1.2.2 .Cơ sở thực tiễn
2.1. Đặc điểm tình hình dân tộc Việt Nam và nội dung vận dụng tƣ tƣởng
2.1.1. Đặc điểm tình hình dân tộc Việt Nam
Quốc gia – dân tộc Việt Nam được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, phải chịu bao biến cố lớn lao và khắc nghiệt, song dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ với những đặc điểm riêng của mình. Cho đến nay, khi bàn về đặc điểm dân tộc ở Việt Nam vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến khá độc đáo và mới mẻ. Tuy nhiên, trong đề tài này, người viết chỉ khái quát những đặc điểm cơ bản nhất nhằm mục đích nắm vững cơ sở hiện thực của chính sách thực hiện bình đẳng dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra từ việc vận
dụng quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của V.I.Lênin về bình đẳng dân tộc.
Ngay từ khi hình thành, Việt Nam đã là một quốc gia đa dân tộc. Trong quá trình phát triển, các cư dân phương Bắc tràn xuống, từ Lào và Campuchia di cư sang làm cho thành phần dân tộc nước ta càng trở nên phong phú. Cho đến nay, nước ta có 54 dân tộc anh em sinh sống, ngoài người Kinh là dân tộc đa số, còn lại là dân tộc thiểu số.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, cùng với sự phát triển của tộc người và những biến động của lịch sử, các quan hệ tộc người cũng hình thành và phát triển đa dạng, phức tạp, các dân tộc lại thường không cố định địa vực cư trú ban đầu của mình mà di động ở nhiều nơi, sống xen kẽ nhau đã tạo nên một số đặc điểm chủ yếu về dân tộc mang đậm bản sắc Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật và đáng quý nhất của dân tộc Việt Nam là các dân tộc nước ta có truyền thống đoàn kết lâu đời trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất.
Do hoàn cảnh lịch sử khách quan và các yếu tố nội sinh trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc mà các thành phần dân tộc ở nước ta đã gắn bó với nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Mặc dù có điều kiện sinh sống, phong tục tập quán, văn hóa…khác nhau nhưng các dân tộc đều ý thức được rằng mình có chung nguồn cội và Tổ quốc. Cội nguồn chung ấy được phản ánh trong truyền thuyết, trong những câu chuyện dân gian của mỗi dân tộc. Điều quan trọng nhất làm nên truyền thống đoàn kết đó là lòng yêu Tổ quốc nồng nàn, tổ quốc mà các dân tộc đã phải chung lưng đấu cật, chịu đựng gian khổ để dựng xây. Truyền thống đoàn kết ấy còn có được nhờ mấy ngàn năm lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến hai kẻ thù thực dân đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ. Trong thời kỳ lịch sử mới, Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết, tương trợ trên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, ra sức phấn đấu để tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn
dân, thực hiện mục tiêu các dân tộc thống nhất, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc ít người được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đang đòi hỏi những vấn đề mới về thực hiện đoàn kết, bình đẳng dân tộc. Ở nước ta, dù là dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số đều có quyền bình đẳng như nhau trước pháp luật. Tuy nhiên, sự bình đẳng dân tộc trên thực tế trong các lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi nói chung và đặc biệt ở vùng cao, biên giới, vùng căn cứ kháng chiến cũ còn nhiều khó khăn. Thực hiện đoàn kết các dân tộc phải được dựa trên cơ sở bình đẳng dân tộc, vì thế việc tương trợ, giúp đỡ sự phát triển ở miền núi các dân tộc thiểu số cũng chính là nhằm thực hiện đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết là truyền thống được hình thành như một quy luật khách quan đối với sự tồn tại của mỗi dân tộc và của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó là giá trị tinh thần cao quý, tạo nên một ý thức quốc gia bền chặt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam cư trú xen kẽ và giữa các dân tộc có số lượng dân cư và sự phân bố dân cư không đồng đều.
Đa số dân tộc Kinh sống ở đồng bằng với mật độ trung bình từ 500 – 600 người/km2, trong khi đó các dân tộc khác chỉ chiếm khoảng 13% dân số nhưng lại sinh sống trên địa bàn rộng lớn với diện tích chiếm tới 2/3 diện tích cả nước, do đó mật độ dân cư ở đây rất thấp. Hiện nay, dưới sự tác động của nhiều nhân tố, nhất là tác động của quá trình di cư đã làm bức tranh phân bố
dân cư trong cả nước có nhiều thay đổi, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Mức độ cư trú xen kẽ giữa các dân tộc ngày càng cao, nhất là giữa dân tộc Kinh và dân tộc ít người. Đặc điểm cư trú phân tán xen kẽ giữa các dân tộc một mặt tạo điều kiện để các dân tộc gần gũi, tăng cường sự hiểu biết, hòa hợp, gắn bó với nhau. Nhờ đó các dân tộc có thể giúp đỡ nhau phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, góp phần ngăn chặn sự nảy sinh tính ích kỷ tộc người. Mặt khác, sự khác nhau về phong tục tập quán, lối sống, sự tranh chấp về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế là nguyên nhân làm nảy sinh những va chạm giữa các dân tộc. Tình trạng sống đan xen cũng khiến các dân tộc dễ đánh mất bản sắc văn hóa của mình, hòa lẫn vào văn hóa của dân tộc khác hoặc có thể quên nguồn cội…Chính những bất cập này là mảnh đất tốt cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta, tìm mọi cách khoét sâu vào những va chạm, mâu thuẫn ấy để chia rẽ, làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc, từ đó thực hiện ý đồ đen tối của chúng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của dân tộc ta hiện nay là giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Về kinh tế: cho đến giai đoạn hiện nay, bên cạnh những dân tộc đã tiến tới trình độ nhất định của nền kinh tế hàng hóa, đang từng bước vận động theo cơ chế thị trường thì vẫn còn những dân tộc mới chỉ vượt qua trình độ của nền kinh tế tự nhiên, bước đầu chuyển sang nền kinh tế tự cấp, tự túc với công cụ thô sơ, kỹ thuật lạc hậu. Hiện nay, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các miền dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn trong sinh hoạt kinh tế như trình độ tổ chức sản xuất, phương thức canh tác, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật…dẫn đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế nói chung cũng chênh lệch. Mặc dù đa phần dân tộc thiểu số đã định canh định cư nhưng tình trạng sống du canh, du cư vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc nhiều nơi còn khó khăn, tình trạng đói nghèo vẫn còn khá phổ biến.
Việc thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở các vùng núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số là những vấn đề nan giải do nhiều nguyên nhân cần sớm khắc phục.
Về chính trị: một trong những nét nổi bật về tình hình các dân tộc nước ta hiện nay là trình độ nhận thức về chính trị của nhân dân và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, không đồng đều. Miền núi nước ta hiện nay, có kết cấu dân cư phức tạp, một quá trình phát triển lịch sử không đồng nhất, một trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, đa dạng về ngôn ngữ, về tâm lý xã hội, về phong tục tập quán, về tôn giáo tín ngưỡng, về văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, sự chênh lệch về mặt chính trị giữa các dân tộc, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, giữa miền núi và miền xuôi là một trong những mâu thuẫn và khó khăn trong quá trình giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay.
Về văn hóa: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, trình độ văn hóa, trình độ dân trí nói chung giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn chênh lệch lớn. Phong tục tập quán, luật tục, tâm lý, lối sống của các dân tộc thiểu số bên cạnh những yếu tố tích cực còn lưu giữ nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu ở các mức độ khác nhau. Đời sống văn hóa ở các cơ sở, mức hưởng thụ về văn hóa cũng còn chênh lệch lớn, đặc biệt nếu so sánh với các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Về xã hội: quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội nhằm ổn định đời sống, việc làm, thực hiện các chính sách xã hội, chống tệ nạn xã hội…cũng biểu hiện rõ nét sự không đồng đều, thậm chí chênh lệch rất lớn trong các tộc người thiểu số và đa số, cũng như giữa các tộc người thiểu số với nhau. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn hàng lậu, vượt biên trái phép, việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo reo rắc mê tín dị đoan, hủ tục vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng dân tộc thiểu số.
Do tính chất đa dạng về dân tộc, tộc người, đa dạng về thiên nhiên, khí hậu, đất đai nên các bộ phận dân cư sống ở các vùng khác nhau bị chi phối mạnh mẽ, trực tiếp bởi những điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau nên có những trình độ phát triển các mặt khác nhau. Bên cạnh nguyên nhân lịch sử và hoàn cảnh tự nhiên, chúng ta còn thấy nguyên nhân xã hội là chủ yếu.
Sau ngày đất nước được giải phóng và thống nhất năm 1975, đồng bào các dân tộc nước ta được độc lập, có chủ quyền, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương chính sách theo tinh thần tạo điều kiện để từng bước miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng đông bào dân tộc thiểu số tiến kịp vùng đồng bào đa số. Qua hơn 30 năm đổi mới, tình hình các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên giữa các vùng dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau, trình độ phát triển về mọi mặt vẫn còn nhiều chênh lệch. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa trong việc đề ra và thực hiện chính sách dân tộc nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch trên nhiều phương diện.
Sự chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc nước ta mang dấu ấn của sự đa dạng dân tộc và sự đa dạng của các vùng cư trú, của những điều kiện lịch sử xã hội, điều kiện tự nhiên. Chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển là một đặc điểm và là một thực tế bức bách cần khắc phục để thực hiện bình đẳng, đoàn kết trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay.
Như vậy, việc tìm hiểu các đặc điểm cũng như tình hình dân tộc ở nước ta đã có ý nghĩa lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề bình đẳng dân tộc và việc vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta trong mỗi thời kỳ khác nhau, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới hiện nay.