Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ huyện Phong Châu (Vĩnh Phú) lãnh đạo phát triển kinh tế trong giai đoạn 1977 - 1998 (Trang 26 - 33)

Tháng 9 /1960, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội đã thông qua phương hướng nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ I (1961-1965) với nội dung chủ yếu là:”… tích cực củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh, làm cơ sở vững chắc cho phát triển nông nghiệp; kết hợp hoàn thành quan hệ sản xuất mới với việc phát triển sức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp; kết hợp chặt chẽ việc phát triển hợp tác hoá với thuỷ lợi hoá, dần dần cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật, tiến tới một bước cơ giới hoá, tăng vụ, khai hoang ... Trọng tâm là giải quyết tốt vấn đề lương thực, đồng thời coi trọng cây công nghiệp, chăn nuôi, mở mang nghề nông, nghề cá, nghề phụ …" [21].

Dựa vào phương hướng chung của Đảng và xuất phát từ tình hình cụ thể của mỗi huyện, Đảng bộ huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã vạch ra phương hướng nhiêm vụ 5 năm và từng năm của huyện qua các Đại hội Đảng bộ huyện .

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm, hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh có những thuận lợi rất cơ bản do công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội

chủ nghĩa đạt được nhiều thành tựu đã góp phần dần ổn định đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm, Đảng bộ và nhân dân hai huyện không sao tránh khỏi những khó khăn bất cập, nhất là xuất phát điểm khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội còn quá thấp, trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật của cán bộ còn non yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn.

Nhằm quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 1961 Đảng bộ hai huyện đã tiến hành đại hội từ cơ sở đến cấp huyện. Phương hướng chung mà Đại hội Đảng bộ hai huyện đề ra cho sản xuất nông nghiệp là củng cố và mở rộng quy mô hợp tác xã, đưa dần các hợp tác xã lên bậc cao, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hợp tác xã; phát triển nông nghiệp toàn diện, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp…

Để phát triển nông nghiệp toàn diện, Đảng bộ hai huyện chủ trương hợp nhất các hợp tác xã nhỏ, đảm bảo mỗi hợp tác xã có từ 150-200 hộ và đưa dần các hợp tác xã lên bậc cao, nhằm tạo điều kiện cải tạo đồng ruộng, phát triển thuỷ lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Kết quả, năm 1961 hai huyện hoàn thành xây dựng hợp tác xã bậc thấp, không còn hiện tượng xã, thôn trắng không có hợp tác xã. Huyện Lâm Thao năm 1960 có 146 hợp tác xã, nhưng đến năm 1961 hợp nhất lại chỉ còn 87 hợp tác xã (trong đó có 6 hợp tác xã bậc cao), gồm 12.431 hộ (chiếm 95,8% số hộ), quản lý 92% ruộng đất canh tác. Tương tự, Huyện Phù Ninh năm 1961 liên hợp lại chỉ còn 79 hợp tác xã (trong đó có 3 hợp tác xã bậc cao), gồm 7.536 hộ (chiếm 98,5% số hộ) [1; 45].

Hầu hết các hợp tác xã đã thực hiện chế độ ba khoán (khoán sản lượng, khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm). Trong những năm 1962, 1963,

1964 các hợp tác xã được liên hiệp lại và chuyển lên cấp cao. Ở Phù Ninh “...tỷ lệ hợp tác xã lên cấp cao nhìn chung mạnh, nhưng lúc đầu có một số hợp tác xã chưa đủ tiêu chuẩn. Song quá trình sản xuất được phát triển, đời sống của xã viên được cải thiện. Tuy vậy, vẫn còn những hợp tác xã còn làm ăn kém, chưa đảm bảo đời sống xã viên một cách chắc chắn … “[7].

Năm 1964 Phù Ninh có 86 hợp tác xã, trong đó có 29 hợp tác xã cấp cao, đến năm 1965 chỉ còn 74 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã cấp cao chiếm tỷ lệ 94,1% số hợp tác xã. Lâm Thao năm 1964-1965 có 77 hợp tác xã, trong đó có 32 hợp tác xã bậc cao, gồm 6.166 hộ…[1; 46].

Quán triệt phương châm “Thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu”, từ năm 1961-1965, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, phong trào xây dựng và củng cố hệ thống thuỷ lợi đã diễn ra khá rầm rộ ở các địa phương và bước đầu có kết quả tốt cho sản xuất. Huyện Phù Ninh hàng năm đào đắp tới hàng triệu mét khối đất làm bờ vùng bờ thửa, đắp đập giữ nước trên cao, đắp đê sông Lô từ xã Tiên Du đến Phú Mỹ…

Công tác phát triển thủy lợi ở huyện Lâm Thao cũng đạt được nhiều thành tựu mới. Hàng năm huyện đã huy động hàng chục vạn ngày công đắp đê sông Hồng từ xã Hà Thạch đến xã Thuỵ Vân dài 33km, củng cố đê Lâm- Hạc, đắp mương phai, làm kè cống tại nhiều địa phương trên địa bàn của huyện.

Nhờ đó, trên địa bàn hai huyện, tình trạng ruộng hạn, ruộng úng nước sớm được khắc phục, diện tích cấy lúa và trồng cây hoa màu đạt chỉ tiêu kế hoạch, tăng diện tích từ 1 vụ lên 2 vụ, 3 vụ. Bên cạnh đó, phong trào khai hoang mở rộng diện tích cũng phát triển rộng khắp ở hai huyện. Huyện uỷ hai huyện đã chủ trương “hợp tác xã khai hoang tập thể, đồng thời khuyến khích khai hoang cá thể để tăng thu nhập cho xã viên sau khi đã hoàn thành chỉ tiêu của hợp tác xã …”[5].

Ngoài những thành tựu trên, Huyện uỷ hai huyện còn đề ra chủ trương “mở cuộc vận động đồng bào vùng xuôi đi tham gia phát triển kinh tế và văn hoá ở vùng núi”. Huyện Lâm Thao vận động và lãnh đạo nhân dân các xã ruộng ít người đông (Việt Tiến, Nam Tiến, Việt Hùng, Xuân Huy, Thạch Sơn) đi khai hoang ở huyện miền núi Thanh Sơn ...

Trên thực tế, phong trào khai hoang đã đem lại hiệu quả thiết thực, tăng diện tích, tăng thu nhập cho xã viên, giải quyết việc làm cho người lao động dư thừa ở nơi đất ít người đông….

Ngoài biện pháp đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, khai hoang, các hợp tác xã còn áp dụng nhiều biện pháp trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất như xen canh tăng vụ, đưa giống mới vào đồng ruộng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả các loại phân bón vào sản xuất ... Do vậy, diện tích, năng suất, sản lượng lương thực của hai huyện đều tăng. Nếu như năm 1961 diện tích gieo trồng của huyện Phù Ninh mới có 16.517 mẫu, thu hoạch được 12.717 tấn quy thóc, thì đến năm 1964 diện tích tăng lên 40.760 mẫu, tổng sản lượng quy thóc thu 17.440 tấn, năng suất lúa toàn huyện từ 762kg/mẫu (1961) lên 801kg/mẫu (1964). Tương tự, Huyện Lâm Thao diện tích gieo trồng từ 46.622 mẫu với tổng sản lượng quy thóc là 20.446 tấn (năm 1961) lên 51.679 mẫu và 24.141 tấn (1964), năng suất lúa toàn huyện từ 1.730 kg/ha (1961) tăng lên 2.135 kg/ha (1965) [1; 51].

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, để đạt được những kết quả đó, Đảng bộ hai huyện đã sớm tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lí hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “về cuộc vận động cải tiến hợp lí hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của hai huyện trong năm 1964-1965 cho sản lượng khá hơn 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm.

Sản xuất nông nghiệp ổn định tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Ngoài hình thức chăn nuôi gia đình, các hợp tác xã ở hai huyện điều tiến hành thành lập các trại chăn nuôi tập thể. Năm 1964, Lâm Thao có 11 cơ sở chăn nuôi tập thể, Phù Ninh có 22 hợp tác xã chăn nuôi tập thể. Một số hợp tác xã tổ chức thả cá, nuôi vịt tập thể, nuôi tằm ăn lá sắn...[1; 51].

Do sản xuất phát triển nên đời sống nhân dân ổn định, nghĩa vụ (thuế, thuỷ lợi phí) hàng năm đối với nhà nước hai huyện điều đạt chỉ tiêu. Nếu như từ năm 1961 trở về trước, hàng năm hai huyện phải mua của nhà nước hàng trăm tấn gạo, thì từ năm 1962 trở đi hai huyện không phải mua của nhà nước mà còn làm nghĩa vụ lương thực đầy đủ. Năm 1964 Lâm Thao làm nghĩa vụ và bán khuyến khích 3.224 tấn lương thực [1; 52].

Phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc ở Lâm Thao và Phù Ninh cũng phát triển khá mạnh. Riêng huyện Phù Ninh năm 1965 trồng được 1.390.435 cây, phủ xanh 35 đồi trọc và tạo được 52 vườn cây [7].

Song song với củng cố hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã tín dụng và mua bán vẫn được duy trì và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và củng cố hợp tác xã nông nghiệp. Các ngành nghề thủ công được chú ý đẩy mạnh, nhiều hợp tác xã đã cho xây dựng thêm các lò vôi, gạch, ngói, gốm, dệt thảm đay, lò rèn, mộc ... Công nghiệp địa phương có xưởng xẻ Lâm Thao (năm 1961 có 80 cán bộ, công nhân), xưởng gạch ngói Diên Hồng, công trường khai thác cát sỏi ven sông Lô, huyện Phù Ninh (năm 1962 khai thác được 38.148m3 sỏi và 18.682m3 cát vàng). Thủ công nghiệp ở huyện tuy phát triển đáp ứng phần lớn nhu cầu hàng tiêu dùng, công cụ, vật liệu xây dựng cho nhân dân nhưng chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành lại cao. Nguyên nhân là do “...khó khăn về nguyên vật liệu, thiếu công nhân kỹ thuật điều khiển ...kỉ luật lao động chưa chặt chẽ ...” [6]. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn huyện Lâm Thao hình thành một số nhà máy hiện đại

do Liên Xô giúp xây dựng, điển hình là nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao (1959-1962). Nhờ đó, đã giải quyết được việc làm cho một lượng lớn lao động dư thừa trong huyện, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn dần được đổi mới.

Trong 5 năm 1961 -1965 công tác văn hoá - giáo dục ở Lâm Thao và Phù Ninh cũng có nhiều bước phát triển mới. Các xã ở hai huyện đều có các trường cấp I và cấp II. Bên cạnh trường phổ thông cấp III Long Châu Sa, năm 1963-1964, trường phổ thông cấp III Phù Ninh cũng được thành lập. Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, trên địa bàn hai huyện còn có một số trường của Trung ương đóng như Trường Công nhân kỹ thuật hoá, trường Trung cấp hoá chất. Thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt” trong giáo dục, công tác thi đua trong các trường trên địa bàn hai huyện diễn ra khá sôi nổi. Nhờ đó, chất lượng dạy và học dần được nâng cao, sự nghiệp giáo dục ngày càng đi vào thế ổn định, phát triển.

Vấn đề vệ sinh phòng bệnh đều được chú trọng, phong trào ăn sạch, uống sạch, ở sạch, có giếng nước, có đường sá sạch đẹp được phát động, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Nhiều xã đã có trạm xá, mỗi huyện đều có một bệnh viện huyện. Ngoài những nội dung nêu trên, phong trào văn hóa, văn nghệ của nhiều địa phương trên địa bàn hai huyện cũng diễn ra sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ hai huyện liên tiếp mở các cuộc sinh hoạt chính trị tư tưởng, các đợt chỉnh huấn trong đảng để bồi dưỡng và nâng cao năng lực nhận thức và vai trò của đảng viên. Đến cuối năm 1964, tổ chức cơ sở Đảng được hình thành ở hầu hết trong các đơn vị kinh tế, hợp tác xã, trường học và cơ quan. Huyện Lâm Thao có 2.740 đảng viên, 22 Đảng bộ xã , 19 chi bộ cơ quan trực thuộc. Tương tự, tổng số đảng viên của huyện Phù

Ninh là 2.543, gồm 26 Đảng bộ xã, 18 chi bộ cơ quan [1; 69]. Có thể thấy, công tác xây dựng Đảng của Lâm Thao- Phù Ninh trong những năm 1961- 1965 được tập trung vào hai cuộc vận động xây dựng chi bộ Đảng bộ tiên tiến và chi Đảng bộ 4 tốt nhằm nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, là nhân tố quan trọng đưa đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch, các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ.

Về công tác hành chính, trong những năm 1961 đến năm 1965, ở hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đều có sự thay đổi. Chẳng hạn, ngày 1/9/1962 Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 91 về việc giải thể huyện Hạc Trì nên hai xã Hùng Thao và Thống Nhất được sáp nhập vào huyện Lâm Thao; 5 xã: Chiến Thắng, Hùng Lô, Kim Đức, Vĩnh Phú và Vân Phú nhập vào huyện Phù Ninh. Tính đến thời điểm năm 1965, Lâm Thao có 20 xã và Phù Ninh có 26 xã [1; 74].

Như vậy, trong quá trình thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 1961- 1965, dựa trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã vận dụng sáng tạo đề ra những biện pháp đúng đắn, thích hợp với hoàn cảnh của các địa phương trên địa bàn hai huyện. Vì vậy, đời sống kinh tế, xã hội của hai huyện đều có những chuyển biến rõ rệt, quan hệ sản xuất mới được củng cố, các hợp tác xã được trang bị về cơ sở vật chất, kĩ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong nông nghiệp, diện tích, sản lượng và năng suất đều tăng, nhiều xã đạt hơn 5 tấn /ha gieo trồng. Có thể thấy, đây là những thành tựu quan trọng, sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ và nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Những thành tựu này không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, còn là cơ sở quan trọng cho Đảng bộ và nhân dân hai huyện thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ huyện Phong Châu (Vĩnh Phú) lãnh đạo phát triển kinh tế trong giai đoạn 1977 - 1998 (Trang 26 - 33)