Nhóm giải pháp khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp dưới góc nhìn quản trị truyền thông (Trang 96 - 98)

7. Kết cấu luận văn

4.2. Nhóm giải pháp chung

4.2.3. Nhóm giải pháp khác

Đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện chương trình PTTT:

Qua phỏng vấn các nhà báo phát thanh tại Đài TNVN và Đài PT-TH Hà Nội, tác giả nhận thấy, các phương tiện kỹ thuật dùng để sản xuất các chương trình phát thanh trực tiếp tại cả hai Đài còn chưa được cải tiến, theo kịp với sự phát triển của phát thanh hiện đại. Điều này làm cho chất lượng của các chương trình phát thanh trực tiếp, bao gồm cả chương trình phát thanh thời sự trực tiếp và chương trình phát thanh âm nhạc trực tiếp còn hạn chế, chưa phát huy tối đa được ưu điểm của thể loại phát thanh.

Cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung chương trình thì việc đổi với mạnh mẽ về công nghệ chính là điều thiết yếu cho toàn bộ hoạt động của các chương trình phát thanh trực tiếp. Đặc thù của phát thanh trực tiếp đòi hỏi có sự đầu tư nhất quán và đồng bộ các máy móc thiết bị kỹ thuật số ngay từ đầu. Do đó, các Đài phát thanh cần phải trang bị thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất các chương trình phát thanh. Máy móc và thiết bị hiện đại sẽ mang đến chất lượng chương trình phát thanh tốt hơn.

Đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực và xây dựng mạng lưới cộng tác viên:

Chuyên gia phát thanh Russell Lyne cho rằng: “Phát thanh không bao giờ đứng yên. Nó là một bộ phận của truyền thông đại chúng ngày càng phát triển nhanh chóng. Phát thanh đòi hỏi những thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tinh tế của thính giả toàn cầu ngày càng tăng lên”. Thật vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày

càng cao của công chúng, việc đào tạo, bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm phát thanh trực tiếp là điều vô cùng cần thiết. Ekip thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp (kỹ thuật viên, biên tập viên, phóng viên…) là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp. Do đó, mỗi Đài phát thanh cần có cơ chế mở, khuyến khích mỗi thành viên trong ekip thực hiện chương trình tự phát huy hết năng lực của mình trong công việc. Đồng thời, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để tiếp thu những tiến bộ về khoa học công nghệ, cách làm phát thanh mới và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc, có thể trở thành một phóng viên đa năng. Cùng với đó là việc đầu tư xây đựng đội ngũ cộng tác viên để có thể cung cấp những thông tin nhanh nhất, nóng nhất về tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Đồng thời, ngoài kiến thức của các cộng tác viên, cần có những khóa tập huấn để các cộng tác viên hiểu về đặc thù của phát thanh trực tiếp, chủ động tham gia, tăng tính chuyên nghiệp của các cộng tác viên trong các chương trình phát thanh trực tiếp. Việc xây dựng chính sách trả thù lao, nhuận bút cho cộng tác viên cũng cần được quan tâm. Đây sẽ là một trong những nguồn động viên, khuyến khích sự sáng tạo, trách nhiệm cho các cộng tác viên.

Xây dựng đội ngũ dẫn chương trình chuyên nghiệp, chủ động:

Trong phát thanh, người nghe không nhìn thấy sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt của người dẫn như trên truyền hình, do vậy yêu cầu về phong cách dẫn cho phát thanh đó là thể hiện được sự hứng khởi, tin cậy, nhiệt tình và cá tính của người dẫn. Qua khảo sát cho thấy, những người dẫn chương trình PTTT của Đài TNVN và Đài PT-TH Hà Nội đều là những người dẫn chương trình chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm dẫn chương trình trên sóng phát thanh. Đối với chương trình PTTT, cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ dẫn chương trình, có thể tìm kiếm trong đội ngũ biên tập viên, phóng viên và phát thanh viên để tuyển chọn ra những người có khả năng dẫn dắt chương trình, thực sự tạo nên được bản sắc của mỗi chương trình PTTT, tạo ra dấu ấn trong lòng thính giả. Trong các chương trình PTTT, người dẫn chương trình là nhân tố then chốt bởi họ là người xuất hiện trên sóng phát thanh. Do đó, lực lượng này cần được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và có sự tích lũy về bản lĩnh, tinh thần, trách nhiệm với công việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp dưới góc nhìn quản trị truyền thông (Trang 96 - 98)