Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp dưới góc nhìn quản trị truyền thông (Trang 91 - 95)

7. Kết cấu luận văn

4.2. Nhóm giải pháp chung

4.2.1. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện

Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nội dung chương trình:

Một là, bám sát định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Các chương trình PTTT cần phải bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước và địa phương, thực hiện chức năng và nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền. Trước các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội quan trọng của đất nước (đối với Đài TNVN) và địa phương (đối với Đài PT-TH Hà Nội), cần phải thông tin nhanh, chính xác các vấn đề được dư luận quan tâm như công tác xây dựng, phòng chống tham nhũng; các luận điệu chống phá Đảng và Nhà nước; tuyên truyền gương người tốt việc tốt; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; an ninh xã hội; các vấn đề thiết thực về an sinh xã hội… Cần có kế hoạch cụ thể đối với từng dạng chương trình, yêu cầu rõ về nội dung chương trình, hình thức thể hiện, thời lượng phát sóng, thời điểm thực hiện, ekip thực hiện. Như vậy, các chương trình sẽ luôn đem đến những thông tin mới nhất cho thính giả. Đồng thời, cần có định hướng tuyên truyền cụ thể (đối với các chương trình thời sự) cho từng lĩnh vực, từng mảng hoạt động để thông tin tuyên truyền đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hai là, giảm bớt các tin lễ tân, hội nghị trong các chương trình thời sự.

Trong các chương trình thời sự trực tiếp, các tin lễ tân, hội nghị là những tin xuất hiện khá thường xuyên. Cần đổi mới viết cho những tin tức dạng này. Đối với

những tin lễ tân, hội nghị quan trọng, phóng viên có thể thay đổi cách đưa tin bằng cách chuyển hướng thành phản ánh các vấn đề như đi sâu vào bàn về một khía cạnh của sự việc, tạo nét mới cho việc đưa tin lễ tân, hội nghị. Trường hợp các tin lễ tân, hội nghị là những tin đặc biệt quan trọng, không thể loại bỏ thì phải biên tập ngắn gọn nhất, phù hợp với tiêu chí quản trị của chương trình. Đối với những tin lễ tân, hội nghị không quan trọng, cần kiên quyết loại bỏ ra khỏi nội dung chương trình. Nếu có nhiều tin có nội dung tương tự nhau, biên tập viên cần phải biên tập thành tin tổng hợp ngắn gọn hơn. Ngoài ra, trong lúc đi sự kiện về các tin lễ tân, hội nghị, phóng viên có thể thay đổi hình thức thực hiện bằng các dạng bài phản ánh, phỏng vấn, phóng sự ngắn…

Ba là, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội của các chương trình.

Một trong những chức năng quan trọng của báo chí đó là giám sát và phản biện xã hội. Để thực hiện tốt chức năng này, thông tin trong chương trình phải khách quan, trung thực, phản ánh đầy đủ các khía cạnh của đời sống xã hội, các tin bài trong chương trình cần bám sát thực tế để kịp thời biểu dương những việc làm đúng, làm hay, phát hiện những việc sai, trái để đấu tranh, ngăn chặn. Cần tạo ra các diễn đàn để người dân có thể nêu ra ý kiến của mình (tiêu biểu là chuyên mục Cử tri với Đại biểu Quốc hội Hà Nội trong chương trình thời sự 7h00 sáng của Đài PT-TH Hà Nội). Cần phải nhân rộng việc thực hiện các chương trình dạng này để tạo không khí dân chủ và công khai. Đồng thời, các chương trình thời sự trực tiếp cần có những bài bình luận, phân tích, giải thích sâu sắc, thấu đáo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để công chúng hiểu biết, đồng thuận và hưởng ứng làm theo. Có những bài bình luận kịp thời về các vấn đề nóng đang dư luận quan tâm để người dân có cái nhìn đúng đắn về sự việc. Trong chương trình Thời sự sáng của Đài TNVN, bình luận là một trong những nội dung để lại ấn tượng sâu sắc đến thính giả khi luôn có những bài bình luận sâu sắc về các vấn đề nóng trong xã hội.

Trong bối cảnh bùng nổ thông như hiện nay, việc giám sát và phản biện xã hội trong các chương trình thời sự trực tiếp của hai Đài phát thanh nói riêng và các Đài phát thanh trên cả nước nói chung cần được thực hiện một cách triệt để, để báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.

Bốn là, tạo điểm nhấn riêng biệt cho từng chương trình.

Sự hấp dẫn của một chương trình phát thanh nằm ở nội dung thông tin của chương trình đó. Vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để đạt được sự hấp dẫn trong sự thể hiện nội dung thông tin trong các chương trình PTTT. Chất lượng nội dung thông tin trong các chương trình phát thanh trực tiếp cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Đối với mỗi chương trình phát thanh trực tiếp, cần phải tạo điểm nhấn riêng của từng chương trình, xây dựng thương hiệu cho chương trình của mình để có lượng thính giả trung thành, thường xuyên. Nét khác biệt của mỗi chương trình phát thanh trực tiếp sẽ trở thành “đặc sản” của Đài phát thanh.

Nhóm giải pháp về nâng cao hình thức thể hiện chương trình: Một là, đa dạng hóa về thể loại.

Đa dạng hóa thể loại và phong cách thể hiện chương trình PTTT là một trong những xu hướng phát triển của phát thanh hiện đại nhằm tạo ra sự phong phú về hình thức cho các chương trình. Theo đó, trong các chương trình phát thanh trực tiếp, cần phải chú trọng đến việc sử dụng nhiều tin, bài ở hiện trường do phóng viên trực tiếp đưa về, tạo tính nóng hổi cho thông tin, tránh những tin, bài đã được thu trước và dựng trước. Cùng với đó, các thể loại phóng sự ngắn, phỏng vấn, bình luận, các bài phản ánh ngắn cũng cần được ưu tiên sử dụng để tạo nên tính đa dạng cho chương trình PTTT.

Hai là, cải tiến cách viết cho phát thanh.

Tác giả Đức Dũng trong cuốn sách Báo phát thanh có nêu ra 5 nguyên tắc cơ bản về viết cho phát thanh đó là: Giản dị, ngắn gọn; Nóng hổi, thân mật; Sử dụng văn nói; Diễn đạt rõ ràng và Hấp dẫn ngay từ đầu. Viết cho phát thanh là viết cho người nghe một lần, do vậy cách viết phải đơn giản để dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ. Đối với chương trình phát thanh âm nhạc trực tiếp hay chương trình thời sự phát thanh trực tiếp, đây là một trong những tiêu chí không thể thiếu. Những người làm nhiệm vụ biên tập các chương trình thời sự và âm nhạc trực tiếp cần phải hướng đến các nguyên tắc này của báo phát thanh để chương trình đến với thính giả một cách dễ hiểu và gần gũi nhất.

Đối với một chương trình phát thanh trực tiếp, đặc biệt là các chương trình phát thanh âm nhạc trực tiếp thì lời nói của nhân vật có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải nội dung thông tin của chương trình, nó chứa đựng nhiều ý nghĩa và cung bậc cảm xúc của người tham gia chương trình. Khi có lời nói của nhân vật, chương trình phát thanh sẽ trở lên sinh động, khách quan, chân thực hơn, giúp thính giả gần gũi với chương trình phát thanh hơn. Do đó, khi thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp, biên tập viên cần chú trọng đến việc giao lưu với thính giả, tăng cường lời nói của nhân vật trong chương trình. Đồng thời, cũng với quan tâm tới chất lượng của lời nói nhân vật, dễ nghe, dễ nhớ, không gây khó chịu cho người nghe chương trình.

Bốn là, tăng cường sử dụng tiếng động và âm nhạc.

Lời nói, tiếng động và âm nhạc là ba chất liệu không thể thiếu đối với cách chương trình phát thanh, trong đó tiếng động và âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin và tạo ra không gian giao tiếp đối với thính giả. Trong các chương trình phát thanh, phóng viên và biên tập viên cần cân nhắc kỹ lưỡng tiếng động sử dụng trong chương trình của mình để tạo được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng là một trong những yếu tố không thểthiếu của mỗi chương trình phát thanh, nhất là các chương trình âm nhạc chuyên biệt, đây là không gian để cho thính giả được thư giãn và giải trí với những giai điệu âm nhạc mà họ ưa thích. Nhìn chung, đối với mỗi dạng chương trình PTTT, lời nói, tiếng động và âm nhạc đều có vai trò quan trọng khác nhau nhưng là yếu tố không thể thiếu trong mỗi chương trình, do đó, khi sử dụng các chất liệu này, phóng viên và biên tập viên phải vận dụng một cách khéo léo để đạt được hiệu quả cao nhất.

Năm là, xây dựng khung giờ phát sóng chương trình linh hoạt.

Việc xây dựng khung giờ cũng như thời lượng chuẩn cho các chương trình phát thanh trực tiếp là cần thiết. Tuy nhiên, cần xây dựng khung thời lượng mở, linh hoạt cho các chương trình phát thanh trực tiếp dựa trên việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu thính giả cho từng chương trình. Không nên sắp xếp các chương trình theo chủ đề trong cùng một múi thời gian vì như vậy sẽ khiến thính giả khó khăn trong việc nghe lại chương trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp dưới góc nhìn quản trị truyền thông (Trang 91 - 95)