1.3. Tầm quan trọng của việc bồi dưỡng tư duy phản biện cho học viên đào tạo
1.3.1. Bồi dưỡng tư duy phản biện góp phần phát huy tính tích cực, chủ
chủ động trong tư duy của học viên
Phát huy tính tích cực học tập được coi như một nguyên tắc dạy học bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Trong quá trình học tập, thông qua việc bồi dưỡng và phát triển TDPB, học viên sẽ phát huy được tính tích cực trong tư duy của mình. Tức là, họ có điều kiện để tự lực làm việc nhiều hơn, được phát biểu quan điểm của mình, được đưa ra những nhận xét, chỉ ra được những ưu, nhược điểm của những giải pháp khác nhau...
Mặt khác, tính tích cực trong học tập của người học viên biểu hiện ở khát vọng học tập, sự cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Do vậy, có thể xem tính tích cực, chủ động như là một điều kiện, đồng thời là một kết quả của sự phát triển nhân cách học viên.
Những dấu hiệu của tính tích cực học tập thông qua bồi dưỡng TDPB của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT có thể nhận thấy đó là: khao khát tham gia trả lời các câu hỏi của giảng viên, bổ sung các câu trả lời của bạn, thích được phát biểu ý kiến của mình về vấn đề nêu ra; hay nêu thắc mắc đòi hỏi giải thích cặn kẽ những vấn đề giảng viên trình bày chưa đủ rõ; chủ động vận dụng linh hoạt những kiến thức, kỹ năng đã học để nhận thức các vấn đề mới; mong muốn được đóng góp với giảng viên, với đồng chí khác những thông tin mới lấy từ những nguồn khác nhau, có khi vượt ra ngoài phạm vi bài học, môn học. Đặc biệt, tính tích cực trong học tập có mối quan hệ nhân quả với các phẩm chất nhân cách của người học như: tính tự giác, tính độc lập, tính chủ động, tính sáng tạo.