Châu Phi là khu vực có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 4 thế giới với 117,064 tỉ thùng, chiếm 10% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, còn trữ lượng khí đốt xếp thứ 3 thế giới, sau Trung Đông và Trung Á. Trong đó, trữ lượng dầu mỏ của Li-bi chiếm 3,4%, Ni-giê-ri-a chiếm 3% tổng trữ lượng dầu thế giới và được xếp vị trí 9, 10 thế giới. Còn khí đốt, Ni-giê-ri-a đứng thứ 7 và An-giê-ri đứng thứ 9. Đến năm 2010, tỷ lệ sản lượng dầu mỏ của châu Phi trong tổng sản lượng dầu mỏ thế giới có thể tăng đến 20%. 150 loại khoáng sản đã phát hiện trên thế giới đều có trữ lượng lớn ở châu Phi, đặc biệt là hơn 50 loại khoáng sản hiếm có liên quan mật thiết với khoa học công nghệ cao đều có trữ lượng lớn ở châu Phi. Trữ lượng tài nguyên ngang tầm ―kho năng lượng và khoáng sản‖ thế giới của châu Phi đang khiến châu lục này trở thành trọng tâm của các hoạt động ngoại giao mang màu sắc kinh tế của các cường quốc. [26, tr.2]
Trong cuộc đua của các cường quốc về ngoại giao năng lượng, châu Phi đang nổi lên là một địa chỉ vàng được quan tâm. Nửa thế kỷ trước đây, người dân châu Phi khó có thể tin rằng mình được tặng nhiều ―quà‖ đến vậy từ các nhà hảo tâm là các công ty khai thác mỏ quặng, dầu mỏ và khí đốt. Phần lớn các công ty này đều đến từ các nước công nghiệp lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay từ các nền kinh tế đang có tốc độ phát triển làm thế giới ngỡ ngàng như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Vì Trung Quốc vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc tiếp cận nguồn năng lượng từ những khu vực lân cận do hạn chế trong mối quan hệ với các nước láng giềng, nên nước này thể hiện rõ mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng với những nước khác cách xa hơn. Song song với châu Mỹ La- tinh, Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư số một tại châu Phi.
Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ các nước châu Phi chiếm 20% tổng lượng dầu nhập khẩu, phần lớn từ Xu-đăng và Ăng-gô-la. Mặc dù hai nước có tình trạng vi phạm nhân quyền bị thế giới lên án, song Trung Quốc vẫn hợp tác vì chiến lược ngoại giao của mình bởi đó là những quốc gia cung cấp dầu mỏ quan trọng và có thể đổi dầu mỏ lấy vũ khí, hàng hóa tiêu dùng và lương thực [18, tr.179]. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng đầu về vũ khí cho chính phủ Xu-đăng. Đổi lại, một consortium do CNPC chiếm 40% vốn có khả năng sản xuất với sản lượng trung bình 300.000 thùng/ngày tại Xu-đăng. Trung Quốc cũng đang cạnh tranh để tiếp cận được nguồn năng lượng tại Ăng-gô-la và các khu vực giàu dầu mỏ khác tại các nước châu Phi bằng cách đổi vũ khí để lấy dầu. Từ năm 2005, Trung Quốc liên tục ký các hiệp ước hợp tác với Kê-ni-a, Cộng hòa Công-gô, Ăng-gô-la (2.2005), Ni-giê-ri-a (4.2005). Trung Quốc đã nhập 38,3 triệu tấn dầu từ châu Phi, chiếm 30% lượng dầu nhập khẩu của nước này trong cả năm. Năm 2006, SINOPEC đã đạt được thỏa thuận góp vốn thăm dò 3 khu vực dầu mỏ của Ăng-gô-la với công suất 3,2 triệu thùng. Từ tháng 2.2006, Ăng-gô-la đã cung cấp cho Trung Quốc 450 thùng dầu thô/ngày. [18, tr.180]
Ngày 04 tháng 11 năm 2006 diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi ở Bắc Kinh là một minh chứng. Cả Mỹ và Liên Xô trước đây chưa bao giờ tổ chức được một Hội nghị như thế với cam kết viện trợ tới 1,9 tỉ USD. Trung Quốc cam kết cho các nước châu Phi vay ưu đãi 3 tỉ USD, đầu tư 2 tỉ USD và xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư trị giá khoảng 5 tỉ USD, cam kết xoá một phần nợ cho các nước nghèo nhất, nhập khẩu nguyên liệu, đào tạo 150.000 sinh viên tại các trường đại học Trung Quốc. Từ 2007, Trung Quốc đã ký hiệp định hỗ trợ song phương với 48 nước Châu Phi và thoả thuận cho vay với 22 nước. Năm 2009, Trung Quốc tăng 200% giá trị viện trợ cho Châu Phi so với năm 2006. Để khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư
vào Châu Phi, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Quỹ Trung Quốc – Châu Phi với giá trị ban đầu là 1 tỷ USD. Cho đến cuối năm 2008, Quỹ đã đầu tư khoảng 400 triệu USD vào 20 dự án, đưa con số đầu tư vào Châu Phi bởi các doanh nghiệp Trung Quốc lên 2 tỷ USD. [27, tr.1]
Những hợp đồng này không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, ngược lại cũng là cơ hội của các nước châu Phi. Ký kết hợp đồng năng lượng với Trung Quốc ngoài nguồn lợi trực tiếp từ khai thác, còn thêm nguồn lợi từ những khoản viện trợ khác mang tới. Chính vì vậy, Trung Quốc được hoan nghênh tại châu Phi. Các công ty Trung Quốc có khả năng cung cấp kỹ sư làm việc tại công trường với mức lương 100 USD/tháng, trong khi châu Âu không còn có sức cạnh tranh tại phần lớn các nước châu Phi. Việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi giúp giải quyết công dân việc làm trong nước, phát triển xã hội và quan trọng hơn là gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Đằng sau sự hào phóng đó là sự ―thèm muốn‖ của Trung Quốc với châu Phi, nơi có nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các loại quặng. Bộ phận Tình báo kinh tế (Economist Intelligence Unit) thuộc Tạp chí The Economist (Anh) nhận định, đến năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế lớn nhất châu Phi như Ai Cập, Xu-đăng, Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la, đánh bật các đối tác truyền thống như Mỹ, Anh và Pháp. [26, tr.2]