Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thời kỳ 1945 - 1954 (Trang 50 - 51)

Khi bàn về bản chất giai cấp của một chính đảng, chúng ta thấy rằng bất kỳ một đảng chính trị nào cũng là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp và mang bản chất của một giai cấp nhất định. Đảng nào cũng đứng trên lập trường của một giai cấp nhất định, không thể có một chính đảng không mang tính giai cấp, đứng ngoài giai cấp. Vì vậy, ở mục 33. TÍNH CHẤT CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM trong tác phẩm

Thường thức chính trị (1953), Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng kết hợp phong trào

cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn. Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân” [71; tr.275].

ĐCS Việt Nam ra đời không có mục đích tự thân mà chỉ có mục đích duy nhất là lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tiến tới giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng thành công CNXH và CNCS ở Việt Nam và góp phần nhỏ vào sự nghiệp to lớn là CNCS phạm vị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ một nước thuộc địa bị đế quốc thực dân đàn áp, bóc lột và đội ngũ công nhân mới ra đời, còn non trẻ,

bên cạnh đó nước ta có đông đảo các lực lượng khác từ giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc,... yêu nước vì cùng chịu chung cảnh áp bức, bóc lột. Do vậy, họ luôn sát cánh với giai cấp công nhân trong mọi cuộc đấu tranh. Ở điều kiện cụ thể của Việt Nam, phong trào công nhân là một bộ phận của phong trào yêu nước. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước hoà quyện vào nhau, thống nhất với nhau trong mục tiêu chung là giành độc lập cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Điều này, được thể hiện rõ ở chỗ:

Một là, về mặt bản chất giai cấp của Đảng thì chỉ có một, đó là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng cơ sở xã hội của Đảng là toàn dân tộc. Mọi công dân

Việt Nam - chứ không phải chỉ có giai cấp công nhân, qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

Hai là, Đảng có trách nhiệm to lớn không chỉ đối với giai cấp công nhân, mà

còn đối với nhân dân lao động và cả dân tộc: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”, “Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc)” [71; tr.274].

Giai cấp công nhân có hệ tư tưởng khoa học và cách mạng, cơ sở lý luận tiên tiến dẫn đường: Chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thấm sâu vào tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, cả trong đường lối chính trị, nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và mọi hoạt động của Đảng. Dù ở giai đoạn phát triển nào hay trong hoàn cảnh lịch sử nào, bản chất giai cấp công nhân vẫn là nguồn gốc quyết định sự tồn tại và phương hướng phát triển của ĐCS.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thời kỳ 1945 - 1954 (Trang 50 - 51)