Việt Nam nhằm xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ
2.1.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ
2.1.1.1. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, quốc tế hóa
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là quá trình làm gia tăng tự do hóa thương mại và đầu tư, làm cho các rào cản đối với trao đổi thương mại và đầu tư bị loại bỏ dần. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các nước tăng cường thương mại quốc tế, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phát triển nguồn lực bên trong. Toàn cầu hóa là một xu hướng phát triển tất yếu khách quan của lịch sử nhân loại. Đó là kết quả của quá trình phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, khoa học - công nghệ và của quan hệ giao lưu kinh tế quốc tế. Hiện nay, toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng, lan tỏa và thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, văn hóa, pháp luật, giáo dục, lối sống… Ở nước ta, cùng với quá trình đổi mới đất nước, quá trình mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế đã tạo điều kiện cho phụ nữ mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về việc làm, học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo… mở rộng tầm nhìn ra ngoài thế giới và khu vực. Qua đó, phụ nữ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh… Toàn cầu hóa là “cánh cửa” mở ra cơ hội giao thoa, từ đó từng bước xóa bỏ văn hóa lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với thực tiễn xã hội, giúp cho người phụ nữ được tiếp cận với nền văn hóa toàn cầu, được tiếp xúc với những giá trị tiến bộ của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Qua đó, tiếp thu có chọn lọc để bổ sung và làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của người
phụ nữ Việt Nam. Những giá trị bình đẳng, dân chủ; những phẩm chất tự tin, cởi mở; giao tiếp hiện đại, kỹ năng sống, làm việc, văn hóa lao động công nghiệp… của phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới đã và đang trực tiếp tác động tới phụ nữ. Họ có điều kiện nhận thức tốt hơn về tình yêu, hôn nhân; về giá trị của bản thân; về vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình cũng như công việc trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì sự tác động của quá trình toàn cầu hóa cũng tồn tại những hạn chế: sự tiếp thu văn hóa bên ngoài thiếu định hướng lành mạnh dẫn đến việc xa rời lối sống theo chuẩn mực đạo đức dân tộc; những sách, báo, phim ảnh không lành mạnh, những ấn phẩm có nội dung bạo lực, tự do tình dục... bằng nhiều con đường ngõ ngách thông qua mở cửa đã xâm nhập vào nước ta, tuyên truyền cho lối sống thực dụng, hiện sinh, ảnh hưởng tiêu cực tới lối sống, đạo đức của phụ nữ, làm băng hoại nhân phẩm của chị em. Đồng thời, làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức phụ nữ bị xâm phạm, bị bào mòn trong thời gian vừa qua. Những ấn phẩm phản văn hóa đó dẫn đến các hoạt động lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em, đáng chú ý là tệ nạn xã hội trước đây chỉ diễn ra tự phát, quy mô nhỏ thì nay có nguy cơ lan rộng và có tính tổ chức cao như hình thành các nhóm chủ chứa, môi giới, tổ chức các đường đây buôn bán gái mại dâm, ma túy... với quy mô quốc gia và quốc tế; Hoạt động mại dâm diễn ra khá phổ biến trong các khách sạn, nhà hàng, điểm karaoke, masseger, các quán "cà phê vườn". Mại dâm cùng với ma túy là những tác nhân làm lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới tính mạng con người làm tổn thương nặng nề đến tâm hồn, phẩm giá của người phụ nữ, tác động tiêu cực đến tâm lý, đạo đức của họ trong cuộc sống. Biểu đồ dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ xu hướng nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm.
Nguồn: Cục Phòng chống HIV/AIDS, www.vaac.gov.vn
Từ những nhân tố tác động đến đạo đức của phụ nữ, cho thấy: bản thân các giá trị đạo đức của người phụ nữ luôn luôn bị thử thách trước tác động của nền KTTT và của các hiện tượng phản văn hóa từ việc nhỏ đến việc lớn, từ gia đình đến xã hội. Điều đó làm cho đạo đức của người phụ nữ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song, điều này cũng có nguyên nhân từ chính chị em phụ nữ, đó là, phụ nữ còn hạn chế về trình độ kiến thức mọi mặt, sự hiểu biết về giới và pháp luật, khả năng tiếp nhận và chọn lọc thông tin còn chưa nhanh nhạy nên rất dễ thay đổi khi hoàn cảnh và điều kiện đổi thay, nhiều trường hợp người phụ nữ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội một cách không tự giác. Nói cách khác, họ bị cuốn hút vào cơn lốc của nền KTTT, vào các hiện tượng phản văn hóa và nhiều người đã không tự ý thức và không tự chống đỡ nổi.
Trước những thử thách đó, để xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trên cơ sở phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội… Mọi người dân nói chung, phụ nữ nói riêng phải kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, đó là một yêu cầu tất yếu. Qua đó, từng bước khắc phục sự suy thoái về đạo đức, sự bào mòn về giá trị truyền thống dân tộc đang có nguy cơ gia tăng, làm cản trở quá trình xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ hiện nay. Mặt khác, những quan điểm, chính sách của Đảng đối với phụ nữ luôn đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho họ được học tập, được tham gia hoạt động xã hội, điều đó đòi hỏi người phụ nữ phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong gia đình và xã hội, trau dồi giá trị đạo đức truyền thống, truyền thống phụ nữ. Vì vậy, việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ trong việc dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.
2.1.1.2. Tác động của kinh tế thị trường đến lối sống của phụ nữ hiện nay
KTTT theo định hướng XHCN là một kiểu tổ chức nền kinh tế vận hành theo quy luật khách quan của nền KTTT có sự quản lý của nhà nước XHCN nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì
vậy, khi xem xét tác động của KTTT đối với đạo đức phải thấy được tính tích cực và tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội, đời sống đạo đức nói chung và quá trình xây dựng lối sống văn hóa của phụ nữ hiện nay nói riêng.
Tính tích cực và năng động của cơ chế thị trường với tư cách là phương tiện hữu hiệu phát triển kinh tế, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đã tác động, kích thích sự sáng tạo, nhạy bén của phụ nữ trong lao động, sản xuất, kinh doanh. KTTT cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới, đem lại nhiều việc làm cho phụ nữ, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Phụ nữ tham gia nhiều vào hoạt động có tính chất kinh doanh nên thu nhập tăng, năng lực quản lý, năng lực xã hội cũng tăng lên. Nhiều phụ nữ đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khác, cho cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội. Có thể nói, trong nền KTTT, sự đóng góp về kinh tế của phụ nữ cho gia đình, cộng đồng, xã hội ngày càng rõ nét và được khẳng định. Phụ nữ trẻ hiện nay có sự phát triển vượt trội về mọi mặt: thể chất, cơ hội học tập, làm việc, sự chia sẻ công việc của người chồng và những người thân trong gia đình nhiều hơn so với thế hệ phụ nữ trước đây. Sự tự tin, năng động, tính quyết đoán, trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ quản lý… của bộ phận phụ nữ trẻ trở thành ưu thế để phụ nữ có điều kiện gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức của mình trong xây dựng lối sống mới.
Tuy nhiên, sự tác động của KTTT trong lĩnh vực đạo đức nói chung, đạo đức phụ nữ nói riêng bên cạnh những biến đổi mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ, cũng làm ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức và xuất hiện không ít những hiện tượng xuống cấp về đạo đức, lối sống đáng báo động ở một bộ phận phụ nữ. Sự tác động mặt trái của KTTT đến đạo đức của người phụ nữ được thể hiện:
Một là, cùng với sự tăng năng suất lao động, nền KTTT đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng nó cũng đẩy nhanh sự phân hóa giàu nghèo, làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng xã hội, phá vỡ sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội. Trong nền kinh tế đó sự phân công lao động theo ngành nghề, lĩnh vực, theo giới và theo trình độ phân cực rõ nét. Phụ nữ thường lao động trong những ngành nghề, lĩnh vực có thu nhập thấp. Theo Báo cáo chính trị trình
bày tại Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI thì “số lao động nữ có bằng cấp chuyên môn chỉ đạt 11,1%, đặc biệt là lao động nữ nông thôn, độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động nữ làm các công việc giản đơn chiếm tới 42,9% (so với 36,2% lao động nam)” 38. Trong sự phân công lao động như vậy, việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức phụ nữ trong quá trình xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ không tránh khỏi những tác động tiêu cực của KTTT đối với lối sống của người phụ nữ hiện nay.
Hai là, cùng với sự kích thích bằng lợi ích vật chất, KTTT đã kích hoạt mọi sự tìm tòi, suy nghĩ và sáng tạo, điều này có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, những suy nghĩ cá nhân, những tâm trạng ích kỷ cũng đang tạo ra tâm lý tiêu cực, khát vọng làm giàu dẫn đến sự thoái hóa trong quan hệ giữa người với người trong xã hội nói chung, phụ nữ nói riêng. Lối sống “vì mình, quên người”, “vì lợi bỏ nghĩa” ngày càng có nguy cơ lan rộng và bào mòn nhân tính của con người nói chung và phụ nữ nói riêng, đẩy họ vào tình trạng tha hóa bản chất, nhân cách đạo đức.
Ba là, KTTT cũng thúc đẩy không ít cán bộ, kể cả cán bộ có chức có quyền rơi vào tình trạng tha hóa biến chất, dùng quyền lực mưu lợi riêng, lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước để vơ vét tiền của nhân dân chi cho tiêu dùng ăn chơi sa đọa, trác táng, kéo theo một bộ phận phụ nữ nhất là phụ nữ trẻ vào con đường ăn chơi, đua đòi, lối sống xa hoa, lãng phí, xa lạ với lối sống giản dị, cần kiệm - một trong những phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù, không phải KTTT là nguyên nhân duy nhất tác động đến đạo đức, nhưng ảnh hưởng của nó tới những tiêu cực đối với lối sống phụ nữ hiện nay là rất lớn, nhất là trong điều kiện nền KTTT ở nước ta còn đang ở giai đoạn đầu, khi mà hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn thiện thì những hiện tượng tiêu cực đó càng có nguy cơ phát triển.
Bốn là, mặt trái của KTTT dẫn tới sự tha hóa về phẩm cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận phụ nữ nước ta, từ chỗ đề cao các giá trị tinh thần sang coi trọng các giá trị vật chất, coi trọng cá nhân, tôn sùng đồng tiền, lấy đồng tiền là
thước đo giá trị của con người, thay cho các giá trị đạo đức truyền thống. Đồng tiền thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội, thậm chí chi phối các nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp của không ít người. Đồng tiền vốn chỉ là phương tiện của cuộc sống, giờ đây trở thành mục đích, lý tưởng của một số người. Họ xem tiền có thế lực vạn năng, có giá trị gạt bỏ mọi giá trị khác, tiền là giá trị chân thực duy nhất dùng để đo giá trị của bản thân và của người khác, "có tiền thì có tất cả". Với tư tưởng đó làm cho không ít phụ nữ nước ta đánh mất nhân phẩm của mình, chạy theo đồng tiền bất chấp luân thường đạo lý, toan tính làm sao để có tiền. Nhiều phụ nữ có quan niệm về giá trị nằm ở những đồ vật và tiện nghi sang trọng mà đồng tiền đem tới. Vì thế, ngay trong quan niệm về tình yêu, hôn nhân vấn đề được xem là thiêng liêng, cao cả thì ngày nay, ở họ nó không còn có ý nghĩa truyền thống như trước mà bị ảnh hưởng trước sức mạnh của đồng tiền.
Những vấn đề trên đây phần nào cho chúng ta biết được vấn đề giữ gìn những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ trong điều kiện KTTT ở Việt Nam hiện nay là hết sức quan trọng. Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu, giữa lối sống văn hóa với phản văn hóa vẫn đang không ngừng diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng. Bên cạnh những cái hay, điều tốt được du nhập vào lối sống của phụ nữ thì đồng thời những cái xấu, cái đáng lên án cũng xâm nhập và làm ảnh hưởng tới đạo đức của một bộ phận chị em.
Vì vậy, có thể khẳng định: khi nền kinh tế càng phát triển thì phụ nữ càng có nhiều cơ hội và điều kiện tham gia vào quá trình biến đổi đó, song cũng đứng trước những thử thách không nhỏ do sự tác động của KTTT đem lại đối với lối sống của phụ nữ Việt Nam. Việc xây dựng lối sống văn hóa cho họ đặt ra yêu cầu cần kế thừa và phát huy mạnh mẽ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đó cũng là nội dung quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng và nhân dân ta hướng tới.
2.1.1.3. Tác động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong những năm gần đây, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chúng ta tiến hành CNH, HĐH đất nước. CNH là quá trình nâng cao tỷ trọng của công nghiệp trong toàn bộ các ngành kinh tế của một vùng kinh tế hay một nền kinh
tế. Gắn liền với quá trình này là sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp lớn và các thành thị. Trong quá trình CNH, khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ trở thành nhân tố trực tiếp tác động đến sản xuất, làm cho sản xuất được tiến hành với những phương pháp tiên tiến nhất, năng suất lao động không ngừng được nâng cao. Vì vậy, CNH gắn liền với HĐH.
CNH, HĐH đang tạo ra những chuyển biến to lớn về mọi mặt trong đời sống xã hội, do đó nó cũng tác động sâu sắc tới quá trình phát huy các giá trị đạo đức truyền thống nói chung và của người phụ nữ nói riêng trong xây dựng lối sống văn hóa cho người phụ nữ Việt Nam hiện nay ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Hiện nay ở nước ta, thực hiện CNH, HĐH đất nước trên mọi lĩnh vực nhất là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; bộ mặt ở nông thôn và cũng như cả nước có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ, văn minh, hiện đại. Nhiều khu công nghiệp