Tình thái với tư cách là đối tượng nghiên cứu của lôgíc học và ngôn ngữ học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 81 - 87)

Tình thái (modality) một vấn đề rất rộng và phức tạp, được cả lôgíc học, ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu. Lôgíc học đi đầu trong nghiên cứu tình thái. Ngay từ thời triết học Hy Lạp cổ đại, nhà triết học, lôgíc học Aristotle – người đầu tiên đưa các tình thái vào lôgíc học. Theo Aristotle, thuật ngữ “khả năng” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ông gọi là khả năng cái mà tất yếu, và cái, mà không phải tất yếu, và cả cái mà có thể. Xuất phát từ cách hiểu về tình thái “khả năng”, Aristotle viết về sự không áp dụng được quy luật bài trung đối với các sự kiện đơn nhất tương lai. Cùng với tam đoạn luận nhất quyết đơn, Aristotle đã nghiên cứu cả tam đoạn luận tình thái, trong đó có 1 hoặc cả 2 tiền đề và kết luận là các phán đoán tình thái. Aristotle đã khảo sát tam đoạn luận tình thái theo mẫu hình tam đoạn luận nhất quyết đơn của mình: Tam đoạn luận được phân thành các loại hình và các kiểu, các kiểu sai bị loại bỏ nhờ sự luận giải chúng trên các thuật ngữ cụ thể. Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại và đặc biệt là Diodor Kron đã dành sự chú ý đáng kể cho việc nghiên cứu các phạm trù tình thái. Riêng Diodor Kron đã khảo sát các tình thái trong mối liên hệ với biến thời gian do ông đưa vào. Các triết gia Trung cổ cũng dành sự quan tâm cho các phạm trù tình thái. Vào thế kỷ XIX G.Boole và P.X.Porexki đã nghiên cứu khái niệm xác suất, cũng là bước đi rất gần đến lôgíc đa trị. Nhưng phải mãi đến đầu thế kỷ XX, vào năm 1920 I.A.Lucasevich mới lần đầu tiên xây dựng được lôgíc đa (tam) trị tạo tiền đề để thực hiện sự gắn kết lôgíc tình thái với lôgíc đa trị và bằng cách đó khắc phục hạn chế của Aristotle.

Thực tế là sau khi định hình vào đầu thế kỷ XX lôgíc ký hiệu (lôgíc toán) thì đã diễn ra công cuộc tìm kiếm tích cực các cách xây dựng lý thuyết diễn dịch tình thái hiện đại – mà trước hết là cho các tình thái chân lý. Thật ra, có nhiều ý đồ xây dựng lôgíc tình thái trong khuôn khổ lôgíc đa trị. Điểm tựa cho cách xây dựng này là nhận

định như sau: Việc không thể diễn đạt các toán tử tất yếu, khả năng và ngẫu nhiên trong lôgíc cổ điển bị chế định bởi chuyện trong nó chỉ có hai giá trị (đúng và sai), do đó chỉ có cả thảy 4 hàm giá trị mà không hàm nào trong số chúng có thể đảm nhận chức năng toán tử tình thái. Sự mở rộng các đánh giá chân thực dẫn đến sự gia tăng các hàm đó, tức là sẽ xuất hiện khả năng lựa chọn, trong số chúng các hàm có thể tái tạo “phù hợp” các trực giác vốn kết hợp được với các khái niệm tình thái.

Một trong số các nhà sáng lập lôgíc đa trị là I.A.Lucasevich, trong khuôn khổ lôgíc tam trị của mình đã đề nghị một bảng xác định các tình thái “tất yếu” (□) và khả năng (◊) như sau:

A □A ◊A 1 ½ 0 1 0 0 1 1 0

Cũng chính ông là người nêu ra một hệ tối thiểu các yếu tố, mà mỗi hệ thống lôgíc tình thái chân lý cần phải thỏa mãn [Xem tài liệu 72, tr 48].

Vào những năm 1910 – 1920 nhà lôgíc học Mỹ C.I.Lewis đã đưa ra cách xây dựng lôgíc tình thái thành công hơn. Sau sự xuất hiện các công trình của Lewis các nhà nghiên cứu đã tập trung nỗ lực vào việc thay đổi bản thân tư tưởng xây dựng lôgíc tình thái, đặt ra nhiệm vụ tái cấu trúc các hệ thống của nó sao cho các toán tử phi cổ điển xuất phát điểm chỉ là  hay , còn các tiên đề diễn dịch phải xác nhận các thuộc tính của chính những tình thái đó, và kéo theo chặt chỉ là liên từ phái sinh (dẫn xuất), tức là được đưa vào theo định nghĩa.

Gordon – nhà toán học và lôgíc học kiệt xuất người Áo – là người đầu tiên đã giải quyết thành công nhiệm vụ đó. Ông đã tái xây dựng thành công theo cách đã nêu

phép tính C.I.Lewis S4. Về sau này các hệ thống lôgíc tình thái chân lý khác đều đã được xây dựng và được phân tích một cách chi tiết.

Sự mở đầu của Aristotle và sự tiếp nối của các nhà lôgíc học sau ông là một minh chứng khẳng định rằng: trong hoạt động thực tiễn nhận thức, những tri thức của con người không phải lúc nào cũng mang tính tuyệt đối, mà vừa có tính tuyệt đối, vừa có tính tương đối. Bởi, một mặt có những tri thức của con người phản ánh chính xác bản chất của các sự vật, hiện tượng. Sau đó chúng tồn tại trong tư duy dưới dạng các phán đoán nhất quyết (các phán đoán chứa thông tin phản ánh về đối tượng biểu hiện rõ trong quan hệ tất yếu giữa chủ từ và vị từ: S là P và chúng mang một giá trị xác định hoặc đúng, hoặc sai). Mặt khác, lại có những tri thức mang tính tương đối, chúng chỉ cho ta một sự hiểu biết tương đối về bản chất của sự vật. Hơn nữa, trước một lĩnh vực mới, không phải bao giờ tri thức của chúng ta cũng đủ để giúp chúng ta khẳng định hoặc phủ định một tính chất nào đó của sự vật hiện tượng, mà chúng mới chỉ giúp chúng ta phỏng đoán về những tính chất đó. Vì vậy trong tư duy không chỉ có những phán đoán nhất quyết, mà còn có cả những loại phán đoán khác nữa – những phán đoán mà giá trị của chúng chưa xác định một cách tất yếu. Đó chính là các phán đoán tình thái. Do đó sự ra đời của một ngành lôgíc mới- lôgíc tình thái giúp nghiên cứu những loại phán đoán này là một đòi hỏi tất yếu.

Cùng với lôgíc học, trong những năm gần đây tình thái nổi lên như một trong những trọng tâm nghiên cứu của ngôn ngữ học. Điều này được lý giải trong xu hướng chung của ngôn ngữ học muốn mở rộng đối tượng nghiên cứu, tức không chỉ quan tâm đến những mô hình ngôn ngữ học trừu tượng, tĩnh tại mà còn quan tâm đến ngôn ngữ trong hoạt động, với tư cách là công cụ tương tác liên nhân. Có thể nói, sự quan tâm đến tình thái là một tất yếu trong quá trình phát triển của ngôn ngữ học. Bởi lẽ nếu không quan tâm đến các bình diện của tình thái thì chúng ta sẽ không thể hiểu được bản chất của ngôn ngữ, với tư cách là công cụ con người dùng để phản ánh thế giới

trong hoạt động nhận thức và tương tác xã hội. Không có tình thái, nội dung được thể hiện trong câu nói chỉ là những mảng nguyên liệu rời rạc. Đến năm 1932, việc đưa khái niệm tình thái vào ngôn ngữ mới được thể hiện rõ. Trong tác phẩm “Linguistique générale et linguistique francaise”, Ch.Bally đã chủ trương phân biệt trong câu hai yếu tố: nội dung biểu hiện có tính chất cốt lõi về ngữ nghĩa của câu và thái độ của người nói đối với nội dung ấy. Trong đó, Ch.Bally dùng thuật ngữ dictum để chỉ nội dung cốt lõi của câu và modus hoặc modalité để chỉ thái độ của người nói, tức tình thái. Nhà ngôn ngữ học Bally đã rất đúng khi cho rằng tính tình thái là linh hồn của phát ngôn nói riêng hay ngôn ngữ nói chung. Tuy nhiên, tình thái là một khái niệm vô cùng phức tạp. Bản thân các nhà ngôn ngữ học cũng đã phải thốt lên rằng: “không có phạm trù nào mà bản chất ngôn ngữ học và thành phần các ý nghĩa bộ phận lại gây ra nhiều ý kiên khác biệt và đối lập nhau như phạm trù tình thái” (V.Z.Panfilov)” [28, tr. 75]. Hay tình hình này được nhà ngôn ngữ học Perkins diễn đạt một cách bóng bẩy như sau: “Nghiên cứu tình thái thì rất giống như là cố di chuyển trong một căn phòng chật kín người sao cho không giẫm lên bước chân người khác” [28, tr. 76]. Mặc dù phức tạp như vậy nhưng trong giới ngôn ngữ học cũng đã có những công trình nghiên cứu công phu về tình thái. Trên thế giới phải kể đến Ch.Bally, Jespersen, von Wright, Rescher và Searle. Ở Việt Nam, lĩnh vực tình thái trong tiếng Việt, từ những năm 40 đã được chú ý với việc đề cập đến “thái độ của người nói”. Sau này những nghiên cứu có tính chất khai phá và đi sâu hơn về tình thái đã xuất hiện với các tác giả như Hoàng Phê, Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo, Phạm Văn Hiệp…. Các tác giả nghiên cứu nhiều phương diện khác nhau của tình thái như nghĩa tình thái của từ, lôgíc tình thái đến lôgíc ngôn ngữ học,…

Như vậy, việc đưa tình thái, lôgíc tình thái vào nghiên cứu ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng không còn là vấn đề mới trên thế giới cũng như ở nước ta. Do đó, việc tác giả luận văn sử dụng nghệ thuật chơi chữ của người Việt như là chất liệu để

nghiên cứu làm rõ những vấn đề của lôgíc tình thái là một việc làm có cơ sở và cần thiết.

Có cơ sở là bởi thứ nhất sự mơ hồ là hiện tượng tất yếu của ngôn ngữ tự nhiên. Không phải chỉ tiếng Việt mới có câu mơ hồ, các nhà ngôn ngữ học đã chứng minh rằng ngôn ngữ tự nhiên nào cũng có hiện tượng mơ hồ. Mà tiếng Việt – “một thứ ngôn ngữ nhiều hàm ý thích hợp với đặc thù ‘ý tại ngôn ngoại’ của ngôn ngữ thơ ca, nhưng cũng chính vì thế mà thiếu chính xác, mơ hồ trong diễn đạt” [10, tr. 56]. Theo Nguyễn Đức Dân, tiếng Việt ngoài những câu đúng, câu sai thì còn có cả câu mơ hồ nữa. Câu mơ hồ được định nghĩa “là câu có ít nhất hai cách hiểu” [10, tr. 66]. Vì thế, câu mơ hồ sẽ chứa trong đó những yếu tố tình thái và chính những yếu tố đó làm cho giá trị của câu xác định trong những hoàn cảnh nhất định khác nhau. Hơn nữa khi phân loại hiện tượng mơ hồ, Nguyễn Đức Dân cho rằng sự mơ hồ về từ vựng bao gồm sự đồng âm của từ đơn và sự đồng âm của chuỗi từ là kiểu mơ hồ thường gặp nhất. Mà những hiện tượng này lại chính là một loại hình vô cùng phổ biến được sử dụng trong nghệ thuật chơi chữ của người Việt.

Ví dụ 31: “Hai cô mậu dịch viên vừa nhận một số sách mới do xe của công ti đem đến cho hiệu sách. Họ phân công nhau: mỗi người xếp một loại sách rồi ôm vào trong kệ. Mỗi cô có năm chồng sách phải đem vào. Một cô vô ý cứ ôm nhầm chồng sách của bạn. Cô kia bực mình, la lên:

- Sao mày cứ ôm chồng của tao hoài vậy?

Mấy người đứng đợi mua sách bật cười” [40, tr. 46].

Nếu xếp theo kiểu loại chơi chữ thì đây là kiểu chơi chữ theo cách cùng âm, ở đây là sự cùng âm của hai từ “ôm chồng”. Theo ngữ cảnh của câu chuyện, đây là ôm chồng sách mới, nhưng vì nó được phát ra từ miệng của các cô, các bà thì dễ được liên tưởng đến chuyện ôm người chồng, mà lại là chồng người ta nên tạo ra tiếng cười cho người nghe. Như vậy sự mơ hồ thường xuyên được sử dụng trong nghệ thuật chơi chữ

của người Việt với mục đích gây ra tiếng cười. Nhưng đối với lôgíc học truyền thống, câu mơ hồ không xét được giá trị chân lý xác định một cách chắc chắn bởi giá trị của những câu, phán đoán này chỉ được xác định trong những hoàn cảnh nhất định. Do đó phải cần đến một loại lôgíc khác - lôgíc tình thái mới có đủ công cụ để xét.

Thứ hai, bởi lôgíc và ngôn ngữ luôn gắn liền với tư duy của con người. Nếu lôgíc là cấu trúc bên trong thì ngôn ngữ là hình thức thể hiện bên ngoài của tư duy. Do đó chúng thống nhất với nhau. Tuy nhiên chúng lại không đồng nhất. Khi phản ánh một quan hệ cụ thể nào đó của hiện thực thì tư duy có một cấu trúc lôgíc bên trong tương ứng (đơn trị) nhưng ngôn ngữ lại có thể có rất nhiều hình thức thể hiện (đa trị). Vì thế lôgíc ngôn ngữ có đặc trưng riêng, có những điểm khác với lôgíc tư duy nghiên cứu trong lôgíc học. Chẳng hạn như trong ngôn ngữ sẽ có một số quy tắc suy luận riêng không giống với quy tắc suy luận lôgíc. Nó có một hệ thống toán tử phong phú và phức tạp hơn rất nhiều so với hệ thống toán tử dùng trong lôgíc, vì ở đây không chỉ là lôgíc mà là lôgíc tình thái. Lời nói không chí có giá trị chân lý mà còn có giá trị dĩ ngôn tức là giá trị thực hiện một hành động nói năng nhất định nhằm có một tác động nhất định đến nhận thức của người đối thoại. Vì ngôn ngữ tự nhiên dùng trong giao tiếp có cái lôgíc của nó cho nên cho phép chúng ta không chỉ nói trực tiếp bằng hiển ngôn, mà còn có thể nói gián tiếp bằng hàm ngôn, mà nhiều khi chính hàm ngôn mới là quan trọng, mới là cái ý muốn nói. [Dẫn theo tài liệu 50]. Nói về điều này, L.Feuerbach đã từng có một nhận xét về ngôn ngữ được V.I.Lênin đánh giá là “rất đúng” là “viết một cách thông minh, là không nói hết, là để người đọc tự nói với mình, những quan hệ, những điều kiện, những giới hạn – chỉ với những quan hệ, những điều kiện, những giới hạn này thì một câu mới có giá trị và có ý nghĩa” [50, tr. 96]. Như vậy, trong ngôn ngữ nói cũng như viết, người đối thoại muốn hiểu được nhau thì phải có một tiền đề là những nhận thức cơ bản, tối thiểu, những cách suy nghĩ, suy luận giống nhau. Nếu không có cái nền, cái phông chung này thì dễ xảy ra tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”, người nói một đằng, người hiểu một nẻo. Chính nhờ cái phong chung này mà cho phép

người nói có thể nói ít, không nói hết mà để cho người đối thoại tự suy ra mà hiểu. Người nói thường lợi dụng khả năng kỳ diệu này của ngôn ngữ mà chỉ nói bằng lời, ở dạng hiển ngôn, cái tối thiểu cần phải nói còn đâu những ý nghĩa khác sẽ để người nghe tự suy ra. Cách thức như vậy người ta gọi là suy ý trong ngôn ngữ. Suy ý là một hình thức suy luận đặc biệt từ những tiền đề là hiển ngôn và tiền giả định có một nội dung lôgíc (giá trị chân lý) hoặc những nội dung - tình thái (giá trị dĩ ngôn) nhất định rút ra kết luận (hàm ngôn) có một nội dung lôgíc – tình thái có khác, có khi khác nhiều, thậm chí trái ngược, vì người nói có thể nói một điều này, nhưng thật ra nhằm để nói một điều khác. Đây là hình thức suy luận được rút ra qua nghĩa của từ ngữ.

Còn cần thiết là bởi đã có nhiều công trình nghiên cứu của cả những nhà ngôn ngữ học và lôgíc học về hiện tượng mơ hồ trong ngôn ngữ tự nhiên trên nhiều bình diện khác nhau. Sự nghiên cứu đó có ý nghĩa rất quan trọng vì nó được ứng dụng để giải quyết vấn đề dịch máy nói riêng và những vấn đề ngôn ngữ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung. Hơn nữa những gì đã phân tích ở chương 2 cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng lôgíc học truyền thống để khảo sát nghệ thuật chơi chữ của người Việt sẽ là thiếu sót và không đầy đủ. Bởi như chúng ta đã biết, cái hạn chế lớn nhất của lôgíc học truyền thống là chỉ quan tâm đến mặt hình thức của vấn đề mà bỏ qua nội dung ngữ nghĩa và từ đó đưa ra những kết luận vội vàng về những hiện tượng “phi lôgíc”. Do đó, việc tác giả luận văn khảo sát thêm phần lôgíc tình thái vừa là một sự bổ sung cho chương 2, vừa là một minh chứng cho những cái gọi là “phi lôgíc” nhưng thực ra lại có lôgíc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật chơi chữ của người việt dưới góc nhìn lôgíc học (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)