cho tuyền tuyến (1966-1977)
Trong những năm 1965 -1968 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn rất ác liệt. Sau một loạt thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đầu năm 1965 đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và quân chư hầu ồ ạt vào miền Nam hòng cứu vãn tình thế. Đồng thời, chúng tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc. Vào thời điểm đó, Lâm Thao và Phù Ninh là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh vừa sản xuất vừa chiến đấu với tinh thần “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội, vừa cung cấp sức người sức của cho tuyền tuyến, làm tốt vai trò hậu phương, góp phần vào cuộc kháng chiến chung của cả nước.
Công việc sản xuất thời chiến ngoài những khó khăn trở ngại lớn do chiến tranh gây nên, nhân dân hai huyện còn gặp phải nhiều khó khăn khác như thiên tai, sâu bệnh, nhất là nguồn nhân lực cho sản xuất bị thiếu hụt bởi lực lượng lớn thanh niên nhập ngũ làm nhiệm vụ chiến đấu. Thêm nữa, vấn đề quản lý các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hai huyện còn nhiều khó khăn, bất cập ... Để khắc phục tình trạng trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp ở hai huyện ngày càng được đề cao và phát huy có hiệu quả trong điều hành sản xuất, điều hoà lương thực… Mặt khác, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời thực hiện chủ trương cải tiến quản lý hợp tác xã nên các hợp tác xã đã dần khắc phục tình trạng yếu kém, từng bước quy hoạch sản xuất, quy hoạch thuỷ lợi, cải tiến quản lý lao
động, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động…. Nhờ đó, công tác sản xuất thường xuyên được duy trì, đời sống nhân dân ngày càng đi vào thế ổn định. Thực tiễn cho thấy, năm 1965 sản xuất nông nghiệp trên cả ba mặt: sản lượng, diện tích và năng suất đều đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, bước sang năm 1966, do điều kiện thiên nhiên mang lại nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, diện tích gieo trồng chỉ đạt 88% kế hoạch; năng suất lúa bình quân cả năm đạt 1.730 kg/ ha (giảm hơn năm 1965 là 405 kg/ha), sản lượng lương thực cả năm so với năm 1965 chỉ đạt 5.904 tấn, riêng thóc giảm 5.230 tấn [8]. Điều đó không chỉ có ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn kéo theo một loạt ảnh hưởng khác và nhất là nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước.
Tương tự, năm 1967 cũng là năm hai huyện gặp phải không ít khó khăn trở ngại trong sản xuất nông nghiệp. Cũng do điều kiện xấu của thời tiết nên diện tích gieo trồng bị giảm, tổng sản lượng chỉ bằng 87% so với năm 1966. Lại nữa, do những trận ngập lụt của năm 1968 nên tổng sản lượng lương thực cả năm quy thóc của Lâm Thao tiếp tục giảm chỉ đạt 16.579 tấn (giảm so với 1967 là 4.945 tấn), trong đó lúa đạt 14.885 tấn (giảm 4.043 tấn so với năm 1967) [9].
Trước thực trạng trên, sau khi phân tích và tìm rõ nguyên nhân, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo hai huyện đã tăng cường các biện pháp khắc phục, trực tiếp chỉ đạo các hợp tác xã xác định rõ phương hướng sản xuất, đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác xã, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã ... Nhìn chung, những biện pháp trên mới chỉ mang tính chất ban đầu khắc phục được một phần mức độ sa sút, yếu kém trong sản xuất. Vấn đề cơ bản mang tính quyết định của hai huyện trong thời điểm này là cần phải xác lập một cơ chế quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm 1969-1971, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh lại liên tiếp bị thiên tai đe doạ. Chẳng hạn, năm 1970 diện tích cây lương thực của huyện Lâm Thao là 9.668 ha, năng suất lúa cả năm là 2.328 kg/ha, sản lượng lương thực quy thóc là 21.139 tấn, trong đó lúa 19.136 tấn. Nhìn chung, từ năm 1968-1970, tình trạng sản xuất lương thực ở hai huyện ngày một giảm sút, không năm nào vượt năm 1965 về diện tích, năng suất và sản lượng. Đặc biệt là năm 1971, do vỡ đê ngập lụt nặng nên chỉ thu hoạch được vụ chiêm còn vụ mùa hầu như mất trắng, gây thiệt hại rất lớn về người và của, ảnh hưởng xấu về đời sống sản xuất trên địa bàn huyện.
Trước tình hình đó, từ năm 1969 -1971 Tỉnh uỷ đã ra nhiều nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, về hợp tác xã, chỉ đạo ngành nông nghiệp và cấp uỷ huyện, xã tiến hành quy vùng và xác định phương hướng sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và đưa giống mới vào sản xuất.
Cụ thể, đầu thập niên 70, hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh tiến hành tổ chức lại sản xuất. Dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, các hợp tác xã đã tập trung làm thuỷ lợi, xây dựng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện các định mức 3 khoán ở các đội sản xuất và chú ý đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý. Theo tinh thần đó, các hợp tác xã đã đẩy mạnh công tác quy vùng sản xuất, củng cố các đội chuyên, đầu tư xây dựng và củng cố thủy lợi nên diện tích gieo trồng, sản lượng và năng suất đều tăng, gần đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Năm 1972, mặc dù cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt, nhưng tổng sản phẩm lương thực của Lâm Thao vẫn đạt 22.465 tấn, Phù Ninh đạt 18.903 tấn, nhiều hợp tác xã đạt hơn 5 tấn /ha. Huyện Lâm Thao trong năm 1972 dẫn đầu toàn tỉnh đạt 2 mục tiêu trong nông nghiệp (5.447kg thóc, 2,12 con lợn / ha gieo trồng), có 25/46 hợp tác xã đạt hơn 5 tấn/ha, trong đó có 2 hợp tác xã đạt hơn 7 tấn/ ha [1; 112]. Phong trào thi đua giành cờ Đại
hội, thực hiện 4 nghĩa vụ, 5 dứt điểm do Tỉnh uỷ đề ra được duy trì và đạt kết quả tốt.
Năm 1974 cả hai huyện đều được mùa và là năm có năng suất lúa cao nhất. Lâm Thao đạt tổng sản lượng 25.075 tấn, năng suất bình quân toàn huyện 5.600kg/ ha, có 32 hợp tác xã đạt trên 5 tấn /ha, 2 hợp tác xã đạt cao nhất là 9 tấn / ha, điển hình là hai hợp tác xã Vạn Thắng và Hồng Sơn. Còn huyện Phù Ninh năm 1974 đạt 25.500 tấn, năng suất bình quân 4.700kg/ha, có 12/26 xã đạt 5 tấn /ha [1; 114].
Sang năm 1975 Lâm Thao đạt 26.200 tấn, năng suất bình quân 5,5 tấn /ha; Phù Ninh đạt 24.612 tấn. Các chỉ tiêu về chăn nuôi, trồng cây công nghiệp đều đạt chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu Đại hội huyện năm 1973 đề ra.
Thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương của hai huyện tiếp tục được duy trì và phát triển. Mặt hàng tiêu dùng ngày càng phong phú về chủng loại. Bên cạnh mặt hàng cổ truyền như nông cụ, hàng đan nát, còn có thêm những mặt hàng mới như đũa sơn, mành cọ xuất khẩu, ủ ấm Sơn Vi ...Giá trị tổng sản lượng thủ công nghiệp hàng năm đều tăng so với kế hoạch và chiếm từ 10-15% so với tổng giá trị nông nghiệp, thủ công nghiệp.
Tuy có những mặt phát triển hơn trước, nhưng nhìn chung các hợp tác xã bậc cao ngày càng bộc lộ những bất cập trong tổ chức quản lí sản xuất. Từ giữa thập niên 70, năng suất sản lượng lương thực lại có chiều hướng giảm. Chẳng hạn, năm1976, tổng sản lương thực quy thóc của Phù Ninh chỉ đạt 19.755 tấn (bằng 84,4% kế hoạch), Lâm Thao đạt 21.318 tấn (bằng 77,8%kế hoạch) [1; 136].
Đi đôi với những thành tích đạt được trong sản xuất, hòa chung với cuộc kháng chiến của cả nước, nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã anh dũng đánh trả có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ và giành được nhiều thành tựu lớn.
Trong những năm chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống Lâm Thao và Phù Ninh gần 5.000 quả bom các loại, riêng nhà máy Supe Lâm Thao chịu hơn 800 quả, làm hàng nghìn người dân thiệt mạng, nhiều công trình văn hoá, xã hội, cầu cống, nhà máy bị phá huỷ. Để chống lại có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của Mỹ, nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã phát huy truyền thống yêu nước, chiến đấu anh dũng, kiên cường giáng trả có hiệu quả các cuộc ném bom bắn phá của địch. Kết quả, lực lượng vũ trang của hai huyện đã kết hợp với bộ đội địa phương của tỉnh đánh trên 300 trận bắn rơi 120 máy bay của Mỹ, bảo đảm mạch máu giao thông liên lạc thông suốt, làm tốt công tác hậu phương chi viện cho tuyền tuyến, hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn thanh niên Lâm Thao và Phù Ninh đã gia nhập lực lượng vũ trang, hàng nghìn thanh niên xung phong, hàng trăm cán bộ Đảng, chính quyền, giáo dục, y tế, văn hoá lên đường vào miền Nam tham gia chiến đấu. Trong 20 năm chống Mỹ, nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã làm nghĩa vụ hơn 50.000 tấn thóc, hơn 5.000 tấn lương thực và hàng trăm tấn nông sản khác [1; 131].
Trong khói lửa chiến tranh, nhiều đồng chí đã chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công xuất sắc, trở thành chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, xứng đáng với truyền thống quê hương Đất Tổ. Tiêu biểu là 3 đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang:
1. Đại uý Nguyễn Hữu Quyền, quê xã Phù Ninh, tuyên dương 20/12/1969.
2. Liệt sĩ- trung đội trưởng Hà Kiện Toàn, quê xã Trị Quận, phong 20/1/1973.
3. Liệt sĩ -thiếu uý Lê Đức Nhuận, quê xã Trạm Thản, phong ngày 6/1/1978.
Trong chiến tranh, nhiều người con của quê hương Đất Tổ (gồm 2.507 liệt sĩ, gần 1.300 thương binh) đã góp xương máu của mình vào cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Cũng do đạt nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu nên Đảng bộ và nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã được Đảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân gồm 9 huân chương cho cấp huyện; 34 huân chương các loại cho xã; 11.000 huân huy chương các loại cho cá nhân [1; 125].
Những phần thưởng cao quý đó là nguồn động viên, khích lệ không chỉ góp phần vào bề dầy truyền thống lịch sử của quê hương Đất Tổ anh hùng, mà còn là cơ sở quan trọng cho Đảng bộ và nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh thêm phấn khởi, phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa trong giai đoạn cách mạng mới.
1.3 Tiểu kết
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ huyện, nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện công cuộc khôi phục và phát triển nền kinh tế- xã hội, từng bước đưa nhân dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu. Một trong những thành tựu quan trọng đạt được của hai huyện trong giai đoạn này là hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong những năm 1958-1960. Thông qua cuộc cải tạo này, mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đã nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn hai huyện. Chẳng hạn, tại huyện Lâm Thao, sau 3 năm đã có 146 hợp tác xã với 12.019 hộ (đạt tỷ lệ 93,7% tổng số hộ nông dân). Tương tự, huyện Phù Ninh, từ mô hình hợp tác xã Chi Lăng làm thí điểm (1958), đến năm 1960 đã có 100 hợp tác xã, với 7.000 hộ nông dân. Có thể thấy, với mô hình hợp tác xã nông nghiệp và phương thức sản xuất mới, kinh tế nông nghiệp trong huyện có
bước phát triển mới. Bên cạnh việc tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi, công tác mở rộng diện tích gieo trồng cũng được chú trọng, phương pháp cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nhanh chóng được áp dụng, nhất là việc áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất nên sản lượng lương thực ngày một tăng. Đặc biệt với mô hình hợp tác xã nông nghiệp, quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời đã bị xóa bỏ, quan hệ sản xuất mới được xác lập. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần tạo ra những thuân lợi cơ bản của hai huyện trong việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của 5 năm 1961-1965.
Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong những năm 1958-1960, bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 1961-1965, Đảng bộ hai huyện sớm quan tâm chỉ đạo thực hiện việc củng cố và mở rộng quy mô hợp tác xã, đưa dần các hợp tác xã lên bậc cao, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hợp tác xã; phát triển nông nghiệp toàn diện, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp. Nhờ có chủ trương và đường lối đúng đắn nên kết quả cho thấy, đến năm 1965, số hợp tác xã bậc cao ở Phù Ninh chiếm tỷ lệ 94,1% trong số các hợp tác xã. Tương tự, huyện Lâm Thao năm 1964-1965 có 77 hợp tác xã, trong đó có 32 hợp tác xã bậc cao, gồm 6.166 hộ.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, công tác thủy lợi, khai hoang, vận động nhân dân miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế và văn hoá ở vùng núi cũng đạt được nhiều thành tựu lớn. Nhân dân các xã Việt Tiến, Nam Tiến, Việt Hùng, Xuân Huy… huyện Lâm Thao đã lên huyện miền núi Thanh Sơn khai hoang phát triển vùng kinh tế mới. Do áp dụng nhiều biện pháp trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả các loại phân bón vào sản xuất nên trong giai đoạn 1960-1965, diện tích gieo trồng, năng xuất, sản lượng lương thực của hai huyện đều tăng, đời
sống của nhân dân ngày càng ổn định. Trong giai đoạn 1966-1977, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ huyện, nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, mà còn làm tốt vai trò hậu phương, góp phần vào cuộc kháng chiến chung của cả nước.
Nhìn lại chặng đường khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh trong giai đoạn 1954-1977 có thể thấy, những thành tựu về kinh tế, an ninh, quốc phòng…mà nhân dân hai huyện đạt được không chỉ là cơ sở quan trọng, mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần vào việc củng cố và phát triển đời sống kinh tế-xã hội, đưa nhân dân hai huyện bước vào giai đoạn cách mạng mới.
CHƢƠNG 2