Theo đánh giá của Tổ chức Dầu mỏ và Khí đốt thế giới (2009), Trung Đông là khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, trữ lượng dầu mỏ chiếm hơn 50% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới với 727,314 tỷ thùng dầu và gần ½ trữ lượng khí đốt thế giới, trong đó, A-rập Xê-út (266,710 tỉ thùng), I-ran (136,150 tỉ thùng), I-rắc (155 tỉ thùng), Cô-oét (104 tỉ thùng), Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất UAE (97,8 tỉ thùng). Về khả năng sản xuất và tiêu thụ, có thể nói, Trung Đông là khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất
thế giới, hơn 70% tổng sản lượng của OPEC và 30% tổng sản lượng thế giới, còn châu Phi lần lượt chiếm 30% và 13%. Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2006, 47% dầu mỏ của Trung Quốc nhập khẩu của nước ngoài, trong đó 60% nhập khẩu từ Trung Đông. [18, tr.176]
Trong những năm gần đây, Ả Rập Xê-út, Ăng-gô-la và I-ran là ba nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh nhất ở các tỉnh ven biển phía Đông Nam, đáng chú ý là Phúc Kiến và Quảng Đông. Trước hết, đối với I-ran, Trung Quốc luôn cho rằng I-ran là kim chỉ nam cho những tham vọng và lập trường đối với an ninh năng lượng. I-ran có trữ lượng dầu mỏ khoảng 13 tỷ tấn và khí đốt khoảng 19.800 tỷ m3
nhưng chưa được khai thác do thiếu kỹ thuật và công nghệ khai thác. Chính vì vậy, Trung Quốc đang đưa ra những đề nghị giúp đỡ I-ran tiến hành các hoạt động này song vẫn chưa có bất kỳ dự án lớn nào được tiến hành tại I-ran do ảnh hưởng lệnh cấm vận của Mỹ và các nghị quyết trừng phạt I-ran của Liên hợp quốc. Trung Quốc đã từng cố gắng cải thiện mối quan hệ với các nhà cung cấp dầu mỏ của mình như Ả-rập Xê-út, I-ran bằng cách bán công nghệ quân sự cho các nước đối tác này, đầu tư vào sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời luôn cố gắng đảm bảo tôn trọng tình trạng nhân quyền của các nước này. Hiện 13,6% tổng sản lượng dầu của Trung Quốc nhập khẩu từ I-ran. Trong tháng 03 năm 2004, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 100 triệu USD để nhập 10 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ I-ran trong vòng 25 năm và đổi bằng sự đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này trong lĩnh vực khai thác dầu khí, hóa dầu và xây dựng đường ống dẫn dầu tại I-ran. Tháng 01 năm 2007, I-ran đã vận chuyển 2,1 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc, gấp 3 lần lượng vận chuyển dầu thô tháng 12 năm 2006. Trung Quốc và I-ran đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu nối vùng Vịnh đến các tỉnh ven biển Trung Quốc. [18, tr.177]
Mối quan hệ Trung Quốc – I-ran ngày càng phát triển đã giảm bớt hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với I-ran. Chính quyền Mỹ đã từng phạt các công ty của Trung Quốc 62 lần vì đã vi phạm luật của Mỹ và luật quốc tế khi chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí cho I-ran và một số quốc gia khác. CIA cũng đã từng đệ trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo, trong đó nêu rằng các công ty của Trung Quốc đã ―giúp đỡ I-ran tiến tới tự chế tạo các loại tên lửa đạn đạo‖. Trong bối cảnh cuộc khủng khoảng hạt nhân đang căng thẳng, Trung Quốc đã từng phản đối đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, thậm chí đã từng đe dọa sẽ trả đũa những hành động nhằm chống lại I-ran.
I-rắc có trữ lượng dầu mỏ khoảng 136 tỷ thùng, đứng thứ 2 thế giới sau A-rập Xê-út. Thời Xát-đam Hút-xen, Trung Quốc và I-rắc đã ký hiệp định khai thác phát triển mỏ dầu A-đáp ở miền Nam I-rắc với trị giá 700 triệu USD. Năm 2003, I-rắc bị tàn phá nặng nề sau khi Mỹ phát động chiến tranh tại nước này. Trung Quốc cam kết ủng hộ 25 triệu USD cho công cuộc tái thiết nước này. Tháng 5 năm 2007, tại Hội nghị Hiệp ước quốc tế I-rắc ở Ai Cập, Trung Quốc tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho I-rắc 50 triệu NDT vào lĩnh vực y tế, giáo dục. [18, tr.177]
Do mối quan hệ Ả-rập Xê-út - Mỹ bị rạn nứt sau sự kiện ngày 11 tháng 09, nên mối quan hệ chiến lược này có thể bị thay thế bởi quan hệ đối tác Trung Quốc - Ả-rập Xê-út. Xuất khẩu dầu của Ả-rập Xê-út sang Mỹ đã giảm trong năm 2004, trong khi đó sản lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ nước này lại tăng lên. SINOPEC đã đạt được thỏa thuận khai thác khí đốt tại lòng chảo An Kha-li Ba-xin. Ả-rập Xê-út cũng đã đồng ý tiến hành xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Phúc Kiến để đổi lại đầu tư của Trung Quốc trong ngành khai thác quặng bô-xít và phốt-phát. Dự này này hiện đã đi vào hoạt động. Quan hệ hợp tác kinh tế trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước hỗ trợ
cho quan hệ vốn đã phát triển trong lĩnh vực quân sự. Trên thực tế, Trung Quốc đã bán cho Ả-rập Xê-út hàng loạt tên lửa Siklwon trong thời kỳ chiến tranh I-ran - I-rắc những năm 1980.
Ngày 22 tháng 01 năm 2006, Quốc vương A-rập Áp-đu-la Bin A-đan A-dít An Xao đã đến Bắc Kinh/Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác về dầu mỏ giữa hai nước. Hai nước đã ký 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. A-rập xê-út đồng ý sẽ tăng 39% lượng dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm. [18, tr.176]
Theo giới phân tích, Trung Đông đã và đang hướng tới châu Á nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Những nền kinh tế có nhu cầu năng lượng cao như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành các đối tác thương mại chủ chốt của GCC và toàn bộ khu vực Trung Đông. Họ nhận định: ―Những diễn biến chính trị gần đây ở Ai Cập, tình hình địa chính trị ở I-ran và các thị trường năng lượng mới nổi như I-xra-en sẽ không làm thay đổi nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở Trung Đông và Bắc Phi‖.
Trung Đông là một địa điểm quan trọng trên bản đồ năng lượng thế giới không những đối với Trung Quốc mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc chú trọng phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia Trung Đông hơn là can thiệp vào các vấn đề chính trị. Vì vậy, trước mắt, ngoại giao năng lượng của Trung Quốc ở Trung Đông là chính, sau đó mới mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác. Đối với Trung Quốc, Trung Đông là thị trường hàng hóa và lao động lớn với hơn 200 triệu dân. Điều quan trọng hơn là, dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông là nguồn nhập chủ yếu của Trung Quốc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ cao như hiện nay ở nước này. Phần lớn dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông đều đi qua eo biển Hoóc- mút và eo biển Ma-lắc-ca, vì vậy, Trung Quốc luôn muốn bảo vệ tuyến đường biển này và sẽ làm mọi cách để bảo vệ tuyến đường biển này được an toàn.