn nghĩ sâu sắc rằng mình là gốc của phong hoá, phải làm gương cho thiên hạ”. Nhà vua có đạo đức và thi hành đường lối đức trị còn thể hiện trong quan hệ mang tính đạo đức giữa nhà vua với bề tôi. Theo đó, trị nước có thành công hay không liên quan mật thiết đến việc vua đối đãi với bề tôi như thế nào. Minh Mạng cho rằng, vua tôi như một thân thể, vua phải mở lòng dung nạp, nhờ đó mà tài trí thiên hạ đều là tài trí của mình. Các vua đầu triều Nguyễn đều coi trọng người hiền tài, lắng nghe, gần gũi với bề tôi: “Ta từ khi lên ngôi vua đến giờ, hàng ngày đối với bầy tôi chưa từng có sự xa cách, dẫu đến viên quan nhỏ, có việc cũng được truyền vào hỏi han” [113, tr. 371]. Vua không nên cầu an nhàn, không quá xa xỉ, nếu việc gì có lợi cho dân thì cứ làm. Và “Đạo làm chính trị cốt ở nuôi dân; cách vỗ về, gìn giữ
dân không gì hơn sửa mình trước. Cây nêu ngay thì bóng thẳng, nguồn nước sạch thì dòng trong, thật chẳng ra ngoài 8 điều của sách Đại học, 2 chữ của đạo Trung dung, theo đó mà sửa mình, lo việc dân, ứng tiếp nhân vật, trung vua, yên nước, vinh thân, nổi tiếng, thế là tới được chỗ chí thiện đó. Người xưa đã nói: “Vua phải biết cái khó về đạo làm vua, bề tôi phải biết cái khó về phận làm tôi”. Các người chớ bỏ qua mệnh trẫm, lúc nào cũng phải giữ yên cho dân để được chịu ơn nước lâu dài, còn gì vui bằng!” [60, tr. 104].
Ảnh hưởng của Nho giáo còn thể hiện ở vai trò, trách nhiệm đạo đức của nhà vua đối với dân. Từ chỗ đề cao vai trò của dân (dân vi bang bản), coi dân như con, nhiều nhà vua triều Nguyễn đã xác định cho chính họ: “Vua mà yêu dân như con thì dân cũng coi vua như cha mẹ. Từ xưa, Nghiêu Thuấn trị thiên hạ, chẳng qua cũng như thế mà thôi. Ta chẳng bằng Nghiêu, Thuấn, nên nghĩ lấy Nghiêu Thuấn làm khuôn phép” [114, tr. 35]; Minh Mệnh luôn đặt ra nhiệm vụ “… chỉ nghĩ đến việc thương yêu nuôi dưỡng nhân dân” [114, tr. 731]. Trong quan niệm của vua quan nhà Nguyễn, một mặt, dân là con trời, ý trời và lòng dân là một, mặt khác, vua là đại diện của trời, thay trời trị dân, giáo hoá dân, nuôi dưỡng dân, do vậy, “việc đầu tiên của chính sự vương giả, không gì lớn bằng việc làm cho dân được no đủ” [114, tr. 532] và vua “là chủ trong nước, vẫn muốn nhân dân trong nước không một người nào không có nơi ăn chốn ở…”[114, tr. 370]. Để đất nước thịnh trị, một trong những nhiệm vụ chính trị cơ bản của người cầm quyền là dưỡng dân và vì đó là đạo làm vua nên "... không thể có một phút nào xao lãng ưu cần" [114,tr. 496].
Như vậy, nửa đầu thế kỷ XIX, các vua Nguyễn đã nhận thấy sứ mạng của mình là người chăn dân, dưỡng dân. Họ quan tâm đến dân, đề cao vai trò của dân; luôn tu dưỡng đạo đức của người làm vua; trọng người hiền tài phục vụ cho trị nước an dân. Có thể khẳng định rằng, ở giai đoạn lịch sử này, triều Nguyễn đã dựa vào Nho giáo và thành công phần nào trong chính sách trị đạo của mình góp phần ổn định trật tự xã hội và củng cố nền thống trị của chế độ phong kiến.