6. Cấu trúc luận văn
1.2 Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam
1.2.1 Điều kiện hậu hiện đại trong văn hóa – nghệ thuật Việt Nam
Như đã trình bày ở phần đầu luận văn, hậu hiện đại đến nay không còn là khái niệm quá xa lạ với Việt Nam, nhưng rõ ràng trong thái độ của các nhà nghiên cứu, phê bình, sáng tác văn học – nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn nhiều mâu thuẫn: hoặc dè dặt, cảnh giác; hoặc nghi kỵ, bài xích; hoặc cổ súy, ủng hộ… Vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại có thể có trong văn học Việt Nam hay không? Việt Nam có thực sự là mảnh đất màu mỡ cho văn học hậu hiện đại phát triển hay không?
Trước hết, xét về góc độ xã hội, Việt Nam chúng ta chưa trải qua thời kỳ hiện đại, mà đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi cảm quan hậu hiện đại cần có một trong những điều kiện tiên quyết là sự phát triển khoa học kỹ thuật thời “hậu công nghiệp”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng: Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại.
Từ xa xưa, xã hội Việt Nam đã tiềm tàng “tâm thức hậu hiện đại” mà trước hết điều này được biểu hiện ở tinh thần hoài nghi với cái chính thông, thái độ hoài nghi với chân lý – một biểu hiện thường tại trong tâm thức cộng đồng. Văn hóa dân gian qua các thành ngữ, tục ngữ, ca dao… phản ánh rất rõ điều này: Con ơi nhớ lấy câu này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan; Miệng quan, trôn trẻ/ Chân lý là cái lý có chân; Nam mô bồ tát bồ hòn/Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau… Cái nhìn giải thiêng cũng được thể hiện trong thơ Hồ Xuân Hương với thái
độ bỡn cợt cái chính thống, mô phạm, với sự xuất hiện dày đặc những từ ngữ ám chỉ về bộ phận nhạy cảm, các hoạt động tính giao... Thơ Bút Tre nổi tiếng dân gian cũng bởi chất trào lộng đậm đặc, giải thiêng, giễu nhại… rất phù hợp với những phân tích về hậu hiện đại trên đây của chúng tôi.
Từ năm 1945-1985, xã hội Việt Nam hoàn toàn không đủ điều kiện thông tin để dẫn tới tình trạng phì đại hiện thực, ngụy tạo, nhưng lại có điều kiện để có những “phì đại xã hội” và ngụy tạo theo cách riêng của mình. Thời kỳ này, trong văn hóa, xã hội, cái chung, cái ta, chủ nghĩa tập thể vì lợi ích chung là tư tưởng bao
trùm, với lối viết “minh họa” như Nguyễn Minh Châu đã dùng trong “Hãy đọc lời
ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Như một quy luật, cái tôi cá nhân,
cái cá thể đương nhiên bị đè nén, tạo thành những ẩn ức và sợ hãi. Những Thời xa
vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bước qua lời nguyền, Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh… là những tác phẩm phản ánh
sinh động. Đổi mới là điều các nhà văn thời bấy giờ trăn trở. Bởi một khi đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc của các lối viết cũ, những đổi thay trong thị hiếu đọc khiến văn chương đương thời mất dần độc giả, văn chương bị đẩy ra “ngoại biên” của sân chơi văn hóa đương đại… thì không gì khác phải kiếm tìm, dù chỉ là manh nha, một cách viết mới mẻ, cách tân theo hướng hậu hiện đại là một điều không khó hiểu.
Trên thực tế, tại Việt Nam, sự tiếp thu và tiếp biến văn hóa nước ngoài, đặc biệt là văn hóa phương Tây là một quá trình đã diễn ra rất lâu. Việt Nam vốn là thuộc địa của Pháp ngót gần một thế kỷ, quá trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX diễn ra chủ yếu dưới ách đô hộ của thực dân. Rồi chiến tranh với những sự kiện chiến tranh, chia cắt, quá trình tiếp thu và tiếp biến đó bị gián đoạn. Nhưng sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Việt Nam chính thức “mở cửa”, hội nhập ngày càng “sâu và rộng” với thế giới.
Mở cửa, toàn cầu hóa gắn với sự bùng nổ thông tin cũng là tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện các yếu tố hậu hiện đại trong văn hóa, văn học Việt Nam. Các trào lưu triết mĩ phương Tây, trong đó có chủ nghĩa hậu hiện đại ồ ạt xâm nhập vào nước ta một cách nhanh chóng và dễ dàng thông qua hệ thống thông tin. Mở cửa với tất cả, tất yếu có việc giao lưu và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học – đó là nhu cầu và thực tế của nền văn học được dân chủ hóa. Văn chương hậu hiện đại thế giới được dịch và giới thiệu vào Việt Nam đã tác động tích cực khi làm thay đổi phần nào thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, khiến nhà văn buộc phải bắt kịp kinh nghiệm thẩm mỹ của thời đại – lúc bấy giờ được coi là tân tiến nhất-
để đáp ứng nhu cầu của những độc giả ngày càng khó tính và có trình độ văn hóa cao.
Sự xuất hiện và phát triển của internet tại Việt Nam cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống cá nhân mỗi người, cũng như đối với đời sống văn hóa và văn học đương đại. Hàng trăm tờ báo mạng ra đời, rất nhiều trong số đó dành riêng hẳn một thư mục cho văn hóa, văn học điện tử, trở thành một diễn đàn, một cách sinh hoạt văn hóa, văn học mới mẻ (như evan.com.vn, vannghequandoi.vn, phongdiep.net, vienvanhoc.org…). Ngoài ra, thời kỳ thông tin với sự thống trị của máy tính và internet, hàng trăm nghìn bài viết, chuyên luận, tiểu luận, dịch thuật… tranh luận về hậu hiện đại cũng như các sáng tác thể hiện tinh thần hậu hiện đại được đăng tải nhanh chóng, nhận được phản hồi một cách trực tiếp. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc trong bài Chủ nghĩa hậu hiện đại
và những cái (cần) chết trong văn học Việt Nam đã chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa hậu
hiện đại vừa là khí quyển văn hóa của một thời đại, vừa là một trào lưu tư tưởng và nghệ thuật. Người ta có thể tránh né hay từ chối một trào lưu nhưng lại không thể, không có cách nào tránh né hay từ chối được khí quyển văn hóa của cái thời đại mà người ta đang sống” [65].
Với những đặc điểm riêng biệt về lịch sử, kinh tế, xã hội… việc xuất hiện và tồn tại những tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam là điều sự vận động tất yếu. Tuy nhiên, cũng bởi những đặc điểm riêng của mình, Việt Nam tiếp nhận, tiếp biến chủ nghĩa hậu hiện đại với những đặc điểm không còn giữ nguyên tính gốc, nguyên bản mà sẽ có những biến đổi, màu sắc và diện mạo riêng phù hợp mà như nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc gọi tên là “chủ nghĩa hậu hiện đại nguyên hợp”.
1.2.2Dấu hiệu hậu hiện đại trong đời sống văn chương Việt Nam đương đại
Khi thâm nhập vào Việt Nam, chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng đáng kể đến các nhà văn, chủ yếu ở tinh thần hậu hiện đại và những thủ pháp sáng tác của nó.
Với văn xuôi, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài xứng đáng là những cái tên được nhắc đến với những dấu hiệu hậu hiện đại được nhận diện sớm. Những truyện ngắn về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp như Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa được sáng tạo theo lối “siêu hư cấu sử ký”, “làm méo mó lịch sử một
cách có ý thức phản tỉnh” như cách nói của Linda Hutcheon. Theo nhà nghiên cứu Phùng Gia Thế trong bài viết Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986, thì đó là những câu chuyện về sự vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha nhếch
nhác của con người, sự bơ vơ lạc loài của cái đẹp [102]. Còn theo phân tích của nhà nghiên cứu Cao Kim Lan, “Truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp sở dĩ được chọn để tìm hiểu những ảnh hưởng của khuynh hướng hậu hiện đại ngoài lý do là một trong những thể loại dễ thấy đặc trưng hư cấu hậu hiện đại, cơ bản bắt nguồn từ chính những tranh cãi không thể dung hoà trong việc tiếp nhận, lý giải tác phẩm. Sự giải mã tác phẩm đã có vấn đề. Như thế, tức là hệ thống tín hiệu trong tác phẩm đã có những dấu hiệu khác lạ, nó đi ra khỏi những quy luật thông thường của một hệ hình văn hoá, văn học” [46].
Các chi tiết, những cái tên lịch sử trong truyện Nguyễn Huy Thiệp đều thiếu “xác tín”. Người ta không thể tìm thấy Đặng Phú Lân - “một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến”. “Các chi tiết và những cái tên lịch sử đã được sử dụng có vẻ hết sức tuỳ tiện. Tác giả đã nhặt nó từ vô vàn những chi tiết hỗn độn trong lịch sử Việt Nam giai đoạn khá rối ren và phức tạp thế kỷ XVIII để tạo nên một lịch sử không trùng khít với chính sử” [46]. Hay Người anh hùng áo vải Quang Trung trong tâm thức người Việt vốn đã trở thành một vị thánh, người mà theo GS.TS sử học Đỗ Bang, có ít nhất 25 cuốn sách viết về tài thao lược và ca ngợi phẩm chất của vua Quang Trung trên nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau chưa kể một loạt những cuốn sách lịch sử mang tính chính thống, lại không được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng hình ảnh ở tư thế bách chiến bách thắng với hình ảnh chiếc áo bào đen xạm khói thuốc súng. Nguyễn Huy Thiệp chọn thời điểm đen tối nhất của triều
đình Tây Sơn để khai thác những yếu tố chẳng liên quan gì đến tài thao lược hay việc trọng dụng nhân tài rất nổi tiếng của huyền thoại đất Việt. “Đó là hành động đối diện với những gian ngoan lọc lõi của người đời và sự thất bại ở khả năng sở hữu thể xác của một cô gái. Chi tiết miêu tả thái độ nóng nẩy không kiềm chế với những lời lẽ lăng mạ kẻ khác của Quang Trung trong truyện đã được giải mã theo nhiều cách khác nhau, và dù có yêu quý Nguyễn Huy Thiệp đến đâu, nhiều người vẫn cảm thấy gợn gợn” [46]. Nguyễn Huy Thiệp đã “cả gan” “giải thiêng” huyền thoại của cả cộng cồng. Nhà văn đã tạo ra một lịch sử khác – bằng cách sử dụng những chi tiết có thực từ lịch sử xen kẽ trộn lẫn với những chi tiết hoàn toàn giả tưởng, ly kỳ hoặc huyền hoặc để đưa vào tác phẩm.
“Kỹ thuật nguỵ tạo lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tuy không điển hình và triệt để nhưng cảm giác và tâm thế bất tín thì hiện hữu ở khắp mọi nơi” [46]. Cái khắp mọi nơi đó lan sang cả người đọc. Có một “thao tác” dễ nhận diện trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là các biến cố trong cuộc đời của nhân vật thường được tác giả kể bằng một giả thuyết thiếu chắc chắn nhất, thiếu xác tín nhất. Tác giả để cụm từ “Nghe nói” trước sự kiện Nguyễn Phúc Ánh sai đao phủ dùng kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Sự thiếu xác tín càng được “củng cố” thêm cơ sở khi tác giả chân thành nói về sự can thiệp của mình khi dựng truyện: “Khi viết tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện”, hay ở phần kết của Vàng lửa tác giả cũng nói rõ: “Không có tài liệu gì và cũng không ai biết gì về thung lũng Quạ hoặc chuyện của những người châu Âu thời vua Gia Long... Tôi xin hiến bạn đọc ba đoạn kết cho câu chuyện này để bạn đọc tuỳ ý lựa chọn”. Đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp, tưởng chừng như độc giả chẳng thể nào êm xuôi ngồi yên thụ hưởng từng câu chữ, bởi tác giả không cho người đọc có cơ hội chìm đắm vào những diễn biến xảy ra trong truyện. Cảm giác bất khả tín buộc độc giả phải tiếp cận với văn bản một cách tỉnh táo bằng tri thức tích cực thay vì cảm xúc thụ động. Nói không
khiên cưỡng, tiếp nhận truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, độc giả bị “đày đọa khốn khổ” một cách thích thú bởi cách viết hậu hiện đại của ông.
Còn với Phạm Thị Hoài, tư duy hậu hiện đại đều in dấu vết từ quan niệm đến sáng tác. Nhà văn đã chống lại tính nghiêm túc sẵn có của văn chương bằng quan niệm mang tinh thần sáng tạo vô tư của người viết: “văn chương như một trò chơi vô tăm tích”. Với một loạt tấc phẩm như tiểu thuyết Thiên sứ, truyện ngắn Kiêm ái, Người đàn bà và hai con chó nhỏ, Một truyện cổ điển, Chín bỏ làm mười… Phạm Thị Hoài đã lôi kéo người đọc vào cuộc chơi chữ và nghĩa.
Nếu ở Phạm Thị Hoài, là câu chuyện về một thế giới vô hồn rất ít sự gần gụi mang tính người, về những cuộc chia tay thì tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (với
Những đứa trẻ chết già, Vào cõi, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi…) ám ảnh
bởi sự khủng hoảng niềm tin của con người, của nhà văn vào con người và cuộc đời, sự đổ vỡ của những trật tự đời sống xã hội và gia đình, sự ngắc ngoải ngưng đọng của đời sống, sự đánh mất bản ngã, phương hướng, sự băng hoại đạo đức, sự đau đớn bơ vơ, tình trạng bất an của con người. Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (với
Cơ hội của Chúa) thể hiện cái nhìn về một đời sống hỗn loạn, đổ vỡ, đồng thời là
ý thức xâm nhập mạnh mẽ vào sự tha hóa của con người, sự hỗn loạn của xã hội – cái được xem như là một tồn tại an nhiên (Khải huyền muộn). Văn chương Tạ Duy Anh (với Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối) là nỗi khắc khoải đi tìm bản ngã, tìm một giá trị thật sự nhân bản trên cái đời sống đổ nát, điêu tàn, là sự loay hoay lý giải, hoá giải những nỗi đoạ đầy con người từ tiền kiếp. Nhìn đời sống như những mảnh vỡ, tiểu thuyết Hồ Anh Thái (với Người và xe chạy dưới trăng, Cõi người rung chuông tận thế) thể hiện tinh tế những nỗi hoang mang về con người
và cái lộn xộn, phi lí, nhố nhăng của thời buổi... Đó là những tác giả và những tác phẩm đã thể hiện cách sử dụng lối viết hậu hiện đại để diễn dịch cảm quan hiện sinh.
Trên địa hạt thơ, theo nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Tuấn, đã có một “thái độ hậu hiện đại” ngay từ Bùi Giáng khi “nhà thơ diễn tả cảm xúc của mình bằng thứ ngôn ngữ như đùa giỡn: vừa chân thành bày tỏ tình cảm của mình, lại vừa như muốn châm biếm chính cách bày tỏ ấy” [95]:
“Gọi là gặp gỡ qua đường
Trái tim không chịu giữa đường rút lui Bỏ đi buồng phổi sụt sùi
Trái tim không chịu lau chùi máu me”
(Kẻ qua đường)
Quá trình hiện đại hóa thơ Việt với trọng tâm là đổi mới tư duy dẫn đến thay đổi cái nhìn trong đời sống, trong ứng xử và đổi mới trong quan niệm nghệ thuật, hành vi sáng tạp với những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Quang Thiều, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, nhóm thơ Mở miệng… đã bắt đầu mang những yếu tố của hậu hiện đại. Điểm chung của các tác giả này là ý thức chống lại truyền thống duy cảm trong thơ bằng cách gia tăng chất suy tư, đậm chất lí tính. Sáng tác của các nhà thơ trẻ đã góp phần đưa thơ Việt đương đại chuyển mình trên một hệ hình tư duy mới của văn chương hậu hiện đại. Trong thơ, cảm thức hậu hiện đại khó xác nhận hơn trong văn bản hình tượng, song lại thể hiện đậm nét qua thái độ của nhà thơ với thơ và cách hành ngôn thơ. Theo chúng tôi, người làm thơ theo khuynh hướng hậu hiện đại ở nước ta quan tâm nhiều đến việc làm mới chữ, mới âm, đến tính chất trò diễn của ngôn từ. Do đây không phải là đối tượng nghiên cứu của luận văn nên chúng tôi chỉ đề cập đến hậu hiện đại trong thơ ca như một thành tố của dòng chảy văn học đương đại mà thôi.
Trên hành trình tiệm cận với văn học thế giới, việc học hỏi những kinh nghiệm mới, trong đó có chủ nghĩa hậu hiện đại là điều thực sự cần thiết. Mọi khát vọng và