Chương 2 : Sáng tác văn học của Gia Định tam gia
2.2.2.4. Cảm thức về thời gian và không gian
Trong quan niệm xưa, thời gian và không gian dường như là một khoảng vô tận, mang tính tĩnh. Trước cái rộng dài và thường hằng của nó, người ta tìm cách hòa với tự
nhiên. Con người cá nhân trong văn học trung đại coi thời gian và không gian là những giá trị thiêng liêng làm thước đo cho con người để từ đó họ hướng thượng, hướng thiện, hướng tới cái siêu việt. Song có những nhà thơ không ngừng trăn trở về sự vận hành của thời gian, không gian, đấy là khi những suy ngẫm về lẽ trời, lẽ đời đã trỗi dậy mạnh mẽ trong ý thức cá nhân của họ.
Trong Gia Định tam gia, Lê Quang Định là người như thế. Không-thời gian thường xuyên ám ảnh ông, và hiện lên trong thơ ông một con người luôn giật mình trước một hiện thực bị biến đổi bởi sức tàn phá của nó.
Đêm luôn là thời điểm nhà thơ chọn để bày tỏ nỗi buồn, nỗi mong chờ (“đêm đậu thuyền sông Mặc Châu”, “đêm đậu bến Tầm Châu”, “đêm trừ tịch ở Ngô Châu”, “đêm lạnh ngẫu nhiên làm”, “đêm đậu thuyền đầm Chim Cốc”, đêm ở hồ Động Đình, đêm trăng ở am Thiên Đô, “đêm mồng bảy tháng bảy ở đất khách Nghi Câu”…). Nhà thơ trải lòng mình ra với đêm: “Lô yên dục tận ngũ canh tâm” (Khói lò muốn đốt lụi tấm lòng năm canh) (Dạ hàn ngẫu tác – Đêm lạnh ngẫu nhiên làm). Thời gian đêm được đếm bằng canh, và cùng với đó, tấm lòng của tác giả được giãi bày. Nhiều lần, Lê Quang Định giật mình trước thời gian, ông dùng từ “bất giác” để nói về điều này:
“Bất giác niên hoa dĩ hoán thì”
(Đồ trung từ thân húy nhật cảm hoài) (Bất giác đã quá tuổi xuân xanh)
(Giữa đường nhớ ngày giỗ mẹ cảm hoài) “Bất giác y quan sức lão thần”
(Khách trung nguyên nhật) (Bất giác mũ áo đã ra vẻ lão thần)
(Nguyên đán nơi đất khách) “Mấn mao bất giác chuyển như bồng”
(Mặc Châu giang dạ bạc) (Mái tóc bất giác rối như cỏ bồng)
(Đêm đậu thuyền sông Mặc Châu)
Hình ảnh mái tóc hiện lên trong thơ ông như một ám ảnh: bất giác rối như cỏ bồng. Ở một số bài thơ khác, mái tóc ấy là hiện thân của sự biến đổi bởi thời gian: “Mấn mao tranh phẩm tuế thời tân” (Tóc râu tranh thưởng thức phong vị năm mới) (Khách trung nguyên nhật – Nguyên đán nơi đất khách), “Sương mấn sầu thôi kính lý doanh” (Trong gương đã hiện mái tóc sầu giục điểm sương) (Khách ngộ húy nhật cảm tác – Đất khách gặp ngày giỗ cảm tác), “Kính lý ninh giao lưỡng mấn tinh” (Đành để cho trong gương hai mái tóc bạc) (Tín Dương hiểu hành – Tín Dương đi sớm), “Khủng động sương hoa lưỡng mấn mao” (E rằng làm động hai mái tóc pha sương) (Lữ trung trùng cửu – Ngày mồng chín tháng chín nơi đất khách). Cảm thức về thời gian đã khiến Lê Quang Định dễ dàng nhận thấy những thay đổi của chính mình, hay nói theo cách khác, chính những thay đổi của bản thân đã làm ông hiểu rằng thời gian đang xoay vần. Con người sống trong sự vận hành của thời gian, chịu sự tác động dữ dội của nó. Lê Quang Định nhận biết về điều ấy, nhưng ông không hoảng sợ. Ông chỉ buồn, một nỗi buồn bình thản, thanh đạm. “Đành để cho…”, “e rằng…” – các cách nói ấy vừa thể hiện nỗi buồn, vừa nói với chúng ta rằng nhà thơ đứng cao hơn nỗi buồn ấy, vượt lên trên nó và bình thản với nó.
Cảm thức về không gian trong thơ Lê Quang Định chủ yếu là cảm thức của lữ khách nơi xa xôi. Là người duy nhất trong Gia Định tam gia quê gốc Việt Nam, có lẽ bởi vậy mà khi xa đất nước ông luôn ý thức rằng mình là người lữ thứ tha phương. Không có gì khó hiểu khi ý niệm về khoảng cách, về không gian, về sự đơn độc, về “nỗi lòng đất khách” ở ông mạnh mẽ, da diết hơn. Giấc mộng cũng là giấc mộng của lữ khách: “Thông dạ yêm lưu thanh lữ mộng” (Suốt đêm kéo dài mộng thanh của lữ khách) (Vĩnh Thuần thành ký kiến – Ghi điều trông thấy ở thành Vĩnh Thuần). Những từ như “khách”, “mộng khách”, “lữ khách”, “đất khách”, “mộng giang hồ”, “đường xa”… xuất hiện nhiều trong thơ Lê Quang Định. Quan niệm “chí bình sinh không gì bằng ngang dọc bốn phương” (“Tang bồng tối thị bình sinh ý”), “vẫn hay rằng chí trai
ngang dọc bốn phương” (“Đãn tri hồ thỉ kỳ nam tử”), rằng “phong sương vốn là tiết của người bầy tôi” (“Phong sương tố thị nhân thần tiết”), nhưng nơi phương xa, Lê Quang Định vẫn chạnh lòng khi thấy thời gian phủ bạc trên mái đầu mình và bên ông, tiếng kèn chiều làm động lòng người lữ thứ:
“Mộ già hà xứ hướng châu nhai, Thanh lạc bồng song động lữ hoài.”
(Tầm Châu dạ bạc) (Kèn chiều nơi nào hướng bờ nước,
Tiếng lọt vào cửa bồng làm động nỗi lòng đất khách.) (Đêm đậu bến Tầm Châu)
Ngô Thì Vị bình bài này: “Người áo gấm ngồi xa, tuy ở nơi non tận cùng nước hẻo lánh vẫn rất có thể có cảm hứng làm thơ, người vận rủi thời trái, tuy cảnh đẹp tiết lành, cũng khó mở miệng cười”.
Nhiều lần Lê Quang Định mượn rượu và thơ để khuây khỏa “nỗi lòng đất khách”:
“Hồi đầu sạ tỉnh giang hồ mộng, Cô tửu tương tương nghĩ phẩm đề.”
(Quá Ngũ hiểm than) (Quay đầu lại chợt tỉnh mộng giang hồ, Mua rượu để gợi hứng nghĩ bài thơ.)
(Qua bãi Ngũ hiểm)
Trước cái lạnh nơi đất khách, ông tìm đến rượu nhưng nhiều khi “chống chọi cái lạnh bất lực hương rượu nhạt đi”(Dạ hàn ngẫu tác – Đêm lạnh ngẫu nhiên làm). Lại có lúc, viết nhật ký chuyến đi, “câu thơ tự thẹn coi là vật để hình dung ra mình”(Nam Hương đường ký kiến – Ghi điều trông thấy ở đầm Nam Hương). Tết nguyên đán lẽ ra là lúc được đoàn tụ với người thân, nhưng Lê Quang Định lại một mình ở chốn xa. Mộng hồ hải vẫn còn giục giã ông nơi đường trường. Trong bài Khách trung nguyên
nhật (Nguyên đán nơi đất khách), ông viết với ít nhiều xa xót: “Hồ hải vị tinh ky lữ mộng” (Hồ hải chưa tỉnh mộng khách đường xa). Ở bài Dạ hàn ngẫu tác (Đêm lạnh ngẫu nhiên làm), nỗi chống chếnh của người lữ khách hòa vào trong giấc mộng:
“Tình tuyết thiên lân lữ mộng thâm”
(Tuyết tạnh riêng thương mộng khách sâu đằm)
Có thể thấy ở thơ Lê Quang Định, những suy tư, chiêm nghiệm về thời gian và cảm thức của người lữ khách trước một không gian xa xôi được bộc lộ khá nhiều. Đó chính là mảnh đất cho con người cá nhân bày tỏ tâm tình khi nó ý thức về sự tồn tại của bản thân trước sự rộng dài và biến đổi của không-thời gian. Đặc điểm này góp phần tạo nên thành công của Lê Quang Định cùng Gia Định tam gia nói riêng và văn chương hậu kỳ trung đại nói chung trong việc “phá vỡ nhiều mảng quan trọng trong thi pháp trung đại” với sự xuất hiện của con người cá nhân – “một phạm trù mới mẻ, với sự phong phú nội tâm trước chưa từng có khi đứng trước không phải đạo lý cộng đồng mà mọi mặt hiện thực vui khổ, đắng cay, đúng như nó có trong cuộc sống trước mắt”31
.
2.3. NGÔ NHƠN TĨNH
Trong Gia Định tam gia, những sáng tác ẩn chứa nhiều tâm trạng, day dứt và có chất thơ nhất thuộc về Ngô Nhơn Tĩnh. Là người gốc Minh Hương, cùng với Trịnh Hoài Đức, có lẽ ông mang trong mình nhiều nỗi niềm trắc ẩn, nhưng khác Trịnh Hoài Đức ở chỗ ông có thiên hướng quay vào nội tâm, nơi mà ở đó những nghệ sĩ đích thực thường tìm đến để tự chiêm bái. Thơ Ngô Nhơn Tĩnh giàu xúc cảm, có chiều sâu của những rung động thẩm mỹ và cảm nhận tinh tế của tâm hồn. Trên phương diện nghệ thuật, thơ ông biết tìm đến lòng người bởi những hình ảnh vừa giản dị vừa thanh thoát, bởi lối diễn đạt vừa trong sáng vừa uyên bác, bởi những ẩn dụ vừa có bóng dáng của điển tích điển cố vừa giàu tính hiện thực của cuộc sống và tâm trạng…