Tổng quan về khu vực phía Tây Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tâm linh khu vực phía tây hà nội (Trang 42 - 44)

CHƢƠNG 2 : TỔNG QUAN VỀ DU LỊCH TÂM LINH

2.1 Tổng quan về khu vực phía Tây Hà Nội

Trong phần phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả đã có đề cập sơ qua về khái niệm phía Tây Hà Nội được sử dụng ở luận văn này đó chính là toàn bộ khu vực tỉnh Hà Tây cũ. Ở mục này, khái niệm này sẽ được phân tích kỹ hơn để người đọc có thể hiểu rõ hơn về khu vực phía Tây Hà Nội.

Trong giáo trình Tuyến điểm du lịch Việt Nam của tác giả Bùi Thị Hải Yến có viết:

“Hà Tây cũ có diện tích 2169 km2, số dân (năm 2004) là 2,47 triệu người. Tỉnh có 2 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Tỉnh Hà Tây được sát nhập bởi hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây trước đây. Tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng, phía bắc giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, phía tây giáp tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, phía đông giáp Hà Nội, Hưng Yên, phía nam giáp với tỉnh Hà Nam. Địa hình của tỉnh đa dạng gồm có đồi, núi, đồng bằng, đặc biệt có nhiều địa hình đá vôi với nhiều hang động và phong cảnh đẹp. Tỉnh có nhiều sông hồ lớn, khí hậu mát mẻ (ở vùng núi Ba Vì), lại nằm ở vùng văn hóa xứ Đoài xưa vì vậy tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn”. [30, tr.93-94].

Đây là một tỉnh cũ Việt Nam, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, đã từng tồn tại trong hai giai đoạn: 1965-1975 và 1991-2008. Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ địa giới của Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, và như vậy tính từ sau đó đến nay thì tỉnh này không còn tồn tại nữa.

Trong giáo trình Tuyến điểm du lịch Việt Nam này, tác giả Bùi Thị Hải Yến khi nói về Hà Tây cũ có đề cập tới 1 địa danh mà hiện nay việc xác định địa danh đó cũng còn chưa ngã ngũ. Đó là địa danh “xứ Đoài xưa”.

Trong tiếng Hán, Đoài có nghĩa là hướng chính Tây, cũng là quái Đoài trong bát quái. Vì vậy, Đoài trở thành tên gọi cho vùng đất phía Tây kinh đô Thăng Long. Xưa kia, Cầu Giấy là cửa ô phía Tây của thành Thăng Long, vì vậy xứ Đoài được coi là bắt đầu từ ô Cầu Giấy. Nếu nhìn trên bản đồ hiện nay, có thể phác họa sơ lược ranh giới xứ Đoài xuất phát từ Cầu Giấy như sau: một bên bắt đầu từ Cầu Giấy theo đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên ngược lên Hưng Hóa; một bên bắt đầu từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ. Vùng đất trong vòng ranh giới phía Tây ấy chính là xứ Đoài . Thành cổ Sơn Tây ngày nay là thủ phủ của xứ Đoài.Ngược thời gian, ngay từ triều Lý, vùng Sơn Tây đã được gọi là “Xứ Đoài”. Đến triều Nguyễn đặt cấp hành chính “Xứ” gồm 3 tỉnh phía Bắc “Sơn Tây, Hưng Hoá và Tuyên Quang” là một “Xứ” lấy tên là “Xứ Đoài”. Vì thế, ba tỉnh này được gọi là các tỉnh Đoài . Như vậy, xứ Đoài ở triều Nguyễn đã mở rộng hơn nhiều so với xứ Đoài ở triều Lý. Sau khi chế độ phong kiến triều Nguyễn kết thúc, tên gọi xứ Đoài dần trở thành địa danh mang tính dân gian, không phải là tên gọi chính thống, trong khi các địa danh hành chính trong vùng đất này lại thay đổi rất nhiều qua thời gian, khiến cho đôi khi khó xác quyết được địa danh nào là thuộc xứ Đoài xưa và địa danh nào không. Cũng có thể vì sự rối rắm ấy mà ngày nay, tên gọi “xứ Đoài” dường như chỉ được dùng để chỉ khu vực thuộc tỉnh Hà Tây cũ . Rõ ràng cần phân biệt giữa tên gọi xứ Đoài và các địa danh hành chính nhỏ nằm trong xứ ấy. “Xứ Đoài”, theo ý nghĩa của từ này, là vùng đất phía Tây của kinh đô. Còn trong vùng đất ấy, các địa danh hành chính có thể có thay đổi theo thời gian, nhưng về mặt không gian thì vẫn nằm trong “xứ” ấy chứ không trật đi đâu cả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tâm linh khu vực phía tây hà nội (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)