Bộ sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí – một công trình có giá trị

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 58 - 63)

Chương 2 : Sáng tác văn học của Gia Định tam gia

2.2.1. Bộ sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí – một công trình có giá trị

lý, lịch sử, văn hóa của Việt Nam

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là bộ địa chí toàn quốc đầu tiên của triều Nguyễn được Lê Quang Định soạn theo chiếu chỉ của Gia Long. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi lại việc Lê Quang Định soạn bộ sách này: “Vua Thế Tổ lo cả đến địa dư và quốc sử, bởi vậy ngài sai quan Binh bộ Thượng thư là Lê Quang Định kê cứu

ở trong các trấn các doanh, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, xem sơn xuyên hiểm trở, đường xá xa gần, sông bể, cầu quán, chợ búa, phong tục, thổ sản, có những gì làm thành sách Nhất Thống dư địa chí, cả thảy được 10 quyển để dâng lên. Đến năm Bính dần (1806) bộ sách ấy làm xong”.

Đầu sách là bài Biểu dâng sách, ở bài này tác giả nói rõ lý do, phương pháp và thời gian biên soạn sách, trong đó có viết: “Thần là Lê Quang Định kính cẩn tâu về việc đã làm xong sách Nhất thống địa dư địa chí (…). Sau khi vâng mạng, hỏi han rộng khắp, thu lượm xa gần, xem xét kỹ càng về hình thể, hỏi già cả về kiến văn. Tóm tắt những điều cương yếu mong bỏ điều sai, giữ điều đúng, sửa sang cả lời văn mà bỏ chỗ thừa, lấy chỗ gọn. Trải hết ba thu, đóng thành 10 quyển…”. Bộ sách gồm hai phần chính là Dịch lộ (ghi rõ đường đi từ kinh đô Huế đến Lạng Sơn và từ Huế vào tới xứ Gia Định) và Thực lục (ghi rõ các đường đi ở trấn, lấy lị sở làm điểm xuất phát). Sách còn nói rõ chiều dài từng dặm, từng tầm dùng trong sách như thế nào; còn về phong tục thổ sản thì chỉ nói qua. Như trong bài biểu dâng sách của Lê Quang Định đã nói, nét nổi bật nhất của bộ sách này chính là việc ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ XIX.

Có ý nghĩa lớn đối với công cuộc xây dựng triều đại nhà Nguyễn sau một thời gian dài đất nước bị nạn cát cứ, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí đã thể hiện một đất nước Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, có một lịch sử hào hùng trong việc giữ nước và dựng nước. Bộ sách được đánh giá cao trước hết là bởi việc mô tả một cách rõ ràng, chính xác về đường đi, các dịch trạm, các địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, cửa biển, kèm theo những chú giải về mặt mạnh, mặt yếu, chỗ hiểm trở, chỗ thuận lợi của từng địa phương cụ thể. Chẳng hạn, khi chép về đường đi từ trạm Hòa Thạnh đến trạm Hòa Tân, đến núi Hòn Diễn có miếu bà Chúa Ngọc (Bà Thiên Y A Na) mới lập, tác giả còn dẫn giải thêm về việc lập miếu này: ngày xưa ở đây không có miếu, năm Định Tỵ (1797) vì đường này có nhiều cọp beo nên khách buôn bán không dám qua lại, quan trấn giữ thành Diên Khánh là Khâm sai Chưởng tiền quân Bình Tây đại tướng quân

Quận công (tức Nguyễn Văn Thành, tướng của Nguyễn Ánh) mật cầu Chúa Ngọc phu nhân hãy vì sinh nhân mà trừ nạn cọp beo rồi sẽ lập miếu thờ; “quả nhiên vài hôm sau liền bắt được thú dữ, khách qua lại đông đúc như trước, nên mới lập miếu thờ bà Chúa Ngọc tại đây, lệ cử một người làm từ, tục gọi là miếu Hòn Diễn”…

Như vậy, với cách viết cụ thể, rõ ràng, chính xác, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định là một tài liệu quý về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Bộ sách cho chúng ta một hình dung khá toàn diện về hình thể đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi vậy, công trình này được nhà Nguyễn đánh giá rất cao và đã trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí sau đó của Quốc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí

2.2.2. Giá trị của Hoa Nguyên thi thảo 2.2.2.1. Tình yêu quê hương, đất nước

So với thơ Trịnh Hoài Đức, thơ Lê Quang Định phóng khoáng hơn. Cùng là tình yêu đối với quê hương, đất nước, nhưng Trịnh Hoài Đức viết thiên về lối cổ điển, coi trọng chủ đề, cấu tứ và việc sử dụng các điển tích, điển cố; còn Lê Quang Định thể hiện nỗi lòng mình đối với quê, với nước phóng túng hơn. Ông không bày tỏ một cách trực diện (như nhiều lần Trịnh Hoài Đức đã làm), mà kín đáo, ý nhị. Đôi khi rất nhẹ nhàng, như thể tình yêu ấy đã chan hòa vào cảnh vật xung quanh:

“Thu lai quốc sự doanh thành hậu, Nguyệt diễm quy chu ngọc mãn tôn.”

(Toàn Châu khách trung Đoan ngọ) (Thu đến sau khi lo tròn việc nước,

Trăng đẹp thuyền về rượu đầy chén ngọc.)

(Tết Đoan ngọ ở đất khách Toàn Châu)

Chỉ thế thôi, người đọc đủ hiểu nỗi hân hoan của nhà thơ từ đâu mà có (đã “lo tròn việc nước”). Niềm vui tràn vào cả trăng, thuyền, chén rượu. Một bức tranh hài hòa cả cảnh cả tình, đúng như Nguyễn Du nhận xét: “Xen kẽ cái nọ cái kia, nhà thơ tầm

thường không thể nói, cũng không dám nói. Lời thơ ôn hòa hồn hậu”. Tự hào về văn hiến, công đức của nước Việt, Lê Quang Định không viết với giọng điệu ca tụng, mà chỉ nêu ra như một nguyên cớ cho một sự việc khác: “Cũng biết văn hiến là của báu của nước ta, Đi đến đâu cũng được người chào đón” (“Văn hiến dã tri ngô quốc bảo, Tương tòng hà xứ bất phùng nghinh”, Hựu – Bài II); hay: “Đá gương có thể soi sáng dấu tích ngàn năm, Việt Nam từ đấy nhận bồ đề” (“Kính thạch khả quang thiên cổ tích, Việt Nam tòng thử nhận bồ đề”, Đề Ngô Khê tự - Đề chùa Ngô Khê).

Giống Trịnh Hoài Đức và nhiều nhà thơ miền Nam thời đó, Lê Quang Định cũng ca ngợi các bậc công thần nhà Nguyễn. Võ Tánh và Ngô Tùng Chu là hai vị tướng được các ông nhắc đến nhiều nhất. Trong bài Võ hậu quân hỏa (Lửa của hậu quân Võ Tánh), Lê Quang Định đối lập “tro xương” (“phấn cốt”) với “lòng son” (“đan tâm”), “hưng” và “diệt”, để cuối cùng đối lập hai hình ảnh: “mưa lạnh chỉ uổng công, cung Nam vẫn nóng bừng” (“Khởi đồ hàn vũ nhiệt Nam cung”). Ngọn lửa mà Võ Tánh dùng để tự thiêu ở lầu Bát Giác đã đi vào trong thơ Lê Quang Định như một giá trị vĩnh cửu của lòng trung với nước. Trong bài Ngô Lễ bộ tửu (Rượu của Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Chu), nhà thơ một lần nữa nói về điều này: “Dãi tâm can trước ngọn lửa trung nơi tướng đàn” (“Tướng đàn trung hỏa đối tâm can”). Về việc uống thuốc độc tuẫn tiết ở thành Quy Nhơn của tướng Ngô, ông viết: “Uống nghĩa như ông, chết cũng vui” (“Ẩm nghĩa như quân tử diệc hoan”).

Cũng có lúc nhà thơ trăn trở về việc “một mảnh dư đồ đất nước còn mênh mang mờ mịt”. Trong bài Ngẫu tác (Ngẫu nhiên làm), ông ví chuyện nước mất còn, chuyện vương bá được thua với “cuộc cờ đang bận rộn”, ý muốn nói rằng tất cả đang bị xoay vần trong “tang thương biến đổi”. Từ đó, ông kết luận rằng “đừng ngại gian nan trên bước đường dài”. Ngô Thì Vị cho rằng bài thơ này có “cấu tứ tân kỳ”. Quả thực, thơ Lê Quang Định vừa có cái chặt chẽ, mạch lạc của cấu tứ vừa có cái phóng túng của hình ảnh thơ và cảm xúc. Một bài thơ khác nói về nỗi buồn của ông khi chưa về nước:

Minh niên vô sự mạnh khuynh bôi” (Ngô Châu trừ dạ) (Nước cũ chưa về thẹn mặc áo gấm, Năm mới vô sự tạm nghiêng chén)

(Đêm trừ tịch ở Ngô Châu)

“Không phải là ghét áo quần sang trọng, hổ thẹn vì chưa về được vậy, không phải vì yêu rượu ngon, mừng vì vô sự vậy” (Ngô Thì Vị). Nỗi thẹn của ông quả là nỗi thẹn của người quân tử. Nguyễn Du có lý khi bình: “Cơ vãng phục của trời, một lời nói ra được, phong thái ung dung, trầm bổng du dương, trong cái đạm có vị”.

Nói về nỗi nhớ nước như Lê Quang Định trong bài Quá Vũ Thắng quan (Qua cửa quan Vũ Thắng) thì quả thực rất mới mẻ, hiện đại:

“Thiều đệ quy trình tâm tự tiễn,

Dao khan cố quốc kỷ thiên nhai (nha).” (Chặng đường về xa xôi, lòng như tên bắn, Xa nhìn nước cũ cách mấy chân trời)

“Lòng như tên bắn” – chỉ khi trong lòng đầy ắp nỗi nhớ nhung, mong mỏi, tha thiết đợi chờ mới viết được như vậy. Hơn một lần, Lê Quang Định gửi nỗi lòng ấy vào mây trắng: “Hương tâm mỗi ký bạch vân đoan” (Lòng quê mỗi lần gửi làn mây trắng) (Đăng Hoàng Hạc lâu tác – Lên lầu Hoàng Hạc làm), “Vân tống hương tâm tài xuất tụ” (Mây đưa lòng quê mới ra khỏi núi) (Tín Dương hiểu hành – Tín Dương đi sớm). Chỉ những đám mây lang thang trên bầu trời kia có thể là người bạn để ông ký gửi tâm tình và nhắn nhủ nỗi nhớ tới quê nhà. Trong một đêm lạnh, Lê Quang Định bỗng thấy cái ấm của gió xuân và nỗi nhớ ấy lại trào dâng: “Xuân phong vị tống hương tình áo” (Gió xuân ấm để đưa tình quê đến) (Dạ hàn ngẫu tác – Đêm lạnh ngẫu nhiên làm). Ở bài Nghi Câu khách trung thất tịch (Đêm mồng bảy tháng bảy ở đất khách Nghi Câu), hình tượng thơ của ông khi diễn tả nỗi nhớ quê hương đất nước đã đạt tới trình độ siêu việt, vừa mang dáng dấp cổ điển lại vừa hiện đại, vừa có cái đạm vừa có cái vị:

“Khách tứ vô liêu mạn sái y.

Giai tiết khủng khiên ly biệt huống, Thả bằng si chẩm mộng trung quy.” (Tứ khách buồn tênh lệ rỏ thấm áo. Tiết lành sợ khêu gợi nỗi ly biệt,

Hãy mượn gối ngủ trong mộng trở về nhà)

Tình yêu quê hương đất nước luôn thúc giục nhà thơ trở về. Và ông, với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ lớn, đã mượn giấc mộng để được thỏa nỗi nhớ mong. Những câu thơ khiến người đọc vô cùng xúc động!

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 58 - 63)