Khái niệm, bản chất pháp lí và vai trò của khởi tố vụ án hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) suy luận logíc và vai trò của nó trong các giai đoạn tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 44 - 45)

8. Kết cấu của luận văn

2.2. Vai trò của suy luận logic trong giai đoạn khởi tố

2.2.1. Khái niệm, bản chất pháp lí và vai trò của khởi tố vụ án hình sự

Khái niệm: khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự [19, tr. 233].

Cơ sở khởi tố vụ án là những nguồn tin mà dựa vào đó cơ quan có thẩm quyền khởi tố xác định dấu hiệu tội phạm. Các nguồn tin có giá trị pháp lý bao gồm: tố giác của công dân; tin báo của cơ quan, tổ chức; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển…) được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; hoặc người phạm tội tự thú. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu của tội phạm đã được xác định. Trình tự thủ tục của khởi tố vụ án hình sự bao gồm: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm tra xác minh các căn cứ về tội phạm; quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Bản chất pháp lý của giai đoạn khởi tố: Với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung vật chất, về pháp luật và về hình thức tố tụng của việc điều tra vụ án hình sự. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự có liên quan đến hành vi đó.

Vai trò của giai đoạn khởi tố: Một mặt, khởi tố vụ án hình sự là sự phản ứng nhanh chóng từ phía Nhà nước đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm góp phần phát hiện, điều tra và xử lý một cách có căn cứ và đúng pháp luật hành vi phạm tội và người phạm tội. Nó không chỉ là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự mà còn là phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, khởi tố vụ án hình sự cũng góp phần ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố vụ án hình sự một cách thiếu cân nhắc kỹ, vội vàng và có thể loại bỏ một loạt hậu quả tiêu cực khác trong việc truy cứu tố tụng hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự tiếp theo như: Điều tra không có căn cứ đối với những hành vi không chứa đựng dấu hiệu của tội phạm hoặc khám xét, bắt, giam giữ, buộc tội, xét xử một cách vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những người vô tội. Cuối cùng, khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trước khi khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của giai đoạn điều tra, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) suy luận logíc và vai trò của nó trong các giai đoạn tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 44 - 45)