Con đường thực hiện “Bình đẳng dân tộc”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng v i lênin về bình đẳng dân tộc và sự vận dụng của đảng cộng sản việt nam giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 50)

1.2.2 .Cơ sở thực tiễn

1.3. Nội dung tƣ tƣởng V.I.Lênin về bình đẳng dân tộc

1.3.3. Con đường thực hiện “Bình đẳng dân tộc”

Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ, cách mạng thì hệ tư tưởng của nó đóng vai trò tiêu biểu và biểu hiện như là hệ tư tưởng của dân tộc bởi nó chứa đựng nhân tố tiến bộ, chống hệ tư tưởng phong kiến bảo thủ, phản động. Dưới ngọn cờ đó, các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động, kể cả công nhân tìm cách bảo vệ lợi ích của mình bên cạnh lợi ích là người ủng hộ mọi nguyện vọng dân tộc, là người đại diện của dân tộc. V.I.Lênin khẳng định: “Giai cấp tư sản – giai cấp dĩ nhiên chiếm bá quyền (lãnh đạo) trong giai đoạn đầu của bất cứ phong trào dân tộc nào – coi sự ủng hộ tất cả các nguyện vọng dân tộc là hành động thực tiễn” [43, tr.318 – 319].

Tình hình thay đổi khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Sự phát triển mạnh mẽ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đẩy nhanh sự phân hóa trong dân tộc tư sản. Giai cấp tư sản bóc lột đông đảo nhân dân lao động và đặt nó ở vị trí đối lập với dân tộc. Mặc dù họ cũng đặt ra vấn đề bình đẳng dân tộc nhưng thường tuyên truyền chủ nghĩa sôvanh nhằm chia rẽ dân tộc, làm cho các dân tộc xa lánh nhau. Kể từ đó, khẩu hiệu dân tộc, chiêu bài “chiến tranh dân tộc”, khẩu hiệu “bảo vệ tổ quốc” do giai cấp tư sản đưa ra chỉ là sự lừa dối, nhằm trì hoãn cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

Bởi vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác –Lênin, chỉ có dựa trên lập trường của giai cấp công nhân, vấn đề dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc

mới được giải quyết đúng đắn. V.I.Lênin cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa cùng với việc thủ tiêu chế độ bóc lột tư bản cũng chấm dứt sự thống trị của giai cấp tư sản đối với dân tộc và dân tộc tư sản sẽ được thay thế bằng dân tộc xã hội chủ nghĩa mà người đại diện chân chính là giai cấp công nhân. Bởi giai cấp công nhân, do đặc điểm, địa vị kinh tế - xã hội của mình có lợi ích gắn bó với lợi ích của các giai tầng lao động khác trong xã hội cho nên giai cấp công nhân là đại diện cho nguyện vọng của thời đại, của đa số dân tộc, vận mệnh của nó không tách rời vận mệnh dân tộc, mục tiêu của nó là xây dựng một xã hội mới – xã hội cộng sản mà trong đó mọi người được tự do, hạnh phúc phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân trong mỗi dân tộc, phù hợp với con đường phát triển tiến bộ; một xã hội tạo các tiền đề vật chất để thực hiện bình đẳng dân tộc.

Sau khi giành được chính quyền từ tay giai cấp tư sản, giai cấp công nhân “trở thành dân tộc”, là lực lượng lãnh đạo toàn dân xây dựng xã hội mới; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội; tạo lập và phát huy các động lực, nguồn lực của đất nước, đặc biệt là của chính các dân tộc để thực hiện bình đẳng dân tộc.

Theo quan điểm của V.I.Lênin, đoàn kết giai cấp công nhân tất cả các dân tộc chính là điều kiện giải quyết tốt các quan hệ dân tộc, thực hiện quyền bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết trên thực tế. Từ những vấn đề cơ bản trong giải quyết vấn đề dân tộc trong xã hội tư bản và trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cương lĩnh về vấn đề dân tộc là cơ sở lý luận để phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nghiên cứu vận dụng trong các vấn đề về phong trào giải phóng dân tộc.

V.I.Lênin cho rằng, việc thực hóa quyền bình đẳng dân tộc không chỉ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà một phần phụ thuộc vào cuộc đấu tranh khắc phục chủ nghĩa dân tộc mà biểu hiện của nó là chủ nghĩa sô vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự kỳ thị dân tộc, chủ nghĩa biệt lập dân tộc, thói tự ti và mặc cảm dân tộc...Tựu chung lại là toàn bộ

những biểu hiện khác nhau tiếp nối của ý thức, chính sách vè hành động tuyệt đối hóa, đề cao quá mức dân tộc mình; coi thường, miệt thị dân tộc khác; gây nghi kỵ, hiềm khích, thù hận và xung đột giữa các dân tộc. Mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc sai trái là sự phủ định dân tộc khác, chủ trương đồng hóa dân tộc. Các hình thức của chủ nghĩa dân tộc sai trái là sản phẩm tất nhiên của chế độ bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc sinh ra từ chế độ tư hữu cùng những biến đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội gắn liền với chế độ xã hội đó. Do đó, các giai cấp bóc lột thống trị xã hội là kẻ khởi xướng, cổ vũ và thực thi chủ nghĩa dân tộc sai trái. V.I.Lênin cho rằng: “Tôi đã nói rằng đặt vấn đề về chủ nghĩa dân tộc nói chung là một cách trừu tượng chẳng có lợi gì. Cần phải phân biệt chủ nghĩa dân tộc của dân tộc đi áp bức với chủ nghĩa dân tộc của dân tộc bị áp bức, chủ nghĩa dân tộc của một dân tộc lớn và chủ nghĩa dân tộc của một dân tộc nhỏ” [48, tr.410].

Chủ nghĩa dân tộc là dựa trên sự khẳng định, tuyệt đối hóa tính biệt lập, đặc thù của một dân tộc, đề cao dân tộc mình, phủ nhận hoặc xem thường dân tộc khác. Bằng việc truyền bá các tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc, bằng các chính sách phản động, các giai cấp bóc lột đã đầu độc quần chúng nhân dân, tạo ra sự tiêm nhiễm lây lan tư tưởng, tâm lý dân tộc chủ nghĩa trong xã hội, trong các giai cấp, tầng lớp xã hội gây nên sự kỳ thị, thù hằn, xung đột lẫn nhau giữa các dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc sai trái và sự ảnh hưởng của nó trong xã hội là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên sự chia rẽ và suy yếu lực lượng cách mạng và sức mạnh dân tộc, làm gay gắt các mâu thuẫn xã hội, gây nên các cuộc xung đột, chiến tranh dân tộc, sắc tộc trên thế giới từ trước đến nay.

Về bản chất, chủ nghĩa dân tộc sai trái đối lập với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân tộc và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đồng thời cũng đối lập hoàn toàn với lợi ích chân chính của các dân tộc và làm tổn hại đến đoàn kết dân tộc, bình đẳng dân tộc. V.I.Lênin đã chỉ rõ “Chủ nghĩa Mác không thể điều hòa với chủ nghĩa dân tộc, dù là chủ nghĩa dân tộc

“công bằng”, “thuần khiết”, tinh vi và văn minh đến đâu đi nữa” [42, tr.167]. Chủ nghĩa dân tộc thường biểu hiện dưới hai hình thức: chủ nghĩa sôvanh nước lớn của dân tộc thống trị mà đặc điểm của nó là thái độ miệt thị các dân tộc khác và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bế quan tỏa cảng, ngờ vực dân tộc khác.

Chủ nghĩa dân tộc lớn, chủ nghĩa sô vanh không chỉ xuất hiện ở các dân tộc đi thống trị, áp bức dân tộc khác mà ngay trong một quốc gia, tư tưởng dân tộc có thể xuất hiện ở dân tộc đã số, có trình độ cao hơn, đại diện cho quốc gia đó. Biểu hiện của nó là sự thiếu tôn trọng hoặc đối xử không bình đẳng với các dân tộc thiểu số có trình độ thấp hơn. Tư tưởng dân tộc lớn trong một quốc gia đa dân tộc làm tổn thương đến tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, vi phạm quyền bình đẳng dân tộc, làm nảy sinh những mâu thuẫn, những xích mích giữa dân tộc này với dân tộc khác, nhất là giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, là nguy cơ dẫn đến xung đột dân tộc.

Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi có xu hướng khép kín, đóng cửa, biệt lập, bài xích một cách mù quáng không muốn tiếp thu những tinh hoa, văn hóa, những mặt tích cực của các dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cũng làm chậm bước tiến của các dân tộc; có nhiều dân tộc nhỏ yếu, dùng tư tưởng dân tộc hẹp hòi như một lá chắn, ngăn chặn ảnh hưởng từ các dân tộc khác…Do vậy, cần phải giáo dục, nâng cao ý thức dân tộc đúng đắn cho nhân dân các dân tộc. Đồng thời chống mọi biểu hiện chủ nghĩa dân tộc sai trái.

Chính vì vậy, để thực hiện bình đẳng dân tộc phải kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc sai trái trong đời sống xã hội và trong các lực lượng cách mạng trên tất cả các phương diện: pháp lý, đạo lý, tư tưởng và hành vi. Cùng với cuộc đấu tranh đó, phải thường xuyên giáo dục cho mọi thành viên xã hội, không phân biệt dân tộc, tình cảm đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Mọi hành động trực tiếp hay gián tiếp phân biệt đối xử vì lý do dân tộc đều phải bị lên án và nghiêm trị theo pháp luật. Đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc sai trái dưới mọi hình thái biểu hiện của nó là điều kiện quan trọng và có ý

nghĩa to lớn để thực hiện bình đẳng dân tộc, đảm bảo cho sự thống nhất dân tộc; đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc sai trái mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đề cao và bảo vệ quyền con người.

Như vậy, đứng trên lập trường giai cấp công nhân để xem xét vấn đề bình đẳng dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa; gạt bỏ trở lực tư tưởng và biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc dưới mọi hình thức…là nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về bình đẳng dân tộc. Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề dân tộc, bình đẳng dân tộc do những nguyên nhân khách quan về hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin thường bàn về vấn đề dân tộc – quốc gia, mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc. Song, dù dân tộc được hiểu theo cấp độ nào những chúng có sự tương hỗ lẫn nhau bởi mối quan hệ mật thiết: nhân tố tộc người và nhân tố chính trị - xã hội. Do đó, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các dân tộc – quốc gia là cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc – tộc người trong một quốc gia đa dân tộc và ngược lại. Vì vậy, thực hiện bình đẳng dân tộc theo tư tưởng V.I.Lênin đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và vận dụng đúng những nguyên lý, quan điểm cơ bản của ông về vấn đề dân tộc và bình đẳng dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng v i lênin về bình đẳng dân tộc và sự vận dụng của đảng cộng sản việt nam giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 50)