Tình cảm đối với bạn bè

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 83 - 88)

Chương 2 : Sáng tác văn học của Gia Định tam gia

2.3.4. Tình cảm đối với bạn bè

Một trong số những tình cảm mà Ngô Nhơn Tĩnh vin vào để chia sẻ, đó là tình cảm với bạn bè. Bài Lưu biệt Tiên thành chư hữu (Để từ biệt các bạn ở thành Hà Tiên) đã nói lên niềm vui ấm áp khi có bạn tốt: “Ngũ dương ích hữu bách niên tình” (Tình nặng trăm năm, người bạn tốt hẹn hò trong năm biển), và mặc dù quyến luyến, ông “không dám ngập ngừng” để “thành ra chậm trễ”. Trước khi lên đường đi sứ Cao Miên, ông viết thơ đáp lại bài thơ các bạn tặng:

“Mãn thành xuân sắc tống chinh an, Bán cú tâm đầu dục thoại nan (…) Thử khứ dĩ kỳ mai nguyệt hội,

Hưu tương bôi tửu xướng Dương quan.”

(Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận) (Đây thành xuân sắc tiễn chinh an,

Nửa câu tâm tình muốn nói nhưng khó khăn (…) Lần này đi hẹn sẽ trở về vào tháng mai nở,

Thôi khỏi phải nâng chén rượu hát khúc Dương quan)

(Đáp nguyên vận bài thơ các bạn tặng lúc từ biệt) Trong bài thơ này, ta thấy được cả niềm vui của tình bạn đang trào dâng, nỗi buồn của sự ly biệt, nỗi lưu luyến của một người chuẩn bị lên đường. Ở phương xa, ông luôn nhớ tới bạn bè. Trong bài Kỳ cửu (Bài IX), ông ví mình như chim nhạn “đậu lâu nơi nào cũng nhớ anh em”, và khẳng định tình bạn với hình ảnh: “Thiên thai nhất phiến tình” (Chân trời một tấm tình). Với Trương Nẫm Khê, nhà thơ bày tỏ tình cảm của một tri kỷ:

“Thuyết đáo đương thời tứ dĩ huân, Nhất tôn biệt tửu ý trung nhân.”

(Họa Trương Nẫm Khê lưu biệt nguyên vận) (Nói đến lúc bấy giờ tứ đã say nồng,

Một chén rượu từ biệt người bạn tri kỷ)

(Họa nguyên vận thơ từ biệt của Trương Nẫm Khê) Như vậy, có thể thấy trong thơ Ngô Nhơn Tĩnh nỗi lòng đau đáu vì đất nước, tình cảm sâu nặng đối với bạn bè, tình yêu thiên nhiên và sự gửi gắm nỗi niềm riêng tư… Đó cũng là chủ đề quen thuộc trong thơ văn cổ cũng như trong sáng tác của Gia Định tam gia, nhưng đóng góp của Ngô Nhơn Tĩnh chính là sự bày tỏ một cách tự nhiên, phóng khoáng với những hình ảnh và ngôn từ đẹp, có sức lay động lòng người. Bên cạnh đó, khuynh hướng khai thác nội tâm với tất cả những rung cảm và nỗi buồn lắng sâu trong đó, tư tưởng hưởng nhàn và tìm niềm vui từ thiên nhiên, từ cuộc sống thanh thản bình yên tạo nên phong cách riêng cho ngòi bút Ngô Nhơn Tĩnh. Thơ ông

đằm thắm, sâu lắng, có hồn. Nhiều người yêu thích ông nhất trong Gia Định tam gia

Tiểu kết chương 2

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong một bài viết đã gắn Gia Định tam gia với bốn chữ “văn tài lỗi lạc”. Trong văn học Gia Định lúc bấy giờ, quả thực Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh xứng đáng được coi là ba tác gia tiêu biểu nhất. Chỉ với Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng đủ nổi danh với sử sách bởi những đóng góp của ông về mặt lịch sử, địa lý, văn hóa vùng Nam bộ xưa, đấy là chưa kể đến những bài thơ thể hiện “vốn kinh lịch chất ngất” của ông. Lê Quang Định với hồn thơ phóng túng và những cảm nhận sâu sắc về thời gian, cùng với cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, cũng để lại dấu ấn khó phai trong văn chương triều Nguyễn và dân tộc. Thơ Ngô Nhơn Tĩnh sâu lắng, thiết tha, đặc biệt những tâm sự riêng tư, những điều có vẻ như lệch chuẩn trong quan niệm của ông so với học thuyết Nho giáo chính thống đã đóng góp cho văn chương dân tộc một phong cách riêng, độc đáo và lôi cuốn.

Như Cao Tự Thanh đã nói, từ đầu những năm 80 của thế kỷ XVIII, văn học Hán Nôm ở Gia Định phát triển với một lực lượng sáng tác-tầng lớp trí thức “có khả năng cũng như nhu cầu sáng tác văn học viết và quan trọng hơn, đã đứng vào điểm xuất phát trên con đường tự ý thức về một nhu cầu sáng tác văn chương”. Các tác giả bắt đầu làm thơ với sự thôi thúc của nhu cầu được tỏ bày, với nhận thức về phẩm chất và tài năng cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Trong các thi phẩm của mình, Gia Định tam gia

cũng đã ít nhiều thể hiện quan niệm của họ về thơ, về việc sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ. Họ đều giống nhau ở chỗ rất coi trọng công việc đó, và bên cạnh tư tưởng coi việc làm thơ, ngâm thơ như một cái thú (cùng với rượu, với tranh, với nhạc, với trà…) thì họ đã có thể coi thơ như một người bạn để giãi bày tâm tình. Trịnh Hoài Đức nói: “Ôi! Cách làm thơ khó như vậy sao!”, Lê Quang Định cũng coi việc làm thơ là nghiêm túc: “Câu thơ tự thẹn coi là vật để hình dung ra mình”, còn Ngô Nhơn Tĩnh nhiều lần “khổ công nghĩ tứ thơ”, “cân nhắc sửa chữa từng chữ khó”. Trong quan niệm của họ, một chữ trong thơ cũng đáng để đắn đo chọn lựa, như nhà thơ-tăng sĩ đời Đường xưa

(Giả Đảo) phân vân mãi giữa chữ “thôi” và chữ “xao” để dùng cho hình ảnh “sư đẩy cửa dưới trăng” hay “sư gõ cửa dưới trăng”, đến nỗi cả đêm cứ đứng trước cửa chùa làm động tác đẩy và gõ cửa. Gia Định tam gia hẳn cũng đã coi thơ là người bạn tâm tình khi bộc lộ những nỗi niềm riêng tư, sâu kín của họ.

Có lẽ nguồn gốc xuất thân cũng tác động phần nào lên tâm hồn các nhà thơ, khi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh luôn giàu lòng trắc ẩn và có thiên hướng hoài cổ. Là người gốc Minh Hương, có lúc các ông nhớ về cố quốc, day dứt vì mải việc quân vương mà “khó tới nước cha mẹ”, nhìn hoa mai rụng mà tưởng như nghe thấy điệu nhạc của nước cũ ở thành núi… Lê Quang Định là người duy nhất trong Gia Định tam gia mang gốc Việt, có lẽ vì vậy mà trong những chuyến đi khỏi đất nước mình, nỗi ám ảnh về thời gian, không gian trở nên mạnh mẽ, dữ dội hơn. Mỗi người một vẻ, văn chương của Gia Định tam gia đã mở ra khuynh hướng mới cho sáng tác văn học ở Nam kỳ thời bấy giờ, một khuynh hướng không quá câu nệ vào hình thức truyền thống, chối từ kiểu cách từ chương, gò bó và bắt đầu chú ý tới sự bộc lộ những nỗi niềm riêng tư như một chủ đề mà văn chương cần hướng tới.

CHƯƠNG 3: SÁNG TÁC VĂN HỌC CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA TRONG BỐI CẢNH VĂN HỌC NAM KỲ THẾ KỶ XVIII - XIX

Nói về văn nghệ miền Nam thời bấy giờ, không thể không lưu ý tới nguyên nhân dẫn đến những yếu tố khu biệt về mặt văn hóa của miền Nam trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội của Đại Việt. Sự hình thành cộng đồng dân cư với sắc thái đa dân tộc, sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn gốc, những điều mất đi, còn lại và những biến thái của các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, tình cảm và tư duy trong quá trình sàng lọc để mưu sinh…, tất cả đã tạo nên một đời sống văn hóa xã hội mang tính đặc thù và do đó làm nảy sinh một nền văn chương có sự khác biệt đối với dòng phát triển truyền thống. Thuộc về nền văn chương ấy, sáng tác văn học của Gia Định tam gia nối tiếp dòng chảy mà các nhân sĩ trước đó đã khơi nguồn, đồng thời phát triển nghệ thuật của các ông theo một khuynh hướng mới, mang phong cách riêng và làm cơ sở cho sáng tạo nghệ thuật sau này. Đó là nguồn cảm hứng từ hiện thực cuộc sống ở vùng đất mới, tinh thần thực tiễn và thái độ nhập cuộc trên cơ sở ý thức hệ Nho giáo, là khuynh hướng bình dân hóa trong văn chương, là cách nhìn nhận phóng túng đối với các quan điểm của Nho giáo chính thống, là khuynh hướng bày tỏ những nỗi niềm riêng tư… Đấy thực sự là những đóng góp lớn lao cho văn học Nam kỳ trong tiến trình tạo dựng một truyền thống địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của văn học toàn dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 83 - 88)