Vai trò giáo dục đạo đức của gia đình gia tăng do ảnh hưởng tiêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của gia đình trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ việt nam hiện nay (Trang 62 - 67)

8 .Kết cấu của luận văn

1.2 Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức cho thế hệ

1.2.3 Vai trò giáo dục đạo đức của gia đình gia tăng do ảnh hưởng tiêu

cực của kinh tế thị trường và xã hội mở

Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết đối với mọi quốc gia. Bởi lẽ, văn hóa truyền thống là nền tảng, không có văn hóa truyền thống sẽ không có sự phát triển. Giá trị văn hóa truyền thống là những giá trị thuộc về tư tưởng, lối sống, chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn, gìn giữ từ đời này sang đời khác… Không dựa

trên nền tảng của giá trị văn hóa truyền thống thì không thể tiếp thu có hiệu quả những thành tựu hiện đại và càng không thể có sự phát triển lâu bền.

Cùng với giáo dục gia đình trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội ta hiện nay, quá trình xã hội hóa cá nhân diễn ra hết sức nhanh chóng, sự du nhập của lối sống và văn hóa phương Tây, cơ chế kinh tế thị trường, cùng với các tệ nạn xã hội đang tác động hết sức mạnh mẽ đến đời sống của các gia đình. Nhiều hiện tượng xã hội mới liên quan đến trẻ em đặt ra những thách thức mới đối với giáo dục gia đình như: trẻ em lang thang, trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em bị lạm dụng, trẻ em có quan hệ tình dục và mang thai, mại dâm trẻ em, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác có liên quan đến trẻ em… Điều đó đòi hỏi các gia đình cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hành vi của các thành viên non trẻ của mình. Vai trò giáo dục gia đình cùng với việc quản lý, kiểm soát gia đình sẽ kịp thời điều chỉnh và ngăn chặn các thành viên bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội. Đây thực sự là một công việc thường trực và hết sức khó khăn đối với gia đình. Nó vừa đòi hỏi gia đình phải phát huy hết các sức mạnh vốn có của mình, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải góp công sức và phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo.

Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước, từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh quốc tế biến động nhanh và phức tạp, chúng ta càng cần phải gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời phải coi trọng giáo đục đạo đức, phải tăng cường giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức trong gia đình là hết sức cơ bản và quan trọng. Bởi vì, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi con người. Trong hoạt động kinh doanh phải biết kết hợp hài hoà cái lợi, cái thiện và cái đẹp chứ không thể

vì những lợi ích thấp hèn mà làm mất đi nhân cách con người Việt Nam đã được hun đúc nên từ những di sản quý báu của truyền thống dân tộc. Và hơn thế nữa, cần phải biết kế thừa, biết phát huy và đổi mới những giá trị đó cho phù hợp với xu thế của thời đại. Bên cạnh những giá trị đạo đức truyền thống như lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, tính trung thực, tinh thần ham học hỏi, truyền thống tôn sư trọng đạo, đức tính cần cù, giản dị... chúng ta cần tiếp nhận những giá trị mới được bổ sung trong sự phát triển của thế giới ngày nay. Có những giá trị đã tồn tại từ bao đời nay, cũng có những giá trị mới nảy sinh cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Điều cơ bản là cần phải có sự nhìn nhận khách quan và khoa học để vừa kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp, vừa chọn lọc, tiếp thu những cái thực sự là quý giá, phù hợp với dân tộc mình để xây đựng một hệ giá trị đạo đức mới trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Nghĩa là phải biết kết hợp cái hiện đại và cái truyền thống, biết xuất phát từ cái truyền thống để đi đến hiện đại. Bởi vì, những giá trí mới cùng với các giá trị truyền thống bền vững sẽ là những động lực thúc đẩy con người hành động và nhờ vậy mà lịch sử sẽ có bước phát triển mới.

Do vậy, để giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phòng chống tệ nạn; ngoài sự cố gắng của các cơ quan chức năng, thì gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành viên của mình trước các tệ nạn xã hội, góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội bằng việc tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các thành viên, quan tâm chăm sóc lẫn nhau để sớm phát hiện ra những biểu hiện, triệu chứng bất thường trong tâm lý, hành vi liên quan tới tệ nạn xã hội, kịp thời ngăn chặn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng không nhỏ tới thiết chế gia đình và vấn đề giáo dục gia đình. Vì vậy, nhằm từng bước kiến tạo sự ổn định xã hội và phát triển

bền vững, vấn đề giáo dục gia đình phải được các gia đình coi trọng, đặc biệt là nội dung giáo dục đạo đức, bởi trong bất kỳ hoàn cảnh nào đạo đức đều giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống con người, hơn tất cả các phẩm chất con người khác. Thiếu đạo đức, con người dễ mất phương hướng của hành động, dễ dàng vi phạm những chuẩn mực của xã hội.

Ngày nay, với những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Với ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Do đó chúng ta cần đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề gốc rễ là giáo dục con trẻ trong gia đình.

Kết luận chương 1

Gia đình là tế bào của xã hội. Tuy không phải là thiết chế duy nhất thực hiện vai trò giáo dục vì nhà trường và xã hội cũng có vai trò này, nhưng thông qua các chức năng, nội dung và phương pháp giáo dục của gia đình thì gia đình đã thể hiện là lực lượng giáo dục quan trọng nhất, là môi trường giáo dục đầu tiên và quyết định nhất đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống. Để việc giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống đó đạt hiệu quả cao thì gia đình cũng không được xem nhẹ việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội. Gia đình như một xã hội thu nhỏ khi thực hiện cả bốn chức năng quan trọng là tái sản xuất con người, chức năng giáo dục, chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý cho mỗi con người. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất giáo dục những phẩm chất đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ. Cha mẹ là những người đầu tiên sử dụng toàn

diện các phương pháp trong giáo dục trẻ như nêu gương, rèn luyện thói quen, khen thưởng, trừng phạt. Cha mẹ nếu biết sử dụng các phương pháp giáo dục trẻ một cách hợp lí thì cũng chính là những người giáo dục trẻ có hiệu quả cao nhất, vì giáo dục của cha mẹ là giáo dục trên cơ sở tình yêu thương con vô bờ bến.

Một điểm nữa là trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ phải phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Vì mỗi một cộng đồng tham gia giáo dục lại có những mặt mạnh của mình mà các cộng đồng khác không có được, việc phối hợp sẽ giúp giáo những giá trị đạo đức truyền thống có hiệu quả cao nhất, đáp ứng đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội.

CHƯƠNG 2:

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT

NAM HIỆN NAY-THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của gia đình trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ việt nam hiện nay (Trang 62 - 67)