Quan hệ giữa âm và nghĩa trong chơi chữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 26 - 29)

1.2. Bản chất của chơi chữ

1.2.2. Quan hệ giữa âm và nghĩa trong chơi chữ

Đứng ở lĩnh vực ngôn ngữ, mọi quan hệ liên tưởng giữa các đơn vị ngôn ngữ đều gắn liền với hai mặt âm và nghĩa nói chung hơn, với hình thức và nội dung trong ngôn ngữ.

Về âm (hình thức) của chơi chữ có những đặc trưng sau:

Các yếu tố tham gia chơi chữ trong những trường hợp có khả năng giống nhau về hình thức tức đồng hình với nhau. Sự đồng hình đó có thể biểu hiện ngay trên văn bản hoặc đồng hình qua quan hệ liên tưởng. Đây là trường hợp các yếu tố tham gia chơi chữ không có mặt đầy đủ trên văn bản. Từ một số yếu tố có mặt trên văn bản, người ta liên tưởng đến những yếu tố khác đồng hình nằm ngoài văn bản.

Các yếu tố tham gia chơi chữ có khi được nhận thức trực tiếp ngay trên văn bản, có khi phải thông qua con đường liên tưởng. Khi phải nhận thức qua liên tưởng thì có khi chỉ qua một bậc liên tưởng nhưng có khi qua nhiều bậc liên tưởng.

Do sự xuất hiện của yếu tố tham gia chơi chữ dưới nhiều hình thức như vậy nên chơi chữ tồn tại dưới hai dạng: dạng ẩn và dạng hiện. Dạng hiện là dạng trong đó các yếu tố đều có mặt trên văn bản, dạng ẩn là dạng trong đó một số yếu tố tồn tại ẩn sau văn bản và chỉ nhận ra thông qua liên tưởng. Dạng ẩn là dạng chủ yếu của chơi chữ. Chính điều này tạo nên tính bất ngờ, sự thú vị hấp dẫn của nghệ thuật chơi chữ khi người ta phát hiện ra hình thức chơi chữ ẩn dấu trong đó.

Về nghĩa (nội dung) trong chơi chữ. Trong chơi chữ, nghĩa của từng yếu tố không quan trọng bằng nghĩa của toàn văn bản. Có khi từng yếu tố tách rời đều có nghĩa, song chỉ là nghĩa thông thường, vốn có. Nhưng khi chúng liên kết lại thành một hiện tượng chơi chữ thì nghĩa được tạo ra (tức nghĩa của văn bản chơi chữ sẽ khác

hẳn). Văn bản chơi chữ có hai nghĩa (nội dung): nghĩa hiện và nghĩa ẩn. Nghĩa hiện là nghĩa hiện diện ngay trên văn bản do các yếu tố kết hợp với nhau tạo nên. Nghĩa ẩn là nghĩa không hiện diện trên văn bản mà ẩn tàng sau văn bản, phải suy ra từ các yếu tố của văn bản. Với văn bản chơi chữ nhất thiết phải có hai loại nghĩa này và nghĩa hiện chỉ là nghĩa bình thường của văn bản, không phải nghĩa chơi chữ, và chỉ có nghĩa ẩn mới thể hiện chủ ý của người chơi. Vì thế khi giao tiếp để dẫn đến hiện tượng lệch kênh giữa người tiếp nhận lĩnh hội nghĩa chơi chữ một đằng, chủ ý của người chơi chữ một nẻo. Mối quan hệ giữa hai loại nghĩa này thể hiện ra dưới hai dạng có liên hệ và không có liên hệ. Trong nhiều trường hợp nghĩa hiện và nghĩa ẩn không có liên hệ gì với nhau, nghĩa hiện không làm cơ sở cho nghĩa ẩn. Nghĩa ẩn có được là do từ các yếu tố có trên bình diện văn bản suy ra các yếu tố trên bình diện liên tưởng và các yếu tố này kết hợp với nhau tạo ra nghĩa ẩn. Khi hai loại nghĩa không liên hệ với nhau, người nhận thường khó nhận ra thậm chí không nhận ra chủ ý của người chơi chữ. Muốn nhận ra chủ ý của người chơi, tức nghĩa ẩn hoặc phải dựa vào mối liên tưởng hình thức hoặc phải dựa vào tình huống xuất hiện chơi chữ.

Như vậy có thể nói, một trong những đặc trưng về nghĩa của chơi chữ đấy chính là hai loại nghĩa hiện và nghĩa ẩn luôn nằm trong hai bình diện khác nhau: nghĩa hiện nằm ở bình diện văn bản còn nghĩa ẩn nằm ở bình diện liên tưởng.

Mối quan hệ giữa âm (hình thức) và nghĩa (nội dung) của chơi chữ diễn ra trong mối quan hệ giữa hai bình diện văn bản và bình diện liên tưởng theo kiểu tay tư. Chúng ta có thể hình dung quan hệ đó qua lược đồ sau:

Âm (hình thức) Nghĩa (nội dung) Bình diện văn bản HTVB NDVB

Bình diện liên tưởng HTLT NDLT

Có thể nói, mối quan hệ giữa âm và nghĩa của chơi chữ là mối quan hệ không tương hợp. Tính không tương hợp đó được hiểu là sự không phù hợp. Đó có thể là sự không phù hợp giữa hình thức viết ra, nói ra với nội dung được người chơi chữ gửi gắm. Hoặc giữa nội dung văn bản và nội dung liên tưởng hay là giữa nghĩa hiện và nghĩa ẩn. Thông thường, tính không tương hợp giữa âm và nghĩa của chơi chữ càng lớn thì càng gây ra sự bất ngờ (ở người tiếp nhận) và hiện tượng chơi chữ càng lý thú.

Qua sự nghiên cứu ở trên, có thể đưa ra một số kết luận về bản chất của chơi chữ như sau:

Thứ nhất, chơi chữ là một hoạt động ngôn ngữ thể hiện nhận thức có tính thẩm

mỹ nhằm đạt đến một trong ba mục đích: vui chơi, giải trí; châm biếm, đả kích, phê phán; gửi gắm tâm sự.

Thứ hai, chơi chữ là một hoạt động ngôn ngữ dựa trên những quan hệ liên tưởng

thiết lập trong lời nói nhằm thực hiện một trong ba mục đích trên. Các yếu tố trong liên tưởng sẽ không tương hợp và phi lôgíc (xét theo tuyến biểu hiện của văn bản) nhưng lại có khả năng tương hợp và hợp lôgíc (xét theo tuyến liên tưởng, ẩn sau văn bản). Từ đấy đưa đến tính bất ngờ, kích thích trí tuệ người tiếp nhận.

Thứ ba, chơi chữ là một hoạt động ngôn ngữ được xây dựng trên mối quan hệ

giữa âm và nghĩa theo hai bình diện văn bản và bình diện liên tưởng, trong đó âm (hình thức) hoặc phải đồng hình với nhau hoặc được tổ chức theo một cách đặc biệt tạo ra khả năng liên tưởng, còn nghĩa (nội dung) được tạo ra có nhiều loại, các nghĩa này về cơ bản khác và không có mối quan hệ với nhau. Quan hệ giữa nghĩa hiện và nghĩa ẩn

sẽ là quan hệ không tương hợp – phi lôgíc (xét theo tuyến biểu hiện). Về thực chất, đây là biểu hiện của loại liên tưởng lôgíc gián tiếp.

Như vậy, nghệ thuật chơi chữ cũng có lôgíc riêng của nó, có khi cũng tuân theo lôgíc thông thường mà lôgíc học nghiên cứu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ bằng các phương tiện, công cụ của lôgíc học là sẽ giúp vừa tìm ra cái hay, cái thú vị của nghệ thuật chơi chữ, vừa thấy được lối tư duy lôgíc vừa mang tính đặc trưng, vừa mang tính phổ quát ẩn chứa trong đó của người Việt. Đặc biệt là tư duy lôgíc đó không phải tự dưng mà có, nó được hình thành trên cơ sở mối liên hệ trục ba giữa ngôn ngữ học, tư duy và lôgíc học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)