2.3. Giá trị và hạn chế trong quan niệm của I.Berlin về tự do
2.3.1. Giá trị của quan niệm Berlin về tự do
Quan điểm của Isaiah Berlin về tự do được xếp vào loại nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất hiện thời. Trong công trình Bốn tiểu luận về tự do, đặc biệt ở tiểu luận Hai khái niệm về tự do, ông đã ủng hộ nhiều hơn cho khái niệm “tự do phủ định” - thiếu vắng sự can thiệp vào lĩnh vực hoạt động của một cá nhân, trái với “tự do khẳng định”, cái hàm ý không phải đến tự do chút nào mà đến quyền lực có hiệu lực hay quyền làm chủ của một cá nhân đối với bản thân mình hay môi trường của mình.
Tiếp nối dòng tư tưởng triết học phương Tây, quan niệm của Berlin đã đóng góp thêm một cái nhìn sâu sắc hơn về tự do. I. Berlin, trong tác phẩm này đã quay trở lại với tinh thần tự do của Hy Lạp: tự do là người tham gia tự xây dựng các luật lệ cho mình, không chịu các luật lệ chỉ do người khác áp đặt; tự do theo quan niệm của Hy Lạp khác xa tự do trong triết học phương Tây kéo dài về sau, khác xa với tự do của thế giới này hồi thập niên 60 của thế kỷ XX, và tất nhiên khác xa với tự do mà bình thường chúng ta vẫn hay hiểu (vì vậy nên đọc I. Berlin để biết thế nào là tự do theo kiểu "phủ định" và tự do theo kiểu "khẳng định"); I. Berlin là triết gia gốc Do Thái ở tầm cỡ giống như Saul Bellow (1915- 2005) đạt được trong văn chương.
Gắn tự do với các giá trị đạo đức và những sự lựa chọn. Chứng minh rằng thế giới đạo đức của con người với những giá trị được thừa nhận chung không phải là một thế giới hài hòa. Những giá trị tốt đẹp có thể không tương thích (incompatible) với nhau và trong nhiều trường hợp còn là bất khả ước (incommensurable), tức không có chung một thước đo. Con người không những phải đấu tranh với cái ác mà còn phải đối mặt với xung đột của những
giá trị nhân bản đều là tốt đẹp và thiết yếu. Ông viết trong tiểu luận Hai khái niệm về tự do: “Nếu mục đích của con người là nhiều thứ, như tôi tin là thế, và không phải tất cả những mục đích ấy đều tương thích được với nhau, thì khả năng xảy ra xung đột - và bi kịch - không bao giờ có thể bị loại trừ khỏi đời sống con người, dù là đời sống cá nhân hay xã hội” [2; 154]. Một ví dụ điển hình là xung đột của tự do và bình đẳng: tự do triệt để không tương thích được với bình đẳng triệt để. Tự do triệt để sẽ đẩy những kẻ yếu ớt vào tình thế tuyệt vọng khiến cho họ không thể có bình đẳng. Nhưng nếu thực hiện bình đẳng triệt để thì phải ngăn cản người tài vươn tới đỉnh cao để không có cách biệt với số đông. M.A. Bacunin (1814 - 1876) tin vào giá trị tuyệt đối của bình đẳng, đã cho rằng phải giải thể các trường đại học (universities) vì chúng là ngọn nguồn của bất bình đẳng. Trên thực tế người ta không nhất thiết phải giải thể các đại học; chỉ cần làm mất tính chất tinh hoa của các đại học, mở rộng cửa các đại học cho đại chúng bằng cách hạ thấp chất lượng của chúng, như thế là cũng thực hiện được lí tưởng của Bacunin rồi.
I. Berlin cho rằng, giải pháp tốt nhất cho hóa giải xung đột (giữa tự do và bình đẳng) là thừa nhận một không gian tự do theo nghĩa phủ định, khẳng định quyền bình đẳng về cơ hội cho mọi người, bãi bỏ mọi đặc quyền ưu đãi vì lý lịch xuất thân, màu da hay các đặc quyền khác có cùng kiểu nguồn gốc.
Tiếp thu quan điểm từ I. Kant, ông nhất trí rằng con người là tự trị, có khả năng hành động theo quy luật do tự mình hình dung, con người là hữu thể tự biến đổi, sáng tạo nên các giá trị. Điều này mở đường cho chủ nghĩa hiện sinh khẳng định con người tồn tại trước, bản chất có sau. Đồng thời Berlin không phủ nhận bản chất xã hội của con người, cũng như ảnh hưởng của các điều kiện văn hóa xã hội.
Ông có một cái nhìn đầy nhân văn nơi con người, tin tưởng vào một tính đạo đức thiên phú và một hệ thống giá trị chuẩn mực phổ biến để con người tạo dựng một xã hội tử tế chung sống cùng nhau. Trong tiểu luận Hai
khái niệm về tự do ông khẳng định: “Khi tôi nói về một người như một hữu thể bình thường, thì một bộ phận của điều mà tôi hàm ý là anh ta không thể vi phạm các luật lệ ấy một cách dễ dàng mà lại không thấy băn khoăn ghê rợn. Đó là thứ luật lệ bị vi phạm giống như khi một người bị tuyên cáo là có tội mà không có xét xử,... Những hành vi như thế, ngay cả khi chúng được thực hiện theo luật pháp bởi chủ quyền, gây ra nỗi kinh hoàng ngay cả vào thời ấy, và điều này nảy sinh từ sự thừa nhận giá trị đạo đức - không kể tới luật pháp - của những rào cản tuyệt đối nào đó cho việc áp đặt ý chí của người này lên người kia” [ 2; 147]. Berlin khác biệt với các nhà tư tưởng khai minh ở chỗ hệ thống giá trị chuẩn tắc phổ quát của ông mang tính phủ định: khả năng con người hiểu biết lẫn nhau dựa trên sự đồng cảm.
Giữ gìn quyền năng lựa chọn là một trong những phạm trù đạo đức cơ bản theo quan điểm của I. Berlin, đây là một sự bênh vực đối với quyền tự do cá nhân, góp phần giữ gìn phẩm giá của con người. Không gian tự do cá nhân dù là tối thiểu nhưng cũng giữ lấy bản chất cho con người. Và nếu tước đi cái tối thiểu đó thì sẽ xúc phạm tới con người. Quan niệm này nói lên tư tưởng mới mẻ của ông về tự do, qua đó thể hiện cái nhìn nhân đạo dành cho con người. Trong một bức thư gửi cho George Kennan ông khẳng định mọi chuyện vẫn còn là chịu đựng được, dù con người có phải trải qua khổ đau nhiều đến đâu đi nữa, chừng nào mà vẫn còn để ngỏ khả năng của cái thiện - là tình trạng trong đó người ta được tự do chọn lựa, được tìm kiếm mục đích một cách bất vụ lợi chỉ vì tự thân của việc tìm kiếm. Tâm hồn của họ bị phá hủy chỉ khi nào điều này không còn là có thể. Đó là khi lòng mong muốn được lựa chọn bị bẻ gãy khiến cho vì thế mà người ta mất đi mọi giá trị đạo đức, và các hành vi mất đi mọi ý nghĩa (dưới dạng thiện và ác) trong chính con mắt của họ; đó chính là điều hàm nghĩa trong việc phá hủy lòng tự trọng của người ta.
So sánh với các nhà tư tưởng thời kì Khai sáng ta thấy cái nhìn của I. Berlin về con người ít lạc quan hơn nhiều, thế nhưng I. Berlin vẫn là người thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn vì ông tin tưởng vào khả năng của con người giải quyết được các xung đột giá trị theo một cung cách tử tế.
Ông đòi hỏi một thái độ khoan dung nhiều hơn, thêm nhiều hoài nghi minh triết, thêm nhiều khoan dung đối với những phong cách riêng. Điều đòi hỏi là việc áp dụng các nguyên tắc chung phải bớt đi tính máy móc, bớt đi tính cuồng tín, là việc áp dụng những lời giải chung đã được chấp nhận, đã được thử nghiệm một cách khoa học, vào các trường hợp cá nhân chưa được khảo sát, dù có hợp lí và đúng đắn đến đâu, thì cũng phải cẩn trọng hơn và bớt đi ngạo mạn. Theo ông, cần tăng cường các biện pháp tùy theo tình hình để đạt được những mục tiêu trong một tương lai không thể tiên liệu. Và thêm nhiều cơ hội cho các cá nhân và các nhóm thiểu số có sở thích và niềm tin ít được số đông hưởng ứng (đúng hay sai không quan trọng) để họ đạt được các mục đích riêng của mình.
Nếu như học thuyết đạo đức Kitô giáo và chủ nghĩa nhân văn cổ điển rao giảng thái độ khoan dung nhân danh tình yêu con người với kì vọng con người lầm lạc sẽ hối cải và giác ngộ, thì thái độ khoan dung mà I. Berlin thuyết giảng có nội dung khác biệt. Nó dựa trên nhận thức về tính không hài hòa của thế giới các giá trị đạo đức và xung đột không tránh khỏi của các giá trị ấy. Ông viện dẫn ẩn dụ của Kant về bản chất con người: “Từ cây gỗ cong queo của loài người, chẳng bao giờ có vật gì thẳng thắn được làm ra cả”. Kant dùng ẩn dụ này để nói về mặt tội lỗi nơi con người, còn I. Berlin lại dùng nó để nói về tính cong queo của thế giới đạo đức bao quanh con người dẫn đến những căng thẳng nội tâm đủ loại.