Trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc myanmar giai đoạn 2001 2015 (Trang 82 - 85)

CHƢƠNG 1 : CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ

3.3. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

3.3.1. Trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung ý thức hệ chính trị. Lãnh đạo hai bên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, khẳng định quyết tâm duy trì phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước theo tinh thần “4 tốt”, “16 chữ”. Tuy nhiên, từ mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar, cũng như thực trạng và những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần chú ý một số vấn đề sau:

Về chính trị, trong quan hệ với Trung Quốc, cần phát huy những điểm đồng, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Myanmar là quốc gia có quan hệ truyền thống, là đối tác chiến lược được coi là “sân sau” của Trung Quốc, được Trung Quốc ủng hộ về mọi mặt. Tuy nhiên, khi có những biến động về chính trị, hoặc khi có những cơ hội mới, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao kép – “dual track”, đẩy mạnh gặp gỡ, quan hệ, tiếp xúc với các đảng chính trị đối lập và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi về chính trị tại Myanmar. Chính sách lấp lửng “hai mặt” nằm trong tính toán lợi ích của Trung Quốc với tổng thể Myanmar gây ra những hệ lụy dai dẳng không những đối với chính quyền liên bang Myanmar, mà phần nào đó tác động xấu tới Trung Quốc, nhất là trên phương diện đảm bảo an ninh và duy trì ổn định khu vực biên giới giữa hai nước, đặc biệt tạo ra tâm lý nghi kỵ của giới lãnh đạo Myanmar với Bắc Kinh. Nhưng, do đây là cách thức tốt nhất Trung Quốc có thể can dự sâu vào nội bộ Myanmar với việc buộc chính quyền Myanmar phụ thuộc vào thái độ và hành vi hợp tác của Trung Quốc, nên chính sách trên vẫn được Trung Quốc vận dụng dưới hình thức tinh vi, xảo quyệt trong trò chơi quyền lực nước đôi đầy thực dụng này.

Việt Nam không theo chế độ đa đảng, không có phe đối lập như ở Myanmar, nhưng vấn đề đoàn kết nội bộ, đặc biệt khi xử lý những vấn đề liên quan đến Trung Quốc cần hết sức thận trọng, không để lôi kéo, tác động. Cần xem xét, đánh giá, nhận thức đúng bản chất mối quan hệ giữa hai nước, tránh chủ quan, duy ý chí; xây dựng mối quan hệ đi vào thực chất.

Về quốc phòng an ninh, phải chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng với Trung Quốc, tăng cường giao lưu quốc phòng, giao lưu nhân dân giảm thiểu những nguy cơ xung đột giữa hai nước.

Khi các cuộc giao tranh, xung đột sắc tộc ở khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc diễn ra trong thời gian gần đây, Trung Quốc thường đứng ra đóng vai trò hòa giải. Tuy nhiên, vẫn có những cáo buộc cho rằng chính Trung Quốc đã đứng đằng sau, hậu thuẫn cho một số lực lượng vũ trang ly khai ở Myanmar. Khi căng thẳng xảy ra ở khu vực biên giới (điển hình như năm 2015), Chính quyền Myanmar

đã thể hiện lập trường kiên quyết với Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như việc giải quyết công việc nội bộ của mình, mặc dù khả năng và trang bị của Quân đội Myanmar rất hạn chế và Myanmar còn đang phụ thuộc Trung Quốc trên rất nhiều lĩnh vực.

Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tồn tại những vấn đề liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông. Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Việt Nam cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời kiên định với chủ trương giải quyết mọi vấn đề thông qua con đường đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bên cạnh việc kêu gọi, tranh thủ sức mạnh cũng như sự ủng hộ của khu vực, quốc tế, Việt Nam cần chủ động đề phòng, có các phương án phù hợp để xử lý mọi tình huống xảy ra, tránh bị động bất ngờ về mặt chiến lược.

Về kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phát triển mạnh mẽ. Năm 2016, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại đạt 88 tỷ USD trong đó giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 32,96 tỷ USD. Trung Quốc có 1.529 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn thỏa thuận là 10,14 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam44. Tuy nhiên, cũng như ở Myanmar, các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đa số trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng, có hàm lượng khoa học kỹ thuật thấp, thu hồi vốn nhanh. Chính quyền Myanmar đã từng đình chỉ hàng loạt các dự án lớn của Trung Quốc trên lãnh thổ nước này do ô nhiễm môi trường, tác động ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội của người dân. Các quyết định này đã được người dân Myanmar ủng hộ, đánh giá cao thể hiện quyết tâm của chính phủ Myanmar trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều này đã khiến Trung Quốc và các doanh nghiệp đầu tư vào Myanmar phải có sự điều chỉnh, thay đổi theo hướng tích cực hơn, thực chất hơn đối với đời sống người dân cũng như lợi ích kinh tế, môi trường của Myanmar.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề phát sinh từ các dự án đầu tư của Trung Quốc (như các dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, bauxite Tây Nguyên…). Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung năm 2016, hàng loạt các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư nước ngoài được đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm túc, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đến khâu quy hoạch, thẩm định, phê duyệt dự án, quản lý vận hành, kiểm tra giám sát… Từ những bài học rút ra trong quan hệ kinh tế Myanmar - Trung Quốc, Việt Nam cần kiên quyết đình chỉ các dự án gây ô nhiễm môi trường, kéo dài đội vốn, tác động xấu đến đời sống xã hội cũng như nền kinh tế đất nước, buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam.

Trung Quốc là nước lớn, đang trên đường hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, “vươn ra biển lớn”. Là hai nước láng giềng, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Để giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, Việt Nam cần duy trì và giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, kịp thời giải quyết những bất đồng trên tinh thần hợp tác hữu nghị, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong đó chủ quyền và lợi ích quốc gia lãnh thổ là bất biến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc myanmar giai đoạn 2001 2015 (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)