Tự do phủ định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm vể tự do của i berlin trong tác phẩm bốn tiểu luận về tự do (Trang 53 - 60)

2.2. Tƣ tƣởng cơ bản về tự do của I.Berlin

2.2.1. Tự do phủ định

Tự do là khái niệm được các nhà triết học trong lịch sử bàn luận nhiều và ca ngợi. I. Berlin cho rằng đây là một từ ngữ mà ý nghĩa của nó thật “co dãn” như miếng xốp có nhiều lỗ trống khiến cho ít có diễn giải nào có thể trụ lại được. Từ ngữ này có một lịch sử đầy biến động với hơn hai trăm nghĩa đã được các sử gia ghi nhận. Nhưng I. Berlin đề nghị chỉ khảo sát hai trong số các nghĩa ấy. Theo I. Berlin, hai ý nghĩa này là chủ yếu và có tác động rất nhiều đến lịch sử nhân loại, và chúng sẽ còn tác động.

Theo I. Berlin, nghĩa thứ nhất trong nghĩa chính trị của tự do (freedom) hay tự do (liberty) (ông sử dụng hai từ này với cùng một nghĩa) là ý nghĩa liên quan đến lời giải đáp cho câu hỏi “Không gian nào mà ở trong đó một chủ thể - một cá nhân hay một nhóm người - được, hay là cần phải được, để cho được làm hay được là bất cứ thứ gì mà chủ thể ấy có khả năng làm hay có khả năng là như thế, không có sự can thiệp bởi những người khác?” [2; 40]. I. Berlin gọi đây là ý nghĩa “phủ định” của từ “tự do”.

Nghĩa thứ hai, được ông gọi là nghĩa “khẳng định” liên quan đến lời giải đáp cho câu hỏi “Điều gì, hay là người nào, là ngọn nguồn của kiểm soát hay can thiệp khả dĩ xác định xem một ai đó phải làm hay phải là thế này chứ không phải thế khác?” [2; 40].

Trong tiểu luận Hai khái niệm về tự do, ông định nghĩa “tự do phủ định” là sự vắng mặt của những ràng buộc, hay sự vắng mặt của những can thiệp vào hành vi khả thể của các tác nhân. Tôi “tự do phủ định” nhiều hơn khi nào hành động khả thể có ít nguy cơ bị tước đoạt hay bị can thiệp.

Tự do phủ định (tự do tiêu cực), về bản chất, là không có sự ràng buộc đối với cá nhân, và đặc biệt là sự vắng mặt của các ràng buộc bắt nguồn từ các hành động có chủ định của con người - như của nhà nước hay của các cá nhân khác. Đây thực sự là việc cá nhân tự do định đoạt cuộc sống riêng trong điều kiện đảm bảo không có sự can thiệp từ phía các chủ thể khác (cá nhân, xã hội, hay nhà nước), tự do theo đuổi lựa chọn riêng mình.

Với khái niệm “tự do”, người ta nghĩ ngay đến cách phân biệt của Immanuel Kant hay gần hơn, của I. Berlin trong luận văn nêu trên của ông. Theo đó, con người, một mặt, là tự do khi thoát khỏi một điều gì, và, mặt khác, là tự do để làm một điều gì. Tự do “khỏi” điều gì là phương diện tiêu cực của khái niệm. Đó là sự vắng mặt của những cưỡng chế, ràng buộc, quy ước, giới hạn, ngại ngùng đến từ bên ngoài. Theo nghĩa ấy, con người là tự do

khi không bị cản trở trong hành động: không bị bỏ tù, không bị đánh đập, không bị bịt miệng, không bị dục vọng làm cho mù quáng…

Tự do “khỏi” điều gì luôn gắn liền với cảm xúc: chẳng hạn, ta có thể cảm thấy thênh thang, dễ thở khi sống ở đô thị, dù đô thị chật hẹp, tù túng hơn nông thôn, chỉ bởi vì ở đó ta cảm nhận được sự năng động của cuộc sống, sự cởi mở của giao tiếp. Tiền đề sâu xa của cảm xúc này là một vị thế đặc biệt nào đó của con người ở trong tự nhiên. Tự do chỉ có thể có, khi con người - dù có ý thức hay không - thấy mình không hoàn toàn bị lệ thuộc vào những định luật tự nhiên, những dục vọng bản năng, những tín điều sẵn có của xã hội. Thời cổ đại, phương Tây gọi đó là sự “tự lập” (autarchy) của con người: “sở hữu chính mình”, “ở trong nhà của mình” như câu nói của Aristoteles rằng tự do là tự sản sinh ra hành động và thấy chính mình như là nguyên nhân tối hậu. Nhưng, sự vắng mặt của những ràng buộc, tiếc thay, cũng đồng thời là những ranh giới cho sự tự do của con người.

Tóm lại, tự do phủ định (tiêu cực) là lĩnh vực trong đó con người có thể hành động mà không bị người khác cản trở. Tự do phủ định được nhìn nhận như là một con người đang tự do thoát khỏi sự một sự ràng buộc, là việc được giải phóng, được ở ngoài vòng sự ràng buộc. Trong khái niệm về tự do phủ định, I. Berlin muốn nhấn mạnh vào khoảng không gian của các cá nhân mà ở trong đó họ thoát khỏi các cản trở (có thể làm bất cứ việc gì) hay là bất cứ thứ gì. Trong khái niệm này, sự đe dọa lớn nhất đối với tự do chính là sự can thiệp của các tác nhân khác nhau, dưới các hình thức khác nhau vào khoảng không gian ấy.

Và điều này được D.D. Raphael (1916) gọi là cảm quan thông thường về tự do, hàm ý rằng ai đó là tự do khi trong chừng mực anh ta không bị cản trở làm những điều anh ta muốn làm hoặc điều anh ta lựa chọn làm nếu anh ta biết anh ta có thể.

Ngoài ra, đằng sau ý nghĩa phủ định (tiêu cực) này về tự do là hai giả định quan trọng. Thứ nhất, là sự nhấn mạnh vào nhu cầu riêng tư - với sự phân biệt rõ ràng giữa lĩnh vực “công” và lĩnh vực “tư” trong đời sống con người. Điều này đi cùng với niềm tin cho rằng lĩnh vực tư - trong đó cá nhân tự do hành động, suy nghĩ, bày tỏ theo cách mà họ chọn - sẽ được bảo vệ và thậm chí mở rộng, và bất cứ sự xâm phạm nào đến sự riêng tư của cá nhân bởi nhà nước hay cá nhân khác là vi phạm quyền tự do của anh ta.

Giả định thứ hai đằng sau ý nghĩa tiêu cực này về tự do, vốn phát triển suốt truyền thống tự do Tây phương, là giả định về tính duy lý của con người, hay niềm tin cho rằng cá nhân có khả năng đưa ra các lựa chọn khôn ngoan và hợp lý nhất trong cuộc sống, vì vậy phải tự do khỏi sự ép buộc hay can thiệp. Hơn nữa, quá trình đưa ra quyết định duy lý này được các nhà tư tưởng tự do xem như là phương tiện qua đó cá nhân chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, và từ đó có được cơ hội cho sự tự phát triển và tự hoàn thành ước nguyện của mình.

Trái ngược với tự do là nô dịch, I. Berlin phân biệt giữa ép buộc, nô dịch với việc thiếu khả năng làm gì. Ông mô tả, nếu như bị người khác ngăn chặn không cho làm điều gì có thể khác đi thì ta không được tự do. “Nếu khoảng không gian tự do hành động cá nhân bị xâm phạm, thu hẹp dưới mức tối thiểu thì có thể coi đó như là sự ép buộc hay nô dịch” [2; 41]. Ép buộc không bao hàm sự thiếu khả năng thực hiện điều gì.

I. Berlin phân tích điều này bằng một ví dụ, nếu một ai đó không thể nhảy cao hơn mười bộ, hay không đọc được vì bị mù,… thì không thể nói là họ bị nô dịch hay bị ép buộc tới mức độ ấy. Theo ông, ép buộc hàm ý một can thiệp có chủ ý của những người khác trong một không gian mà người bị ép buộc có thể hành động khác đi.

I. Berlin giả định rằng, một người mất tự do chính trị chỉ khi anh ta bị những người khác ngăn chặn không cho đạt được mục tiêu. Còn đơn thuần

không có khả năng đạt được mục tiêu thì không phải là mất tự do chính trị. I. Berlin từng nói rằng không bay được như đại bàng hay không bơi được như cá voi thì không phải là mất tự do.

Liên quan đến vấn đề này đã nảy ra một cuộc tranh luận giữa một bên cho rằng nếu một người quá nghèo không thể mua được một thứ gì đó không bị cấm đoán thì anh ta cũng không được tự do bao nhiêu so với việc anh ta bị luật pháp cấm đoán có được vật đó.

I. Berlin thì cho rằng việc không có khả năng ấy không thể gọi là mất tự do, ít nhất cũng không phải là mất tự do chính trị. Ông tin rằng việc đó là mất tự do chỉ khi khả năng không có được một đồ vật mình mong muốn là do sự sắp xếp của những người khác, ngăn cản, không cho mình có đủ tiền để trả cho vật đó. Khi đó I. Berlin sẽ nói về sự ép buộc hay nô dịch. Trước I. Berlin, J.J. Rousseau đã từng nói đại ý rằng bản chất của các sự vật không làm chúng ta phẫn nộ, chỉ có ý muốn xấu xa khiến chúng ta phẫn nộ.

Vấn đề ngăn cản người khác không đạt được mục tiêu cũng gây nhiều tranh luận, thậm chí đưa đến những nhầm lẫn. Như J.S. Mill cho rằng tất cả lầm lỗi mà con người có thể phạm phải do chống lại lời khuyên răn, cảnh báo của người khác cũng không nghiêm trọng bằng sự xấu xa của việc bắt buộc người khác phải chấp nhận những gì mà họ cho là tốt cho anh ta. Và đe dọa một người, bắt anh ta phải quy phục một cuộc sống mà anh ta không được lựa chọn các mục tiêu của mình, thì mới là xấu. Đóng lại các cánh cửa của người đó lại, chỉ chừa cho họ một khe hẹp duy nhất dù cánh cửa ấy có mở ra triển vọng cao quý đến đâu, động cơ của người sắp đặt là tốt thế nào đi nữa thì đây vẫn là một “tội ác” chống lại sự thật rằng anh ta là một con người, anh ta có cuộc sống riêng của mình.

I. Berlin đã đưa ra ba nhận xét về trường hợp này, rằng J.S. Mill đã lẫn lộn hai ý kiến khác biệt nhau. Một là, “mọi ép buộc, ngăn cản khát khao nhân bản, tự nó là điều xấu dù nó được áp dụng để ngăn chặn những điều ác khác.

Đối lập với ép buộc là không can thiệp, tự nó là điều tốt, dù đây không phải là điều tốt duy nhất” [2; 55].

Ý kiến thứ hai là, “người ta nên phát triển tính cách theo một kiểu nhất định mà J.S. Mill tán thành - có tính phê phán, độc lập, độc đáo… và chỉ trong điều kiện có tự do thì tính cách như thế mới nuôi dưỡng được, chân lý mới khả dĩ tìm được” [2; 56].

Ý kiến thứ 3 cho rằng, “tự do theo nghĩa đó không tương thích được với một số chế độ chuyên chế, hay tuyệt đối không tương thích với tình trạng thiếu vắng chế độ tự quản. Tự do theo nghĩa đó liên quan đến không gian kiểm soát chứ không phải ngọn nguồn của sự kiểm soát” [2; 59]. Nếu theo quan điểm này thì một ông vua chuyên chế dù có là kẻ bất công, ít quan tâm đến đức hạnh, tri thức nhưng nếu ông ta để cho các thần dân của mình một không gian rộng rãi của tự do hoặc cắt giảm tự do ít hơn so với chế độ khác thì ông ta đã đáp ứng được quy cách của J.S. Mill.

Trong luận văn nổi tiếng nêu trên, J.S. Mill tuyên bố rằng nếu không để cho cá nhân được sống như anh ta mong muốn (trong phần hành vi chỉ tác động đến bản thân anh ta) thì nền văn minh không thể tiến lên, chân lý không được bộc lộ vì thiếu một thị trường tự do cho các ý tưởng. Do đó, sẽ không có cơ hội cho tính độc đáo, thiên tài,…

Theo I. Berlin, tự do trong ý nghĩa này không liên quan về mặt logic với chế độ dân chủ. Và lời giải cho câu hỏi “Ai cai trị tôi?” khác về mặt logic với câu hỏi “Chính quyền can thiệp tôi đến mức nào?”. Sự khác biệt này bao gồm sự tương phản giữa hai khái niệm tự do phủ định và tự do khẳng định.

I. Berlin cho rằng tự do chính trị là khoảng không gian mà trong đó một người có thể hành động mà không bị người khác cản trở. Không gian không bị can thiệp càng rộng thì tự do càng nhiều. Các triết gia chính trị Anh kinh điển bất đồng ý kiến về việc không gian tự do cần phải rộng đến đâu và theo họ không gian ấy không thể là vô giới hạn. Nếu không nó sẽ bao hàm trạng

thái mọi người đều có thể can thiệp vô hạn đối với những người khác. Và tự do “tự nhiên” ấy sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội, do đó những nhu cầu tối thiểu của con người cũng không thể được thỏa mãn. Mục đích và các hoạt động của con người không tự động hài hòa với nhau nên họ giảm bớt tự do vì lợi ích của những giá trị khác và của bản thân tự do.

Theo ông, cần phải vạch ra một ranh giới giữa không gian đời tư và quyền uy công cộng. Tự do không chỉ đơn thuần là việc không bị ngăn trở bởi bất cứ điều gì mà nó còn là những điều kiện thích đáng để sử dụng nó. Dù là người nông dân Ai Cập hay nhà triệu phú thì họ đều cần thứ tự do như nhau.

Ông phân biệt giữa tự do và bình đẳng, đôi khi chúng không tương thích với nhau. Theo ông, không có mối quan hệ tất yếu giữa tự do cá nhân và cai trị dân chủ. Lời giải đáp cho hai câu hỏi: “Ai cai trị tôi?” và “Chính quyền can thiệp tôi đến múc nào?” tạo nên sự tương phản to lớn giữa hai khái niệm “tự do khẳng định” và “tự do phủ định”.

Trong phần “Sự rút lui vào thành trì nội tâm”, tác giả cho biết “tự do phủ định” như khả năng một người được làm những gì anh ta muốn. Và ông phân tích, nếu ông thấy mình làm được ít hay không làm được điều mình muốn, thì chỉ cần rút bớt hay dập tắt mong muốn của mình và ông sẽ thành tự do. Nếu bạo quân khiến cho thần dân mất đi các mong muốn nguyên thủy và đón nhận cuộc sống ông ta tạo ra cho họ thì theo phân tích trên, ông ta đã thành công trong việc giải phóng họ. Nhưng cái mà bạo quân tạo ra chính là phản đề của tự do chính trị.

Ở phần “Tìm kiếm danh phận”, I. Berlin đấu tranh chống lại tình trạng mất phẩm giá, không được đối xử như một cá nhân. Ông không tìm kiếm bình đẳng về quyền pháp lý mà tìm điều kiện để mình “cảm thấy được là mình”. Tác giả cho rằng, mình sẽ cảm thấy không được tự do trong ý nghĩa không được thừa nhận như một cá nhân tự cai quản mình. Điều đó cũng tương tự như khi là thành viên của một nhóm người không được thừa nhận hay kính

trọng thì khi đó người ta mong muốn được giải phóng toàn bộ giai cấp hay quốc gia của mình.

Cái khao khát muốn có danh phận và được thừa nhận ấy không được đồng nhất với tự do cá nhân cả trong ý nghĩa “phủ định” lẫn “khẳng định” của từ ngữ.

Bản chất của khái niệm tự do trong cả hai nghĩa phủ định và khẳng định là chống trả lại thứ gì đó hay người nào đó xâm phạm vào lĩnh vực của mình hay khẳng định quyền uy của họ với mình.

I. Berlin thấy rằng mọi diễn giải từ ngữ tự do phải bao gồm một cái tối thiểu mà ông gọi là “tự do phủ định”. Phải có một không gian mà trong đó con người không bị ngăn trở, nhưng J.S. Mill và B. Constant đòi hỏi mức độ cực đại của tình trạng không gian không bị can thiệp, tương thích với tối thiểu các đòi hỏi của đời sống xã hội. I. Berlin đánh giá sự đòi hỏi ấy sẽ không có ai thực hiện được , trừ thiểu số những người văn minh, tự giác cao.

Theo ông, một số người thuyết giảng tự do đương thời không cho phép có sự đa dạng các nhu cầu cơ bản của con người, chưa có sự tài tình để con người chứng minh rằng con đường đi đến một lý tưởng cũng dẫn đến điều trái ngược với nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm vể tự do của i berlin trong tác phẩm bốn tiểu luận về tự do (Trang 53 - 60)