Những nguy cơ, thách thức đối với đảng cộng sản cầm quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thời kỳ 1945 - 1954 (Trang 59 - 62)

Ngay sau khi Đảng trở thành ĐCQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện những suy thoái của một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền trong bộ máy của chính quyền cách mạng. Chỉ 17 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra

đời, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Người đã chỉ ra 4 khuyết điểm to nhất ở

các địa phương là hẹp hòi - bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, hủ hóa (lên mặt quan cách mạng, chuyên quyền độc đoán, lấy của công làm của tư, dùng pháp luật của Nhà nước để trả thù riêng) [67; tr.18-20].

Tháng 10/1945, trong Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra 6 loại khuyết điểm của nhiều cán bộ, đảng viên, mà Người gọi là

những lầm lỗi rất nặng nề: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo

[67; tr.64-66]. Năm 1947, Người đã phê phán hàng chục thứ khuyết điểm của cán

bộ, đảng viên, mà Người gọi là các thứ bệnh: địa phương chủ nghĩa, kéo bè kéo

cánh, quân phiệt quan liêu, hách dịch, hoạnh hoẹ với dân, coi thường cấp trên, lấn át cấp dưới, ham chuộng hình thức, hữu danh vô thực, làm việc kiểu bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm; tranh giành địa vị, tị nạnh, xu nịnh, a dua, chủ quan, kiêu ngạo, tự mãn, hiếu danh, thích người khác tâng bốc mình, lười biếng, ích kỷ, hủ hóa, tham lam, tự tư tự lợi, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi, chỉ lo ăn ngon mặc đẹp, lợi dụng địa vị công tác để tham nhũng, làm chợ đen buôn lậu,... [68; tr.273-279]. Đến năm 1952, những thứ bệnh của cán bộ, đảng viên đã được

Người quy tụ vào 3 thứ tệ nạn là tham ô, lãng phí, quan liêu, có quan hệ chặt chẽ

với nhau. Khái quát hơn, theo Hồ Chí Minh, ở vị thế cầm quyền, Đảng dễ dẫn tới các nguy cơ và thách thức sau đây:

Thứ nhất, nguy cơ sai lầm về đường lối (quyết sách sai lầm). Khi đã có chính

quyền, việc xác định đường lối phát triển kinh tế - văn hóa độc lập, tự chủ, hợp tác quốc tế,... mang tính quyết định nhất tới thành công hay thất bại, hạn chế đối với tiến trình lãnh đạo cách mạng. Đường lối lại phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trí tuệ và trình độ lý luận của Đảng. Vì thế, Hồ Chí Minh xem dốt nát cũng là kẻ địch cần

phải chống: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng” [68; tr.469]. Người nhấn mạnh: “...tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm” [68; tr.87]. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải chống đồng thời cả 3 thứ giặc: “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Nguy cơ mắc sai lầm về đường lối được Hồ Chí Minh xác định có nguồn gốc từ sự thiếu vững vàng về chính trị, không đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu. Tiếp nữa, là sự hẹp hòi, thiển cận khiến chính sách, nguồn lực không được thực thi đúng, không thu nạp, trọng dụng được người tài đức: “việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không” [68; tr.320].

Thứ hai, Hồ Chí Minh coi “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của

nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ” [70; tr.357].

Trong tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh

quan liêu” (1952), Hồ Chí Minh phân tích: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:

Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” [70; tr.355-356].

“Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu.

Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn. Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc

bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” [70; tr.357-358].

“Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính” [70; tr.358]. Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu là những kẻ phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám” [70; tr.358]. Chúng chính là “địch bên trong”, luôn ẩn chứa nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” [68; tr.278].

Thứ ba là quan liêu, xa dân và mất dần quần chúng.

Xuất phát tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân nên Hồ Chí Minh coi việc xây dựng Đảng thành một tổ chức chính trị gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng trở thành một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” [68; tr.326].

Đây không không còn một tiên lượng của Người, không đơn thuần là một dự báo chính trị nữa mà là hiện thực được thực tiễn máu xương kiểm nghiệm, khẳng định từ những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, XHCN ở Liên Xô và Đông Âu từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ mà một trong những nguyên nhân dẫn tới “chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX” này là từ sai lầm, sự tha hóa về phẩm chất chính trị và đạo đức của lãnh đạo đảng, nhà nước dẫn tới xa dân, mất dân ở các nước này.

Hồ Chí Minh cho rằng nguy cơ này luôn hiện hữu vì “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” [69; tr.127]. Muốn vượt qua nguy cơ thoái hóa, biến chất, ĐCQ phải có ý thức, nâng cao, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, đặc biệt là về đạo đức.

Quyết sách sai lầm, “lên mặt làm quan cách mạng”, tham ô, lãng phí, hủ hóa; quan liêu, xa dân, mất lòng tin nơi quần chúng, nhân dân,... là những nguy cơ và thách thức lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đã cảnh báo và yêu cầu ĐCS Việt Nam cầm quyền cần phải nhận thức thấu đáo, phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nếu không muốn vị thế của mình bị lung lay từ gốc rễ. Đảng cần tự thân chăm lo, xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, đồng thời, Đảng cần phải chăm lo, giáo dục cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo và bồi dưỡng họ thành những người xứng đáng kế thừa sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thời kỳ 1945 - 1954 (Trang 59 - 62)