Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ việt nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 38)

1.2. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và tầm quan trọng của

1.2.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam

Truyền thống đạo đức phụ nữ là một bộ phận hữu cơ của truyền thống đạo đức dân tộc, truyền thống quý giá ấy đã được Bác Hồ viết trong thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày phụ nữ Quốc tế: Phụ nữ Việt Nam ta

sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù.

Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ VIII năm 1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng khẳng định: “Truyền thống và phẩm giá của phụ nữ nước ta được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước, tình nhân ái, đức hy sinh, trí thông minh, tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam. Tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" mà Bác Hồ kính yêu và nhân dân trao tặng phụ nữ nước ta, chính là sự đúc kết một cách sâu sắc truyền thống vẻ vang và phẩm giá cao đẹp đó” [34, tr.90-91].

Từ cách tiếp cận về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc ở phần trước và từ những nhận định trên về truyền thống đạo đức phụ nữ Việt Nam. Có thể rút ra những nét tiêu biểu của giá trị đạo đức truyền thống dân tộc biểu hiện ở phụ nữ Việt Nam cần phải kế thừa trong xây dựng lối sống, đó là:

- Yêu nước, anh hùng, bất khuất; - Đảm đang;

- Trung hậu;

- Yêu thương chồng con;

- Phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc;

Lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên vị trí hàng đầu những giá trị đạo đức cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Lịch sử đã khắc sâu một chân lý: Phụ nữ Việt Nam không chỉ lo việc nhà mà còn lo việc nước. Bởi lẽ, ở Việt Nam, Nước và Nhà, Làng và Nước không bao giờ tách rời nhau, đó là những tiếng thân thương, quen thuộc trong tâm thức của người Việt Nam, nó biểu thị rõ rệt và cô đúc sự gắn bó của các tổ chức xã hội Việt Nam xưa. Con người ở đây ý thức được rằng: nước mất thì nhà tan. Vì thế, cứu nước không chỉ là nhiệm vụ của đàn ông mà đàn bà cũng lo cứu nước. Mặt khác, trong các cuộc chiến tranh, bọn xâm lược trực tiếp đánh vào người phụ nữ, chà đạp nhân phẩm, cướp đi quyền sống, quyền làm mẹ của họ, chúng không chỉ “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” mà còn “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Trước tai hoạ trực tiếp đó, người phụ nữ chỉ còn con đường quyết liệt đấu tranh, đứng lên cầm vũ khí, tham gia vào những cuộc đấu

tranh chống xâm lược.

Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, biết bao thế hệ phụ nữ đã trở thành chiến sĩ trong những lần vận nước gặp nguy nan, từ đội ngũ nữ tướng thời Bà Trưng đến “đội quân tóc dài” thời đại mới. Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai bà là những người mẹ, người chị, những người con gái Việt Nam đã nêu cao tấm gương “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đấy là những nữ anh hùng tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc trong giai đoạn phôi thai của lịch sử. Góp phần vào ngọn nguồn của truyền thống đánh giặc của phụ nữ Việt Nam xưa, 200 năm sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của “Vua bà” Triệu Thị Trinh, cuộc khởi nghĩa ấy một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập dân tộc và khí phách của người phụ nữ Việt Nam với câu nói bất hủ: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.

Truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu đã được phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không chỉ có một Trưng Vương, một “Vua bà” mà còn có hàng vạn Trưng Vương, hàng vạn “Vua bà” vô danh khác đã góp phần xương máu của mình làm cho dòng truyền thống đánh giặc giữ nước quý báu này phát triển mạnh mẽ và liên tục.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã kiên cường, anh dũng đấu tranh với kẻ thù trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu. Lịch sử sẽ mãi ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của Mẹ Suốt - liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động - người đã chèo hàng trăm lượt đò chở cán bộ và bộ đội qua sông trong đó, có không ít lần phải vượt qua làn bom lửa đạn và các trận đánh phá ác liệt của giặc Mỹ trên dòng sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình. Khi nói đến bà Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Quân giải phóng, sau là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam,

cho cả dân tộc ta”. Hay tấm gương của chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ tham gia hoạt động tình báo giao liên cách mạng và bị giặc bắt khi mới 15 tuổi. Và sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm - người con gái Hà Thành “chân yếu, tay mềm” mà làm cho kẻ thù bên kia chiến tuyến phải cúi đầu kính phục bởi lòng quả cảm và khí phách anh hùng dám xả thân vì đất nước...

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, bằng thành tích học tập, lao động và chiến đấu của mình, phụ nữ Việt Nam đang nỗ lực công hiến và thực sự trở thành những tấm gương đạo đức về lòng yêu nước. Đặc biệt như chị Phạm Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dược Hậu Giang, một hình mẫu về bản lĩnh phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới; chị Hoàng Thị Mái, người phụ nữ Hmông ở Điện Biên trở thành đại diện của Việt Nam trong Hội nghị "Thế giới không có người nghèo" của UNDP tổ chức, chị Phan Thị Xuân Mai ở Tiền Giang, người được FAO chọn là người phụ nữ nông dân xuất sắc khu vực châu Á. Chị Nguyễn Việt Nga, một trong 5 chiến sỹ của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương, 2 lần bán nhà nuôi con học đại học... những tấm gương ấy là bằng chứng sống động cho sự tiếp nối xuất sắc truyền thống yêu nước nồng nàn, khát vọng được cống hiến cho đất nước của phụ nữ nước ta ngày nay.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định: trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước của dân tộc đã rèn luyện và hình thành nên những giá trị đạo đức phổ quát và bền vững ở người phụ nữ Việt Nam đó là:

Lòng yêu nước nồng nàn, khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất và ý chí tự cường dân tộc.

Phụ nữ Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà họ còn rất cần cù, đảm đang trong sản xuất, trong công việc gia đình và tham gia hoạt động xã hội. Từ xưa tới nay, phụ nữ giữ vị trí không thể thiếu trong gia đình. Họ lo toan chi phí kinh tế, đảm nhận những công việc rất đặc trưng của nữ giới, đó là "nữ công gia chánh". Trong lịch sử, phụ nữ nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn, vào quá trình phát triển của dân tộc. Truyền thống ấy ngày càng được bồi đắp và phát triển phong phú, tạo nên danh hiệu cao quý cho người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chính vì vậy,

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh: Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này nữa - xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp, đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ trong gia đình, ngoài xã hội.

Cùng với những đức tính cần cù, đảm đang, phụ nữ Việt Nam còn có lòng yêu thương chồng con hết mực. Là người vợ, người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng, chăm lo cho chồng, cùng chồng chia sẻ mọi công việc trong sản xuất, chăm sóc giáo dục con cái, trong đánh giặc bảo vệ Tổ quốc và trong sinh hoạt cộng đồng. Trong gia đình người nông dân Việt Nam hình ảnh vợ chồng cùng nhau gánh vác công việc chung, được phản ánh trong các câu ca dao về lao động sản xuất, về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày...

Dưới chế độ cũ, bao nhiêu nỗi lo chồng chất trên đôi vai mềm mại mà vô cùng đảm đang của người mẹ, người vợ. Tuy vất vả, nhưng người phụ nữ vẫn dịu dàng, thương yêu, thủy chung quan tâm chăm sóc đến chồng, đến con. Những người phụ nữ tần tảo đó sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng của mình cho gia đình. Họ chỉ mong góp phần cho sự sống và thăng tiến của chồng con, mà không có yêu cầu cho riêng mình. Không chỉ yêu chồng, phụ nữ Việt Nam còn là người mẹ hiền. Là người vợ, họ thực hiện chức năng thiêng liêng của người phụ nữ, là điều mà Mác - Ăngghen gọi là "Sự phân công lao động đầu tiên là sự phân công giữa đàn ông và đàn bà trong việc sinh con đẻ cái" [55, tr.104].

Trong gia đình, cùng với người chồng, người phụ nữ là người thường xuyên trực tiếp nuôi dạy con cái, họ dịu hiền và khéo léo. Hình ảnh người mẹ với những lời mẹ dạy có ảnh hưởng lâu bền đối với quá trình phát triển của con cái, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ, văn hóa gia đình, vai trò của người mẹ chiếm ưu thế tuyệt đối. Người phụ nữ chính là người thầy, nhà giáo dục đầu tiên của con cái mình. Chính những lời dạy bảo con cái của người mẹ, những lời ru, câu hát của các thế hệ bà mẹ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Bà mẹ Việt Nam nuôi dạy các con theo tinh thần và ngôn ngữ Việt. Từ những lời ru, tiếng nói hàng ngày, đến những câu chuyện cổ tích phản ánh cuộc sống và tâm hồn người Việt đưa con

vào giấc ngủ, người mẹ đã truyền cho con tình yêu quê hương, đất nước, đạo lý làm người... nền văn hóa dân tộc đã được người phụ nữ truyền cho thế hệ mai sau một cách thường xuyên tự giác.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc còn thể hiện tài năng của mình trong văn chương, học thuật nước nhà. Thế kỷ XV, Nguyễn Thị Lộ, vợ nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là người có tài năng văn học tuyệt vời nên được mời vào triều làm chức Lễ nghi học sĩ. Bà Ngô Chi Lan giỏi văn chương được Lê Thánh Tông vời vào triều dạy cung nữ. Đoàn Thị Điểm đã mở trường dạy học cho Nho sinh. Hồ Xuân Hương người tài dùng thơ văn chiến đấu chống lại lễ giáo và đạo đức phong kiến, đấu tranh cho quyền sống và hạnh phúc của phụ nữ...

Phụ nữ Việt Nam cũng là người khai sinh, xây dựng một số loại hình nghệ thuật dân tộc như, bà Phạm Thị Trân - bà tổ nghề chèo, một loại hình nghệ thuật lấy tích truyện rút ra từ cuộc sống, thể hiện sự khéo léo kết hợp giữa việc giáo dục nghệ thuật và việc cổ vũ tinh thần chiến đấu vì độc lập dân tộc cho quân lính của bà thời vua Đinh thế kỷ X...

Tóm lại, những phẩm chất quý báu, các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của phụ nữ Việt Nam đó là: Yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, thủy chung, yêu thương chồng con, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc đã và đang được phụ nữ cả nước kế thừa phát huy trong thời kỳ lịch sử mới. Những giá trị đó vẫn luôn được các thế hệ phụ nữ kế tiếp nhau trong lịch sử trân trọng giữ gìn, phát huy và tùy theo những hoàn cảnh lịch sử của từng thời đại mà được phát triển, bổ sung những phẩm chất mới làm phong phú và bền vững thêm các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ việt nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)