Tuy nhiên, hoạt động giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh còn có

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục phổ thông tỉnh quảng ninh 2001 2010 (Trang 111 - 117)

Chương 3 Một số nhận xét, đánh giá

3.3. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh còn có

những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo

Trong những năm thực hiện chủ trương của Đảng, của tỉnh đặc biệt là chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Song so với yêu cầu của giáo dục để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH thì giáo dục phổ thông của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề khó khăn sau.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng hoàn thiện, chất lượng nâng cao đặc biệt ở 4 thành phố: Cẩm Phả, Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí. Tuy nhiên, do là một tỉnh ven biển thuộc vùng đông bắc của Tổ quốc, địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 11%, kinh tế phát triển chưa đồng đều, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, hàng năm lại hay phải hứng chịu thiên tai cùng gánh nặng mưu sinh đã khiến nhiều gia đình không quan tâm đến việc học hành của con em, do đó tại 6 huyện đặc biệt khó khăn: Bình Liêu, Hải Hà, Cô Tô, Đầm Hà, Hoành Bồ, Ba Chẽ, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế. Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần tại tại các huyện này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó một số trường THPT ngoài công lập, các trung tâm hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên, học sinh có học lực yếu, kém còn chiếm tỷ lệ khá cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn nâng cao nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế của tỉnh. Tỷ lệ học sinh đạt các giải cao phân bố không đều chủ yếu tập trung ở các môn khoa học tự nhiên điều này cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa đến các môn khoa học xã hội như: văn học, lịch sử, địa lý… việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT đã được triển khai, tuy nhiên kết quả chưa cao do các đơn vị trường học còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

Giáo dục toàn diện được chú trọng đặc biệt về đạo đức và nhân cách, tuy nhiên ở một số trường học chất lượng giáo dục toàn diện chưa đạt hiệu quả, chưa kết hợp được với cha mẹ học sinh để giáo dục trong gia đình kiểm soát tình hình đạo đức, lối sống của học sinh. Do vậy tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông, “nghiện” các trò chơi điện tử trực tuyến bạo lực, không lành mạnh….vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Tháng 10/2010, vụ việc học sinh trường THPT Lương Thế Vinh bị một số đối tượng bên ngoài nhà trường hành hung, sau đó tung video clip lên mạnh Internet đã gây bức xúc trong dư luận… Theo phản ánh của cơ quan công an, những đơn vị trường học như trường THPT Hạ Long, THPT Hòn Gai và trung tâm hướng nghiệp - giáo

dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh vẫn có hiện tượng học sinh đi xe máy đến trường, học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lúc ra về còn vi phạm chở 2, chở 3.

Thứ hai, mạng lưới trường lớp đã phát triển và mở rộng nhưng chưa hợp

lý giữa các vùng miền.

Việc thực hiện quy hoạch hệ thống các trường phổ thông còn nhiều bất cập, các trường quy mô lớn tập trung ở trung tâm là chủ yếu; mật độ trường học chưa hợp lý: nhiều huyện thị lớn số trường phổ thông còn ít. Huyện Ba Chẽ dân số năm 2009: có 18.887 người, diện tích 576 km2 nhưng mới chỉ có 2 trường tiểu học, 3 trường THCS, 1 trường THPT. Huyện Cô Tô: dân số hơn 4.985 người, diện tích 46,2 km2 với hơn 50 đảo lớn nhỏ nhưng chỉ có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS, 1 trường THPT.

Do thực hiện phổ cập giáo dục trung học và phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS chưa hiệu quả, làm cho sự phát triển về quy mô trường lớp bị hạn chế, việc phát triển quy mô trường lớp hiện nay của tỉnh mới theo hướng tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, thực hiện XHHGD, kết hợp đầu tư của Nhà nước và huy động sức đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp, chưa thể hiện mục tiêu phổ cập trong việc định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT.

Thứ ba, về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất

lượng giáo dục.

Số lượng phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện, sách báo tham khảo còn ít, chưa thực sự đáp ứng cho công tác dạy học. Bên cạnh đó mặc dù phòng học bộ môn đã bổ sung nhưng so với yêu cầu giảng dạy vẫn còn thiếu nên việc khai thác, sử dụng thiết bị chưa đạt hiệu quả tối đa.

Một số địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất Trường Tiểu học Quảng Sơn (Hải Hà), năm học 2007-2008, Quảng Sơn được nhắc đến nhiều khi nơi đây có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất, nhì tỉnh (35 em cả

tiểu học và THCS); trường, lớp thiếu thốn, chỉ là những lớp học tạm bằng tranh, tre, nứa lá.Trường PTCS Ngọc Vừng (Huyện Vân Đồn) hiện tại chưa có nguồn điện lưới, lớp học đều là nhà cấp 4, xây dựng từ những năm 1998 đã xuống cấp. Điều kiện sống, điều kiện học tập những nơi này quá khó khăn, thiếu thốn đã không đủ sức hút và động lực cho học sinh đến trường.

Ở các điểm trường lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng khó của các huyện miền núi như: Bình Liêu, Ba Chẽ….các công trình vệ sinh còn gặp những khó khăn nhất định, thiếu nước sạch do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí. Ở khu vực biên giới hải đảo trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ phòng học nhờ, học tạm cao. Đặc biệt huyện Tiên Yên đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về điều kiện phát triển kinh tế và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn thấp. Trong năm học 2009- 2010, tỉnh đã đầu tư kinh phí cho chương trình xây dựng trường, lớp học kiên cố và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn huyện gồm hơn 40 tỷ đồng. Mặc dù địa phương đã tích cực phối hợp với ngành giáo dục triển khai đề án này, tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, cho nên hiện nay số trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên trên địa bàn huyện được xây dựng kiên cố mới chỉ đạt 85% chỉ tiêu đặt ra, số đông các em học sinh là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Những điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mà huyện Tiên Yên đang nỗ lực thực hiện.

Bên cạnh đó, ở một số thị xã, thành phố diện tích khuôn viên không đủ tiêu chuẩn nên tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp THPT còn thấp. Việc thực hiện công khai các khoản thu, chi đối với các cơ sở giáo dục còn chậm được triển khai; nhiệm vụ thực hiện kiên cố hóa trường, lớp và xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn rất nặng nề; việc thực hiện chế độ chính sách, thực hiện đầu tư xây dựng nhà trường và việc mua sắm thiết bị theo luận chứng thành lập trường tại một số trường THPT ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện theo đúng các quy định.

Tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của trường THPT Chuyên Hạ Long - trường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh mặc dù đã hoàn thành giai đoạn I nhưng tiến độ vẫn còn chậm[35].

Thứ tư, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, vùng miền

vẫn tồn tại.

Tình trạng giáo viên văn, toán ra trường không xin được việc làm còn rất nhiều nhưng giáo viên cấp tiểu học môn học giáo dục thể chất, tiếng anh còn thiếu, giáo viên thực hành, thí nghiệm cấp THCS và THPT chưa được phân bố kịp thời, hợp lý. Phương pháp và chất lượng đào tạo của một bộ phận giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của giáo dục, việc sử dụng có hiệu quả các thiết bị và đồ dùng dạy học đặc biệt là thiết bị mới, hiện đại còn hạn chế do đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thí nghiệm còn chưa được đào tạo.

Bên cạnh đó mức lương giáo viên thì rất thấp, một giáo viên THPT ra trường đã gần 10 năm mà lương chỉ khoảng 3 triệu đồng, nên rất nhiều người không mấy mặn mà, nhiệt tình đầu tư nâng cao chất lượng vào giảng dạy.

Hiện nay tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trợ cấp cho cán bộ, giáo viên công tác vùng khó khăn nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế nên phần lớn giáo viên sau khi công tác 5 năm hoặc 1 thời gian ngắn lại xin chuyển công tác về vùng trung tâm, về trường điểm.

Tình trạng trên dẫn đến đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao của tỉnh phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại trường ở trung tâm, đô thị. Tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học ở các huyện miền núi, biên giới, hải đảo rất hạn chế. Tình trạng này gây khó khăn cho việc thực hiện nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục toàn diện, đồng đều giữa các vùng miền.

Thứ năm, đội ngũ cán bộ, quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu

phát triển giáo dục.

Công tác dạy, học cũng như công tác kiểm tra, đánh giá còn nhiều bất cập, thiếu nghiêm túc, tích cực[36]. Các hoạt động dự giờ, kiểm tra sổ sách, giáo án của thanh tra, tổ chuyên môn đánh giá kết quả còn chạy theo thành tích chưa coi đó là biện pháp để trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến về kinh nghiệm giảng dạy cho giáo viên, khiến nhiều giáo viên còn thực hiện mang tính chất đối phó. Điều đáng nói là chất lượng cuộc họp đều thấp, nhiều lúc chỉ có mặt để điểm danh và ghi văn bản là xong.

Công tác quản lý giáo dục ở một số trường, nhất là một số trường thuộc diện khó khăn còn chậm đổi mới về phương pháp quản lý, giải quyết kiến nghị sau thanh tra, triển khai thông tin. Báo cáo của ngành đến các cơ sở còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chỉ thị của ngành.

Thứ sáu, hiện tượng tiêu cực và bệnh thành tích ở các cấp học và các

vùng miền còn khá nặng nề. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo

viên còn hạn chế, chưa mạnh dạn tố cáo, phản đối các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích. Ở một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng lệch lạc trong định hướng các giá trị trong hoạt động dạy và học, trong lối sống văn hóa, đạo đức nghề nghiệp. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học ở vùng dân tộc, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn hiệu quả chưa cao. Chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh dân tộc đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Cuộc vận động tại đơn vị nhìn chung chưa có nhiều nổi bật. Các hoạt động dù đa dạng, phong phú nhưng có nét trùng lắp qua mỗi năm nên đôi khi không thu hút được sự tham gia đông đảo của các đối tượng.

36 Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2009-2010, qua phân tích kết quả điểm thi đối chiếu với kết quả xếp loại học lực 2 môn Ngữ văn và Toán của học sinh cấp THCS vẫn còn có một số chênh lệch bất thường.

Nguyên nhân: của những hạn chế trên là do giáo dục tỉnh Quảng Ninh có nhiều đặc điểm mang tính đặc thù, có sự chênh lệch nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo giữa các vùng miền. Giữa miền núi, hải đảo và các làng chài trên biển với các vùng đô thị, đồng bằng phát triển có khoảng cách khá xa về mức sống, trình độ dân trí cũng như nhu cầu học tập. Do cơ chế quản lý của ngành giáo dục còn nhiều bất cập nên bệnh thành tích khó tránh khỏi. Hiện nay tỷ lệ học sinh loại khá và giỏi cao vì nếu thầy cô cho điểm thấp thì coi là dạy kém nên chất lượng học sinh thấp, cuối kỳ hay cuối năm xét công chức sẽ bị trừ điểm thi đua, vì vậy ai cũng muốn cho học sinh điểm cao.

Tiêu chuẩn hoá cán bộ dựa trên bằng cấp chứ không dựa vào thực tài. Chính sách lương bổng của giáo viên thấp chưa đủ sức để thu hút người có tài làm trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ cha mẹ học sinh chưa hiểu đầy đủ chủ trương chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm nên còn lo lắng và chưa phối hợp với nhà trường trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm đúng quy định .

Tuy còn nhiều hạn chế và thiếu sót về một số mặt nhưng không thể không công nhận ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh trong 10 năm qua đang có những bước phát triển khá toàn diện và vững chắc, đang vươn tới để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục phổ thông tỉnh quảng ninh 2001 2010 (Trang 111 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)