Chương 2 : Sáng tác văn học của Gia Định tam gia
2.1.2.3. Tình yêu đối với thiên nhiên và cái đẹp
Trong bài Tự trào, Trịnh Hoài Đức tự nói về mình: “Thủy tú sơn kỳ túc ngã hoan” (Nước đẹp núi lạ đủ cho ta vui). Ấy là khi con người nghệ sĩ lên tiếng, con người mà sức quyến rũ của núi sông, sắc màu lấp lánh của cây cỏ, tiếng hót du dương của chim chóc có thể mời gọi anh ta ra khỏi cuộc sống đời thường với bao trách nhiệm, lo toan và những nguyên tắc hành xử nghiêm cẩn, phức tạp thời xưa. Dù chỉ một chút thôi lơ là với mọi sự, dù chỉ một thoáng quên đi tất cả, nhưng người nghệ sĩ có những lúc như vậy: chỉ đắm vào thiên nhiên và coi khoảnh khắc đó là tuyệt diệu. Tự nhận mình “đa tình mắt xem hoa không biết mỏi” (“Tình đa bất quyện khan hoa nhãn”), Trịnh Hoài Đức dành cho thiên nhiên một tình yêu đặc biệt. Một ráng chiều ở Hòn Rùa, một bầu không gian trong lành ở đêm trăng Long hồ, tiếng hạc kêu đêm ở gò Cây Mai, những cánh buồm Bình Thủy trở về từ khơi xa, cây xuân trong mưa trông giống bức tranh Võng xuyên của Vương Duy, thôn bên sông Bãi Ngao “đẹp rợn bóng cây xanh”…, tất cả được diễn tả bằng ngòi bút khá tinh tế của Trịnh Hoài Đức. Dường như những cảnh đẹp của thôn quê gắn liền với sự trù phú, thanh bình có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà thơ. Ít có bài tả thuần cảnh thiên nhiên; Hoài Đức luôn luôn muốn mô tả một cảnh quan hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa tĩnh và động, giữa cảnh sinh hoạt, làm việc và sự nghỉ ngơi... Chẳng hạn, trong bài Long Tịch thôn cư tạp vịnh
ấy: “Trong sương, học trò nhỏ đi theo lối cầu cong” (“Học đồng sương lý hồng kiều khứ”); “Khói tỏa, ông lão câu, hát trên bến nước” (“Điếu tẩu yên lăng thủy hử ca”); “Ồn ào tiếng đọc sách hòa cùng tiếng nước chảy” (“Tào tán thư thanh bạng thủy lưu”). Hay, nếu như câu trước là nói về con người (với công việc của họ), thì câu sau sẽ là thiên nhiên (con người trong mối quan hệ với thiên nhiên):
“Thôn lạc sinh nhai cần thiếu phụ, Thiềm tiền yêu nguyệt giản miên hoa.” (Thiếu phụ thôn quê, sinh nhai cần mẫn,
Trước thềm chờ trăng sáng, chọn nhặt hoa bông.)
Trong nhiều bài khác cũng vậy, Hoài Đức miêu tả cảnh lao động, sinh hoạt của nhân dân trong sự hài hòa, quấn quýt với thiên nhiên, tạo nên những bức tranh giàu hình ảnh, giàu chất hiện thực và hết sức sống động. Ở nhiều bài, cảm nhận của ông trước cái đẹp thật tinh tế. Nói về tuyết đã có nhiều người, nhưng mô tả như Hoài Đức thì quả là độc đáo:
“Đống mai sạ bính cuồng phong lạc, Du nữ thời nghi tạp bội linh.”
(Tàn tuyết)
(Mai, tuyết đóng bỗng rã ra, rụng tơi tả trong gió cuồng,
Cô gái đi chơi, tuyết bám, ngỡ là những đồ trang sức lặt vặt đeo trên người) (Tuyết tàn)
Chỉ thế thôi, tác giả cho ta thấy những tàn tuyết thật lấp lánh, đáng yêu. Câu thơ được viết với một tình cảm hồn nhiên, trong trẻo, một tâm hồn nhạy cảm, yêu đời và một sự đón nhận nồng nàn đối với cái đẹp.
Hình ảnh người con gái đẹp luôn là nguồn thi hứng cho Hoài Đức: một cô gái câu cá (Điếu nữ - Cô gái câu), một cô gái với khát vọng giữ mãi tuổi thanh xuân (Kính trung mỹ nhân – Người đẹp trong gương), một thiếu nữ gảy đàn tranh, tiếng “như anh
vũ nói, vượn kêu khúc nhạc vấn vít rường nhà” (Mỹ nhân lý tranh – Người đẹp gảy đàn tranh), một cô gái trở dậy sau cơn bệnh (Mỹ nhân bệnh khởi – Người đẹp bệnh trở dậy), một người đẹp trong một sớm thức giấc (Mỹ nhân hiểu khởi – Người đẹp sớm trở dậy)… Trịnh Hoài Đức còn mở rộng lòng mình với thế giới xung quanh. Đôi lúc ông để cho cái nhìn của mình đắm vào thiên nhiên, hình dung ra cuộc sống tươi vui, sống động của những con vật bé nhỏ như con cá, con bướm, con cóc (Kim ngân ngư – Cá vàng).