1.3. Tính tất yếu của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ
1.3.1. Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam là quy luật
luật khách quan trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ
Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa là một phạm trù triết học chỉ sự liên hệ phổ biến giữa cái cũ và cái mới trong quá trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Thông qua kế thừa, chúng ta có thể thấy được cái mới được xuất hiện từ cái cũ như thế nào, cái cũ và cái mới có quan hệ với nhau ra sao? Trong thế giới, các sự vật, hiện tượng luôn có mối liên hệ, luôn tồn tại trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Vì vậy, phát triển là khuynh hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng nhằm tạo ra sự đổi mới không ngừng. Kế thừa là quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ nhưng không phải là sự thủ tiêu, sự phá hủy hoàn toàn cái cũ mà ngược lại cái mới giữ lại và cải biến những nhân tố tích cực của cái cũ, làm cho chúng gia nhập vào cái mới, trở thành những yếu tố hữu cơ, không thể thiếu của cái mới thậm chí trở thành nền tảng cho sự ra đời và phát triển của cái mới. Không có cái mới nào ra đời từ hư vô, nhưng cũng không thể có cái mới theo đúng nghĩa nếu nó là sự lặp lại máy móc, dập khuôn những gì của quá khứ. Do đó, trong mối quan hệ biện chứng ấy, kế thừa chính là nhân tố của sự phát triển và phát triển tất yếu sẽ nảy sinh yêu cầu kế thừa.
Đối với lĩnh vực đạo đức, một trong những những hình thức quan trọng của cái được kế thừa chính là truyền thống. Sự ra đời cái mới chân chính không bao giờ ở bên ngoài nền móng của truyền thống, những giá trị hiện đại không phải là sự phủ định sạch trơn quá khứ nhưng cũng không phải là sự bê nguyên xi cái cũ vào trong hoàn cảnh mới. Truyền thống là cái chứa đựng trong bản thân mình những năng lực to lớn để tạo ra cái mới. Như vậy, kế thừa là “cầu nối”, là
“khâu trung gian” giữa truyền thống và hiện đại. Có thể nói, truyền thống là tiền đề, nền tảng của hiện đại và hiện đại là sự kế thừa, là sự tiếp nối của truyền thống, là truyền thống đã được “hiện đại hoá”. Không có sự phát triển nào của xã hội lại không liên hệ gì đến quá khứ trước đó, đến truyền thống đã có từ lâu đời. Những giá trị đạo đức truyền thống là động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh và bản lĩnh của dân tộc, giúp dân tộc vươn lên trong mọi hoàn cảnh, trong chống kẻ thù xâm lược cũng như trong điều kiện xây dựng đất nước đầy khó khăn, phức tạp hiện nay. Nhưng sự kế thừa phải gắn liền với sự phê phán và có cải biến những yếu tố tích cực của cái cũ cho phù hợp với điều kiện mới. Như vậy, mới đảm bảo được tính truyền thống và tính hiện đại trong sự phát triển của đời sống xã hội. Vì lẽ đó, xã hội muốn phát triển cần phải biết kế thừa, đổi mới và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, biến nó thành yếu tố nội lực, đồng thời phải lọc bỏ những yếu tố truyền thống đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện mới. Do đó, việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là một tất yếu.
Mặt khác, quy luật kế thừa không chỉ biểu hiện về mặt thời gian, mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ - hiện tại và tương lai mà còn biểu hiện ở một phương diện khác - kế thừa theo không gian, nghĩa là kế thừa cả về mặt lịch đại lẫn đồng đại. Việc kế thừa không chỉ bó hẹp, đóng kín trong phạm vi quốc gia, dân tộc. Không một quốc gia, dân tộc nào có thể phát triển được nếu tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngày nay, sự giao lưu quốc tế càng mở rộng, thì kế thừa ở phương diện không gian càng có ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Ở đây, kế thừa bao hàm sự tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những thành tựu trong nền văn minh nhân loại nhưng đồng thời phải cải biến cho phù hợp với truyền thống của dân tộc. Những yếu tố ngoại sinh chỉ có thể làm cho truyền thống tự đổi mới chứ không thể thay thế được truyền thống. Điều này đã được Đảng ta khẳng định: “Tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác” [14, tr.30].
có những giá trị mới phát sinh trong quá trình phát triển. Nhưng cơ bản và quan trọng là phải có cái nhìn khách quan và khoa học để vừa kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, vừa chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với dân tộc mình để góp phần xây dựng nên lối sống văn hóa phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nghĩa là, phải biết xuất phát từ cái truyền thống để đi đến hiện đại, những giá trị mới cùng với các giá trị truyền thống bền vững sẽ là những động lực thúc đẩy để phát triển. Kế thừa biện chứng phải là sự kế thừa có phê phán, có chọn lọc những yếu tố tích cực của cái cũ, đồng thời cải biến nó cho phù hợp với điều kiện của cái mới. Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Với những điều đã trình bày như trên, có thể thấy rằng, muốn xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ Việt Nam hiện nay tất yếu phải kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói chung và giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói riêng.