- Một là, trải qua hơn 20 năm đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đảng đã không ngừng đi vào cuộc sống và khẳng định những nội dung đúng đắn của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc đến mức cao nhất, đặt lợi ích chung của dân tộc, của con người lên hàng đầu, coi đó là điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực của thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hai là, Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân, đồng bào ở trong nước cũng như đồng bào định cư ở nước ngoài vì sự nghiệp chung. Trong nhận thức cũng như trong hành động, phải thật sự xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ, thành phần, giai cấp, nghề nghiệp, vị trí xã hội, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đưa đất nước phát triển vững chắc, yêu cầu đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
- Ba là, nghiên cứu làm rõ lý luận về đảng cầm quyền, mối quan hệ giữa dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phải chú trọng nghiên cứu những biến đổi về cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ở nước ta, trong đó cần chú trọng nghiên cứu để có chính sách quốc gia và chiến lược phát triển giai cấp công nhân, nghiên cứu chương trình phát triển toàn diện, đồng bộ nông thôn - nông nghiệp - nông dân, chính sách tạo động lực phát triển đội ngũ trí thức, trọng dụng hiền tài; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, khuyến khích sự sáng tạo trong nghiên cứu, đặt biệt là khoa học xã hội; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc và có đường lối, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn.
- Bốn là, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc vận động, tập hợp, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong xã hội luôn tồn tại sự khác biệt, cần đi sâu tìm hiểu và phân tích để tìm ra sự tương đồng, lấy điểm tương đồng làm chỗ dựa để đoàn kết mọi người, đồng thời tôn trọng những ý kiến khác nhau, miễn là không trái với lợi ích chung, không làm tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác trong xã hội. Do vậy, Đảng, Nhà nước phải thực sự coi trọng vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất để qua đó lãnh đạo, tổ chức, đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Hơn lúc nào hết tổ chức "dân - chính - đảng" cần phải được hiểu đúng, làm đúng như Bác Hồ từng quan tâm trước đây.