Nhân vật – truy tìm bản thể ý nghĩa cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết của nhà văn thuận (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.2 Nhân vật – truy tìm bản thể ý nghĩa cá nhân

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận không đông đúc, không đồ sộ, nhưng phức tạp, bởi họ là sản phẩm của cuộc sống hiện đại xô bồ và đa sự, bởi tự trong mỗi cá nhân đều mang những nỗi niềm mà không phải lúc nào cũng biểu hiện ra. Không có thiên thần, cũng không có ác quỷ. Nhưng lịch sử loài người, xét đến cùng là hành trình để hoàn thiện chính mình, nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ vẫn chưa đạt đến cái đích họ muốn đến, bởi con người luôn là một thực thể dang dở. Do đó, Thuận- dù muốn xây dựng một tập hợp người không hoàn hảo, bất toàn, thì cái cuối cùng, vẫn là nỗi niềm của một nhà văn trẻ trước sự tha hoá của con người trong xã hội hậu hiện đại, xã hội kỹ trị.

2.2.1 Cái tôi cô đơn giữa hiện thực thậm phồn

Giữa hiện thực thậm phồn đầy rẫy những điều phi lý, con người phải chấp nhận và lĩnh hội nó hàng ngày. Trong cuộc sống ấy, con người có thể biến thành một khối vô cảm giữa thế giới vô hồn. Đại diện tiêu biểu nhất trong thế giới nhân vật của Thuận

có lẽ là Liên. Đó là con người không có ý thức về chính sự tồn tại của mình, cô lãnh đạm đến mức khủng khiếp.

Có thể nói, trong sáng tác của Thuận, chưa có nhân vật nào phức tạp và có chiều sâu nội tâm mãnh liệt đặc biệt như thế. Xuất phát điểm của Liên là quá khứ với những năm tháng học Đại học Mỏ- Địa chất nhàm chán. Ấn tượng về ngày 8 tháng 3 chưa bao giờ nhận hoa hay quà, ám ảnh cảnh xếp hàng chờ tới lượt khám trong phòng khám da liễu, quá khứ không có bạn, cả gái lẫn trai. Liên không dành được sự ưu ái, dù chỉ là một phần nhỏ của tạo hoá với khuôn mặt đầy mụn và “đôi mắt gườm gườm” mỗi khi nhìn ai thì đủ khiến người ta quay mặt, và chính cô cũng thừa nhận đó là “vũ khí tự vệ tối ưu” của mình trước mọi thứ. Có lẽ, người con gái ấy ý thức được mình nên càng thu mình hơn, lặng lẽ hơn và lấy việc quan sát cuộc sống là cách để cô liên lạc với thế giới bên ngoài. Xuyên suốt hành trình tác phẩm, Liên hầu như không nói, không biểu hiện một chút mạnh mẽ hay bạo liệt trong các hành động của mình. Cô chỉ “gật đầu”, “lắc đầu”, “im lặng”, “thở dài”, “làm theo”, “không trả lời” (nhân vật Liên hầu như không phát ngôn, đối thoại mà chỉ “im lặng” (59 lần), “gật đầu”(76 lần), “lắc đầu” (38 lần); Không phát ngôn và hành động thay lời nói, Liên phản ứng trước cuộc đời bằng chính những hành động nhẹ và nhanh, Liên đã bao bọc cuộc sống nội tâm của bản thân bằng một màn che kín mít. Cô chỉ “nghĩ”, chỉ “tưởng tượng”, thế nên mọi suy tư của cô chỉ mình cô biết, kiểu như cô đang đối thoại với chính cái nhìn của mình, và một phần rất lớn hiện thực Pháp (Paris), Việt (Hà Nội) dường như diễn ra qua những dòng suy nghĩ, dòng hồi tưởng của nhân vật này. Nhưng dù có nói với chính mình, không ai biết được, thì cô vẫn không hề lộ ra bất kỳ một lời bình phẩm, phán xét nào. Hình dung về Liên, người đọc có cảm giác như cô không bao giờ căng cơ mặt, mở tròn mắt hay há hốc miệng, vung tay chân... Sự lạnh lùng đến tưng tửng và khiêu khích của Liên trong cách quan sát cuộc sống và con người khiến người đọc, người nghe có cảm giác đối tượng “thật hơn cả sự thật”. Liên trở nên đóng băng trước cánh cửa cuộc đời bằng

chính sự bình thản bất ngờ đến “khó chịu” đối với người đọc. Sự lạnh lùng đó khiến đôi lúc, người đọc không thể phân biệt đựơc đâu là lời của Liên, đâu là lời kể chuyện khác: “Liên thở dài, thế mà không biết đường tố cáo bà già láu cá. Xong lại nghĩ,

hoá ra tổng giám đốc cũng biết điều, sao gặp mình tỏ vẻ khó tính thế” [107;41], hay

“Nếu ai bảo cửa sổ thuộc về trường phái lãng mạn, Liên sẽ im lặng (...) căn phòng

mà bị bịt cửa lại thì giống hệt thùng hàng biển còn Liên sẽ là con chuột bẩn thỉu. Giữa con chuột bẩn thỉu và lãng mạn thì cái nào thảm hại hơn cái nào” [107;79].

Lối quan sát của Liên, không có những xúc động kiểu “ôi, á, ái, ố...”, cũng không “rất, quá, lắm, nhé, nhỉ...”, không dào dạt, tràn trề,...; nó lạnh lùng, khách quan nhiều khi khiến người khác rơi vào trạng thái trơ khấc, chưng hửng. Với Liên, ngay cả bản năng cũng bị triệt tiêu từ lúc nào không hay. Trong cô, tình dục đã mất đi xung lực hóa giải nỗi cô độc, Liên chỉ còn là khối lãnh đạm lưu cữu. Theo phân tâm học, bản năng sinh dục giữ vai trò trung tâm của bản năng sống thì ở đây, nó lại chết chóc. Nghĩa là bản năng sống của nhân vật cũng bị triệt tiêu.

Liên chính là “nhân vật chính ngoại cỡ” của Thuận bởi Liên là “khối mâu thuẫn khác thường: Liên chưa từng hi vọng mà lại bình tĩnh đón nhận thất vọng, Liên chưa từng yêu mà lại chán yêu, Liên chưa từng tiếp xúc mà lại chai sạn, Liên chưa từng sống mà lại muốn chết” [53].

Xét cho cùng, xã hội hiện đại trong văn chương ngày nay, thì việc nhân vật bị hoàn cảnh làm cho tha hoá, hay tự mình tha hoá bản thân mình là một điều không quá khó hiểu. Đó là do sự thích nghi với hoàn cảnh và môi trường sống mà thôi. Do đó, vì sao nhân vật Liên lại giữ một sự im lặng đến lạnh lùng như thế? Ngoài việc mặc cảm về thân phận thì không chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hoàn cảnh cuộc sống mà sự khốc liệt trong cách bào mòn của nó đã khiến Liên không chỉ rơi vào bi kịch cá nhân mà còn chạm vào nỗi đau nhân loại. Vậy nên, ngoài việc lạnh

lùng quan sát cuộc sống và con người, Liên còn mang trên mình nỗi lòng của một nạn nhân lịch sử. Nhưng có một sự khác biệt là do lạnh lùng, ơ hờ với tất cả những gì cô quan sát, tham gia nên Liên luôn tự tạo cho mình một khoảng cách để không bị làm tha hoá, làm xấu thêm đi, dù rằng, cô là kẻ xa lạ trong kinh đô Paris hoa lệ. Hay nhân vật “tôi” trong Chinatown cũng vậy. Xét ở phương diện nhân vật tiêu biểu cho lối

sống chủ động truy tìm ý nghĩa sự tồn tại của mình, “tôi” trong Chinatown đã chủ

động tìm kiếm và tìm lại tình yêu…, và “tôi”, khi nhìn từ phương diện “nạn nhân”, cô cũng bị bàn tay số mệnh vô tình giật dây, để suốt cả cuộc đời cô lúc tỉnh, lúc mê bị đày ải trong nỗi buồn thân phận.

Khi đọc VânVy của Thuận, “tiếp xúc” với Vy, chúng tôi lại có một liên

tưởng thú vị với nàng Anna Karenina trong tiểu thuyết cùng tên của Levtolstoy. Nàng Anna sống cùng chồng, một cuộc hôn nhân không biết đến tình yêu là gì, nàng sống câm lặng với bi kịch của mình, cam chịu và không phản kháng. Nhưng rồi khi nàng gặp Vôronsky, người ngay từ đầu đã cướp mất trái tim đang rớm máu của nàng, con ngừơi tửơng chừng đã khô hạn trong nàng đã được hồi sinh. Nàng lao vào cuộc tình đầy tội lỗi này như một con thiêu thân không tương lai. Vy- cũng có một phần như thế. Nàng Anna của Việt Nam cũng sống một cuộc sống hai mặt rất thành công, và có người đã nói rằng chính thế, nàng mới là người khôn ngoan. Khi ở cuộc sống nào, nàng cũng thể hiện mình là người biết hưởng thụ. Nhưng xét cho cùng, Vy bi kịch. Vy hoàn toàn câm lặng trong hạnh phúc gia đình cho dù không ai động chạm tới cô, thậm chí còn chiều chuộng cô. Vy chăm chú quan sát từng thành viên trong gia đình bằng con mắt lạnh lùng nhưng không ráo hoảnh. Dù là dâu con trong gia đình nhưng Vy luôn giữ cho mình một khoảng cách nhất định với bố mẹ chồng, với anh em chồng..., cô xem việc của nhà chồng, dù có tham gia thực hiện hành động cũng như không phải là việc của mình. Vy không được phép vồ vập, hoan hỉ, vui mừng, bởi đó là truyền thống muôn đời của gia đình chồng. Thậm

chí, khi về nước, Vy quan sát mọi hành động và sinh hoạt trong gia đình mẹ đẻ của mình, cô cũng chỉ thấy nó xa lạ với bản thân cô, Vy như luôn biến mình thành người lạc lõng trong mọi hoàn cảnh, dù ở đâu, mọi người cũng muốn xem cô là tâm điểm (trong gia đình chồng coi trọng Vy, gia đình mẹ đẻ coi Vy là người làm mở mày mở mặt dòng họ, bạn bè trong buổi họp lớp coi Việt Kiều Vy là nguyên nhân chính của cuộc vui). Vy trong VânVy dù có người cho rằng đó là sự lựa chọn khôn ngoan nhưng theo chúng tôi, dù Vy có tìm được một lối thoát tạm thời cho cuộc hôn nhân không tình yêu, cuộc sống gia đình nhàn nhạt đi chăng nữa, thì đến cuối tác phẩm, ai đảm bảo chắc rằng câu chuyện của Thuận sẽ có một happy ending?

Nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận là những con người xa xứ, họ sống ở Pháp, ở Paris, có thể họ là những di dân bé nhỏ (Paris 11 tháng 8), là những người mang thân phận tha hương (Chinatown). Có những người Việt Nam sống ở Pháp với với thủ đô hoa lệ Paris có những khu phố Tàu, những quận Mười Ba, quận Mười Sáu... (Liên, Mai Lan (Paris 11 tháng 8); Tôi (Chinatown); T (T mất tích), Vượng, Vân, Vy, ... (VânVy)). Có những người Trung Hoa tại đất Pháp: Thụy, cô Fieng Jao (Chinatown)... Có những người từ thế giới thứ ba đến với Pháp như một cứu cánh của cuộc đời: Pát, Hà Mã, Tanh... (Paris 11 tháng 8)... Ở đây, thế giới đồng tính trong sáng tác của Thuận không chỉ có cô Trinh dũng cảm “bước qua lời nguyền”, đó còn là hình ảnh của B- con trai Liz- một nhà văn đã mười năm nay chống chọi với HIV. B hơn Vy một giáp, “viết được năm tiểu thuyết, kể hết đời mình, rồi đòi

gác bút làm đạo diễn điện ảnh” [109;247]. “Vào một ngày tháng Mười khi nhiệt độ bỗng dưng tăng vọt hơn cả mùa hè” [109;9], B chết gục trên bàn phím, sau bốn

mươi tám giờ đồng hồ mới được phát hiện ra. B sống với tình yêu thương vô bờ bến, thậm chí là sự tôn thờ không điều kiện của Liz, nhưng B chỉ cho rằng: “Đó là mặt

trái của tình mẫu tử”. Những trang viết của B, được trích trong phần đầu mỗi

chương trong VânVy chính là cách mà anh đối mặt với chính mình, đối mặt với cuộc sống của một gay vốn không dễ chịu về sinh lý cũng như tâm lý. Mặc cho bị

chính dân gay ở Paris tẩy chay vì cho là tự làm lộ chuyện, tự bêu rếu mình, mặc cho sách của B bị xếp vào danh sách “Mười cuốn sách bán ế trong năm”, phủ đầy bụi trên các kệ sách quanh Paris, mặc cho bản thân bị HIV dẫn đến chết trẻ, mặc cho những thứ xung quanh quay lưng với anh, thì B vẫn cảm thấy hạnh phúc, sung sướng chỉ vì anh được sống đúng với con người mình, sống công khai và trung thực cuộc đời của một gay.

Xã hội càng hiện đại, con người càng dễ mắc phải những căn bệnh chỉ có ở xã hội hiện đại mới có. Đồng tính là một đề tài nhạy cảm, và Thuận đã bình thường hoá nó một cách thoải mái và tự nhiên nhất trong tác phẩm của mình. Những hành động của cô Trinh, của B phải chăng chính là sự phản ứng trước sự phân biệt thô bạo của xã hội đối với nỗi đau mà họ đang chịu đựng. Mỗi nhân vật là một số phận, trong thế giới đồng tính, Trinh, B hay ai đó nữa cũng chỉ là một hạt cát bé nhỏ và riêng lẻ. Con người họ, dù cho xã hội không thừa nhận, thì họ vẫn luôn khát khao, luôn vươn tới, luôn suy nghĩ và hành động để được là chính mình nhất. Đấy chính là số phận con người cá nhân cô lẻ trong xã hội tiêu dùng- xã hội kỹ trị- xã hội mà sự cai trị của máy móc, kỹ thuật và phương tịên hiện đại làm cho con người ta xa dần với môi trường tự nhiên. Nói như trong một vài công trình nghiên cứu khác, đó là hiện tượng thời gian (thậm chí là cả không gian) được cá nhân hóa. Cuộc đời và con người trở thành hai kẻ xa lạ. Sự tồn tại của con người trở thành thứ vô nghĩa lý. Con người cô đơn ngay giữa chính chốn đông người. Nhân vật của Thuận là những con người khó hòa nhập cùng cộng đồng. Họ sở hữu một lối sống không phù hợp với đám đông, không thích những nơi quá ồn ào, náo nhiệt. Thế giới ngày càng đông đúc, càng hiện đại thì con người, đặc biệt là người phụ nữ càng cảm thấy cô độc. Ta cũng có thể bắt gặp điểu này trong chính hệ thống các nhân vật trong các tác phẩm của Thuận. Con người trong sáng tác của Thuận có thể cô đơn vì một lý do cụ thể (trường hợp của Liên (Paris 11 tháng 8), Phương (Made in Vietnam), tôi (Chinatown) hay Vy

mất tích). Họ không còn lý do gì để thoát ra ngoài sự cô đơn. Dường như họ sinh ra

là giành cho nỗi niềm đáng sợ ấy. Và chính họ- bằng chính ý thức của mình, luôn sống trong hành trình chống lại nó. Họ càng chống thì lại càng sa vào vũng lầy cô đơn do chính mình tạo ra. Một linh cảm mà nhiều người đã dự đoán rằng, “con người cô đơn” sẽ là một trong những kiểu hình tượng nhân vật trung tâm của tiểu thuyết nước nhà trong một tương lai không xa. Thiết nghĩ, linh cảm đó cũng có cơ sở thực tiễn của nó, đặc biệt là qua những phân tích trên đây của chúng tôi.

Đỉnh điểm của trạng thái trống rỗng trong con người trong hiện thực thậm phồn là cái chết. Liên trong Paris 11 tháng 8 đã tìm đến cái chết vừa như một sự tất yếu, vừa như tình cờ, bà cụ già bên tàu điện ngầm cũng từng mấy mươi lần tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi cái tẻ nhạt đến tê liệt…

2.2.2 Nhân vật – phi nhân vật

Trong tiểu thuyết của Thuận, nổi bật là thủ pháp tẩy trắng, xóa bỏ nhân vật. Theo chúng tôi, sự xóa bỏ nhân vật là không xác lập sự tồn tại của nhân vật đó. Theo một cách hiểu khác, xóa bỏ nhân vật trong tác phẩm là xây dựng các nhân vật – không nhân vật. Xóa bỏ nhân vật không phải là không còn tồn tại nhân vật, chủ thể, mà là sự loại bỏ những phương thức xây dựng nhân vật truyền thống.

Kiểu nhân vật này liên quan đến một khái niệm khác- không- nhân vật hay phản- nhân vật “Kiểu nhân vật văn học bị mất đi những nét thực sự của một nhân vật, nhưng lại chiếm vị trí trung tâm trong tác phẩm và tác giả tỏ ra tin cậy ở mức độ nhất định (...). Phản- nhân vật đồng nhất với không- nhân vật khi nhân vật đã mất hết nhân tố riêng biệt của nó” [5;246].

Trong tiểu thuyết truyền thống, tên tuổi, diện mạo, tính cách, nghề nghiệp… của nhân vật chính thường hiện lên ở các góc độ khác nhau. Chúng tập hợp lại để tạo

nên một “đường viền nhân thân” sắc nét, gây ấn tượng khó quên trong người đọc và khu biệt nhân vật này với nhân vật khác.

Trong tiểu thuyết của Thuận xuất hiện một kiểu nhân vật bị hoàn cảnh dồn ép, truy đuổi, đến mức nhân vật (vô tình hay chủ đích) đã ra đi (sự ra đi về mặt địa lý, hoặc cũng có thể là sự mất tích, thoát khỏi bề mặt văn bản tác phẩm). Đó là hình ảnh của Thụy (Chinatown), của các nhân vật trong “câu chuyện bé” I'm yellow, hay hình ảnh của T trong T mất tích.

Thụy trong Chinatown là một người đặc biệt. Nói là đặc biệt bởi dù đã không còn hiện hữu trong hiện tại từ rất lâu, thì cái bóng của nhân vật này vẫn còn đổ dài trong câu chuyện, ám ảnh “tôi” và trở thành nhân vật chính trong dòng kể của “tôi”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết của nhà văn thuận (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)