Nỗi sầu của một người đa cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 81 - 83)

Chương 2 : Sáng tác văn học của Gia Định tam gia

2.3.3. Nỗi sầu của một người đa cảm

Giống Trịnh Hoài Đức, “cả hai đều đa tình, nhưng cái tình ở Trịnh Hoài Đức lộ ra mãnh liệt, rõ ràng hơn, kiểu Đỗ Mục còn cái tình ở Ngô Nhơn Tĩnh mang tính chất

kín đáo, u uẩn, kiểu Lý Thương Ẩn”33. Là người có tâm hồn nhạy cảm, hướng nội, thường xuyên Ngô Nhơn Tĩnh thấy sầu muộn trong lòng. Nỗi buồn trong thơ không thể lý giải hoàn toàn bằng chuyện đời, nhưng nó là điều rất thực. Ông tìm đến thiên nhiên để “quên lo”, để “khuây được buồn lo ở đời”, nhưng vẫn không che chắn nổi nỗi buồn. Cảnh mùa thu được vẽ như thể nhà thơ đang nhỏ lệ:

“Bạch vân hoàng diệp lưỡng du du, Bách cảm liệu nhân thảm đạm thu.”

(Áo Môn lữ ngụ Xuân Hòa đường thư hoài) (Mây trắng lá vàng cùng man mác,

Trăm mối cảm trêu ghẹo người mùa thu thảm đạm)

(Đất khách Áo Môn trọ ở Xuân Hòa đường viết tả nỗi lòng) Cảnh non sông gấm vóc nhiều khi là nguồn vui, nhưng cũng có khi lại khiến nhà thơ chạnh lòng: “Mãn mục sơn hà hữu sở tư” (Cảnh non sông trước mắt gợi lên điều suy nghĩ trong lòng) (Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hànhh do Quảng Đông thủy trình vãng Quảng Tây, họa Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận, IV – Tháng mười năm Nhâm Tuất sứ bộ do đường thủy Quảng Đông đến Quảng Tây, họa thơ Trịnh Cấn Trai làm theo vần thơ lạp ông ba mươi bài, IV). Trong bài Kỳ ngũ (Bài V), bóng dáng mùa xuân không những không làm đất trời khởi sắc mà còn khiến cho “hoa có dáng vẻ buồn”, tiếng cuốc kêu sầu thảm mãi không dứt. Và nữa, những giọt nước mắt như chảy thành sông:

“Đa thiểu tương tư lệ, Lưu thành thủy mãn cừ.” (Ít nhiều lệ tương tư,

Chảy thành nước đầy ngòi)

“Trên đường Hà Bắc ngủ đêm” (Hà Bắc đạo trung dạ túc), Ngô Nhơn Tĩnh bâng khuâng, man mác vì tiếng chuông buổi tối vang lên thưa thớt rồi “tan đi trong

cảnh tịch liêu”, vì tiếng chim hồng đang bay về phía nam. Bài Vô đề (Không đề) của ông mặc dù mang những hình ảnh đã trở nên khuôn sáo trong thơ văn cổ (mùa xuân, cánh bướm, hoa mai), nhưng cách nói của ông về nỗi buồn nhớ, chua xót thì quả là mới mẻ: “Nhất thốn tương tư nhất thốn tân” (Một tấc tương tư một tấc đắng cay). Một loạt từ ngữ, hình ảnh được nhà thơ sử dụng trong bài Kỳ nhị (Bài II) để nói về nỗi buồn hoặc ám chỉ nỗi buồn: “sầu xuân”, “thương”, “thẹn ngủ”, “một mình”, “gió xuân xa”, “bóng nguyệt chênh chếch”… Thậm chí ngay cả từ “vui vui” (hưu hưu) cũng không phải để diễn tả niềm vui:

“Hưu hưu giang thượng cổ tỳ bà” (Vui vui trên sông đánh đàn tỳ bà)

Hứng đánh đàn chẳng qua chỉ để giải tỏa nỗi buồn. “Vui vui” ở đây được hiểu như cái hứng đó, chứ không phải niềm vui. Hơn nữa, “hưu hưu” (vui vui) khác với “hưu” (vui). Thay vì tả niềm vui, nó lại khiến cho người đọc liên tưởng đến một nỗi man mác, bâng khuâng của nhà thơ. Ở bài Kỳ tứ (Bài IV), nỗi buồn cũng lộ ra trong từng câu chữ, hình ảnh: “trời cao cung điện lạnh lẽo Thường Nga”, “cánh ve sầu thu mỏng”, “nỗi sầu kêu xa”, “ngọn nến đốt lòng lệ tưới nhiều”… Còn ở bài Hí thuật (Đùa thuật lại), đó là hình ảnh của “đêm mênh mang”, của non Vu với nỗi buồn “đứt ruột”…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 81 - 83)