Khái quát về Lôgíc học truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 46 - 48)

Khoa học lôgíc ra đời vào thế kỷ IV (TCN). Người sáng lập ra lôgíc học là nhà triết học Hy Lạp vĩ đại Aristotle (384 – 322 TCN). Ở đây trước hết tôi muốn làm rõ cách gọi lôgíc học truyền thống và lôgíc học hiện đại. Có thể nói sau khi ra đời, sự phát triển mạnh mẽ của Lôgíc học đã dẫn đến sự phân nhánh nó thành các hệ thống lôgíc học theo các cách khác nhau dựa trên những cơ sở phân chia hợp lý và rõ ràng. Có thể nêu ra đây hai cách phân chia tương đối phổ biến. Thứ nhất là dựa vào tính chất của ngôn ngữ được sử dụng, toàn bộ lôgíc học được phân thành hai lớp lớn: lôgíc học truyền thống và lôgíc học hiện đại. Các hệ thống lôgíc từ

Aristotle đến Bêcơn, Minlơ là Lôgíc học truyền thống. Các ông đã xây dựng lôgíc học chủ yếu dựa vào ngôn ngữ tự nhiên. Còn lại các hệ thống lôgíc học kể từ Lôgíc mệnh đề cho đến nay gọi là Lôgíc học hiện đại. Thứ hai là căn cứ vào số giá trị chân lý mà các hệ thống lôgíc học thừa nhận, tất cả các hệ thống lôgíc học cũng được chia làm hai lớp lớn: Lôgíc học cổ điển và Lôgíc học phi cổ điển. Các hệ thống

lôgíc học chỉ chấp nhận hai giá trị chân lý được gọi là Lôgíc học cổ điển, còn các hệ thống lôgíc học chấp nhận nhiều hơn hai giá trị chân lý (trong đó có lôgíc tình thái) được gọi là Lôgíc học phi cổ điển. Ở đây Luận văn dựa trên cả hai tiêu chí của cách phân loại thứ nhất, trong đó chương 2 sẽ phân tích nghệ thuật chơi chữ bằng các phương tiện của lôgíc học truyền thống và chương 3 sẽ là lôgíc tình thái.

Lôgíc học truyền thống do Aristotle sáng lập và xây dựng. Ông đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề cơ bản của lôgíc học bao gồm các hình thức cơ bản của tư duy như khái niệm, phán đoán, lý thuyết suy luận và chứng minh bác bỏ; các quy luật cơ bản của tư duy: luật đồng nhất, luật mâu thuẫn, luật loại trừ cái thứ ba, … trong đó thành tựu nổi bật nhất là suy diễn tam đoạn luận. Sau Aristotle, các

nhà lôgíc học thuộc các trường phái tiếp tục nghiên cứu, phát triển và các tư tưởng lôgíc học của ông.

Tuy nhiên đến thời kỳ Phục hưng, Lôgíc học của Aristotle chủ yếu đề cập đến phép suy diễn, đã trở nên chật hẹp, không đáp ứng được những yêu cầu mới của một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của sản xuất và của khoa học, đặc biệt là các khoa học thực nghiệm. Nhu cầu phát triển lôgíc học gia tăng. Vào thời kỳ này, các nhà triết học cũng chú ý đến sự phát triển lôgíc học xem như là công cụ nhận thức. Lôgíc học ở giai đoạn này phát triển theo hai dòng phái lớn dòng quy nạp và dòng diễn dịch. Xuất phát từ việc đề cao nhận thức bằng kinh nghiệm, thực nghiệm, F.Becon đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện phương pháp khái quát. Từ đó ông xây dựng các phương pháp quy nạp và tiếp đó là lôgíc quy nạp. Đường lối của ông được J.S. Mill (1806-1873) - nhà Lôgíc học Anh tiếp tục phát triển. Ngược lại do muốn phổ cập “toán học toàn năng” vào lôgíc học, R.Descartes (1596-1659) với tác phẩm “Suy ngẫm về phương pháp” lại chủ trương xây dựng Lôgíc diễn dịch theo mẫu toán học. Đường lối này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Leibniz – nhà triết học, toán học lỗi lạc người Đức và được ông tiếp tục. Leibniz đã có những đóng góp cơ bản cho sự phát triển của lôgíc diễn dịch: thứ nhất, ông đã phát biểu quy luật lý do đầy đủ (quy luật này cùng với ba quy luật cơ bản của Aristotle tạo ra phần cơ sở làm nòng cốt cho tư duy đúng đắn); thứ hai, đưa ra ý tưởng về toán học hóa lôgíc học, hay mở rộng hơn là hình thức hóa lôgíc học. Từ nửa sau thế kỷ XIX, lôgíc phát triển sang giai đoạn của lôgíc học hiện đại.

Ở chương 2 này, Luận văn chủ yếu nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn của Lôgíc học truyền thống do Aristotle xây dựng với nội dung chủ yếu tập trung vào là ba hình thức của tư duy: khái niệm, phán đoán, suy luận và 3 quy luật cơ bản của tư duy hình thức: luật đồng nhất, luật bài trung và luật cấm mâu thuẫn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)