7. Kết cấu của luận văn
2.2. Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dụcĐĐNN cho học
2.2.2. Nhóm giải pháp về đổi mới nội dung và hình thức giáo dục
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp theo Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND cho học viên Trường Đại học PCCC bằng phương pháp lồng ghép, tích hợp ở trên lớp thông qua các môn học cơ bản
Học viên là thế hệ trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Phát huy vai trò của họ trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Đó còn là điều kiện quyết định kết quả rèn luyện học tập nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Thực chất quá trình giáo dục ĐĐNN cho học viên không được sắp xếp thành một môn học chính khóa, cụ thể mà nó được lồng ghép và tích hợp thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó thông qua giảng dạy các môn học là một hoạt động quan trọng. Hệ thống môn học được chia thành các bộ phận như: Những môn học giáo dục đại cương bắt buộc, những môn học cơ sở, những môn học chuyên ngành. Việc giảng dạy các môn học này có ý nghĩa khác nhau trong việc hình thành các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho học viên. Điều quan trọng giáo viên cần ý thức đúng đắn tính chất tích hợp chứa đựng trong mỗi môn học và có ý thức tự giáo dục, hình thành cho các em những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần có của một người lao động chân chính trong tương lai.
Đối với các môn học chuyên ngành việc lồng ghép các nội dung giáo dục ĐĐNN nhằm làm cho nội dung các môn học thêm phong phú, không xa rời thực tiễn sinh động, học viên sẽ nắm được mặt tích cực và tiêu cực từ bên ngoài tác động vào nhân cách nghề nghiệp của mình. Trên cơ sở đó học viên sẽ có định hướng đúng đắn, phù họp về giá trị nghề nghiệp, có ý thức rèn luyện khả năng sáng tạo, chủ động và phòng tránh những tác động tiêu cực của môi trường xã hội đối với quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện.
Giáo viên giảng dạy bộ môn chính trị cần phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tích cực giáo dục học viên sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Giáo dục họ phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: “Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Có thể nói thông qua môn học chính trị : Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Đảng học viên được trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học để nhìn nhận và giải quyết đúng đắn, hợp quy luật các vấn đề lý luận và thực tiễn. Từ đó củng cố niềm tin, niềm lạc quan cách mạng, tạo bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi tình huống cuộc sống đặt ra. Giáo viên phải xác định những đơn vị kiến thức nào của môn học có thể lồng ghép được nội dung giáo dục ĐĐNN nhằm đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn. Chẳng hạn, trong quá trình dạy môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, có thể lồng ghép nội dung giáo dục ĐĐNN trong dạy Chương 2 ( Phép biện chứng duy vật - nội dung quan điểm toàn diện, bản chất và hiện tượng, quy luật lượng chất) hay Chương 3 (Chủ nghĩa duy vật lịch sử - Con người và bản chất con người). Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể lồng ghép trong Chương 5( Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam), Chương 8( Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới)... Thông qua các hoạt động trên học viên không chỉ tiếp thu những tri thức khoa học cơ bản, chuyên ngành mà còn được giáo dục, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức, hình thành các kĩ năng nghề nghiệp phục vụ cho quá trình làm việc sau này. Đây là biện pháp không thể thiếu trong các nhà trường, bởi nó giúp các học viên được trải nghiệm thực tế, có được những bài học thiết thực, bổ ích rút ra từ công tác giảng dạy của các thầy cô giáo nơi mình học tập, hoạt động thực tập nghiêm túc là cơ sở rèn luyện ý thức kỷ luật, tinh thần làm việc, yêu lao động, học hỏi kinh nghiệm sống có trách nhiệm với xã hội.
Đặc biệt môn học chuyên ngành là môn rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp giúp học viên hình thành năng lực thực hành, rèn luyện khả năng làm việc độc
lập, làm việc theo nhóm và sáng tạo trong chiến đấu, đây là những kinh nghiệm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Đổi mới và phát huy hiệu quả hình thức giáo dục ĐĐNN theo Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học viên
Xây dựng chuyên đề “Đạo đức nghề nghiệp” thông qua các hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, các buổi tọa đàm giữa giáo viên và học viên. Trên cơ sở đối thoại, người giáo viên phải gieo được vào trong tình cảm của học viên những lý tưởng, hoài bão về nghề nghiệp, để học viên không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học viên. Hoạt động ngoại khóa cho học viên có ý nghĩa rất quan trọng, là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi con người phải làm được việc, phải năng động, sáng tạo. Trong việc học, nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết thì chưa đủ, những kiến thức mà học viên tiếp thu được qua sách vở, qua thực hành tại nhà trường là những kiến thức cơ bản, khuôn mẫu, là bước đi ban đầu. Thực tế trong công việc thì lại muôn màu muôn vẻ. Vì vậy, học viên cần phải được đi thực tế, thể hiện mình trong thực tế. Gắn mình trong các mối quan hệ, không ngừng học hỏi vươn lên.
Hoạt động của Đoàn Thanh niên trường và các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường có một ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và tới việc hình thành xây dựng các phẩm chất ĐĐNN nói riêng. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua Đoàn Thanh niên đã tổ chức các hoạt động của Đoàn phong phú, có hiệu quả tích cực phục vụ cho hoạt động đào tạo của nhà trường. Những phong trào hoạt động đã tạo sân chơi cho học viên thể hiện bản lĩnh trí tuệ của mình.
Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, diễn đàn là yêu cầu tất yếu của tuổi trẻ, giúp học viên nâng cao khả năng hiểu biết
trong việc tiếp thu các môn học trên lớp. Đoàn trường đã tổ chức nhiều cuộc thi hiểu biết về văn hoá xã hội, tham gia lễ hội truyền thống của trường, hoạt động giao lưu văn hoá giữa các trường giúp học viên có vốn sống thực tế, góp phần hình thành niềm tin đạo đức, tình cảm đạo đức. Các hoạt động này đã thực sự giúp học viên mở mang trí tuệ, phát triển thể chất, tạo điều kiện thuận lợi để các em giao tiếp, hình thành những phẩm chất đạo đức, có năng lực hoà nhập vào cộng đồng xã hội sau này. Bên cạnh đó các cấp lãnh đạo của nhà trường đã tạo điều kiện thuận về cơ sở vật chất, kinh phí cho Đoàn trường, của trường hoạt động nhằm phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ nhà trường.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho học viên những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “Thương người như thể thương thân”, “Quên mình vì nghĩa lớn”, “Hiến máu nhân đạo”… Từ đó hình thành lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.
Để thực hiện có hiệu quả biện pháp giáo dục ĐĐNN thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tập trung vào các vấn đề sau:
Khai thác, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, coi tổ chức Đoàn là lực lượng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, rèn luyện hành vi đạo đức cho đoàn viên, học viên. Để tổ chức Đoàn trở thành lực lượng tích cực trong giáo dục ĐĐNN cho học viên thì Nhà trường nhất là Đảng uỷ, Ban giám hiệu cần có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể gắn hoạt động Đoàn vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, nhất là mục tiêu giáo dục ĐĐNN. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động của Đoàn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cũng như cố vấn cho họ về kế hoạch, cách thức tiến hành hoạt động.
Việc tổ chức sinh hoạt phải thiết thực mang ý nghĩa giáo dục, phù hợp với xã hội hiện đại nhằm hình thành các giá trị văn hoá mới nối tiếp các giá trị nhân đạo truyền thống. Các giá trị này phải được dấy lên từ các phong trào văn hoá, văn nghệ, các cuộc thi cán bộ giỏi, thi học viên thanh lịch trong khối học viên, tổ chức tham quan các di tích cách mạng theo chủ đề, học viên tình nguyện hè... Phải xây dựng được mục đích trọng tâm của hoạt động để tìm kiếm hình thức cho phù hợp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, tổ chức Đoàn cần phối hợp với Nhà trường có chương trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho các cán bộ phụ trách Đoàn trường và các chi đoàn khối học viên. Nhìn chung, đa số các học viên có lòng say mê với công việc nhưng năng lực hoạt động chưa cao nên trong hoạt động hay lúng túng. Chính vì thế, các hoạt động phải cụ thể rõ ràng, làm cho mọi người hiểu được kế hoạch, mục đích hành động, tránh được những điều bất lợi xảy ra dẫn đến kết quả phản tác dụng giáo dục đạo đức. Từ thực tế hoạt động sẽ có ý nghĩa thiết thực với việc bồi dưỡng lí tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh cho học viên giúp họ tránh được những tệ nạn xã hội, đem lại niềm tin, niềm vui vào các tổ chức Đảng, Đoàn.
Cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của học viên mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”; “Thanh niên tình nguyện”; “Chiến dịch mùa hè xanh”; “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo Tổ quốc”; “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”…
Làm được tất cả những việc đó, việc giáo dục ĐĐNN cho học viên nhà trường sẽ đạt được những kết quả cao hơn.
Xây dựng các gương điển hình và có hình thức khen thưởng xứng đáng trong giáo dục ĐĐNN theo Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND cho học viên
Muốn có trò tốt thì phải có thầy tốt. Bởi vậy sự gương mẫu của lãnh đạo Nhà trường, cán bộ, giáo viên trong trường trong mọi lĩnh vực là việc làm
quan trọng và có tác động trực tiếp đến việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của học viên. Bác Hồ đã khẳng định: thầy cô như tấm gương cho học sinh, thấy tốt thì học tốt, thấy xấu thì học xấu. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức. Nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, biểu dương những học viên có thành tích học tập tốt, vượt khó vươn lên trong học tập và tu dưỡng đạo đức, để làm tấm gương tốt cho các học viên khác học tập và noi theo.
Những học viên có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện phải được nêu gương, có những hình thức cộng điểm, tặng giấy khen sẽ tạo ra động lực cho các học viên khác phấn đấu và rèn luyện thêm.
Các điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an phải luôn là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, dũng cảm chiến đấu, không quản hy sinh, luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng, giá trị to lớn của việc tu dưỡng tư cách, đạo đức của người Công an cách mạng, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng theo Sáu điều Bác Hồ dạy; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, luôn “Tuyệt đối trung thành với Đảng - Tận tụy với dân - Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tăng cường tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa học viên với những tấm gương người tốt, việc tốt, những học viên xuất sắc, những anh hùng thời bình, nhất là những học viên trưởng thành từ nhà trường để học viên có thể trực tiếp học hỏi kinh nghiệm, tạo động lực mạnh mẽ củng cố hoài bão, khát vọng vươn lên trong học tập và rèn luyện của học viên.