Chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ huyện Phong Châu (Vĩnh Phú) lãnh đạo phát triển kinh tế trong giai đoạn 1977 - 1998 (Trang 48 - 52)

Thực tế cho thấy rằng, những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nền kinh tế của Phong Châu nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cách mạng. Nguyên nhân của tình trạng này là chưa có một giải pháp đồng bộ nhằm phát triển kinh tế – xã hội của huyện phù hợp với tình hình cách mạng mới.

Mô hình tập thể hoá đã đạt được một số thành quả về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần to lớn vào việc cung cấp sức người sức của cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, khi bước sang thời bình, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập trong sản xuất và đã dẫn tới mâu thuẫn gay

gắt giữa lợi ích của người dân với lợi ích của xã hội. Việc xây dựng con đường hợp tác hoá dựa trên cơ sở tập thể hoá triệt để sức lao động và tư liệu sản xuất chính là nguồn gốc của tình trạng này. Cùng với việc thu nhập quá thấp làm cho bà con xã viên từ chỗ coi đất đai là máu thịt của mình, giờ đây họ trở nên thờ ơ, xa lạ đối với nó.

Trên thực tế, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch mệnh lệnh hoàn chỉnh không được thực hiện, đất đai đã bị “Nhà nước hoá” và kẽ hở này đã gây nên những biểu hiện lãng phí đất đai ở các địa phương. Về nguyên tắc, mọi kế hoạch sản xuất, phân phối trong hợp tác xã là do xã viên bàn bạc, quyết định, nhưng trên thực tế lại do Nhà nước quy định. Nhà nước đã điều hành hoạt động kinh tế của hợp tác xã theo ý muốn chủ quan, áp đặt, bất chấp các quy luật kinh tế và các nguyên tắc tổ chức, quản lý hợp tác xã. Nhà nước giao chỉ tiêu về diện tích, số lượng và sản lượng lương thực thực phẩm mà hợp tác xã phải bán cho Nhà nước. Nhà nước chi phối việc cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh. Nhà nước quy định nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp phải bán lương thực cho Nhà nước theo chế độ nghĩa vụ. Nhà nước có quy định giá nhưng thấp hơn nhiều so với thị trường tự do.

Tất cả những sai lầm trên đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng của phong trào hợp tác hoá trong những năm 1980, nhiều hợp tác xã đã bộc lộ sự yếu kém của mình và bị tan rã, có nhiều hợp tác xã tồn tại chỉ là hình thức, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp còn nặng nề.

Khả năng quản lí xã hội theo phương thức cũ đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế triền miên, đời sống nhân dân sa sút .Tình hình đó đặt ra và trở thành yêu cầu cấp thiết là: mô hình hợp tác xã dựa trên cơ sở tập thể hoá triệt để sức lao động và tư liệu sản xuất phải được từ bỏ cùng với cơ chế quản lí tập trung quan liêu bao cấp và chế độ phân phối của nó. Đồng thời, phải tìm ra

con đường hợp tác mới mà qua đó có thể huy động được khả năng về vốn, về tính tích cực, sáng tạo của người nông dân. Chỉ trên cơ sở đó, đầu tư cho sản xuất của nhà nước mới đem lại hiệu quả, sức lao động mới được giải phóng, đời sống nhân dân mới được cải thiện và nâng cao, xã hội mới vượt qua cơn khủng hoảng.

Ngày 8 tháng 5 năm 1980, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phong Châu lần thứ II đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện trong 5 năm (1981-1985). Đại hội đã đề ra một số chỉ tiêu kinh tế, cụ thể năm 1981 cần đạt được là: Tổng sản lượng lương thực đạt từ 38.000 – 40.000 tấn; bình quân đầu người đạt 300kg; tổng đàn lợn đạt 38.000-39.000 con, sơn trồng mới 100ha…

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn sản xuất nông nghiệp của đất nước trong những năm trước, ngày 13/1/1981 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 100 CT / TƯ, chính thức quyết định chủ trương thực hiện cơ chế “ khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, còn được gọi là Khoán mới hoặc Khoán 100.

Khoán 100 với nội dung: Giao khoán ruộng đất cho hộ nông dân, hộ nông dân được đảm nhiệm ba khâu (cấy trồng, chăm sóc, thu hoạch) và họ được hưởng phần sản lượng vượt khoán… đã đánh dấu bước đột phá đầu tiên trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp. Trong Khoán 100 có hai hình thức khoán tức là khoán sản phẩm và khoán việc và tuỳ từng địa phương mà áp dụng hình thức khoán nào cho hiệu quả.

Khoán mới là bước chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán hộ gia đình trong một số khâu mà người lao động có thể làm tốt như cấy trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đó chính là bước quá độ từ kiểu quản lí và tổ chức sản xuất tập thể của các hợp tác xã sang phát huy làm chủ của từng hộ xã viên.

Mục đích của việc thực hiện cơ chế Khoán mới trong nông nghiệp nhằm “…đảm bảo phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng tốt đất đai, tư liệu sản xuất hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống xã viên, tăng tích luỹ của hợp tác xã ...” [21; 11].

Khoán 100 ra đời đã chấm dứt mô hình cải tiến quản lý theo hướng cũ (là mở rộng sản xuất…) và mở ra hướng cải tiến phải đảm bảo lợi ích của người lao động. Khoán 100 ra đời đã làm cho cơ chế quản lý cũ bộc lộ rõ những bất cập sự yếu kém của nó và bắt đầu phá vỡ những yếu tố cấu thành của mô hình hợp tác hoá- tập thể hoá. Với việc giao khoán ruộng đât cho hộ nông dân và hộ nông dân có quyền đảm nhận 3 khâu trong quá trình sản xuất, Khoán 100 đã bước đầu xác lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ. Đây là bước quá độ chuyển từ kiểu quản lý và tổ chức sản xuất tập thể sang phát huy quyền làm chủ của từng xã viên. Bước đột phá này có vai trò rất quan trọng để vượt lên trên những quan niệm cũ về nội dung hợp tác hoá nông nghiệp trước kia. Việc hộ nông dân được hưởng phần sản lượng vượt khoán như một liều thuốc kích thích, đã khuyến khích tinh thần hăng say sản xuất, phát huy tinh thần làm chủ của người lao động, góp phần quan trọng tạo động lực tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp, là nguyên nhân chính cho sự phát triển nông nghiệp trong thời kỳ này. Theo đó, đời sống của người lao động được cải thiện và nâng cao đồng thời với sự tăng trưởng của nền kinh tế nông nghiệp.

Cơ chế Khoán mới là bước đột phá cho quá trình đổi mới quản lí ở cơ sở. Nó sẽ tác động tích cực vào quá trình đổi mới cơ chế quản lí chung của Nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ huyện Phong Châu (Vĩnh Phú) lãnh đạo phát triển kinh tế trong giai đoạn 1977 - 1998 (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)