Vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng hồ chí minh (qua thực tế tại trường đại học ngoại thương) (Trang 45 - 48)

2 .Tình hình nghiên cứu đề tài

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Sự cần thiết phải giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tƣ tƣởng Hồ

2.1.1. Vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước

Thế hệ trẻ là lực lượng quan trọng của mỗi dân tộc. Sự phát triển của thế hệ trẻ không những quyết định đến vận mệnh và tương lai của dân tộc mà còn ảnh hưởng tới tương lai của nhân loại. C.Mác đã đánh giá: tương lai của loài người phụ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên. Còn V.I. Lênin thì cho rằng chúng ta phải chuẩn bị cho thanh niên như thế nào để họ biết xây dựng đến cùng và hoàn thành triệt để cái sự nghiệp mà chúng ta đã bắt đầu.

Hồ Chí Minh, ngay từ rất sớm, Người đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước. Xuất phát từ quy luật vận động của xã hội loài người, Hồ Chí Minh khẳng định tuổi trẻ không những là người kế tục các thế hệ đi trước mà còn là tương lai của đất nước, của dân tộc. Năm 1946, trong Thư gửi học sinh, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội ” [39, tr.167]. Câu nói giàu hình ảnh này thể hiện niềm tin yêu trọn vẹn của Người dành cho thế hệ trẻ. Đối với một con người, tuổi thanh xuân là năm tháng tươi đẹp nhất. Đối với xã hội, thế hệ trẻ là lực lượng quan trọng nhất, quyết định tương lai của dân tộc. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên” [40, tr.185].

Sở dĩ thanh niên có vai trò to lớn như vậy là vì sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn với các nhiệm vụ khác nhau. Trong tiến trình ấy, lớp người hiện tại không thể nào giải quyết hết được tất cả các nhiệm vụ, hơn nữa, thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mới

đòi hỏi tiếp tục phải giải quyết. Vì thế, nếu thiếu lực lượng kế cận xứng đáng thì chẳng những sự nghiệp cách mạng sẽ gặp khó khăn mà ngay cả những gì đã có cũng khó được giữ gìn, bảo tồn.

Từ việc nhận thức được vai trò quan trọng của thanh niên, Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Ngay từ năm 1925, trong bài Thư gửi thanh niên An Nam, sau khi phê phán toàn quyền Pháp P. Đume và kể về sự phấn đấu của thanh niên Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hồ Chí Minh viết: “Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi! Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” [37, tr.133].

Cũng năm 1925, khi truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Hồ Chí Minh chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên và Người tập hợp họ trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Ngay ngày khai trường đầu tiên sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chí minh đã viết thư gửi học sinh, kêu gọi học sinh cố gắng học tập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [39, tr.33].

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Người luôn nhấn mạnh đến quan điểm giáo dục toàn diện. Giáo dục, bồi dưỡng phải trên tất cả các mặt: đức, trí, thể, mỹ. Đặc biệt, thanh niên cần có hai yếu tố, đó là đức và tài. Người nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài…” [44, tr.172]. Trong Di chúc, Người đã căn dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách

mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và cần thiết… Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa x ã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. ” [47, tr.510].

Quán triệt quan điểm đó, Đảng ta luôn quan tâm, giáo dục và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khoá VII) về công tác thanh niên đã chỉ rõ: Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào thanh niên, vào việc bồi dưõng, rèn luyện thế hệ thanh niên.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, trong Bài phát biểu tại Đại hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ V, ngày 26-2-2005 đã khẳng định: “Đảng và nhân dân ta luôn đặt niềm tin yêu vào thế hệ trẻ, đánh giá đúng đắn vai trò và khả năng cách mạng to lớn của thanh niên trong các tiến trình lịch sử dân tộc” [50, tr.6].

Có thể nói, thế hệ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Để trở thành người kế tục xuất sắc sự nghiệp xây dựng đất nước của cha anh, thế hệ trẻ hôm nay phải tự rèn luyện và học tập để trở thành những con người mới đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước. Con người mới trong giai đoạn hiện nay không chỉ cần có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, mà còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhưng có một thực tế là nhiều thanh niên hiện nay chỉ quan tâm đến việc học kiến thức, coi nhẹ vấn đề tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Đặc biệt, mặt trái của kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã và đang có những tác động tiêu cực đến đời sống đạo đức của thế hệ trẻ hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo tư tưởng hồ chí minh (qua thực tế tại trường đại học ngoại thương) (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)