1.2. Thực chất của việc bồi dưỡng tư duy phản biện cho học viên đào tạo
1.2.2. Bồi dưỡng tư duy phản biện cho học viên đào tạo giảng viên khoa
khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Chính trị
Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa bồi dưỡng là: “Làm cho khoẻ thêm, mạnh thêm. Làm cho tốt hơn, giỏi hơn” [7, tr. 191]. Như vậy, bồi dưỡng theo nghĩa chung nhất là những hoạt động tác động của chủ thể vào đối tượng, làm cho đối tượng có phẩm chất, năng lực tốt hơn, giỏi hơn. Có thể hiểu bồi dưỡng là hoạt động có mục đích nhằm bổ sung, phát triển, hoàn thiện những năng lực và phẩm chất cần có của đối tượng bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội. Nội dung bồi dưỡng bao gồm cả về phẩm chất, năng lực và phương pháp, hình thức bồi dưỡng rất đa dạng, phong phú.
Từ khái niệm TDPB của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT và khái niệm bồi dưỡng đã trình bày ở trên, chúng ta có thể quan niệm: Bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT là tổng hợp các cách thức, biện pháp của các lực lượng giáo dục trong Nhà trường nhằm bổ sung, phát triển, nâng cao TDPB để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.
Quan niệm trên đây chỉ rõ:
Mục đích bồi dưỡng TDPB của đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT là phát triển ở họ tính tự giác, tích cực, năng lực tư duy độc lập, TDPB và TDST trong học tập lên một trình độ mới cao hơn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Chủ thể bồi dưỡng bao gồm: Lãnh đạo, chỉ huy các cấp; các cơ quan chức năng, các tổ chức có liên quan; giảng viên KHXH&NV và chính bản thân đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV. Mỗi chủ thể có vai trò, vị trí riêng, nhưng suy cho cùng, bản thân người học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV là chủ thể chủ yếu và trực tiếp quyết định.
Chủ thể lãnh đạo là hệ thống tổ chức đảng ở Trường ĐHCT, từ Đảng uỷ Nhà trường đến chi uỷ, chi bộ các cơ quan đơn vị, các khoa giáo viên trong Nhà trường. Chủ thể lãnh đạo có vai trò quyết định đến chất lượng hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng TDPB cho học viên của Nhà trường nói chung và học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV nói riêng. Thông qua đó có tác động tích cực, mạnh mẽ đến nhận thức, trách nhiệm và hoạt động của các chủ thể khác trong quá trình bồi dưỡng.
Chủ thể chỉ huy, quản lý là hệ thống tổ chức chỉ huy, quản lý các cấp ở Trường ĐHCT, từ Ban Giám hiệu đến Thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan và chỉ huy các khoa, các bộ môn. Chủ thể quản lý có vai trò xác lập kế hoạch, tổ chức, quản lý, điều hành toàn bộ quá trình học tập của học viên tạo ra sự thống nhất, nhịp nhàng giữa các chủ thể, giữa các khâu, các bước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình đó đạt hiệu quả cao. Nếu chủ thể chỉ huy, quản lý có trình độ năng lực quản lý, phương pháp quản lý khoa học phù hợp với học viên sẽ khích lệ họ tích cực học tập, tìm tòi sáng tạo. Ngược lại, nếu phương pháp quản lý không khoa học, không phù hợp với đặc điểm tâm lý của đối tượng học viên sẽ làm mất đi tính tích cực học tập, mất đi sự thi đua tích cực trong hoạt động của học viên, từ đó làm hạn chế khả năng tư duy, TDPB của họ.
Các khoa giáo viên là lực lượng trực tiếp trong xây dựng, hướng dẫn bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên các khoa chuyên ngành có tác động quan trọng đến quá trình bồi dưỡng này. Người giảng viên có trình độ vững vàng khả năng sư phạm tốt, có tư duy tốt, có nghệ thuật sư phạm sẽ giúp học viên phát huy được tính tích cực học tập và phát triển TDPB của mình. Tuy nhiên, nếu giảng viên không tích cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, không đủ trình độ khơi dậy tinh thần phản biện của học viên thì sẽ tạo ra sự bị động, làm mất đi sự hào hứng, sáng tạo, mạnh dạn trong tư duy của họ.
Chủ thể của hoạt động tự bồi dưỡng TDPB là đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT. Trong quá trình tự bồi dưỡng TDPB, mỗi học viên vừa với tư cách là đối tượng được tiếp nhận những tác động của các chủ thể khác, vừa với tư cách là một chủ thể đặc biệt - chủ thể tự bồi dưỡng để chuyển hoá những tác động của các chủ thể khác thành động lực bên trong thúc đẩy TDPB của mình. Họ là chủ thể chủ yếu, trực tiếp có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình bồi dưỡng TDPB.
Đối tượng bồi dưỡng là đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT. Trong quá trình bồi dưỡng, đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV vừa là đối tượng trực tiếp nhận sự bồi dưỡng, vừa là chủ thể của hoạt động tự bồi dưỡng.
Nội dung bồi dưỡng:
- Kiến thức về TDPB: Giúp học viên hiểu thêm về nguồn gốc văn hóa, tâm lý và sinh lý của quá trình TDPB.
- Thái độ, tinh thần phản biện: TDPB đòi hỏi học viên biết hoài nghi khoa học, biết đặt câu hỏi, kiểm chứng những quan điểm, niềm tin của bản thân đối với những vấn đề trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Thái độ này thể hiện tính độc lập, tự chủ trong tư duy của họ.
- Kỹ năng về TDPB: Giúp học viên biết suy nghĩ, lập luận một cách hệ thống, lôgíc, sáng tạo.
Phương thức tiến hành: Tổng thể những biện pháp, cách thức tác động có mục đích, hợp quy luật của chủ thể tới đối tượng cần bồi dưỡng và sự cộng hưởng của đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV với các chủ thể tham gia quá trình bồi dưỡng.
* Tiêu chí đánh giá
Từ quan niệm bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT có thể xác định tiêu chí đánh giá hoạt động bồi dưỡng trên những vấn đề sau:
Một là, nhận thức, trách nhiệm, năng lực và sự phối hợp của các chủ thể trong quá trình bồi dưỡng.
Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá thực trạng bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV ở Trường ĐHCT. Chất lượng, hiệu quả quá trình bồi dưỡng TDPB cho học viên phụ thuộc trước hết vào nhận thức, trách nhiệm của chủ thể đối với công tác bồi dưỡng.
Chủ thể bồi dưỡng nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, yêu cầu khách quan của hoạt động này thì sẽ phát huy tốt trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, kết quả đạt được sẽ cao. Ngược lại, chủ thể nhận thức lệch lạc, sai lầm thì sẽ không phát huy được trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, dẫn đến chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng hạn chế. Cùng với nhận thức, thái độ, trách nhiệm, từng chủ thể cần phải có trình độ năng lực nhất định. Đó là trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ; trình độ quản lý, điều hành của hệ thống chỉ huy; trình độ tổ chức, hướng dẫn của cơ quan chức năng... Đồng thời, phải căn cứ vào hiệu quả của sự phối hợp giữa các chủ thể, các lực lượng trong quá trình bồi dưỡng để đánh giá.
Hai là, kết quả thực hiện các nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng so với mục tiêu, yêu cầu.
Những nội dung cần bồi dưỡng, các hình thức tổ chức, các biện pháp tác động của mọi chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV, góp phần nâng cao chất lượng giáo
dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Đây là yếu tố căn bản tác động trực tiếp tới việc bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT. Chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng đạt được ở mức độ nào đều thể hiện thông qua các nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo giảng viên KHXH&NV của Nhà trường.
Ba là, mức độ chuyển biến, phát triển TDPB của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV thông qua quá trình bồi dưỡng.
Đây là tiêu chí xét đến cùng phản ánh một cách khách quan nhất, đầy đủ nhất, cũng là thước đo chất lượng, hiệu quả của quá trình bồi dưỡng. Qua quá trình bồi dưỡng học viên sẽ có sự chuyển biến về trình độ tri thức, thái độ, ý thức, phương pháp tư duy, kỹ năng TDPB góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ này tại trường. Vì vậy, đánh giá thực trạng bồi dưỡng TDPB của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV cần phải phân tích, xem xét sự chuyển biến, phát triển TDPB của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV.